Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Bài toán mô phỏng tập viết chữ Việt. 1: những bước đi đầu tiên
08/04/2014

Bùi Việt Hà, Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường

Công ty School@net đã trải qua 8 năm phát triển bộ phần mềm hỗ trợ tập viết chữ Việt cho HS và GV Tiểu học. Thời gian đủ dài để chúng ta có thể nhìn lại toàn bộ các bài toán và vấn đề liên quan đến việc mô phỏng, tin học hóa việc học và dạy kiến thức này trong trường Tiểu học.


Nhớ rằng bài toán mô phỏng tập viết chữ Việt chỉ là 1 trong các nhiệm vụ của một bài toán lớn hơn là mô phỏng toàn bộ chương trình học và dạy môn Tiếng Việt Tiểu học.

Công ty School@net bắt đầu làm quen với bài toán này từ năm 2007 khi bắt đầu làm dự án phần mềm Học vần tiếng Việt là một trong những phần mềm đầu tiên của Việt Nam

Trong phần mềm Học vần tiếng Việt, lần đầu tiên đã có 1 bài học mô phỏng cách viết các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt bằng các nét bút. Đây là những mô phỏng tập viết chữ Việt đầu tiên của công ty School@net, tuy nhiên vào thời kỳ đó chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa và các khó khăn của bài toàn này ở phía trước.

Giao diện chức năng học tập viết bảng chữ cái trong phần mềm Học vần Tiếng Việt.


Sau phần mềm Học vần Tiếng Việt, Công ty School@net bắt đầu nghiên cứu và mô phỏng kiến thức môn Tiếng Việt theo sách giáo khoa Tiếng Việt các lớp 1, 2, 3, 4, 5. Đến lúc này chúng tôi bắt đầu thấy những khó khăn thực sự của bài toán mô phỏng viết chữ tiếng Việt này.

Trước khi mô tả tiếp các bài toán và vấn đề mà công ty School@net gặp phải chúng ta hãy cùng nhìn lại tổng thể phần kiến thức học tập viết trong chương trình Tiếng Việt cấp Tiểu học. Nhớ lại rằng chương trình này mới được áp dụng từ năm 2000. Còn trước đó ngành GD của chúng ta đã áp dụng một cách viết chữ Việt khác, đơn giản hơn

Nguyên tắc của việc viết chữ tiếng Việt như sau, nguyên tắc này có lẽ áp dụng cho hầu hết mọi ngôn ngữ chứ không chỉ tiếng Việt:

1. Viết đúng từng chữ cái và chữ số.

2. Khi viết 1 từ (từ đơn), viết từ trái qua phải, cố gắng viết liền nét bút nhiều nhất, sử dụng ít lần nhấc bút hoặc lia bút nhất có thể.

3. Viết hoàn thiện cả một từ trước, điền dấu sau.

Ví dụ 1.

Khi viết chữ thắng (như hình dưới đây), học sinh sẽ được học cách viết đúng như sau:

- Viết 1 mạch chữ thang (chữ t không có gạch ngang) từ phải sang trái, bút chỉ phải nhấc lên 2 lần khi viết chữ a và chữ g.

- Sau khi viết xong, đưa bút quay lại kẻ gạch ngang chữ t, sau đó viết dấu ă phía trên chữ a, cuối cùng viết dấu sắc.

Chú ý các nét chữ nối liền từ chữ t --> h --> a --> n ---> g

Ví dụ 2.

Chữ lợi được viết ở trên như sau:

- Viết 1 mạch chữ loi từ trái sang phải, bút chỉ phải nhấc 1 lần khi viết chữ o. Chú ý chữ o được viết với 1 dấu móc để có thể viết liên tục sang chữ i mà không cần nhấc bút.

- Sau khi viết xong chữ loi, nhấc bút viết dấu móc ơ và chấm dấu nặng phía dưới.

Như vậy như chúng ta vừa thấy, học sinh cần học cẩn thận cách viết chữ và từ tiếng Việt như mô tả ở trên. Việc học và luyện viết chữ này thường đi liền với cách học vần, đánh vần các từ tiếng Việt. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm 1 chút về vần tiếng Việt.

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, các từ đơn hay 1 tiếng đơn âm trong tiếng Việt bao giờ cũng được tạo thành bởi 2 yếu tố: âm đầu và vần, có thể có thêm dấu.

Từ đơn (tiếng) = âm đầu + vần (+ dấu).

Ví dụ:

thắng = th + ăng + dấu sắc

lợi = l + ơi + dấu nặng

Do vậy việc học, luyện viết chữ Việt cũng gần tương tự như việc học đánh vần tiếng Việt được chia thành các bước học như sau:

1. Học tập viết bảng chữ cái và chữ số.

2. Học tập viết các âm đầu (prefix).

3. Học tập viết các vần (syllable).

4. Học tập viết các từ đơn hoàn chỉnh bằng cách ghép âm đầu + vần + dấu.

5. Học tập viết các từ kép và câu hoàn chỉnh.

Trong chương trình làm quen với chữ và tập viết chữ Việt, HS sẽ được học chính thức tập viết chữ trong các lớp 1, 2, 3. Các lớp 4, 5 thì chỉ ôn tập, ôn luyện.

Chúng ta sẽ cùng xem lại khối lượng kiến thức mà các cháu HS cần học để luyện tập viết chữ tiếng Việt như thế nào nhé.

1. Theo qui định, học sinh cần học và tập viết bảng chữ cái tiếng Việt bao gồm 33 chữ viết thường, 33 chữ viết hoa và 10 chữ số. Ngoài ra còn có thêm 5 chữ hoa viết kiểu 2 là: A, M, N, Q, V và 5 chữ số viết kiểu 2 là 2, 3, 4, 5, 7.

Toàn bộ các chữ và số tiếng Việt cần tập viết như trong bảng sau:


2. Hệ thống vần, âm vần tiếng Việt khá phong phú. Trong chương trình SGK tiếng Việt lớp 1, các cháu được học khoảng 140 âm vần chính, hay dùng trong tiếng Việt. Các âm vần ít dùng hoặc khó đọc thì được học dần từ các lớp trên.

Chúng tôi đã liệt kê được khoảng 160 âm vần thường dùng nhất trong tiếng Việt.

Bảng sau ghi lại tất cả 160 âm vần tiếng Việt chính.

Bảng 160 vần chính của tiếng Việt.


3. Âm đầu hay Prefix là 1 bảng bao gồm 28 chữ và cụm phụ âm như trong bảng sau.

Học sinh cũng cần học cách viết đầy đủ của toàn bộ 28 âm đầu này.

Bảng 28 âm đầu được sử dụng trong tiếng Việt.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=HoctiengViet&file=article&sid=7564

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn