Hotline: 024.62511017

024.62511081

  Trang chủ   Sản phẩm   Phần mềm Dành cho nhà trường   Phần mềm Hỗ trợ học tập   Kho phần mềm   Liên hệ   Đăng nhập | Đăng ký

Tìm kiếm

School@net
 
Xem bài viết theo các chủ đề hiện có
  • Hoạt động của công ty (727 bài viết)
  • Hỗ trợ khách hàng (494 bài viết)
  • Thông tin tuyển dụng (57 bài viết)
  • Thông tin khuyến mại (81 bài viết)
  • Sản phẩm mới (218 bài viết)
  • Dành cho Giáo viên (552 bài viết)
  • Lập trình Scratch (3 bài viết)
  • Mô hình & Giải pháp (155 bài viết)
  • IQB và mô hình Ngân hàng đề kiểm tra (126 bài viết)
  • TKB và bài toán xếp Thời khóa biểu (242 bài viết)
  • Học tiếng Việt (182 bài viết)
  • Download - Archive- Update (289 bài viết)
  • Các Website hữu ích (71 bài viết)
  • Cùng Học (98 bài viết)
  • Learning Math: Tin học hỗ trợ học Toán trong nhà trường (74 bài viết)
  • School@net 15 năm (153 bài viết)
  • Mỗi ngày một phần mềm (7 bài viết)
  • Dành cho cha mẹ học sinh (123 bài viết)
  • Khám phá phần mềm (122 bài viết)
  • GeoMath: Giải pháp hỗ trợ học dạy môn Toán trong trường phổ thông (36 bài viết)
  • Phần mềm cho em (13 bài viết)
  • ĐỐ VUI - THƯ GIÃN (360 bài viết)
  • Các vấn đề giáo dục (1209 bài viết)
  • Bài học trực tuyến (1033 bài viết)
  • Hoàng Sa - Trường Sa (17 bài viết)
  • Vui học đường (276 bài viết)
  • Tin học và Toán học (220 bài viết)
  • Truyện cổ tích - Truyện thiếu nhi (181 bài viết)
  • Việt Nam - 4000 năm lịch sử (97 bài viết)
  • Xem toàn bộ bài viết (8222 bài viết)
  •  
    Đăng nhập/Đăng ký
    Bí danh
    Mật khẩu
    Mã kiểm traMã kiểm tra
    Lặp lại mã kiểm tra
    Ghi nhớ
     
    Quên mật khẩu | Đăng ký mới
    
     
    Giỏ hàng

    Xem giỏ hàng


    Giỏ hàng chưa có sản phẩm

     
    Bản đồ lưu lượng truy cập website
    Locations of visitors to this page
     
    Thành viên có mặt
    Khách: 5
    Thành viên: 0
    Tổng cộng: 5
     
    Số người truy cập
    Hiện đã có 93337736 lượt người đến thăm trang Web của chúng tôi.

    Chương I. Tự do là căn cước làm người. Tự do là nền móng của nền móng

    Ngày gửi bài: 07/09/2010
    Số lượt đọc: 2458

    Hiển nhiên, không có tự do con người sẽ không được xem như là con người. Điều hiển nhiên này nhân loại biết được cách rất muộn mằn. Ở châu Âu, cho dù từ “Tự do” được đề cập đến như là quyền sở trường, dân chủ, cộng hoà từ thời cổ đại với các triết gia Socrate, Platon, và Aristote, mặc dù vậy trải đằng đẵng qua hơn hai nghìn năm, băng qua thời nô lệ dã man, thời phong kiến áp chế mông muội, cho đến tận cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 nhân loại lần đầu tiên mới được thấy ánh sáng lý thuyết manh nha thời cổ đại phát thành ánh sáng hiện thực, rọi soi giữa lòng xã hội. Tự do là một trình độ nhận thức đã phát triển ở giai đoạn rất cao, đó cũng là trình độ làm người ở nấc thang chót vót, nó nhấc con người lột xác khỏi tầm bản năng động vật để trở thành tên gọi “Con người”- có bóng dáng cao thượng của thần thánh.

    Tự do, ở trình độ chín muồi muộn mằn đến mức, Trung Quốc là một nước có lịch sử văn hoá lâu đời đến vậy, lại là nơi đầu tiên phát minh ra thuốc súng, tên lửa và giấy... vậy mà lãnh tụ Tôn Trung Sơn trong cuốn “Chủ nghĩa Tam dân” cũng đã thừa nhận: “Sở dĩ người Trung Quốc hoàn toàn không tâm đắc với từ Tự do vì từ này truyền đến Trung Quốc chưa lâu. Hiện nay những người hiểu Tự do, thường là những thanh niên mới, và lưu học sinh, hoặc là những người quan tâm đến thời cuộc chính trị Âu- Mỹ, họ luôn luôn nghe thấy hoặc nhìn thấy từ ngữ ngày trên sách báo, nhưng Tự do là gì thì nói chung họ vẫn lạ lẫm. Do đó, người nước ngoài phê bình người Trung Quốc là trình độ văn minh của người Trung Quốc thấp, tư duy rất ấu trĩ, ngay đến từ Tự do, tri thức về Tự do cũng không có” (1).


    Tại sao một quốc gia lớn, lâu đời như Trung Quốc có những công trình vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành, cung điện Thiên An Môn, và nhiều phát minh đi tiên phong nhân loại lại bị coi là tư duy ấu trĩ? Như chính lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã đề cập, bởi vì dân tộc đó thiếu: tư duy về tự do. Tư duy về tự do là tư duy Nhân văn- tư duy làm Người- đúng hơn là tư duy về cái hạt nhân làm người. Để lý giải về tình trạng của Trung Quốc, triết gia hàng đầu nước Anh về lĩnh vực chính trị John Stuart Mill trong cuốn luận văn On Liberty nổi tiếng khắp thế giới đã viết: "Trung Quốc dù đã phát triển sớm nhưng tư sản tự tiêu nền văn minh đứng lại vì không phát huy vai trò của các cá nhân (diễn ý trang 7, 8 cuốn OnLiberty) (2).


    Không chỉ với Trung Quốc, Mill còn đưa ra một cái nhìn bao trùm đánh giá sự phát triển ở phương Đông là rất trì trệ và lạc hậu. Ông viết: “Phần lớn thế giới, nói cách thích đáng, không có lịch sử, bởi chỉ có sự độc tài của phong tục lên ngôi hoàn toàn. Đó là trường hợp của phương Đông, phong tục ở đây trong mọi vấn đề, cứu cánh, công lý, và quyền chỉ có nghĩa thích hợp với phong tục, không ai tranh luận về phong tục cả” (The greater part of the world has, properly speaking, no history, because the depotism of custom is complete. This is the case over the hole East. Custom is there, in all things, the final apeal, justice and right mean comformity to custom, the argument of custom no one...(3).



    Theo Mill, khi con người tuân thủ phong tục cách tuyệt đối thì cũng là cách trở thành nô lệ cho phong tục, khi đó làm gì có tư duy sáng tạo nảy sinh để tạo ra bước đi cho lịch sử, bởi lẽ khi đó con người sống theo thói quen, sống theo thân phận bản năng mà tạo hoá đã áp đặt cho mình, xã hội lúc đó khác gì bầy đàn của động vật.

    Trung Quốc đã vậy! Việt Nam ta ra sao? Dù rằng ngay thế kỷ XI, danh tướng Lý Thường Kiệt khi chống nhau với quân nhà Tống đã xác định khát vọng độc lập đường biên lãnh thổ của dân tộc:


    Nam quốc sơn hà Nam đế cư

    Tiệt nhiên định phận lại thiên thư

    Như nhà nghịch lỗ lai xâm phạm

    Nhũ đẳng hành kham thủ bại hư



    Dịch nghĩa:


    Núi sông nước Nam thì vua Nam ở

    Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của trời

    Làm sao bọn giặc lại lấn cướp đất của ta?

    Chúng mày rồi xem sẽ bị thua bại hết (4)



    Và có cả dũng tướng Trần Bình Trọng đã khẳng khái thét vào mặt kẻ thù phương Bắc: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc,” thì mới chỉ xác định tính cát cứ- độc lập lãnh thổ của dân tộc, mà chưa thể vươn đến tầm khát vọng của tinh thần muốn có tự do. Theo cách định nghĩa của các triết gia nói chung, thì trình độ tự do của mọi xã hội đều có hai nấc:


    - Với quốc gia - là Độc lập

    - Với cá nhân - là Tự do.


    Sách “Những vấn đề lớn của triết học” viết: “Người tự do theo người Hy Lạp là công dân của một thành bang độc lập” (L’homme libre pour un Grec est le citoyen d’une cité indépendante) (5). Theo sự phân cấp đó, thì hầu hết các cuộc đấu tranh ở phương Đông là thứ tranh giành đất đai, lãnh thổ, hay đòi độc lập cho một sắc tộc nào đó, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chính thế, mà lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã bàn về các cuộc đấu tranh ở Trung Quốc mới ở mức quốc tộc mà chưa đến mức Tự do.


    Tự do thiết yếu với con người đến thế nào? Chúng ta đã biết, một dân tộc không có độc lập là một dân tộc không có đất sống- điều đó đồng nghĩa với cái gọi “sống như là chết,” hoặc phải làm nô lệ ngay trên mảnh đất của mình. Cao hơn thế, một cá nhân không có tự do sẽ ra sao? Anh ta sẽ là gì nhiều hơn một tên gọi “kẻ nô lệ!” Hoặc là kẻ sống trong các thói quen áp đặt của bản năng như một muông thú đi hai chân- không hề biết đến bất cứ một lựa chọn nào của một con người! Tự do thiết yếu như vậy nên đã từ hàng thế kỷ nay, đâu đâu chúng ta cũng nghe thấy con người ở khắp thế giới, từ thành thị đến chốn sơn cùng thủy tận nhất kêu lên:

    SỐNG TỰ DO HAY LÀ CHẾT

    “Vivre libre ou mourir” (6).


    Tự do hay là chết! Không phải là một lối nói khẳng khái cho oai, mà đó chính là tiếng nói của thực tại lịch sử, của các bộ não phân tích vĩ đại nhất của loài người, và của khát vọng làm người được thể nghiệm trong mỗi song sắt và mỗi tế bào da thịt. Triết gia Fichte nói: “Lịch sử chỉ là lịch sử của tự do, của cuộc đấu tranh của con người vì sự giải phóng, lịch sử của những cuộc thăng trầm của tự do” (L’histoire n’est que l’histoire de la liberté, de la lutte de l’homme pour la libération, l’histoire des vicissitude de la liberté ) (7).



    Tại sao lịch sử của con người chỉ là lịch sử của tự do? Vì không có tự do con người chỉ là nô lệ sống như cầm thú, sách “Những vấn đề lớn của triết học” viết: “Lịch sử nhân loại biết đến một cuộc cách mạng của nô lệ” (l’histoire humaine connait une révolution des esclaves) (8). Điểm qua về lịch sử chúng ta thấy, trước cuộc giải phóng nô lệ, người nô lệ bị đem ra chợ bán như súc vật, bị các ông chủ cầm ba tong vạch răng vạch lợi để xem chất lượng sức khoẻ, rồi đến cuộc giải phóng phụ nữ, so với đàn ông, phụ nữ là phái yếu, nhưng dẫu vậy chị em cũng không cam chịu làm công dân hạng hai, chưa nói đến quyền bầu cử, mà đến cái quyền ra sân vận động tranh tài- tranh sức cũng không được phép, và phải nhìn vào các cánh cửa công sở cũng như là các cánh cửa hy vọng chỉ giành cho giới mày râu, và đầu thế kỷ XX chị em đã đứng lên, cột mình vào hàng rào Nghị viện Anh quốc để đấu tranh. Nô lệ là tủi nhục không chỉ giành cho người da đen hay phụ nữ chân yếu tay mềm, ngay nước Anh hùng cường kia, khi bị người Norman chinh phạt cũng chỉ là thứ thấp kém đáng miệt thị cùng người Do Thái “con chó Do Thái, con lợn Xắc- xông,” mặc cảm bị khinh bỉ này đã được văn hào Walter Scoot lột tả rất kỹ trong cuốn tiểu thuyết “I vanhoe” (1819), rồi đến lượt chính dân Mỹ trở thành nạn nhân bị miệt thị rẻ rúm- đè nén của người Anh, khi bị xem như thứ công dân bán khai “châu lục quê mùa,” không chịu nổi sự o ép của “Mẫu quốc,” nước Mỹ kháng chiến để giành độc lập vào năm 1776, còn Trung Quốc ngay đầu thế kỷ XX khi Liên quân tám nước kéo vào, tại vườn hoa Bắc Kinh còn có các biển ghi “cấm chó và người Trung Quốc,” thật đau đớn khi phải làm nô lệ thì thân phận con người dù ở quốc gia văn hiến lâu đời cũng chỉ được xếp ngang hàng trâu - chó! Ở Việt Nam khi rơi xuống gót giầy xâm lăng của Phát xít Nhật vào năm 1945, bắt nhổ lúa để trồng đay, đã rơi vào nạn đói cùng cực khiến hai triệu người chết đói, thật là bi thảm! Còn ở Cam-pu-chia vào những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi dân tộc bị rơi vào tay các “đồng chí” khát máu của mình Pôn-pốt Iêng- xa- ri, thì gần một nửa dân số 3 triệu/ 7 triệu người phải chết dưới cuốc, xẻng, vồ của Khơ- me đỏ... Không thể nào nói khác đi, nếu lật cuốn sách lịch sử của nhân loại, không có trang nào, thậm chí dòng nào, không có máu của các cuộc đấu tranh đòi tự do-cũng là đòi sống ở mức độ con người.


    Sự nô lệ khổ ải không chỉ giành cho phụ nữ, người da màu, hay dân thuộc địa, mà ngay tại trung tâm của bất cứ xã hội nào, khi con người bị mất bình quyền, xuất hiện tầng lớp ăn trên ngồi chốc đè nén những kẻ thấp cổ bé họng bò dưới đất, thì đều đẩy dân tộc vào nạn tranh chiến can qua, cướp bóc, giết chóc, cầm tù, trả thù lẫn nhau. Chúng ta đang bước đến ngưỡng cửa Tự do rất quan trọng của nhân loại, đó là cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Cuộc cách mạng nổ ra khi nông dân, thợ thuyền vùng lên chống lại ách áp bức của đám vua chúa và quý tộc, những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, vơ vét công lao, vật phẩm của những người phải nai lưng làm việc trên các cánh đồng và công xưởng. Những người bị bần cùng hoá đến độ như văn hào Victor Hugo diễn tả trong tác phẩm “Những người khốn khổ”, cậu bé Ga-vơ-rốt kia không chỗ nương thân phải chui vào bụng một bức tượng voi ngủ chung cùng lũ chuột cống to hơn cả mèo, và cậu đã hân hoan lao vào giữa các làn đạn, nhặt đạn chưa bắn trong túi của các binh sĩ tử trận, với hy vọng sẽ đổi đời cùng cách mạng. Cao điểm của cuộc cách mạng Pháp đó là ngày 14 tháng 7 năm 1789, quần chúng lao vào phá ngục Bastille, nơi giam giữ biết bao người cùng khổ. Trước sự hiện long trời lở đất đó, vua Louis XVI đã kêu lên: "Tại sao, ngườ ta phản loạn!" (Why, this is a revolt!) thì đã được nghe quần chúng trả lời đanh thép "Thưa ngài không! Đó là một cuộc cách mạng!" ("No, sir" was the reply, "it is a revolutio") (9). Đó là cuộc cách mạng chứ không phải phản loạn,vì đó không phải việc của thế lực này đánh trả thế lực kia, mà là toàn bộ nguyên lý khao khát tự do của con người lên tiếng. Cách mạng Pháp thật là cuộc hạ sinh vĩ đại, hạ sinh khát vọng tự do, với khẩu hiệu sẽ trở thành hạt giống cho cánh đồng tự do của cá nhân loại sau này. Đó là:

    TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI

    Libertes, égalité, fraternité

    Liberty, équality, fraternity (10)




    Tại sao xã hội phải bình đẳng? Bởi hiển nhiên xã hội không thể là chốn sơn lâm nơi các con thú lớn mặc sức săn lùng các con bé làm thức ăn cho mình, xã hội cũng không thể là chốn ao hồ ở đó cá lớn nuốt cá bé, xã hội cũng càng không thể là sự tập hợp của đám lục lâm thảo khấu kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. "Bình đẳng” chính là một phương ngôn được Cách mạng Pháp làm sống lại nguyên lý từ thời Socrate. Trong cuốn sách “Cộng hoà” (Répuplique) do triết gia Platon chép lại, triết gia Socrate bàn rằng, trong xã hội nếu không theo đuổi mục đích Cộng hoà, tức là cùng lãnh đạo và chung sống, ở đó hiệp hội bán muốn bán đắt, hiệp hội mua muốn mua rẻ, hiệp hội ông chủ muốn trả tiền công thấp, hiệp hội lao công muốn đòi trả công cao... tất dẫn đến xung đột về quyền lợi, khi đó nếu giới chủ cậy quyền, cậy tiền áp chế kẻ yếu, kẻ yếu sẽ ngầm chống đối lại cho đến khi nào có thể ngang nhiên lật đổ vị thế của kẻ mạnh để chiếm lấy ưu thế cho mình, bởi vậy, ở đâu có bất bình đẳng ở đó nuôi dưỡng các mầm chống đối, phản kháng không bao giờ dứt, xã hội sẽ rơi vào cạnh tranh đánh đấm liên miên, mất bình an và càng không thể nào thịnh vượng. ở đó sự bất công về mồ hôi luôn có nguy cơ phải trả giá bằng máu. Một chiếc thuyền không cân bằng sẽ lật, một phi cơ lệch cánh sẽ không thể bay lên, một xã hội mất bình quyền sẽ bất ổn và hỗn loạn. Thêm một lần trọng đại, cách mạng Pháp đã tái hiện sự bất bình đẳng kết cục sẽ bắt con thuyền xã hội mất cân bằng phải tiến hành cách mạng: “Sự bất bình đẳng có mặt ở khắp nơi đã ngăn cản mọi nguồn tiến bộ” (Inequalities were met everywhere and stopped all progress) (11).

    Không thể hình thành một vườn hoa, chỉ có vài bông ông chủ, còn lại các loài hoa khác phải chết để làm phân bón cho mình. Một quốc gia cũng vậy nó không thể hùng cường khi diện mạo của nó chỉ trông cậy vào mấy sự giầu sang ngang tàng của vài ông lớn, còn lại đa số người khác chỉ là rơm rác. Chính vậy mà trong Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đọc ngày 4, tháng 7, năm 1776, có viết: “Chúng ta công bố sự thật hiển nhiên rằng, tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, điều đó được Đấng tạo hoá phú cho tất cả mọi người với những Quyền bất khả nhượng, trong đó có những quyền Sống, Tự do và theo đuổi Hạnh phúc.” (“We hold theses truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Hapiness” (12)


    Tự do thiết yếu với con người cách chí tử, vì có tự do con người làm ông chủ, không tự do con người bị rơi xuống hàng nô lệ. Là nô lệ, thì mọi thứ từ ăn uống, đến nghỉ ngơi, tiêu xài đến vui chơi, hoặc thực thi bất kỳ một nghĩa cử nào đều không phải của mình. Người lái xe dù đi xe đắt tiền cùng ông chủ nhưng không thể được tính là người được sử dụng xe, vì anh ta không được sử dụng xe theo ý thích của mình, chị đầy tớ ở trong một lâu đài không thể được tính là người có lâu đài vì chị ta là kẻ sống thụ động không thể ngồi đâu, đứng đâu theo ý mình, và một người ở làm theo lệnh của ông chủ bưng cơm mời ai đang lỡ độ đường, hành vi thiện hảo đó được tính cho chủ anh ta- người có ý định tốt cũng như tài sản, chứ không phải cho anh ta- kẻ thừa hành, thậm chí những việc ác người ở buộc phải làm theo ý chủ, thì tội ác đó cũng không hoàn toàn là của người ở, mà ông chủ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, với tội danh kẻ chủ mưu, cho dù tay không trực tiếp nhúng chàm. Sách “Những vấn đề lớn của triết học viết: “Ông chủ là tự do” (le maitre est libre) (13). Tự do không chỉ thiết yếu tấn phong con người lên hàng ông chủ, mà không có tự do con người không thể hợp thành xã hội loài người, bởi lẽ không có tự do con người không thể trở thành “động vật có đạo đức.” Xã hội loài người khác biệt loài vật ở chỗ con người có đạo đức. Bởi lẽ, loài vật sống theo lối kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé, trong khi đó con người là loài người ở chỗ kẻ trên biết nhường kẻ dưới, người mạnh biết giúp người yếu, và nếu có kẻ định dùng thế mạnh của mình để ức hiếp, tấn công người khác sẽ bị pháp luật can thiệp. Xã hội loài người hình thành bởi con người hợp quần lại sống theo những gì “hợp hiến”, và sự hợp hiến đó mở màn, đặc biệt với người Hy Lạp, là mọi người phải sống theo công lý, ai có công thì đều được thưởng, ai có tội thì đều phải phạt, thậm chí lề luật nguyên sơ đầu tiên của loài người là “mắt đền mắt”, “răng đền răng,” nếu anh khoét mắt tôi toà án của cộng đồng sẽ phạt khoét mắt anh, nếu anh đánh gãy răng tôi sẽ bị đền bằng cách bẻ răng, nếu anh làm gãy tay tôi anh sẽ bị bẻ tay, nếu anh chặt chân tôi anh cũng không thoát khỏi bị chặt chân, và nếu anh gây tội ác giết người thì anh sẽ bị khép tội tử hình- lấy cái chết của mình đền cho cái chết của người khác. Không có đạo đức không thành xã hội loài người. Và không có tự do, như trên chúng ta đã bàn con người không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, như vậy không thể có đạo đức. Bởi vậy triết gia Kant bàn: “Chủ thể đạo đức theo Kant là tự do chỉ vì anh ta tuân theo luật đạo đức” (Le sujet moral selon Kant est libre dès qu’il obéit à la loi morale) (14). Tự do như vậy là chìa khoá để mở vào địa vị ông chủ của con người, cũng như vào đạo đức của con người. Chỉ có con người mới có tự do, vì con người dùng tự do để lựa chọn đời sống đạo đức giữa cộng đồng của mình, trái lại động vật không có tự do vì chúng sống theo tất cả những quy luật tất định của thiên nhiên an bài cho chúng. Ngay từ thời cổ đại, trước công nguyên hơn 300 năm hai triết gia Platon và Aristote đã lý giải về cách tự do của con người thoát xác khỏi động vật: "Tự do thực sự của nhân loại là trí năng và suy tưởng về điều thiện, là tư duy của tư duy, là một hữu thể giải thoát thật sự khỏi bản tính động vật” (la véritable liberté humaine et pour eux la vue de l’intelligible uo la contemplation du Bien, la pensée de la pensée en ou être libéré définitivement de sa nature animable) (15). Triết gia Platon và triết gia Aristote còn lý giải: “Con người tự do rút cục là con người nâng cao tư duy của mình lên cực điểm để dẫn dắt chính mình, tìm kiếm trong lý trí mình, trong khoa học mình, lề luật của lòng thành và cái thiện thích đáng” (L’homme libre est finalement dans ses pensées les plus elevées celui qui doit se maitriser lui- même, trouver en sa raison dans sa science, la loi du comportement honête et bon) (16). Sau hơn hai mươi thế kỷ triết gia Emmanuel Kant trước khi xác định chỉ có con người đạt đến tự do khi chỉ có con người mới có lý trí và biết sống theo lề luật của lý trí. Ông xác định: “Trí năng là khả năng của những định luật (l’entendement est le pouvoir des règles), “Lý trí là khẳ năng của những nguyên tắc” (pouvoir des principes) (17). Sau khi đã xác định trí năng cũng như những nguyên tắc của nó, Kant bàn đến tự do của con người- một động vật duy nhất có trí năng: “Tất cả các sự vật trong thiên nhiên đều hành động theo những định luật. Chỉ mình hữu thể có lý trí là có khả năng hành động theo những biểu tượng nó có về những định luật, nghĩa là hành động theo những nguyên tắc, cho nên chỉ mình hữu thể này có tự do" (fondements, tr 40) (18). Nếu không có tự do để xác lập lề luật sống của riêng mình, mà chỉ biết sống theo những gì của tạo hoá sắp đặt, con người khác gì động vật ở giữa muôn loài động vật. Sách “Những vấn đề lớn của triết học” viết: "Con người là tự do vì nó là người. Không có tự do của ý thức đối nghịch với đồ vật, nhân loại chỉ là động vật, là đồ vật giữa muôn đồ vật, chẳng có gì đáng nói cả.” L’homme est libre parce qu’il est homme. Sans la liberté de la conscience, qui est le contraire de la chose, l’humanité ne serait qu’une espèse animable, chose parmi les choses et nous ne serions pas là pour en parler) (19).


    Vì tự do vừa là nền móng khởi đầu đưa con người thoát khỏi kiếp động vật vừa là cứu cánh tối thượng con người muốn đạt tới nên Kant cho rằng: “tự do là chìa khoá mở cửa. Tự do là nhắm tới mục đích tuyệt đối” (la liberté est la “clef de vouter”, la liberté- comme orienté vers la fin absolue) (20). Hình ảnh tự do là chìa khoá, thật là đích đáng, bởi vì không có tự do con người khác chi con chim bị nhốt trong lồng, con thú bị nhốt trong chuồng, và tự do bắt đầu là chìa khoá mở cưả cho người ta bước khỏi nơi giam cầm đó, nó giống như chìa khoá của viên cai ngục tra vào ổ khoá của nhà tù, được trả tự do. Khi con chim bị giam trong lồng, cổ họng nó nghẹt thở trong sự sợ hãi thì làm sao có thể cất tiếng hót! Khi con thú bị giam cầm trong chuồng làm sao có thể được tung tăng chạy trên đồng cỏ ăn thứ thức ăn dễ dàng nhất trên mặt đất này! Và khi con người bị giam cầm trong song sắt, bị trói tay trói chân, đeo gông nơi cổ, thì anh ta có thể làm được gì? Trước kia dưới những hầm tàu, người nô lệ bị xích vào những mái chèo để khỏi chạy trốn hay nôỉ loạn, thì cơ thể họ vẫn làm được việc chèo thuyền, nhưng mắt họ như bị bịt kín lại, ngoài việc chèo theo nhịp trống đều đều như những cỗ máy, họ hoàn toàn mắc chứng đui mù, không biết con tàu đi về hướng nào. Không có tự do con người chẳng thể làm được gì, nếu có thể làm là làm như những kẻ nô lệ đui mù cách phi tự nhiên ở dưới hầm tàu, vì thế mà triết gia Heidegger nói: “Tự do là nền móng của nền móng” (la liberté est le fondement du fondement) (l’essence du fondement). Triết gia John Stuart Mill, cách tương tự cho rằng, “Tự do là đế trụ” (liberty is a stoke) (21).

    Ông ví tự do cá nhân đơn giản như việc nếu một cá nhân không được tôn trọng tối thiếu nơi những số đo của mình thì người thợ may không thể may cho cá nhân đó một chiếc áo vừa người, anh thợ giày không thể đóng cho cá nhân đó một đôi giày vừa chân, mở rộng ra thì thấy, một người phải ăn cái mình không thích, phải uống cái mình không thể, phải làm cái việc vô nghĩa theo ý chủ, thậm chí phải lao vào tội ác như một con thiêu thân, thử hỏi cuộc đời còn có ý nghĩa gì? Mill nói: “áo khoác và đôi giày không thể vừa người nếu không được làm theo số đo của người đó” (coat or a pair of boots to fit him unless they are either made to his measure) (22).


    Tự do không chỉ là vật liệu thiết yếu mở màn xây lên mọi giá trị của con người, mà tự do còn là một báu vật đạt tới mọi tầm cao của giá trị nhân loại. Một kẻ buộc phải làm chứng dối chẳng hạn, như vậy hắn làm sai lệch sự thật ở toà án, người nào đó sẽ bị xử cách bất công, còn kẻ phạm tội thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Như vậy, không có tự do, con người sẽ không bao giờ đạt tới sự thật, càng chẳng bao giờ đi tới chân lý, mà lúc đó con người chỉ là những kẻ nô lệ dối trá trong sợ hãi, hay dối trá để vụ lợi cho mình, khi đó người ta sống cuộc đời ngu xuẩn nhất, như đức phật dạy ở điều thứ hai trong mười điều: “Sự ngu xuẩn nhất là dối trá.” Tại sao vậy? Hãy xem như triết gia Hegel diễn tả: một ngôi nhà nếu không dựng trên những cây cột đứng ngay ngắn thì sẽ đổ. Vậy những kẻ sống dối trá, tức không dám sống sự thật về mình, hắn dựng các loại cột kèo vừa giả vừa nghiêng ngả, “ăn không nói có”, chỗ cần che gió không che, chỗ không cần thì lại bưng bít lại, thử hỏi hắn có chuốc lấy sự sụp đổ cho mình? Hoặc giả, kẻ không có đồ ăn thật để ăn, cứ suýt xoa về những đồ ăn giả toàn phẩm mầu và nước suýt rởm, liệu có tránh khỏi bị vong thân? Vì thế mà Đức Phật mới chắc chắn rằng: “Sự ngu xuẩn nhất là dối trá.” Sách Các vấn đề lớn của triết học viết: “Chỉ được tự do mới có thể nói ra sự thật để nhắm về chân lý” (Seul un être librr peut se proposer de dire vrai et viser la liberté) Hay “chỉ bằng cách nhắm đến tự do mới có thể nhìn về chân lý” ( mais il n’y a des faits que pour la liberté en vue de la vérité) (21). Sách đó ví, tự do với con người như ánh sáng. Vậy, ánh sáng đó không màu, không sắc, nhưng nó giúp ta nhận ra màu sắc của vạn vật. Tự do cũng vậy, nó là “điều kiện ánh sáng đầu tiên”, có thể chưa màu - sắc nào, nhưng là môi trường tiên quyết giúp con người nhận biết mọi giá trị ở đời. Sách viết: “Không có ánh sáng người ta không nhìn thấy gì cả tuy ánh sáng vô vị- vô sắc nhưng trong ánh sáng người ta phân biệt tất cả. Không có tự do người ta không thể nhận ra một con người tư duy giữa muôn vật của tự nhiên” S’il n’y avait pas de lumière nous ne verrions rien... Sans liberté rien ne saurait differencier l’homme qui pense d’une chose dans la nature ) (24). Tự do khiến con người được quyết định theo ý thức của mình, đó cũng là điều chứng tỏ con người là hữu thể có lý trí khác hẳn vạn vật. Chính thế mà triết gia Kant đã coi tự do là sức mạnh để tấn phong con người lên ngôi vị chúa tể: “Trong thế giới những phần tử tự nhiên, con người chỉ là một hiện tượng trong muôn vàn hiện tượng. Nhưng trong thế giới của những yếu tố tinh thần, cái mà Kant gọi là “vương quốc của những cứu cánh” nó là một hữu thể tự do , tự do được tấn phong lên ngôi vị độc tôn” (En tant qu’elément du monde de la nature, l’homme est seulement un phénomène parmi tant d’autres. Mais en tant qu’elément du monde de l’ esprit, on de ce que Kant appelle “le royaume des fin”, il est être libre, doué de libre arbitre) (25).

    *
    * *

    Chúng ta khao khát tự do để làm người. Nhưng tự do là gì mới được chứ? Vì dù ở đâu, bất cứ chỗ nào người ta muốn chứng tỏ mình đã đạt đến trình độ con người đều trương lên tấm biển tự do, cho dù là trùm phát xít độc tài Mussolini (1883-1945), hay đầu sỏ khét tiếng Hitler (1889-1945), hoặc chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, hay “cộng sản đỏ” kiểu Pôn-pốt Iêng- Xa-ri ở Cam-pu-chia... đều giương lá bài tự do, thay vào đó lại là súng máy, xe tăng, máy bay, tầu chiến, tên lửa, cả cuốc, cả vồ vừa bắn nát vừa đập chết tự do. Nhưng tất cả vài mình hoạ nhỏ đó chỉ là lớp váng mỏng trên đại dương giông tố đầy ắp sóng trào quằn quại rên xiết của tự do. Lịch sử loài người theo triết gia Fichte, là lịch sử của tự do. Nếu có thể nói không có trang sử nào không có máu của tự do, thì cũng có thể nói không một mảnh đất nào trên hành tinh lúc này hay lúc khác tự do lại không bị rên xiết dưới đế giày bạo lực. Nhà tư tưởng Rousseau nói: “Con người sinh ra tự do và hầu hết sống trong xiềng xích” (L’homme est né libre et partout il est dans les fers) (Contrat social, Livre I, chap I (26).


    Vậy tự do là gì? Tự do không phải lớp sơn vẽ bên ngoài, như tấm áo sặc sỡ của ông chủ thí cho kẻ nô lệ nhân ngày tết, mà tự do phải là điều kiện bên trong của tinh thần, khiến lý trí có thể đưa ra quyết định. Một cô gái không thể có tự do lựa chọn tình yêu khi cô ta bị tước mất quyền mở cửa với chàng này, đóng cửa với chàng kia, và cả cái quyền hứa hôn cuối cùng cũng bị cha mẹ tước mất. Mà cô gái chỉ thực sự tự do trước tình yêu khi hoàn toàn dùng quyền đó chấp nhận người này, từ chối người kia. Đó là cách hiểu căn bản đầu tiên về tự do, quyền lựa chọn: Có hay không. Triết gia Descartes bàn: “Tự do bao gồm rằng chúng ta có thể làm một việc hoặc không làm nó, nghĩa là chấp thuận hay từ chối (Cette liberté consiste en ce sans que nous pouvons faire une chose ou ne pas la faire) (c’est à dire affirmer ou nier) (27) Descartes còn diễn giải: Tự do là trạng thái lãnh cảm lập lờ trước khi quyết định (28). Như vậy tự do là một trạng thái chưa có gì , không vướng bận gì để đưa ra quyết định, theo triết học có thể nói đó là một trạng thái hư vô để chuẩn bị hạ sinh hữu thể là quyết định. Tuy nhiên trong vài chữ đó, Descartes đã chỉ ra cách rõ ràng: tự do chỉ là trạng thái lãnh cảm lập lờ trước khi quyết định, còn sau khi đã quyết định, con người không thể được quyền lãnh cảm nữa, mà phải gắn hết chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Một cô gái trước khi quyết định yêu ai, có thể có trạng thái dửng dưng, lập lờ, chưa thế này cũng chẳng thế kia, nhưng khi cô đã đính ước với một chàng trai cụ thể, thì lời đính ước đó không thể là lãnh cảm nữa, mà là một dấn thân làm cho kỳ được, chứ không thể “lời nói gió bay”. Một chàng trai giơ tay thể nguyền cũng vậy, đó là một quyết định anh ta đã lựa chọn và tham dự vào, là người tự trọng anh ta sẽ xả thân đến cùng để bảo toàn lời thề đó, bởi lẽ, ánh ta không th ể coi nhẹ danh dự của mình, một khi đã xác định “nhất ngôn cửu đỉnh”- một lời nói nặng tựa chín đỉnh, và “nhất ngôn ký xuất tứ mã nam trung”- một lời nói ra bốn ngựa khó đuổi.


    Tiếp theo đó, triết gia Kant gọi tự do là nguyên nhân tuyệt đối đầu tiên, từ nguyên nhân đó mới có thể mọc lên gốc lựa chọn và quyết định. Ông nói: “Tự do là nguyên nhân không có nguyên nhân, là một nguyên nhân tuyệt đối đầu tiên” (la liberté puisque’il s’agirait d’une cause sans cause, d’une cause absolument première) (29). Tự do là điều kiện khởi đầu cho mọi hoạt động ý thức của con người, vậy nó xứng đáng là nguyên nhân tuyệt đối đầu tiên. Theo Kant, cách hiển nhiên hơn, tự do là giá trị đầu tiên để xác định: Con người là một vật tự thân. Theo thần học cũng như một bộ phận lớn của triết học thì, chỉ có Thượng Đế là Đấng tự thân như lời Kinh nguyện: “Ngài sinh ra mà không phải tạo thành.” Còn lại tất cả vạn vật và con người chỉ là thứ Thụ sinh- Thụ tạo. Con người, có ai lại không sinh ra từ cha mẹ mình, cha mẹ cũng không tự sinh ra mà sinh từ ông bà ta, ông bà lại sinh từ cụ kỵ... như vậy mỗi người không thể tự mình hạ sinh mình hay làm ra mình, mà đều phải thụ sinh từ người khác. Tất cả các loài vật cho đến mọi đồ vật cũng vậy, chúng không thể tự mình sinh ra mình mà được thụ sinh và thụ tạo. Vậy thì con người thụ sinh giống động vật thì cũng là một động vật ư? Không chính nhờ có tự do mà con người tự biến cuộc thụ sinh của mình thành một “Tự thân”; trái lại loài vật vừa thụ sinh lại và tuân thủ răm rắp các lề luật sẵn có của tự nhiên, nên chúng chỉ là “Thụ thân” (chứ không thể là “Tự thân”). Từ Tự thân, con người mới có thể Tự trị, và cách nào đó đã Sáng tạo để Tái tạo lại mình như một khát vọng Tự tạo. Triết gia Kant nói: “Tự trị nguyên lý của phẩm giá con người cũng như những bản thể có lý trí” . (Fondements, tr.78) (30).

    Triết học của Kant có thể được coi như triết học của ý chí vì ông coi cái thiện chí của con người là cái đầu tiên quy định con người là thiện, như vậy cách tương tự ông cũng cho rằng ý chí tự trị của con người là cái đầu tiên nhất quy định con người muốn tự do. Ông nói: “Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc cao cả nhất của tính chất đạo đức. Tự trị là nguyên lý của phẩm giá con người cũng như tất cả bản thể có lý trí”. J.Donald Butler trong cuốn sách “ Four philosophies” (Bốn nền triết học) cũng đã viết: “Mỗi cá nhân có đủ tự do nền tảng của mình, đó là quyền tự quyết” (The individual self has all the freedom essential to self determination (31).


    Con người là vật tự thân tức con người phải sáng tạo ra mình trong ý chí muốn tự trị lấy mình, chứ không phải để thiên nhiên cai trị mình. Tự trị tức tự cai quản mình, tự cai trị mình, tự xem xét và phán xử mình, tự chọn cho mình một lối đi, và tự mình theo đuổi con đường mình đã chọn. Triết gia Kierkegaard nói: “Chúng ta được ban cho chúng ta, chúng ta không tự tạo bởi hư vô. Chúng ta thành người tự do” (32).


    Theo triết gia Jean Paul Sartre, thì con người tuy không tự sáng tạo ra mình, nhưng bằng tự do con người đã tự chọn lấy mình là ai, là trọng danh dự hay ô danh, là can đảm hay hèn nhát, là đạo đức hay phi luân. Sartre nói: “Tôi tìm thấy mình trong một thế giới và chọn tôi là ai trong thế giới đó” (Je me trouve dans un monde et je me choisis ce que “je suis” (33). Sartre cho rằng con người không tạo được vóc dáng xác thịt của mình, nhưng mà tạo ra cái mình sẽ là: “Con người tự làm nên cái anh ta sẽ là” (He mades him self what he is) (34).


    Cái anh ta sẽ là! Cũng như cái mọi người sẽ là ! Là cái gì? Đó chính là quan niệm của Sartre về cái “Con người là Dự phóng”. Theo Sartre thì chỉ có con người sẽ chọn con người ở thì tương lai, ông gọi đó là Hữu vị thân ( le pour- soi), nghĩa là con người không chỉ ở Tự thân mình (En- soi) mà con người có vô vàn dự án để đạt tới mình - cái tôi mới ở thì tương lai, chẳng hạn tôi muốn học cao để sang năm thành tiến sĩ, một sinh viên đang lo thi cử để ngày mai thành bác sĩ, một ông cục trưởng đang phấn đấu để làm bộ trưởng, hay một cô gái đang viết một lá thư tình mong ngày mai nó trở thành một tấm thiếp đính hôn cùng chàng- mà hình ảnh đang được ghì xiết- dày vò- ám ảnh giữa trái tim...Tất cả đó là các dự án để đạt tới con người của ngày mai. Hẳn nhiên, con người sống được chăng hay chớ hôm nay mà không nhắm tới ngày mai- thì không được gọi là người. Và con người muốn có ngày mai phải là con người đang dùng tự do để quyết định ngay từ hôm nay, như lời một bài ca: “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Sartre nói: “Vị thân là một hữu thể tự xác định mình bằng hành động, và điều kiện tiên quyết của hành động đó là tự do” (Le Pour- soi est l’être qui se définit par l’action, et la condition première de l’action, c’est la liber té) (35).


    Tại sao con người lại phải xác định mình bằng hành động? Vì lẽ hiển nhiên con người không thể muốn chôn vùi mình trong giấc ngủ đông như loài gấu mong làm nên diện mạo của mình, vì thế con người là hành động. Hành động của con người không phải sự hoạt động của bầy thú, chúng gặm cỏ, chơi đùa, ra suối uống nước, rình mồi, hay tranh giành bạn tình... đó chỉ là những hoạt động mang tính sinh hoạt mà thiên nhiên đã quy định cho chúng. Nhưng con người khác hẳn, con người hành động để tạo nên con người, cũng như gia đình mình, cộng đồng mình, và thế giới của mình. Hành động đó luôn phải bắt đầu từ ý thức, và cuốn theo dự phóng do ý thức vạch ra, và hoàn thành công việc theo tiêu chuẩn mà ý thức đã vạch ra trong ý định. Mà, trước khi hành động, con người phải có ý thức về hành động đó, và điều kiện đầu tiên của ý thức đó là tự do. Tự do đó nói chính xác hơn – dễ hiểu hơn là gì? Sartre lý giải: “Ý thức của cá nhân tự do là quyền phủ định” (La conscience individuelle est libre, c’est -à- dire négation) (36).


    Tại sao tự do là quyền phủ định? Chúng ta thử hình dung một kẻ hành hương đang đi trên đường nhắm đền thánh. Đến một ngã ba, theo hành trình của mình, anh ta buộc phải từ chối rẽ trái để rẽ về bên phải, nhưng anh ta lại bị một kẻ ngang tàng bắt phải rẽ về bên trái, nơi không có đền thánh, thì liệu anh ta có thể đến được đích của mình? Và trên con đường đó trước khi đến đích có rất nhiều ngã ba như vậy, mà chỉ rẽ sai ở một ngã ba thôi, kẻ hành hương sẽ không thể nào đến đích! Không, anh ta chỉ đến đích theo như lộ trình đã ghi trên bản đồ đem theo, nơi cần rẽ thì anh được rẽ, chỗ nào không phải rẽ thì anh ta được quyền không rẽ, nghĩa là anh ta có quyền tự do thường trực- quyền đó không bị mất đi ở bất cứ ngã ba nào, quyền chấp nhận rẽ bên này- và- quyền phủ quyết rẽ bên kia. Kẻ hành hương vạch ra mục đích của mình là đền thánh, và anh ta chỉ đến đó được khi được tự do quyết định đi theo lộ trình mình đã nhắm, ngược lại, anh ta không thể nào đến đích khi bị ai đó bắt buộc phải rẽ theo hướng khác. Triết gia Spinoza nói về tự do như sau: “Tôi coi là tự do, một vật hành động chỉ vì sự tất yếu của bản tính nó, và là không tự do một vật bị quyết định bởi vật khác trong sự hiện hữu và hành động của nó.”


    Không có tự do con người không thể theo đuổi mục đích của mình, mục đích đó dù chỉ là nơi mình muốn đến- như con tàu kia đang lao về đích bị bẻ ghi chạy sang đường ray khác làm sao về đích, hay dù chỉ là một cử chỉ tốt đẹp ta muốn làm cho người khác nhưng bị ông chủ cấm làm thì cử chỉ đó làm sao hoàn thành, hoặc dễ dàng như ta muốn nói lên ý tưởng của mình nhưng bị kẻ mạnh hơn khống chế không cho nói ra hoặc bắt phải nói theo cách nguỵ tín nào đó, thì ngay lời nói đã sắp đặt ở cửa miệng ta cũng không thể được hoàn thành. Có một câu chuyện về nhà vua và các quan đại thần của Trung Quốc là: Một ngày, ông vua muốn thử lòng sợ hãi của các quan đại thần, ông đem con lừa vào giữa cung điện và nói “đó là con ngựa,” sau một thoáng ngập ngừng, đại thần đều nói theo vua “đó là con ngựa.” Đấy, không có tự do, thì một việc nhỏ sờ sờ trước mắt, trẻ con cũng hiểu được, lại được những vương tôn, công tử, đại thần làm bằng cách cố tình không hiểu. Khi đó nỗi sợ hãi thay thế sự chân thành, mà không có lòng chân thành con người làm sao có thể đến được chân lý. Triết gia White Head cho rằng: “Yếu tính của tự do là khả năng thực hiện được mục tiêu.” (37)


    Tự do là điều kiện cho mỗi người ý thức và hành động, đó là quyền theo Mill là không thể nhượng lại cho ai, giống như trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ gọi là “Bất khả nhượng”, Mill nói: “Nguyên lý của tự do không thể đòi hỏi tự do hay là không. Không thể là tự do nếu buộc phải nhượng quyền tự do của mình” (The principle of freedom can not require that he should be free not to be free. It is not freedom to be allowed to alienate his freedom.) (38)

    Đến đây chúng ta hãy đề cập đến quyền tự do bất khả nhượng được ghi trong: “Hiến chương quốc tề về quyền con người,” đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận và công bố theo quyết định số 217 A (III) ngày 10/12/1948



    Lời nói đầu


    Nhận thức rằng, việc thừa nhận phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên gia đình nhân loại và những quyền bình đẳng không thể tước bỏ của họ, đã tạo dựng nên nền tảng của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới.


    Nhận thức rằng, việc chối từ và miệt thị những quyền con người đã dẫn đến những hành động man rợ, nó thách thức lương tâm nhân loại và sự đăng quang một thế giới, ở đấy, những thành viên nhân loại sẽ được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, thoát khỏi sự khủng bố và khốn cùng, đã được tôn xưng như nguyện vọng cao cả nhất của con người.

    Nhận thức rằng, thật cần thiết những quyền con người phải được bảo vệ bởi một thể chế luật pháp, sao cho họ không phải bị ép buộc cầu viện đến cái tột cùng là sự nổi dậy chống lại chuyên chế và áp bức.

    Nhận thức rằng, thật cần thiết để cổ vũ cho sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.


    Nhận thức rằng, trong Hiến chương các dân tộc Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố lại một lần nữa đặt niềm tin vào những quyền cơ bản của con người, vào phẩm hạnh và giá trị từng cá nhân nhân loại, vào quyền bình đẳng của nam giới và nữ giới, và đã tuyên bố quả quyết hỗ trợ cho sự tiến bộ xã hội cùng thiết lập những điều kiện tốt đẹp nhất cho đời sống trong sự tự do mở rộng nhất.


    Nhận thức rằng, những nước thành viên đã cam kết chắc chắn, bằng sự hợp tác với Tổ chức Liên Hiệp Quốc, tôn tọng đầy đủ và thực hiện những quyền con người và những quyền tự do cơ bản.


    Nhận thức rằng, một sự thừa nhận chung về các quyền con người và quyền tự do là điều quan trọng cao nhất để thực hiện đầy đủ bản cam kết này.


    Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố:


    Sự hiện diện bản Tuyên ngôn phổ cập về nhân quyền coi như lý tưởng chung đã đạt tới, bởi tất cả các dân tộc và tất cả các quốc gia, cần làm cho tất cả các cá nhân, các tổ chức xã hội, thường xuyên được biết đến bản Tuyên ngôn ngày, cùng nhau gắng sức, trong công việc giáo dục và đào tạo, cần truyền bá sự tôn trọng những quyền và tự do ấy, và cùng ra sức bảo đảm nó, trong những biện pháp tiến bộ cỡ quốc gia hay quốc tế, việc thừa nhận và giải thích rộng rãi và có hiệu quả những quyền ấy, không chỉ ở nhân dân những nước thành viên mà còn ở cả nhân dân những vùng đất dưới quyền xét xử của họ.


    Điều 1

    Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Họ đều được trời phú cho lẽ phải và lương tâm, và phải cư xử với nhau trong tinh thần bác ái.


    Điều 2

    Mọi người đều có thể dựa vào những quyền và những tự do đã được công bố trong bản tuyên ngôn này, không một phân biệt nào, nhất là về nòi giống, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay những quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi, hoặc mọi tình cảm nào khác.


    Hơn nữa, cũng sẽ không có sự phân biệt nào về quy chế chính trị, về pháp lý, hay quốc tế xứ sở hoặc lãnh thổ mà cá nhân là người có quốc tịch khác, rằng xứ sở hoặc lãnh thể ấy độc lập hay chủ quyền bị đặt dưới một giới hạn nào đó.


    Điều 3

    Mỗi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền an toàn cá nhân.


    Điều 4

    Không ai bị bắt làm nô lệ hay tôi đòi, chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ bị cấm dưới mọi hình thức.


    Điều 5

    Không ai phải chịu tra tấn, bị hành hạ hay đối xử độc ác, vô nhân đạo, làm cho hèn hạ.


    Điều 6

    Mỗi người đều có quyền hiểu biết về tất cả mọi điều thuộc tư cách pháp lý của mình.


    Điều 7

    Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng không phân biệt. Mọi người có quyền được bảo vệ bình đẳng chống lại mọi phân biệt vi phạm bản Tuyên ngôn và chống lại moị sự khiêu khích phân biệt như vậy.


    Điều 8

    Mọi người có quyền nhờ cậy thực sự với toà án các nước có thẩm quyền chống lại những hành động xâm phạm những quyền cơ bản đã được thừa nhận trong hiến pháp hoặc luật pháp nước đó.


    Điều 9

    Không ai có thể bị bắt, bị cầm tù, bị lưu đầy một cách trái phép.


    Điều 10

    Mọi người có quyền, hoàn toàn bình dẳng, về việc buộc tội phải được xét xử công bằng và công khai trước một phiên toà độc lập và vô tư, phiên toà sẽ phán quyết về quyền lợi và nghĩa vụ, về tính chất đúng luật có căn cứ của những lời buộc tội nhằm trừng phạt kết án họ.

    (Trích trong bản “Tuyên bố phổ cập về quyền con người,” gồm 30 điều. Theo bản dịch viết tay của nhà văn Hoàng Tiến ngày 25/4/1997) (37).



    Bắt đầu: 10h 57' ngày 6/11/2003


    ________________________________________

     1. Tôn Trung Sơn, “Chủ nghĩa Tam Dân” (CNTD), Nguyễn Như Điệm, Nguyễn Tú Trí dịch, Viện Thông tin Khoa học Xã hội 1995, tr.190
    2. John Stuart Mill, “On Liberty” (O.L), A Forum Book, New York, U.S.A, 1966, tr. 97 - 98.
    3. nt, tr.97
    4. Dương Quảng Hàm, “Việt Nam văn học sử yếu”, NXB Đồng Tháp 1993, tr.253
    5. Jean Pierre ZARADER, directeur de collection, “Les Grandes Notions de la Philosophie” (GNP), Ellipses édition Marketing S.A., 2001, tr.641.
    6. nt, tr.643
    7. F. Tomlin, “Les Grandes Philosophies de l’Occident” (GPO), Payot Paris 1951, tr.210
    8. Sđd (GNP), tr.264
    9. Compton’s Encyclopedia (Compton’s), U.S.A, 1069, cuốn 9, tr.442
    10. nt, tr.441
    11. nt
    12. nt, cuốn 5, tr.353b, cuốn 8, . 94
    13. Sđd (GNP), tr.642
    14. nt, tr.683
    15. nt, tr.642
    16. nt, tr.644
    17. Trần Thái Đỉnh, “Triết học Kant” (T. H. Kant), Văn Mới 1974, tr.109
    18. nt, tr.186
    19. Sđd (GNP), tr.680
    20. nt, tr. 654
    21. Sđd (O.L), tr.16
    22. nt, tr.94
    23. Sđd (GNP), tr. 662
    24. nt
    25. Sđd (GPO), tr.205
    26. Sđd (GNP), tr.680
    27. nt, tr.645
    28. nt, tr. 664
    29. nt, tr.650
    30. Sđd (T.H.Kant), tr. 243
    31. J.Donald Butler, “Four Philosophies” (FP), New York 1968, tr.162
    32. Lê Thành Trị, “Hiện tượng luận về hiện sinh” (HTLHS), Sài Gòn 1969, tr.51
    33. Sđd (GNP), tr.660
    34. Encyclopedia New Catholic (ENC), The Catholic University of America 1967, Cuốn A, tr.208
    35. Charles Werner, La Philosophie Moderne (PM), Payot Paris 1954, tr. 301
    36. Sđd (GNP), tr.661
    37. Alfred North White Head, “Bước đường phiêu lưu của những dòng tư tưởng” (BĐPLTT), Dịch giải: Nam Chi và Từ Huệ, Văn Đàn 1969, tr.140.
    38. Sđd (O.L), tr. 128 - 129
    39. Nhà văn Hoàng Tiến, Hiến chương liên hiệp quốc về nhân quyền tuyên bố phổ cập về quyền con người. Bản dịch: 25 - 4- 1957, chương I

    Nguyễn Hoàng Đức

    Schoolnet (Theo http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Tu_do_cho_chung_ta_Lam_Nguoi_1/)



     Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


    Những bài viết khác:



    Lên đầu trang

     
    CÔNG TY CÔNG NGHỆ TIN HỌC NHÀ TRƯỜNG
     
    Phòng 804 - Nhà 17T1 - Khu Trung Hoà Nhân Chính - Quận Cầu Giấy - Hà Nội
    Phone: 024.62511017 - 024.62511081
    Email: kinhdoanh@schoolnet.vn


    Bản quyền thông tin trên trang điện tử này thuộc về công ty School@net
    Ghi rõ nguồn www.vnschool.net khi bạn phát hành lại thông tin từ website này
    Site xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.