Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Về vấn đề dạy thêm, học thêm ở Việt Nam
18/07/2007

Hiện tượng "dạy thêm học thêm tràn lan" là một trong những vấn đề "nóng hổi" ở Việt Nam, được bàn tới liên tục từ nhiều năm nay. Tuy hiện tượng này gây ra một số hậu quả đáng ngại, đặc biệt là làm giảm sức khỏe và tính tự lập của học sinh, và ngành giáo dục đa đưa ra nhiều biện pháp giải quyết, nhưng trong vòng một hai chục năm qua lượng dạy thêm học thêm không những không giảm đi mà lại còn có vẻ đi theo chiều hướng ngược lại, tức là tăng lên rõ rệt.

Bài viết này nhằm điểm lại tình hình dạy thêm học thêm ở Việt Nam, phân tích các nguyên nhân của nó, các biện pháp đa được đề ra (cùng một số biện pháp mới) và hiệu quả của chúng.

Một vài số liệu về dạy thêm học thêm:

Sau đây là một vài số liệu thu thập được, nhằm biết rõ hơn hiện trạng việc dạy thêm học thêm ở Việt Nam:

Tại TP HCM: Theo kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Quy (Viện phó Viện Nghiên cứu giáo dục TPHCM) thực hiện năm 2004 (xem các bài [1,2,3] trong phần tài liệu tham khảo):

– Khoảng 90% học sinh đi học thêm, và 86% gia đinh ở nội thành cho con đi học thêm. Trong số đó, 80% gia đinh là có mức sống ổn định, 20% gia đinh khó khăn hoặc rất khó khăn về kinh tế. 88% số học sinh giỏi vẫn đi học thêm.

– Những môn được học thêm nhiều nhất: Tiểu học: 96% toán (trong số những học sinh học thêm), tiếng Việt; THCS: 98,9% toán, 92,2% ngoại ngữ, 73,3% văn - tiếng Việt; THPT: 98,8% toán, 95,1% lý, 95,1% hoá.

– Hình thức học thêm: học thêm ở trường 45,3%, học thêm ở nhà giáo viên dạy trên lớp 30,4%, học thêm ở các trung tâm 30,2%, mời gia sư 13,7%. Tỷ lệ mời gia sư gần bằng với tỷ lệ số gia đinh khá giả ở TPHCM là 13%.

– Lượng thời gian học thêm: 54,3% học thêm từ 6 đến 15 giờ/tuần; 20,2% học thêm hơn 15 giờ/tuần.

– Nội dụng học thêm: 44,2% số học sinh cho rằng học thêm thực chất là học kỹ hơn các nội dung đa học trên lớp; 34,7% cho rằng học thêm là đi làm bài tập; 10,2% cho rằng học thêm là học những điều thầy cô chưa dạy trên lớp.

– 88% số học sinh nhìn nhận học thêm giúp cho hiểu thêm bài; 5% cho rằng học thêm không cần thiết; 4,8% cho rằng học thêm mang lại điểm số tốt hơn; 1,3% cho rằng việc học thêm giúp cha mẹ yên tâm hơn và 0,8% có cảm nhận rằng đa học thêm thì không cần thiết phải học ở nhà nữa.

– Nguyên nhân học thêm: Do nhu cầu nâng cao kiến thức: 72,3%. Do ý muốn của phụ huynh: 57,9%. Do chương trình quá tải: 32,2%. 5,9% học sinh cho rằng nhà trường yêu cầu phải học thêm, và 3,2% học sinh cho rằng cha mẹ bắt đi học thêm.

– 75,7% số em học thêm khẳng định là còn thời gian để vui chơi giải trí, tự học, và 49,3% số em đa bị giảm sức khỏe, tinh thần.

– Học phí học thêm cua một học sinh: quãng 100 nghìn đến 500 nghìn đồng một tháng; có 10% ở mức 500.000-3.000.000 đồng.

– Theo ý kiến phụ huynh học sinh, những biện pháp để giảm dạy thêm học thêm là: Khuyến khích học sinh tự học - 54,4%; giảm tải chương trình: 49.9%, cải tiến thi cử và kiểm tra: 32,3%, học 2 buổi/ngày: 22,6%; tăng lương cho giáo viên: 21,1%, kiểm tra việc dạy đủ chương trình của giáo viên ở trường: 20%.

– Về phía giáo viên, 32,7% ý kiến cho dạy thêm học thêm là “tích cực, cần khuyến khích”, nhưng cũng có 25,9% ý kiến cho là “dẫn đến tiêu cực ở một số giáo viên” và 25,5% cho rằng “ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tinh thần học sinh”.

– Các biện pháp do giáo viên đưa ra: giảm tải chương trình (47,8%), tăng thu nhập (chính thức) cho giáo viên (46,8%), cải tiến thi cử (46,3%), cải tiến phương pháp đánh giá kiểm tra (45,3%) ...

Tại Hà nội và Hà tây: Theo khảo sát năm 2003, thời gian học thêm của HS tiểu học trung bình từ 2-3 giờ/ ngày; của THCS từ 4-6 giờ/ ngày; của THPT từ 6-7 giờ/ ngày (Xem [4]). Nghe phản ánh có hiện tượng học sinh buổi sáng học chính thức, rồi buổi chiều học thêm ở trường, đến hết buổi chiều chỉ kịp ăn một cái bánh mỳ rồi lại học thêm tiếp ở nhà thầy giáo, đến tối bố mẹ đón về phải buộc dây vì sợ ngủ gật lăn xuống khỏi xe máy. Chuyện học thêm đa trở thành "hiển nhiên" đến mức có thầy giáo dạy trường chuyên nói đại ý "kể cả học sinh chuyên nếu không học thêm thì cũng dễ trượt đại học", và có cô giáo trì triết học sinh: "đến giáo sư tiến sĩ còn phải học thêm, anh chị đa là cái gì mà không chịu đi học thêm".

Tại Tỉnh Bà rịa – Vũng tàu: (Xem [5]) Theo khảo sát của Sở GD vào 03/2004, hiện tượng giáo viên dạy thêm tại nhà (trái với qui định) rất phổ biến. Có trường THCS có 19/21 giáo viên toán và 11/11 giáo viên Anh văn có tổ chức dạy thêm tại nhà. Thời gian học thêm của một số học sinh chiếm tới 5 buổi/tuần.

Luyện thi đại học: Ở bậc THPT, các môn hay có nhất trong các kỳ thi đại học (toán, lý, hóa, ngoại ngữ) là được dạy thêm nhiều nhất. Ngược lại, những môn xã hội ít người học thêm, và môn Giáo dục công nhân không có dạy thêm. Ở các thanh phố lớn có các "lò" luyện thi đại học rất đông đúc, học sinh ở cả những địa phương khác đổ về học.

Giờ dạy thêm: Có những lớp dạy thêm từ 5 giờ sáng, và có lớp sau 21 giờ tối.

Chuyện ảnh hưởng sức khỏe: (Xem [4,6]) Có đến 74% học sinh tốt nghiệp tiểu học có vấn đề về sức khoẻ. Có thể kể đến một số bệnh do học thêm quá nhiều đem lại như: trầm cảm, ức chế, vẹo cột sống.

Thu nhập của giáo viên qua dạy thêm: Mỗi tiết quãng 50-100 nghìn đồng trở lên (tùy vùng và tùy lớp).

Ở các thành phố lớn, mức thu trung bình qua dạy thêm của một giáo viên có thể đến 4-6 triệu, ở những chỗ khác có thể là 1-3 triệu. Đặc biệt có thầy nổi tiếng có tháng kiếm được đến 200 triệu đồng qua dạy thêm. Để so sánh, 60% giáo viên trường công có lương chính thức dưới 1 triệu đồng một tháng; ở trường bán công mức lương trung bình trả cho giáo viên vào quãng 20-30 nghìn đồng một giờ.

Quản trị phí : Với các lớp dạy thêm ở trường, ban lãnh đạo trường có thể thu đến 15-20% (và có nơi đến 40% ?) số tiền học phí, gọi là "quản trị phí." Ban giám hiệu hưởng quản trị phí này, tính ra có thể đến mấy chục triệu đồng một tháng cho mỗi người trong ban. (Xem [7]).

Dạy thêm học thêm ở các nước khác: Việc dạy thêm học thêm không phải chỉ có ở Việt Nam, mà ngay ở các nước như Mỹ và Pháp cũng có, với một số nguyên nhân tương tự, tuy mức độ ít hơn nhiều. Ví dụ như ở Pháp có các hãng tư quảng cáo dạy kèm cho học sinh yếu, chưa kể các cá nhân dạy thêm theo kiểu gia sư. Những học sinh học các lớp chuẩn bị để thi vào những trường lớn (như trường Ecole Polytechnique) cũng phải học rất căng.

Tiêu cực trong dạy thêm học thêm

Không phải chuyện dạy thêm học thêm nào cũng là tiêu cực hay tham nhũng. Cần xác định những việc học thêm dạy thêm nào là chính đáng, có lợi cho các cá nhân và cho xã hội, và những việc nào là tiêu cực hay tham nhũng để khỏi "đánh nhầm chỗ". Và phải biết được nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực thì mới giải quyết được.

Về phía người học thêm (và các bậc phụ huynh), có thể phân loại mục đích đi học thêm thành bốn loại chính (nguyên nhân học thêm có thể là tổng hợp của bốn loại mục đích này):

1. Học thêm để có người quản lý, thúc học, thay vì "ở nhà nghịch ngợm phá phách".

2. Học thêm để cho giỏi thêm về môn nào đó mà chưa giỏi hoặc chưa theo kịp chương trình chính thức.

3. Học thêm để hiểu biết thêm về những thứ không được dạy trong chương trình chính thức.

4. Học thêm như một hình thức hối lộ giáo viên (để nhằm biết trước các đề bài thi, được nâng điểm khi thi, v.v., hoặc đơn giản là để khỏi bị trù dập). Trong bốn mục đích trên, ba mục đích đầu là chính đáng, chỉ có mục đích thứ tư là không chính đáng (nếu vì sợ trù dập mà phải đi học thêm, thì có khi phải xem lại giáo viên trước). Tất nhiên, kể cả khi mục đích là chính đáng, nhưng nếu thái quá thì cũng thành tiêu cực. Đối với người dạy thêm, có hai mục đích chính:

1. (Vì giáo dục) Muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh.

2. (Vì lợi ích bản thân) Muốn kiếm thêm thu nhập.

Cả hai mục đích trên đều chính đáng. Vấn đề là phương thức để đạt các mục đích đó (đặc biệt là mục đích thứ hai) có chính đáng hay không.

Các hiện tượng học thêm, dạy thêm có thể chia làm ba loại: 1) có lợi chính đáng, 2) tiêu cực tuy không tham nhũng (không có gì phạm pháp, nhưng vô bổ phản tác dụng), 3) tham nhũng.

Những việc dạy thêm học thêm chính đáng. Có nhiều việc dạy thêm học thêm là chính đáng, chúng ta nên biết để khỏi "vơ đũa cả nắm". Như đa viết ở trên, 3 trong số 4 mục đích đi học thêm là chính đáng.

Xin lấy một vài ví dụ về chuyện dạy thêm, học thêm chính đáng.

1. Giáo viên (có thể đa về hưu) nhận kèm thêm cho một vài học sinh buổi chiều. Những học sinh đó vừa được giảng lại bài và hướng dẫn giải bài tập (một thầy một trò nhanh vào hơn là một thầy nhiều trò), vừa được quản lý luôn thể (phụ huynh yên tâm con cái không lêu lổng khi ở đó).

2. Khi học sinh học ở trên lớp không hiểu hoặc không thấy thích (có thể vì kiến thức hổng, mất tập trung, hay giáo viên trình độ yếu không truyền đạt được, v.v.), đi học thêm để bù lại, thì điều này là chính đáng.

3. Học sinh giỏi muốn được học nâng cao hơn chương trình chính thức, tìm thầy học nâng cao là điều chính đáng.

Tiêu cực nhưng không tham nhũng. Xuất phát điểm của những hiện tượng tiêu cực nhưng không tham nhũng thường là mục đích chính đáng. Về phía giáo viên, dạy thêm là một công việc lương thiện mà qua đó kiếm được thêm thu nhập thì cũng tốt. Về phía học sinh và phụ huynh học sinh, mọi người đều nghĩ rằng học nhiều là chìa khóa để có một tương lai tốt đẹp. Nó chỉ trở thành tiêu cực khi mà thái quá. Các biểu hiện thái quá, tiêu cực là:

1. Tốn kém quá nhiều (công sức, tiền của) vào những việc mà hiệu quả lợi ích cho xã hội có thể không cao.

2. Giáo viên dạy thêm quá nhiều (có người dạy đến 16 tiết một ngày), không đảm bảo chất lượng, và không còn thời giờ để quan tâm đến công việc chính thức và để nâng cao thêm trình độ nghiệp vụ.

3. Học sinh học thêm quá nhiều một cách nhồi nhét không kịp tiêu hóa, không có thời giờ dành cho việc tự suy nghĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc phát triển toàn diện.

Về phía giáo viên, nguyên nhân chính khiến họ dạy thêm là vấn đề kinh tế: mức thu nhập thấp khiến họ tìm cách kiếm thêm bằng việc dạy thêm. Khi mà lương chính thức thấp và thu nhập do dạy thêm có thể bằng nhiều lần lương chính thức, thì dạy thêm trở thành một công việc rất hấp dẫn, và dễ dấn tới tình trạng thái quá, tiêu cực (lơ là công việc chính thức, dạy thêm nhiều quá).

Về phía học sinh và phụ huynh học sinh, có mấy nguyên nhân chính dẫn đến chuyện học thêm quá nhiều:

1. Dân trí thấp, suy nghĩ giản đơn về chuyện "cứ nhiều là tốt". Không chỉ trong học hành, mà trong ăn uống cũng vậy: nhiều người nhồi nhét cho con cái ăn quá nhiều và quá thiên về chất đạm, dẫn đến béo phì, không có lợi cho sức khỏe.

2. Chất lượng giáo dục ở Việt Nam còn yếu: trường lớp thiếu, trình độ giáo viên yếu. Bởi vậy nhiều người có quan tâm đến con cái phải lo tìm thầy giỏi cho học thêm ở ngoài, vì học ở trường không thôi sợ không thể giỏi được. Chương trình giáo dục phổ thông quá tải, không thích hợp với điều kiện VN và trình độ của giáo viên và học sinh nói chung, nên nhiều học sinh phải học thêm cho theo được chương trình.

3. Suất vào đại học (hay thậm chí vào trung học phổ thông) có quá ít so với nhu cầu, nên có cuộc "chạy đua" học thêm. Bản thân chuyện cạnh tranh, chạy đua không phải là tiêu cực, nhưng khi nó cộng với hai nguyên nhân phía trước và hệ thống thi cử tuyển chọn chưa tối ưu thì có thể dẫn đến những tình trạng thái quá trong học thêm. Tham nhũng: Tham nhũng là khi những quyền hạn chức vụ nào đó bị lạm dụng để nhằm đạt lợi riêng.

Hiện tượng tham nhũng ở Việt Nam vô cùng phổ biến ở mọi ngành mọi cấp (Việt Nam được Transparency International xếp vào loại một trong những nước tham nhũng nhất thế giới), và tất nhiên trong ngành giáo dục hiện tượng này cũng phổ biến. Trong việc dạy thêm, học thêm, có thể kể một số ví dụ về kiểu tham nhũng:

1. Giáo viên tìm cách ép học sinh đi học thêm mình: Phân biệt đối xử giữa những người có đi học thêm và những người không đi học thêm (ví dụ như cho học sinh học thêm biết trước bài kiểm tra, khi chấm điểm thì trừ điểm những học sinh không đi học thêm, v.v.), không dạy hết chương trình chính thức trong giờ qui định mà đem một phần chương trình vào dạy trong giờ học thêm có thu tiền.

2. Mở buổi dạy thêm trước kỳ thi như một hình thức để người học có thể đút lót (bằng cách trả học phí rất cao cho buổi đó, rồi được biết trước đề bài, hoặc được cho đỗ bất kể bài thi thế nào).

Hiện tượng này hay thấy xảy ra ở một số môn chính trị bậc đại học. Trong những nguyên nhân chính gây nên nạn tham nhũng trong việc dạy thêm học thêm (và trong ngành giáo dục nói chung) có thể kể đến mấy nguyên nhân sau:

1. Thu nhập chính thức của giáo viên thấp, nên ai cũng tìm cách kiếm thêm thu nhập. Không phải ai cũng kiếm thêm bằng cách tham nhũng, nhưng có thể coi số lượng người tham nhũng là tỷ lệ thuận với số lượng người tìm cách kiếm tiền "tay trái".

2. Tham nhũng quá phổ biến trong xã hội, nên một lượng lớn nhân dân đa "mất xấu hổ" trong việc tham nhũng, hối lộ, v.v., coi đó như những việc làm "rất bình thường", "người khác làm thế, quan trên cũng làm thế, mà mình không làm thế thì thiệt".

3. Có nhiều sơ hở, bất hợp lý ở mức hệ thống, tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.

Bàn về các biện pháp giải quyết

Phát triển hệ thống học bán trú. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, học sinh phổ thông ở trường cả hai buổi (thời gian một học sinh ở trường gần trùng với thời gian một công chức đi làm), có thể ăn trưa ở cantine của trường. Như thế rất tiện lợi cho học sinh lẫn phụ huynh học sinh. Chương trình học ở trường có dành nhiều giờ cho việc làm bài tập, tự học trong thư viện hay trong phòng thí nghiệm, v.v., dưới sự cai quản hướng dẫn của một số người. Như thế nhu cầu đi học thêm ở ngoài sẽ giảm bớt đi.

Phát triển hệ thống trường bán trú là một giải pháp cơ bản, về lâu về dài. Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT cũng nhận thức được điều đó, và có nhấn mạnh nó trong các văn bản gần đây. Mặt khác, hiện tại ngân sách nhà nước nói chung không đủ cho việc học bán trú này, vì nó đoi hỏi có thêm trường lớp và thêm người làm việc, nên chủ yếu sẽ phải thực hiện dưới hình thức "nhà nước và nhân dân cùng làm", nhà nước lo một nửa và nhân dân lo một nửa (qua việc đóng học phí). Trên thực tế, học phí do nhân dân đóng ở Việt Nam hiện đa chiếm hơn 50% kinh phí giáo dục. Lương trả thêm cho giáo viên (cho việc họ làm thêm giờ ở trường bán trú), là một hình thức hợp lý hóa một phần việc dạy thêm theo hướng tích cực.

Chế độ lương bổng hợp lý. Việc cải tiến chế độ lương bổng cho hợp lý đa được Xêmina cải cách giáo dục của 22 giáo sư Việt Nam và Việt Kiều nhấn mạnh như là biện pháp chính nhằm xóa bỏ tiêu cực trong dạy thêm học thêm (xem [8]), và nhiều người khác lên tiến cho rằng cần đặc biệt ưu tiên về lương cho giáo viên. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ ngân sách đầu tư cho ngành giáo dục của Việt Nam đa thuộc loại cao nhất thê giới (xem [9]). Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ đa có nhiều ưu tiên cho giáo viên: trả lương cho giáo viên tăng lên từ 2-2,5 lần lương qui định và có chính sách cho GV mua nhà trả chậm hoặc thuê nhà, đồng thời cho phép ủy ban nhân dân các tỉnh có quyền bổ sung nguồn thu nhập cho GV bằng ngân sách của địa phương mình. Việc ưu tiên hơn nữa một cách đáng kể về mặt tài chính cho giáo dục phổ thông so với các ngành khác xem ra là bất khả thi.

Việc tạo ra chế độ lương bổng hợp lý không phải là ưu tiên thêm nữa cho ngành giáo dục so với các ngành khác, mà là giải quyết những bất hợp lý trong hệ thống lương bổng cho công nhân viên chức hiện nay. Bất hợp lý lớn nhất là vấn đề "lương ít lậu nhiều". (Lương chính thức thấp, nhưng nhiều những khoản thêm thắt; phần lớn những khoản này "không tính vào đâu cả" và bởi vậy ít minh bạch, dễ tiêu cực tham nhũng. Có những người phè phỡn vì "lậu" nhiều trong khi có những người cùng bậc lương sống rất chật vật vì không có "lậu"). Một số gợi ý giải quyết vấn đề lương của cán bộ nhà nước:

1. Tăng ngân sách nhà nước, hiện đại hóa hệ thống thuế, chống nạn trốn thuế, chống lãng phí và tham nhũng tài chính. Có thêm ngân sách thì sẽ có thêm tiền trả lương cho cán bộ, để đảm bảo cho họ có mức lương đủ sống.

2. Khuyến khích phát triển tư nhân, giảm nhẹ gánh nặng lên bộ máy nhà nước. Trong giáo dục, cụ thể là phát triển hệ thống trường tư. Khi tỷ lệ cán bộ nhà nước ít đi (so với tổng lực lượng lao động), thì gánh nặng về tiền lương đối với nhà nước ít đi, nhà nước dễ nâng lương cho hợp lý hơn.

3. Để cho minh bạch và biết được thực trạng thu nhập ra sao, các khoản phụ cấp cũng phải được coi là lương, trong việc xác định mức thu nhập, mức thuế, v.v. (Giáo viên hay "kêu" lương thấp, nhưng nếu tính cả các khoản phụ thu được thì thu nhập nhiều người đạt trên 6-7 triệu đồng một tháng, tức là thuộc mức phải đóng thuế thu nhập ở Việt Nam).

Cấm đoán hay là hạn chế ? Có nhiều người đề ra phương án "cấm tiệt" chuyện giáo viên dạy thêm (ví dụ, xem [10]). Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT cũng có ra nhiều qui định có tính chất cấm đoán, ví dụ như: Cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, cấm giáo viên mở lớp dạy thêm ở nhà cho học trò lớp mình dạy chính thức, cấm dạy thêm vào chủ nhật và ngày lễ cấm dạy thêm các lớp trừ lớp 9, lớp 12 và một số trường hợp đặc biệt, cấm dạy thêm ở nhà trong dịp hè v.v. (Xem [11,12,13,5,6, ...]).

Thực tế cho thấy, hầu hết các lệnh cấm đoán trên không có hiệu lực, và việc dạy thêm vẫn tràn lan. Có thể đổ lỗi cho việc quản lý lỏng lẻo. Nhưng có thể đặt vấn đề một cách khác: có phải chăng các lệnh cấm đoán chưa hợp lý với tình hình hiện tại ? Nhiều quan chức ngành giáo dục nhận thấy rằng khó có thể cấm đoán chuyện dạy thêm. (Bộ Trưởng GD-ĐT Trần Minh Hiển cũng có phát biểu như vậy cách đay ít lâu; xem một ví dụ khác ở [14]). Trong lịch sử có nhiều bài học cho thấy các giải pháp cấm đoán là ít hiệu quả khi mà có một số đông người có thói quen khác và không đồng tình với nó. Ví dụ như việc cấm rượu ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20: nhân dân vẫn có thói quen uống rượu, và mafia được dịp buôn rượu lậu. Học thêm cũng hơi giống rượu vậy: dùng vừa phải thì tốt, mà nhiều quá thì hại. Không nên cấm, mà chỉ nên có những biện pháp "điều tiết" hợp lý, khả thi, và đặc biệt cần mở mang dân trí về tác hại của sự quá đà, lạm dụng.

Ví dụ: Việc cấm dạy thêm ngoài hai lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) là thiếu cơ sở. Nếu coi rằng việc học thêm ở lớp 12 là chính đáng, thì tại sao học thêm ở lớp 11 lại không chính đáng ? Việc học hành là một quá trình liên tục, kiến thức hổng lúc nào thì cần được bồi đắp lúc đó, chứ đợi đến lớp 12 mới học thêm khi đa hổng từ những năm trước thì có thể quá muộn. Tương tự như vậy, việc cấm đoán một số hình thức dạy thêm cũng không được mạnh lắm về mặt lý lẽ. Tuy mục đích của việc cấm có "cao cả" nhưng nếu về mặt "lý" không mạnh thì cũng không được sự đồng tình của đông đảo nhiều người.

Có thể có luật hạn chế số giờ mà viên chức nhà nước (trong đó có giáo viên trường công) được phép làm thêm. Chẳng hạn như số giờ dạy thêm không được vượt quá 50% (hay 100% ở Việt Nam ?) số giờ dạy chính thức trung bình của một giáo viên. Ở Pháp cũng có những luật như vậy: cho phép làm thêm bên ngoài trong mức độ nhất định (không quá 50% giờ làm nhà nước ?, nếu muốn làm nhiều ở bên ngoài cũng được nhưng phải nghỉ việc nhà nước trong thời gian làm ngoài). Cơ sở của luật này là, đối với "người nhà nước", công việc chính thức phải được coi là công việc chính, có thể làm thêm nhưng không thể biến việc chính thành việc phụ. Luật như vậy mạnh về mặt lý. Các hãng tư nhân (các trường tư) cũng có thể có những qui định tương tự cho nhân viên của mình.

Giảm tải chương trình học: Đây là một trong những biện pháp được đa số đồng tình, và ngành giáo dục cũng đang có dự ản cải cách giảm tải chương trình (lại thêm một cải cách, có những cải cách trước thì tăng chương trình lên cho "đuổi kịp thế giới").

Ít ra ở những môn như toán, lý, hóa, chương trình ở Việt Nam chủ yếu bắt chước các nước khác (tuy về chất lượng sách giáo khoa thì kém nhiều các nước khác) chứ chẳng ai có đủ tài để "tự nghĩ ra". Về môn ngoại ngữ thì chương trình ở Việt Nam còn nhẹ hơn nhiều nước khác. (Ví dụ: con tôi học lớp 8 ở một trường công bình thường ở Pháp, học cả tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Latin trong chương trình chính thức, và có đi sang cả Tây ban Nha thực tập tiếng. Nó không kêu ca gì, và cũng chưa từng đi học thêm buổi nào).

Như vậy việc chương trình quá tải chứng tỏ một sự thật hơi buồn, mà chúng ta cần chấp nhận, là chất lượng giáo dục của chúng ta nói chung còn yếu so với thế giới (kể cà về chất lượng trường sở, chất lượng giáo viên, đến mức độ kiến thức của học sinh). Đây là bài toán khó giải, vì nếu giảm tải đồng bộ, thì sinh viên của chúng ta ngay lúc mới vào đại học đa kém nhiều so với sinh viên các nước tiên tiến, và như vậy thì không mong gì có "đại học đẳng cấp quốc tế", sẽ mãi mãi đi đằng sau các nước khác.

Nếu không giảm tải thì phần lớn học sinh không theo nổi (hoặc muốn theo kịp thì phải học thêm liên miên).

Một gợi ý giải quyết: giảm tải "tự nguyện". Chương trình (bất kỳ mức nào) đều có thể chia thành hai phần: phần cơ bản, và phần đào sâu nâng cao. Học sinh để tốt nghiệp các cấp phổ thông chỉ cần biết phần cơ bản là đạt yêu cầu, nhưng học sinh giỏi thì có thể học thêm phần đào sâu nâng cao. (Các đề thi tốt nghiệp không đụng đến phần nâng cao, và các bài kiểm tra phần đào sâu nâng cao là không bắt buộc ai thích làm thì làm, nếu làm được thì có thưởng còn không làm cũng không sao).

Nâng cao chất lượng giáo dục: Như đã viết ở trên, nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng chương trình nặng quá, là do chất lượng giáo dục còn yếu. Bởi vậy song song với việc giảm tải, cần nâng cao chất lượng giáo dục, sau cho cả việc dạy chính thức lẫn việc dạy thêm đều đạt hiệu quả cao hơn (cần ít thời giờ hơn để truyền đạt được cùng một lượng kiến thức đến cho học sinh). Để nâng cao chất lượng giáo dục, cần làm song song nhiều việc, trong đó có:

1. Xây dựng thêm nhiều trường lớp, thư viện, phòng thí nghiệm, , v.v. Hiện tại, nhiều học sinh đi học thêm ngồi chen chúc trong những căn phòng chật hẹp không có bàn ghế tử tế, ảnh hưởng đến chất lượng. Kể cả học chính thức ở trường, các lớp cũng thường có quá nhiều học sinh so với các nước tiêntiến trên thế giới. Nếu phát triển hệ thống học bán trú thì lại càng cần thêm nhiều trường lớp. Được biết, chính phủ Việt Nam sẽ chi 80 triệu đôla cho việc xây trường phổ thông trong giai đoạn 2005-2010. Với tình hình ngân quĩ nhà nước eo hẹp, nên khuyến khích vốn tư nhân trong việc xây trường lớp. Việc có nhiều cơ sở, dụng cụ cho học sinh thực hành, làm thí nghiệm là rất cần thiết, nếu không chỉ học "gạo" rồi quên.

2. Nâng cao chất lượng giáo o viên. Cách đây một thời gian, có những lúc mà các trường sư phạm ế ẩm, không ai muốn vào, phải nhận cả những người trình độ rất kém (thi được 0 điểm ?) vào học. Chúng ta đang trả giá cho chuyện đó, với một đội nghũ giáo viên hiện tại trình độ yếu. Tuy nhiên, nâng cao chất lượng của những người đương nhiệm là chuyện khó (tuy nếu quyết tâm và có đầu tư thì cũng có thể thực hiện được phần nào). Hiện tại, các trường sư phạm đang thuộc loại đắt hàng (chứng to nghề giáo hiện tại thu nhập thực tế cũng không đến nỗi nào, và có hơn nhiều so với trước, nên mới có nhiều người muốn theo), nên có thể hy vọng là chất lượng giáo viên sắp tới sẽ khá lên.

3. Nâng chất lượng sách giáo khoa . Việc cải cách chương trình và sách giáo khoa cần được thực hiện một cách đàng hoàng chứ không cẩu thả vô trách nhiệm như những năm vừa qua. Chuyện này có thể coi là một vết nhơ lớn của ngành giáo dục: nó vừa gây tốn kém lãng phí nhiều tiền của (hàng trăm triệu hay hàng tỷ đôla) vừa kéo chất lượng giáo dục đi xuống. (Để phản đối cách làm ăn vô trách nhiệm trong chuyện này, ông Nguyễn Kế Hào đa từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học năm 2001).

4. Xem xét lại một số môn học. Có một số môn chính trị (đặc biệt ở bậc đại học) xa rời với thời đại (ví dụ như trong khi thày giáo giảng chủ nghĩa tư bản dãy chết thì Việt Nam khuyến khích phát triển thị trường chứng khoán và mời đại học Harvard giúp mở đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam), không ai muốn học, nhưng bắt buộc phải học phải thi, nên dẫn đến tình trạng là đi học theo cách điểm danh lấy lệ rồi "học thêm" trước hôm thi để rồi ai cũng đỗ.

Phát triển hệ thống trường tư. Phía trên có viết nên phát triển trường tư, như là một phương hướng giảm nhẹ gánh nặng cho nhà nước trong tình hình ở Việt Nam hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện trường tư, tuy tỷ lệ còn chưa cao. Trường tư không có nghĩa là nhà nước đùn đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho tư nhân ở những trường đó. Trường tư cần được kiểm soát về chất lượng. Học sinh học trường tư có thể được nhà nước tài trợ tài chính cho việc đóng học phí. Các trường tư muốn phát triển tốt, gây uy tín, tự họ sẽ phải có những cách đảm bảo chất lượng (và hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan). Trường nào kém sẽ tự bị thị trường đào thải. Phát triển trường tư không có nghĩa là bỏ rơi trường công: hệ thống trường công cũng cần được củng cố phát triển, để đảm bảo trẻ em nào cũng được đi học bất kể điều kiện kinh tế gia đinh ra sao. Một hệ quả của việc phát triển trường tư là sẽ có cạnh tranh giữa các trường với nhau, giữa công với tư, khiến cả hai bên đều phải cố gắng nâng chất lượng. Khi mà chất lượng học tập giảng dạy ở trường cao lên, thì nhu cầu học thêm (để học lặp lại những thứ trong chương trình chính thức) tự nó giảm đi.

Điều chỉnh việc thi cử. Đặc biệt là việc tuyển vào đại học và vào THPT. Hiện tại, vì số ghế ở đại học quá ít so với nhu cầu ở Việt Nam (dưới 10% thanh niên Việt Nam được học đại học, trong khi ở các nước tiên tiến tỷ lệ này quãng trên 40%), nên chuyện chạy đua vào đại học là không thể tránh khỏi. Kể cả khi tăng số ghế ở đại học lên thêm vài lần, thì vẫn sẽ có những cuộc chạy đua để vào các trường tốt nhất, và như vậy vẫn sẽ có học thêm, chuyện đó không thể tránh được, chỉ có các cách giảm bớt đi thôi. Mới đây có quyết định tuyển vào THPT trước kỳ nghỉ hè (thay vì sau kỳ nghỉ), là một quyết định hợp lý trong tình hình hiện nay, vì như thế học sinh tốt nghiệp THCS được xả hơi lấy lại sức trong dịp hè thay vì cặm cụi học thêm suốt hè nhằm thi đỗ. Việc tuyển vào đại học cũng nên sớm lên một chút (thay vì vào tháng 7 như hiện nay), thì học sinh tốt nghiệp THPT sẽ có được một kỳ nghỉ hè thực sự để lấy lại sức.

Mục đích chủ yếu của nhiều người học thêm, đặc biệt trong các cuộc chạy đua, là để "tối ưu hóa điểm số" chứ không phải "tối ưu hóa kiến thức". Về phía nhà giáo, cần tổ chức thi cử sao cho điểm số phản ánh khả năng và kiến thức một cách xác thực nhất, để tránh những sự học thêm vô bổ (chỉ nhằm lấy điểm, không nhằm mở mang hiểu biết).

Nâng cao dân trí. Dân trí trung bình ở Việt nam còn thấp nên dễ làm nhiều chuyện sai trái. Trong vấn đề học tập, cần có nhiều chương trình quảng cáo, tuyên truyền có tính cách giáo dục, mở mang dân trí, cho nhân dân hiểu biết thiêm về phương pháp học tập thế nào là hiệu quả nhất, giúp họ định hướng tốt hơn trong việc học tập và phát triển toàn diện của con em họ.

Hiện đại hóa xã hội, giải quyết các bất cập khác. Việc "dạy thêm học thêm tràn lan" chỉ là một trong nhiều bất cập ở Việt Nam. Muốn giải quyết nó cần áp dụng nhiều biện pháp cùng một lúc, và đồng thời cũng phải hiện đại hóa xã hội nói chung, giải quyết các bất cập khác nữa, bởi mọi thứ liên quan đến nhau.

Tài liệu tham khảo

1. « Giải pháp nào cho vấn nạn học thêm? », Diễn đàn của vietnamnet, 19/07/2004: http://www.vietnamnet.vn/diendan/2004/07/177474/

2. « Dạy thêm: tại chương trình "nặng" ? », bài đăng trên vnn, đăng lại trên trang web mientrung, 01/11/2004: http://www.mientrung.com/content/view/1867/50/

3. « Liên tu bất tận, chuyện ... dạy thêm học thêm », bài của Cam Lu trên vietnamnet, 14/07/2004: http://www.vnn.vn/giaoduc/2004/07/176154/

4. « Nạn học quá tải đè lên sức khỏe học sinh », bài của TS Phạm Thị Kim Anh trên báo Khoa học và Đời sống, 22/09/2003, đăng lại trên edu.net.vn: http://www.edu.net.vn/Default.aspx?tabindex=0&tabid=2&mid=52&tid=124&iid=877

5. Công văn của Nguyễn Thị Chim Lang, Giám đốc Sở GD-ĐT Tỉnh Bà rịa – Vũng tàu, « Về việc giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri » ngày 22/07/2004: http://www.bariavungtau. gov.vn/zW000000032/W000000032_000002DCC.asp

6. « Dạy thêm, học thêm: cấm nhưng chưa nghiêm », bài của Dũng Hiếu trên vneconomy, 29/09/2005: http://www.vneconomy.com.vn/vie/article_to_print.php?id=f1a1e98e6781c3

7. « Đánh giá đúng vấn đề dạy thêm, học thêm », ý kiến bạn đọc, báo Nhân Dân, 07/11/2005: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=54&article=46024

8. Bản kiến nghị về cải cách giáo dục của Xêmina cải cách giáo dục (gồm 22 giáo sư tham gia), và các tài liệu xung quanh bản kiến nghị, năm 2004: http://www.ncst.ac.vn/HVGD/ (Một số kiến nghị trong bản kiến nghị này, ví dụ như việc thành lập mới một trường đại học hang đầu, đang được Việt Nam thực hiện)

9. « Chi tiêu cho giáo dục: những con số giật mình », bài của Vũ Quang Việt (chuyên viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc), vietnamnet, 13/02/2006: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2006/02/540758/

10. « Cần chấm dứt tình trạng dạy thêm học thêm », bài của Trần Văn Thọ (GS kinh tế trường Waseda), Tiền Phong Online, 18/05/2005: http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=9725&ChannelID=71

11. Chỉ thị số 15/2000/CT - BGD&ĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm. Có thể xem ở: http://hanoi.vnn.vn/ttts/tintuc/index_detail.asp?matin=t2120546795&topic=M1

12. Nghệ An: Cấm dạy thêm, nhưng lại khen "học tăng"?, bài của Hoàng Ngọc Minh trên Tiền Phong Online, 07/11/2005: http://www.tienphongonlint.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=27767&ChannelID=71

13. Phú Yên: sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm, 26/09/2005: http://www.mientrung.com/conten/view/4272/50/

14. Dạy thêm học thêm, một vấn đề cần phải thống nhất nhận định, bài của Huỳnh Công Minh (hiện là giám đốc sở GD - ĐT TPHCM?), 05/2004 http://ier.hcmup.edu.vn/tintucsukien/dhocthoc/dthtmvdcptn.htm

15. Học thêm, dạy thêm "nóng lên" tại kỳ họp HĐND TPHCM, bài đăng trên vietnamnet, 11/01/2004: http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/tintuc/2004/01/44361

16. Ung bướu cần cắt bỏ, bài của nhà giáo Tràn Hữu Trù trên báo Lao Động, 31/10/2005: http://laodong.com.vn/pls/bld/display$.jtnoidung(39,142186)

17. Để dạy thêm, học thêm tràn lan: hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm: bài phỏng vấn ông Trân Bá Giao, Phó tránh thanh tra giáo dục, Báo tuổi trẻ, 11/12/2003, đăng lại trên edu.net.vn: http://www.edu.net.vn/Default.aspx?tabindex=0&tabid=2&mid=19&tid=71&iid=326

18. Học thêm, học đêm, tăng tiết, thi thử: HS căng thần kinh, báo Người Lao Động ngày 14/05/2003, đăng lại trên edu.net.vn: http://www.edu.net.vn/Default.aspx?tabindex=0&tabid=2&mid=19&tid=71&iid=320

19. Giáo dục: mỗi ngày một chuyện, bài của Lê Trường Tùng, 09/2004, aptech.edu.vn: http://www.aptech.edu.vn/chitiet.php?id=60

20. Diễn đàn: "Chuyện dạy thêm học thêm" ở edu.net.vn http://www.diendan.edu.net.vn/forums/208/ShowForum.aspx



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1125

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn