Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Chất lượng giáo dục và vai trò của cán bộ công chức trẻ trong các trường đại học
26/06/2007

Lê Văn Phi
Trưởng Phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác Quốc tế
Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM

I. Tiếng chuông cảnh báo của Quốc hội
Tôi muốn mở đầu bài viết này bằng việc trích dẫn Điều 2 của Luật giáo dục được Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 4 thông qua tháng 12 năm 1998, nói về Mục tiêu giáo dục. Đó là "đào tạo con người Việt nam phát triển toàn diện, có đạo đức, trí thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc".

Là những người công tác trong ngành giáo dục, tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đã đang và sẽ nguyện đem hết sức lực và khả năng của mình để cùng với nhân dân cả nước thực hiện thành công mục tiêu ấy. Về mặt nhà nước, trong 5 năm qua, chính phủ đã đầu tư rất nhiều tiền của vật tư, công sức, thời gian, tìm mọi phương cách, mọi giải pháp để thực hiện cho được các mục tiêu này. Các thành tựu về giáo dục mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đạt được như xóa mù chữ, phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở, xã hội hóa giáo dục v.v… là rất to lớn, thuyết phục.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục lại không tăng lên mà lại càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong báo cáo trình bày tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa X, người đại diện chính phủ phải chính thức thừa nhận rằng [1] "Điều làm xã hội lo lắng là chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học nhìn chung còn thấp, cách dạy và học nặng về thuộc lòng, rất kém tính sáng tạo và năng lực thực hành". Bản báo cáo còn gióng lên một tiếng chuông cảnh báo mạnh cho những người làm công tác "trồng người" hôm nay là "Những mặt yếu kém, tiêu cực trong công tác giáo dục, đào tạo chậm được khắc phục không chỉ ảnh hưởng xấu tới lớp trẻ ngày nay mà còn tác động đến các thế hệ nối tiếp ; đây là điều rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải tập trung sức chỉ đạo khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới". Chúng ta, với tư cách là những cán bộ công chức, giảng viên trẻ công tác trong ngành GD&ĐT sẽ phải hành động như thế nào sau tiếng chuông cảnh báo của các vị lãnh đạo nhà nước cao nhất ?
Người viết bài bày cố gắng góp tiếng nói của mình để tìm nguyên nhân của việc sút kém này, đề xuất biện pháp khắc phục nhằm giảm bớt những tác động xấu cho các thế hệ nối tiếp và thu ngắn khoảng cách giữa ta và các nước trong khu vực. Trước hết xin nói về chất lượng giáo dục.
II. Về giáo dục phổ thông
Bộ GD & ĐT đã tiến hành hai lần cải cách tuyển sinh, 2002, 2003. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để viết về cái được cái mất của những cuộc cải cách ấy. Bài viết này cũng xin nêu lại một vài con số mà ai đọc đến cũng phải giật mình. Theo thông báo chính thức của Bộ GD &ĐT, qua kỳ thi tuyển sinh đại học vừa rồi, có 86,6% thí sinh không đạt đủ điểm trung bình (15đ), 66% có tổng số điểm đưới 10, và có chừng 10.000 thí sinh bị điểm 0/30. Trong khi đó cũng năm nay có trên 90% hoc sinh thi đỗ tú tài. Giáo sư Viện sĩ Nguyển Cảnh Toàn đã đặt câu hỏi : "Đâu là sự thật về chất lượng giáo dục phổ thông ?" [2] Cũng theo ông thì câu trả lời đã có cách đây 15 năm. Hồi đó một số Giám đốc Sở giáo dục đã đi tiên phong trong việc báo cáo trung thực với xã hội về chất lượng giáo dục. Theo họ, nếu chấm điểm chặt chẽ thì chỉ có khoảng 30 – 40% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học (đạt điểm trung bình trở lên). Trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, theo thống kê chính thức thì chỉ có 13,4% đạt tổng điểm từ 15/30 trở lên (đạt điểm trung bình).
Có thể nói gì được từ các con số này ? Giả sử rằng mức độ khó của đề thi đại học so với đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học là gấp đôi và việc coi thi, chấm thi nghiêm khắc và chặt chẽ hơn. Khi đó có thể xem tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình cũng chỉ xấp xỉ 30%. Thực tế này cho thấy từ một cách tiếp cận khác, rằng một trong các ưu điểm ở kỳ thi tuyển sinh năm 2003 là : Đề thi là cơ bản, sát chương trình ; việc tổ chức coi thi, chấm thi là tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy một thực tế đáng suy ngẫm là suốt trong 10, 15 năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ mọi phía, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn không tăng.
III. Chất lượng giáo dục đại học
Thông qua các nghiên cứu riêng lẻ về tương quan giữa điểm trung bình giai đoạn 1, điểm trung bình cuối khóa với tổng điểm thi tuyển sinh đầu vào và kết quả thi hết môn ở một trường đại học, nhóm nghiên cưú đã rút ra được các kết luận sau đây :
• Kết quả thi tuyển sinh đầu vào không có ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập giai đoạn 1 cũng như ở cuối khóa.
• Kết quả học tập ở đại đa số sinh viên thuộc vào loại trung bình (điểm trung bình cuối khóa là 5 – 6);
• Nữ sinh viên thường có kết quả học tập tốt hơn nam sinh viên (điểm trung bình cuối khóa của nữ sinh viên cao hơn 0,4 điểm).
• Trung bình có 65% môn học ở giai đoạn 1 có tỉ lệ sinh viên thi không đạt lần 1 từ 24% trở lên (gồm các môn Toán, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ) ; Một số môn học khác có tỉ lệ thi đạt lần đầu khá cao như các môn khoa học quản lý (96%), marketing (91%), triết học Mác – Lênin (91%),v.v…
• Khảo sát ngẫu nhiên 6780 sinh viên thì thấy có 9% sinh viên thi đạt lần 1 ở tất cả các môn, 91% sinh viên có ít nhất một môn phải thi lại ; có 53% sinh viên phải thi lại từ 1 đến 4 môn, 15% phải thi lại từ 7 đến 9 môn.
Tài liệu của Ban Tư tưởng – Văn hóa, Khoa giáo và tổ chức T.Ư. phục vụ nghiên cứu các kết luận Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa IX, kỳ họp thứ 6, NXB Chính trị quốc gia – 2002 đã nhận diện chất lượng giáo dục đại học ở nước ta sau gần 30 năm dành được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là … "ngày nay, giáo dục đại học nước ta đang tụt thấp hơn 50 bậc so với đại học của Thái Lan".
Chúng ta, những người làm công tác giảng dạy đại học sẽ suy ngẫm như thế nào trước thực trạng chất lượng đào tạo đại học thấp như vậy? Người viết bài này sẽ không làm công việc so sánh chất lượng đào tạo đại học ngày nay với chất lượng đào tạo đại học ở miền Bắc trong những năm trước giải phóng miền Nam hoặc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Các bạn có thể tìm đọc những so sánh này trong bài viết của GS. VS. Nguyễn Cảnh Toàn (Báo Văn nghệ số 42, ngày 18-10-2003).
IV. Nguyên nhân
Nếu dùng phương pháp hồi qui tương quan để định dạng mối quan hệ giữa mức sống trung bình của người dân và chất lượng đào tạo đại học nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung thì sẽ thu được một kết quả không hợp với bất kỳ qui luật phát triển nào về con người. Bởi vì, như phân tích ở trên, ta thấy có hiện tượng lạ kỳ : Trước đây sống khổ nhưng học giỏi ; bây giờ cuộc sống khả quan hơn thì học lại kém. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng này. Người viết chỉ xin nêu 2 nguyên nhân chủ quan của những người trực tiếp hoạt động trong ngành giáo dục và đào tạo mà báo chí đã tốn không ít giấy mực để cảnh báo cho toàn thể xã hội. Đó là phương pháp dạy và phương pháp học.
Điểm 2, Điều 3 của Luật giáo dục chỉ ra rằng :"Hoạt động giáo dục phải thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường phải kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội". Điểm 2, Điều 4 hướng dẫn phương pháp giáo dục :"phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học ; bồi dưỡng năng lực tự học, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên". Trích dẫn những dòng này, người viết chỉ muốn nêu lên một sự thực đáng mừng là Quốc hội ta rất sáng suốt, đề ra các định hướng rất đúng cho giáo dục. Những định hướng như vậy cũng có thể tìm thấy trong rất nhiều văn kiện đại hội đảng các cấp từ trung ương đến địa phương.
Vậy mà từ năm 1998 đến nay, ngành giáo dục đã không thể biến chủ trương đường lối đúng đắn này thành hiện thực : Trong các trường phổ thông cũng như đại học, việc học đã không đi đôi với hành ; học lý thuyết, thiếu điều kiện làm thực nghiệm hoặc kiểm chứng thực tế ; học thiếu suy nghĩ, nghiền ngẫm, thiếu tư duy sáng tạo, học vẹt, học tủ, học đối phó, cốt sao thi cho qua. Phụ huynh và học sinh "ỷ" lại vào thầy, coi thầy hoặc cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình là quyết định. Người viết bài này đang dạy một lớp học ở năm thứ 3 với khoảng 100 sinh viên mà hầu hết đều là học sinh giỏi phổ thông, ham thích ngành tin học. Ở ngay buổi giảng đầu tiên, sau khi, nghe thầy giáo gợi ý một số sách và tài liệu tham khảo, hướng dẫn phương pháp dạy và học, phương pháp ghi bài ở bậc đại học, ứng với đặc thù của môn học, thì một học sinh, đại diện lớp, lên xin phép được photocopy bài giảng của thầy cho cả lớp, thay vì ghi bài và tham khảo tài liệu. Có lẽ không cần thiết phải bình luận thêm về hiện tượng này. Xu hướng của học sinh ngày nay là lười học, lười tư duy, lười tham khảo tài liệu, lười làm bài tập; thường là học "vẹt", rập khuôn những gì ghi được của thầy, những bài giải đã có sẵn. Nếu bài tập cho khác đi một chút thì họ sẽ không làm được. Tiếc rằng đây lại là một tập quán học tập hình thành, tồn tại và kéo dài trong hơn 20 năm qua.
Người học đã vậy, còn về phía người dạy thì sao ? Giáo sư Lê Khánh Bằng [3] đã rất đúng khi cho rằng khi dạy học, người dạy phải thực hiện đủ 3 nội dung. Đó là dạy học kiến thức, dạy học phương pháp và dạy học thái độ. Nếu thực hiện đủ 3 nội dung này thì người dạy mới có thể nói đến tiêu chuẩn dạy tốt. Vậy mà trong suốt hơn 20 năm qua, hầu hết người dạy chỉ thực hiện được nội dung đầu. Việc hình thành phương pháp học kém hiệu quả, phản tác dụng như trên một phần quan trọng là do lỗi ở người dạy.
Hầu hết các thầy, cô giáo dường như chạy theo việc chuyển tải kiến thức, nội dung bài giảng, giáo trình, mà quên đi hoặc bỏ qua việc truyền thụ phương pháp tư duy, sáng tạo, suy luận logic, biết tiêu hóa các kiến thức học được thành kiến thức của mình. Các cơ quan quản lý giáo dục chủ yếu đầu tư thời gian, tiền bạc vào việc xây dựng chương trình, nội dung giáo trình, sách giáo khoa, cải tiến phương thức và cách thức thi tuyển sinh mà không dành sự chú ý thích đáng đến việc đầu tư xây dựng, cải tiến, phát triển các phương pháp dạy và học. Hậu quả của hiện tượng này là học sinh không nắm vững kiến thức, hiểu biết lơ mơ, không phát triển được trí nhớ, khả năng tích lũy kém. Do đó chất lượng làm bài thi và kiểm tra kém. Để khắc phục hậu quả này, các thầy thường chọn cách dạy kiểu "cầm tay chỉ việc", nghĩa là giảng bài mẫu, mách bảo cho người học một số thủ thuật làm bài sao cho qua được các kỳ thi, kiểm tra.
Mặt khác, cũng không thể phủ nhận một thực tế là, trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đời sống của đại đa số thầy cô giáo là rất khó khăn. Nhiều người phải bỏ dạy, hoặc dạy cầm chừng, giữ biên chế nhà nước, tìm và làm thêm những việc hoàn toàn không liên quan đến việc dạy và học, hoặc tổ chức dạy thêm tại nhà, tại các trung tâm để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Họ, tất yếu, sẽ không có đủ thì giờ để đầu tư trí tuệ, sức lực làm công việc của một "kỷ sư tâm hồn".
Vậy là nảy sinh nhu cầu học thêm. "Có cầu thì phải có cung", đó là qui luật thị trường, tức là việc dạy thêm phát triển, lan rộng. Đồng thời, các bài giảng, tài liệu, giáo trình, sách luyện thi đều viết theo kiểu "mì ăn liền", kể cả các tài liệu phát hành bởi các nhà xuất bản cấp quốc gia. Nhờ các phương tiện thông tin hiện đại ngày nay, các tài liệu này đã được thu nhỏ, đến cực nhỏ để trở thành các "phao cứu sinh" trong các kỳ thi, kiểm tra. Có thể kể ra đây rất nhiều hậu quả tai hại của phương pháp dạy chỉ chú trọng vào nội dung thứ nhất. Thế là câu hỏi muôn thủa "quả trứng có trước hay con gà có trước ?" hy vọng đã có lời giải đáp, it nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Nếu coi "phương pháp giảng dạy" như nêu trên là con gà thì "việc học thêm, dạy thêm " sẽ là quả trứng, vì con gà tất yếu phải đẻ ra quả trứng để duy trì nòi giống. Muốn khắc phục vòng luẩn quẩn này, trước hết phải giải quyết khâu con gà.
V. Vai trò của giáo viên và cán bộ quản lý trẻ
Trước hết, cần chú ý rằng, những điều mà người viết sẽ trình bày sau đây không chỉ nhằm mục tiêu là những giáo viên và cán bộ quản lý trẻ. Mặc khác, sao lại phải nhấn mạnh chữ "trẻ". Nghĩa đen của trẻ có lẽ là "chưa già". Nhưng chưa già là "U" bao nhiêu ?. Trong thể thao, nhất là trong bóng đá, cờ vua, người ta thường dùng khái niệm U10, U12, U16, U18, U21, U23, để chỉ các giải thi đấu chỉ dành để đào tạo tài năng trẻ. Trong Lý thuyết tập mờ (fuzzy theory), để chỉ rõ một cá thể là thành viên của tập hợp nào đó, người ta thường gán cho cá thể đó một số nằm giữa 0 và 1, gọi là hệ số thành viên (membership coefficient). Hệ số này càng gần 1 bao nhiên thì thì mức độ là thành viên của cá thể đó càng rõ nét bấy nhiêu. Ví dụ, một giáo viên ở vào tuổi 55, thì nếu nói là giáo viên "trẻ" thì sẽ mang hệ số, vd., 0,13 ; còn nếu anh ta thuộc tập hợp các giáo viên "già" thì với hệ số là 0,87. Khái niệm trẻ mà người viết muốn nhắm đến trong bài này là những người ở vào độ tuổi dươi 40 (U40), hay mang hệ số "trẻ" lớn hơn hoặc bằng 0,53 [4].
Vậy, tại sao phải nhắm vào giới trẻ ? Bác Hồ đã ví tuổi trẻ như mùa xuân của nhân loại. Vì trẻ là sức bật, trẻ là sáng tạo, trẻ là năng động, là táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách. Một người già, nếu còn giữ được các tố chất ấy có thể vẫn được coi là trẻ, mặc dù có "hệ số thành viên trẻ" thấp. Một người, dẫu có hệ số thành viên trẻ cao, nhưng không có hoặc có ít các tố chất ấy có thể liệt vào loại già (già trước tuổi, già về trí tuệ). Những người như vậy tất nhiên không thể tạo nên mùa xuân của nhân loại được.
Sau đây, người viết xin góp một số suy ngẫm nhân dịp đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : "Những giáo viên và cán bộ quản lý trẻ (gọi chung là CBCC trẻ) phải làm gì trước thực trạng chất lượng giáo dục xuống cấp đến mức báo động, như hiện nay ?".
Một là, CBCC trẻ phải thật sự có lòng yêu nghề, yêu thế hệ trẻ, tận tâm, tận ý với nghề nghiệp trồng người, thật sự coi nghề dạy học là sự nghiệp cả cuộc đời.
Hai là, họ phải là người đi tiên phong trong việc phá bỏ cách dạy và cách học đã bén rễ rất sâu trong suốt hơn 20 năm qua, thực hiện phương pháp giảng dạy theo hướng Luật giáo dục đã chỉ ra, tức là thực hiện đầy đủ và hiệu quả 3 nội dung của dạy học đã nêu ở trên. Khi soạn giáo trình, bài giảng tài liệu học tập họ phải dũng cảm loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi nhuận, thu lợi trên những đồng tiền, vốn đã ít ỏi, của sinh viên.
Ba là, người dạy phải giảm bớt thời gian dạy thêm ngoài trường, giảm bớt các việc làm không liên quan đến dạy và học, phải dành nhiều thời gian học thêm ngoại ngữ, đến thư viện đọc sách, tham khảo tài liệu, sách báo nước ngoài để củng cố và mở rộng kiến thức. Trò vốn đã có khuynh hướng "ỷ" lại thầy. Khuynh hướng này không thể bị loại bỏ một sớm, một chiều. Vậy, muốn trò giỏi thì thầy phải giỏi.
Bốn là, muốn làm người thầy giỏi, giáo viên trẻ phải dành thời gian nghiên cứu khoa học, viết báo, soạn giáo trình, làm đề tài, tiếp nhận, xử lý và giải quyết một vấn đề nào đó trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Giới trẻ, với các tố chất như trên, sẽ là mảnh đất tốt nhất cho các hoạt động này phát triển, ra hoa kết trái. Đổi lại, các kết quả của những hoạt động này, ngoài việc đem lợi ích cho xã hội, còn thiết thực mang lợi ích mở rộng và củng cố kiến thức, nhận thức, kỷ năng cho tác giả của chúng. Ngoài việc tự mình NCKH, CBCC trẻ còn phải hướng dẫn sinh viên NCKH. Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn đã rất có lý khi cho rằng "thầy dở chỉ biết mang kiến thức đến cho người học, thầy giỏi biết đem đến cho họ cách tự mình tìm đến kiến thức".
Năm là, các cán bộ quản lý trẻ, ngoài việc trau dồi nghiệp vụ quản lý, phát huy sáng kiến, cải tiến qui trình phục vụ, sao cho giảm thiểu phiền hà cho người học, mà còn phải tích cực ủng hộ giáo viên trẻ cải tiến phương pháp giảng dạy, tổ chức ủng hộ người học cải tiến phương pháp học tập (đối với cán bộ đoàn, hội).
Sáu là, tác phong sinh hoạt, bia, rượu thường xuyên cũng là một trong những nhân tố có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy, học tập và phục vụ. Rượu, bia quá mức, ngoài việc xâm hại đến sức khỏe, còn kéo theo nhiều tập quán xấu xa như bỏ giờ, cắt xén giờ giảng, kiếm tiền bằng mọi cách, không có thời gian suy nghĩ cải tiến phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học v.v…. Trong thể thao đỉnh cao, nếu dính dáng đến rượu bia thì sẽ không thể và không bao giờ đạt được thành tích cao. Như vậy, chỉ có khắc phục tác phong sinh hoạt thái quá liên quan đến rượu bia thì bóng đá Việt nam mới có thể đưổi kịp hoặc vượt Thái Lan.
Bảy là, các cấp quản lý giáo dục, ngoài việc đầu tư vào chương trình đào tạo, chương trình khung, giáo trình, sửa đổi chỉnh lý các qui định, qui chế, trang bị cơ sở vật chất, còn cần phải đầu tư thời gian, chất xám, tiền vốn vào việc tổ chức xây dựng, cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập.
Có như vậy, mới mong dần dần giảm bớt tệ nạn học thêm, dạy thêm tràn lan như hiện nay và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, tức là cất đi con gà để nó khỏi sinh ra quả trứng.
[1] Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa X Tháng 11/2003
[2] Xem báo Văn nghệ số 41 ra ngày 11/10/2003
[3] "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ở bậc đại học cho phù hợp với những yêu cầu của đất nước và thời đại" Tài liệu dùng cho thi nâng ngạch từ giảng viên lên giảng viên chính,Bộ GD& ĐT năm 2000
[4] Tuổi 22, tốt nghiệp đại học, ứng với hệ số 1 (thật sự trẻ) ; tuổi 60, về hưu ứng với hệ số 0 (thật sự già).


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1040

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn