Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Trăn trở với nghề nói “sự thật và những điều kỳ diệu”
25/06/2007

- “Chân thực là phẩm chất số 1 cần có của tin tức” – đó là bài học đầu tiên mà mỗi sinh viên báo chí được nghe, cũng là quy tắc căn bản mà mỗi người làm báo phải tuân thủ. Song ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tốc độ truyền bá thông tin ngày càng gia tăng, một số người làm báo vì lợi ích trước mắt mà âm thầm vay đông mượn tây để xào thành tin bài của mình, tự nguyện đi theo “chủ nghĩa nhặt nhạnh”.


Trong thế giới tràn ngập thông tin hiện nay, blog từ lâu đã trở thành một thứ mốt, một số blogger không dừng lại ở đó mà bắt tay vào nghiên cứu tin tức, tiến hành phỏng vấn và có những bài bình luận, phân tích riêng về những sự kiện đang xảy ra hoặc một hình thế chính trị mới, và nghiễm nhiên trở thành nguồn tài nguyên tin tức hết sức dồi dào.
Tuy nhiên, trong báo chí truyền thống, một số nhà báo lại không còn coi trọng đúng mức, thậm chí vứt bỏ tính chân thực của tin tức, không ngó ngàng đến đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng công cụ Internet hoặc những thủ đoạn khác để sao chép, trộm cắp ý tưởng, tin tức, chữ nghĩa không phải của mình. Hành vi này ngày càng có chiều hướng gia tăng, trở thành một mối nguy hại đe dọa cả ngành công nghiệp báo chí thế giới.
“Chân thực là phẩm chất số 1 cần có của tin tức” – đó là bài học đầu tiên mà mỗi sinh viên báo chí được nghe, cũng là quy tắc căn bản mà mỗi người làm báo phải tuân thủ. Song ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tốc độ truyền bá thông tin ngày càng gia tăng, một số người làm báo vì lợi ích trước mắt mà âm thầm vay đông mượn tây để xào thành tin bài của mình, tự nguyện đi theo “chủ nghĩa nhặt nhạnh”.
Internet ngày càng phổ cập, tốc độ truyền bá thông tin ngày càng nhanh, việc sao chép đã không chỉ là độc quyền của một vài phóng viên cá biệt, con sâu đã làm rầu nồi canh!
“Quy tắc ngầm” trong báo giới?
Các phóng viên ngày nay, đặc biệt là những phóng viên của các báo thường thường bậc trung vẫn sao chép lẫn nhau, và điều này dường như là bí mật công khai trong nghề, thậm chí đã trở thành “quy tắc ngầm”.
Trước mắt, sao chép đơn giản nhất và cũng “quang minh chính đại” nhất là từ Thông cáo báo chí được ban tổ chức các cuộc họp báo gửi đến sẵn, rất nhiều phóng viên chỉ dựa vào thông cáo báo chí để viết lại, thậm chí bệ nguyên xi, không sửa lại chút nào.
Ngoài ra, hiện nay, các đơn vị báo chí đều có nhiệm vụ kiểm tra, sát hạch, ai không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bỏ sót tin tức, lộ tin tức đều bị phạt, nhẹ thì trừ vào tiền lương thưởng, nặng thì có thể bị đuổi việc.
Một nhà báo của Tân Hoa Xã đã về hưu nói: “Trước đây, muốn viết bài chúng tôi phải đi xe lừa xuống các huyện, viết một cái tin cũng phải thế. Hiện nay mọi thứ đã thuận tiện hơn rất nhiều, có Internet, muốn cái gì chỉ cần tìm là thấy ngay.”
Nhà báo nọ đã 50 tuổi đời kể khổ: nghĩ tới tuổi tác, sức khỏe, cơ quan đã giao cho bà một nửa công việc của một phóng viên khác, nhưng mặc dù có như thế, bà cũng vẫn không thể viết được bằng phóng viên trẻ ấy. Trong khi bà đang buồn bã thì một đồng nghiệp trẻ tuổi tốt bụng đã truyền cho bà một kinh nghiệm: “Cứ liên hệ từng người từng nơi một như cô thì đi phỏng vấn chẳng mệt lắm sao? Cứ lên mạng tìm bừa một lúc rồi xoay sở một tí là thành của mình ngay!” Nghe xong, nhà báo già cười buồn: “Tôi lại không thạo mạng!”
Báo nhỏ thì cam lòng biến chất, báo lớn cũng bắt đầu dao động bởi áp lực hoặc hàng ngàn nguyên nhân khác, một số báo lớn cũng sử dụng phương pháp đơn giản này.
Bởi cái sự “đạo” này vừa đơn giản lại khiến cho bài báo “sâu sắc hơn”, sức bỏ ra thì nhỏ mà thành tích lại lớn, so như thế, những người ủng hộ không sao chép lại trở thành phái yếu trong giới truyền thông. Ngày nay, nhiều người “học tập” đồng nghiệp, sao chép lẫn nhau đã trở thành bí mật được công khai của báo chí.
“Hiện nay, một số bạn trẻ mới vào nghề, có em còn chưa biết phỏng vấn, có em lười, tôi vừa giao bài cho các em, thì lập tức các em đã lên mạng “nhặt”, nói cũng vô ích, đúng là vô phương cứu chữa, làm sao được?” – một vị thư ký tòa soạn bất mãn nói.
Những “công thức xào xáo” đang thịnh hành:
1. Xào đàng hoàng: Là xào thông cáo báo chí. Chỉ cần tham gia họp báo, cầm thông cáo bao chí về, chẳng cần nghe họp hành, cứ thế đề tên mình vào thông cáo báo chí là thành bài.
2. Xào thô thiển: Là xào báo bạn, loại này dễ bị phát hiện nhất. Xem mạng, thấy tin của báo địa phương khác, chỉ cần thay đổi thời gian, địa điểm là thành tin của địa phương mình.
3. Xào tinh vi: Xào sách, rất khó bị phát hiện, chỉ một số loại báo mới có kiểu xào này. Ra hàng sách kiếm mấy cuốn y dược, bảo vệ sức khoẻ, biến nội dung sách thành bài viết của mình.
4. Xào thực thà: Xào nghiên cứu, điều tra. Điều tra, nghiên cứu của người khác mất bao công sức, một số “nhà báo” trích luôn một phần thành bài báo.
5. Xào “cao thủ”: Thuê người khác đi viết rồi ký tên mình. Một số phóng viên thường trú thường thuê người đi lấy tin, viết bài rồi chỉ việc ký tên mình là xong.
Nhưng có phải nạn “xào xáo” chỉ do Internet mang lại? Tôi nghĩ còn có mấy nguyên nhân sau:
1. Nhiệm vụ nặng, không hoàn thành được: Một số toà soạn đặt “chỉ tiêu” nặng nhằm khuyến khích tính năng động của phóng viên; một số toà soạn lại dùng biện pháp trừ lương thưởng, doạ đuổi việc, gây áp lực “sinh tồn” lên phóng viên làm họ phải dùng biện pháp “đơn giản” để hoàn thành nhiệm vụ.
2. Ăn bớt: Copy tin bài trên mạng chỉ mất vài giây, trong khi tự mình đi gặp gỡ rồi viết tin bài thì mất cả ngày nên một số phóng viên có tác phong “lớt phớt” đã chọn cách thứ nhât.
3. “Xào” quá dễ: Internet đã cung cấp môi trường vô cùng thuận lợi để “xào”. Chỉ cần lên mạng, gõ mấy từ khoá là bao nhiêu nội dung liên quan hiện ra.
Sau tất cả các nguyên nhân trên, còn lại một nguyên nhân cơ bản: Do báo chí cạnh tranh ngày càng gay gắt, một số phóng viên thiếu đạo đức đã coi báo chí chỉ là cần câu cơm, bỏ qua cả đạo đức nghề nghiệp.
Nhịp sống vẫn tăng tốc hàng ngày, internet như một đạo “dị binh” khiến tin tức vừa nhanh vừa đa dạng, phóng viên càng có thêm điều kiện thuận lợi để làm nghề, chẳng khác nào “như hổ thêm cánh”. Song một số phóng viên tác phong lớt phớt, không thâm nhập cuộc sống, không hỏi han kỹ lưỡng, thậm chí không gặp gỡ, chỉ tuỳ tiện xào xáo mà viết thành bài. Điều này không những làm phóng viên hạn chế cơ hội nâng cao trình độ nghề mà còn tổn hại nghiêm trọng đến uy tín bản thân; không chỉ hại cho người đọc mà còn hại đến cả nhà nước, vì báo chí là “tai mắt của chính quyền”.
Thế nhưng vì công xào thì ít, hưởng lợi lại nhiều nên nhiều phóng viên không còn để ý gì đến đạo đức nghề nghệp, tin bài giả ngày càng nhiều, càng “khoẻ”.
Để chữa căn bệnh "ung thư" của báo chí này, bên cạnh việc giáo dục đạo đức cho phóng viên, còn phải xử phạt thật nặng. Nên bắt chước báo chí phương Tây, một khi phát hiện phóng viên nào xào bài, không những không phạt một khoản thật nặng, mà còn vĩnh viễn không bao giờ dùng bài vở của người đó nữa.
Nguồn: http://www.vietimes.com.vn/vn/vanhoa/2093/index.viet


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1028

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn