Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Vài suy nghĩ về đại học Việt Nam trước một cuộc chuyển đổi cần thiết nhưng đầy yêu cầu trái ngược nhau
25/07/2007

Bùi Mộng Hùng (Giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu quốc gia y khoa Pháp (INSERM)
Nền đại học nước ta đã và đang cải tổ. Từ giáo dục đào tạo theo một quan niệm kinh tế - xã hội kế hoạch hoá chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu tri thức và đào tạo của một xã hội mở rộng giao lưu, chấp nhận những qui luật sắt thép của kinh tế thị trường, đào thải không chút nhân nhượng mọi cá nhân, mọi xã hội không biết thích ứng kịp thời.


Trong một thời gian dài hệ đại học Việt Nam được xây dựng để làm nhiệm vụ sản xuất chuyên gia theo yêu cầu của kế hoạch nhà nước. Đại học tách rời với nghiên cứu. Và cũng tách rời với xã hội, vì yêu cầu đào tạo là của kế hoạch nhà nước đưa ra chớ không phải từ nhu cầu thực tế của xã hội mà tới.
Theo số liệu điều tra liên ngành Lao động - Thương binh xã hội và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố thì riêng trong năm 1993, tại Thành phố Hồ Chí Minh có đến 7830 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ ra trường không có việc làm. Qua khảo sát thực tế, 20% trí thức trẻ có trình độ khá giỏi, 20% học những ngành ít có nhu cầu tuyển dụng trong đó có địa chất, vật lý nguyên tử... còn 60% tuy được đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của xã hội nhưng chưa theo kịp một số đòi hỏi về ngoại ngữ, nghiệp vụ tin học v.v.... Và điều quan trọng hơn là " chưa được sự tín nhiệm... về tác phong, bản lĩnh, kinh nghiệm phù hợp với nền kinh tế thị trường " .
" Tác phong ", " bản lĩnh " mà thị trường lao động hiện đại đòi hỏi là gì ?
Đó là khả năng sáng tạo và thích nghi mau chóng. Thời đại này gần như cầm chắc là người có trình độ đại học phải đổi nghề nhiều lần trong đời lao động của mình. Kỹ thuật thì chỉ trong vòng vài năm đã trở thành lạc hậu, các doanh nghiệp đòi hỏi nhân viên phải luôn luôn bén nhọn trong nghiệp vụ.
Lời phàn nàn nơi cửa miệng các chủ doanh nghiệp Pháp " Đào tạo chuyên môn quá đi, mà lại thiếu thích ứng với công việc của riêng 1ĩnh vực ngành của chúng tôi " nghe qua có thể bật cười nhưng rất sát với thực tế nước Pháp những năm 70. Vì thế mà Pháp đã phải cải tổ sâu rộng đại học của mình suốt nhiều năm trường, từ những năm đầu thập kỷ 80 với đạo luật Alain Savary.
Lời trách cứ xưa của giới doanh nhân Pháp về đại học của họ dường vẫn có ý nghĩa đối với lối đào tạo của ta.

Chức năng của đại học

Đào tạo đại học là một yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Một thời gian dài, tổ chức hợp lý hoá lao động theo phương pháp Taylor lấy máy móc làm yếu tố quyết định. Ngược lại, ngày nay với kỹ thuật hiện đại, chất lượng con người đứng hàng đầu trong các nguyên tố tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo hiệu năng cho toàn bộ nền kinh tế.
Truyền đạt và mở mang tri thức, đào tạo nghề nghiệp, hai chức năng này của đại học tiềm tàng mầm mâu thuẫn với nhau.
Vào cái thời buổi mà kỹ thuật năm trước là hiện đại nhất, năm sau đã có thể lạc hậu mất rồi, thì lý tưởng là đào tạo ra những con người có thể thích nghi với sự kiện mới : đó là người có kiến thức căn bản tổng quát vững chãi và biết sử dụng chúng với phương pháp suy luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề, những tình huống mới lạ. Muốn được vậy cần để thời gian trau dồi tri thức căn bản tổng quát.
Tuy nhiên, xu hướng thực dụng với yêu cầu đào tạo ngắn ngày, chỉ tú tài + 2 hoặc 3 năm đại học là đủ, rất bức xúc và cũng vô cùng cần thiết cho xã hội ta ngày nay. Nguy cơ thấy trước là chỉ sau ít năm lao động những kỹ thuật viên này sẽ bị vất bỏ như " vật phế thải ". Sự việc này có thể trở thành vấn đề xã hội, nếu thiếu những " cầu nối ", thiếu cơ chế để cập nhật hoá kiến thức và kỹ thuật, ngay tại doanh nghiệp hoặc tại trường đại học.
Xu hướng thực dụng đòi hỏi hiệu quả ngay trước mắt là một yêu cầu không thể tránh né. Nhưng đại học cũng phải là nơi hun đúc trí tuệ của dân tộc, tìm hiểu vốn tri thức của bản thân mình và của loài người trên thế giới, thẩm định và sáng tạo nên kiến thức kỹ năng đáp ứng với ngày nay và tạo ra giá trị, kiến thức, kỹ thuật mới cho ngày mai. Đó là chức năng văn hoá của đại học.
Tìm hiểu, sáng tạo là mò mẫm để mở rộng thêm lĩnh vực hiểu biết về thiên nhiên, về con người. Đòi hỏi hiệu năng thực dụng thiển cận có thể bóp nghẹt mọi tìm tòi, ngăn chặn không cho kiến thức đi vào những vùng đất chưa ai đặt chân tới.
Chính vì thế mà nếu đại học thiếu không gian tự do, thiếu phương tiện để thẩm định, nghiên cứu thì mất đi khả năng tri thức để dân tộc đáp ứng với một ngày mai còn chưa rõ nét, trong giai đoạn thế giới đang lâm vào tình trạng đột biến này ai là kẻ dám đoan chắc rằng tình huống bất ngờ sẽ không xảy ra ! Nhưng nhiệm vụ của đại học chính là sản sinh tri thúc, đào tạo con người thích ứng với một ngày mai mà chưa ai biết được là sẽ ra sao. Vì thế mà đại học phải là nơi trân trọng nâng niu ý lạ, mầm mới.
Cả vấn đề là quân bình cách nào cho nhu cầu thực dụng không làm thui chột mất mầm mống của tương lai.
Nước càng nghèo vấn đề lại càng đặt ra gay gắt.

Mạng lưới đại học
Viện đại học và trường cao đẳng



Ta đã có những bước cải tạo cấu trúc cho đại học Việt Nam có điều kiện hoà nhập với những nền đại học đã từ mấy thế kỷ nay là lò hun đúc tri thức, đào tạo con người sáng tạo ra môi trường kinh tế thị trường thế giới ngày nay. Trong hướng đó, thành lập các viện đại học quốc gia đa ngành đúng là một bước đi cần thiết.
Yêu cầu đào tạo rất lớn. Con số thực tế đòi hỏi cao : riêng Thành phố Hồ Chí Minh tính toán là đến 1995 cần 15 000 lao động tốt nghiệp đại học trong đó một phần ba là kỹ sư.
Mạng lưới đại học ta chủ trương xây dựng gồm hai viện đại học đa ngành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Con Minh. Và các đại học khu vực cho Huế, Đà Nẵng và Thái Nguyên. Bên cạnh có các trường đại học chuyên ngành để đào tạo nhân lực về công nghệ (Về hiện trạng đại học Việt nam, Vụ đại học, Diễn Đàn số 26, 1.1.94, đoạn I.2). Trước mắt, Đại học quốc gia Hà Nội không có các ngành kỹ thuật công nghệ. (Tư liệu đ. d. I.3).
Cấu trúc đó e tiềm tàng mầm mống không lợi cho chất lượng đào tạo và yêu cầu phát triển kinh tế :
Nhịp độ phát triển kinh tế của Việt Nam cao, yêu cầu nhân lực công nghệ lớn. Thiếu kỹ sư có trình độ tú tài + năm năm đại học, kinh tế của ta sẽ èo uột, kém sức sáng tạo, thiếu khả năng cạnh tranh.
Trước mắt ta chỉ có thể xây dựng vài ba viện đại học. Nếu các trường cao đẳng chỉ đào tạo kỹ thuật viên trình độ tú tài + hai hay ba năm, mà các viện đại học hoặc không trực tiếp tham gia đào tạo cho công nghệ, hoặc đào tạo tới cấp cử nhân theo chủ trương là tú tài + bốn đến sáu năm rưỡi mà chỉ có khả năng "cơ bản theo diện rộng " (tư liệu đ. d. II.2) thì e rằng không đáp ứng được nhu cầu kỹ sư của công nghiệp.
Nếu các trường cao đẳng, sau chứng chỉ đại học đại cương (2 năm sau tú tài), đào tạo thêm 3 năm ra kỹ sư đáp ứng được đòi hỏi thiết thực của công nghiệp thì cái thế giằng co giữa đại học và trường cao đẳng (grandes écoles) – mà Pháp đã phải có biện pháp để sửa đổi – có thể xảy ra ở nước ta : sinh viên học trường đại học kém giá, số năm học tương đương hoặc dài hơn mà lương thấp hơn và không được chuộng như sinh viên cao đẳng. Hậu quả sẽ là trường đại học tiêu điều vì chẳng mấy ai muốn theo học trong khi các trường cao đẳng lại không đào tạo ra đủ số kỹ sư mà xã hội cần.
Phương tiện ta không nhiều, muốn cho đại học đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và công nghệ thì quy trình tú tài + năm hoặc sáu năm đại học cần đào tạo những khả năng đúng theo yêu cầu nghiệp vụ kỹ sư của công nghiệp.
Để cho mạng lưới đại học thực hiện được nhiệm vụ của nó và giữ được quân bằng giữa viện đại học và trường cao đằng cần có một bộ trách nhiệm điều phối. Thực ra hệ thống giáo dục đào tạo – tiểu học, trung học và đại học – là một tổng thể cần phải linh động thích nghi với mọi biến chuyển kinh tế, xã hội. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá trước đây việc mỗi bộ chủ quản trách nhiệm các trường thuộc ngành của mình có lý của nó. Bước vào kinh tế thị trường, vấn đề cần xét lại để cho bộ giáo dục đủ điều kiện đóng vai trò điều phối cần thiết.

Gắn bó các ngành các khoa với nhau



Tập trung người và phương tiện lại để xây dựng các viện đại học quốc gia đa ngành, các đại học khu vực là điều kiện cần. Nhưng không đủ.
Còn phải chất men tạo nên tinh thần cộng tác cho các ngành các khoa gắn bó hữu cơ với nhau trong đào tạo và trong nghiên cứu. Cho có nếp sống đại học và mỗi viện đại học thành một thực thể thống nhất và sinh động.
Đại học quốc gia Hà Nội đang xây dựng. Vụ Đại học Bộ giáo dục và Đào tạo đã phải bi quan : " Trước mắt có lẽ đại học này (Đại học quốc gia Hà Nội) khó trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế. " (Tư liệu đ.d., I.3).
Những cải cách nền đại học Pháp từ những năm 70 phần nào giúp một số kinh nghiệm. Những năm ấy, đào tạo đại học Pháp không đáp ứng với yêu cầu sản xuất phát triển của xã hội như đã có nói ở đoạn trên. Nghiên cứu đại học tiêu điều.
Cải cách khi ấy đặt ra những cấp bằng đại học mới. Các quy trình đào tạo được ưa chuộng cho tới ngày nay là các bằng " có chủ đích " (licences et maitrises finalisées), liên ngành, có thời kỳ tập sự bắt buộc, liên hệ chặt chẽ với các xí nghiệp. Như các chứng chỉ MST (maitrises de sciences et techniques, cử nhân khoa học và kỹ thuật), MSG (maitrises de sciences et gestion, cử nhân khoa học và quản lý), MIAGE (maitrises de méthodes informatiques appliquées à la gestion, cử nhân phương pháp tin học áp dụng cho quản lý)... Chính yêu cầu liên ngành là một yếu tố gắn bó các ngành các khoa cùng một trường với nhau ; khoa học cơ bản, kinh tế, điện tử, tin học, sinh học, y khoa cộng tác mật thiết với nhau trong giáo trình 2 năm dạy cho sinh viên đã tốt nghiệp 2 năm đại học đại cương (tú tài + 2) thi lấy chứng chỉ MST. Còn khía cạnh đại học gắn liền với xí nghiệp xin được đề cập ở một đoạn sau. Về nghiên cứu đại học, bộ giáo dục Pháp có chính sách dài hạn khuyến khích mỗi trường đại học phải quan niệm và tổ chức hoạt động nghiên cứu của mình dưới một góc độ tập thể chớ không chỉ có một vài nhóm nho nhỏ, mỗi nhóm biệt lập trong đề tài nghiên cứu của riêng mình.
Đó là một chính sách hợp đồng. Ngân sách hợp đồng tăng mạnh trong nhiều năm, năm 1989 là 1 tỷ frăng, năm 1992 là 1,6 tỷ. Vụ nghiên cứu và đào tạo cao học (DRED, Direction de la Recherche et des Etudes Doctorales) của bộ giáo dục ký hợp đồng nghiên cứu thời hạn là 4 năm với các trường đại học. Mỗi lần ký hợp đồng là dịp để mỗi trường xác định lại bản sắc của mình, ước lượng khả năng nhân sự và trang thiết bị và từ đó thiết lập một chính sách khoa học cụ thể cho toàn trường.
Giá trị khoa học các tổ chức nghiên cứu trong nước do Uỷ ban quốc gia nghiên cứu khoa học đánh giá. Thành viên ủy ban do các nhà nghiên cứu và giảng dạy bầu ra, với sự tham gia của các " nhà giám định " độc lập, các chuyên viên ngoài đại học kể cả người nước ngoài. Hợp đồng ký với các trường dựa trên sự đánh giá này.

Khớp nối đại học với các viện nghiên cứu



Viện nghiên cứu và trường đại học phải gắn liền với nhau, yêu cầu đó lại càng cấp thiết trong điều kiện nước nghèo. Nhưng hiện nay các đơn vị nghiên cứu " chưa muốn sáp nhập với các viện đại học " (tư liệu đ. d. I.3). Sáp nhập theo biện pháp thuần tuý hành chánh là một cuộc phiêu lưu, có thể lũng đoạn hoạt động cả viện nghiên cứu lẫn viện đại học, nếu không có chính sách được thảo luận và chuẩn bị kỹ càng để cho viện và trường đại học liên hệ hữu cơ với nhau trong nghiên cứu và đào tạo.
Chính sách nên dựa trên những nguyên tắc: nghiên cứu và giảng dạy có nhiều điểm khác biệt nhau, nhưng người giảng dạy đại học là nhà giảng dạy - nghiên cứu, thời gian tối thiểu 30% dùng vào nghiên cứu là một yếu tố nâng cao chất lượng giảng dạy. Người công tác ở viện làm nghiên cứu là chính, nhưng cũng để thời gian tham gia giảng dạy đào tạo sinh viên, đặc biệt cấp cao học. Ở cấp này, kiến thức, chương trình, phương tiện, thiết bị của các nhà nghiên cứu các viện là vốn liếng quý để đào tạo sinh viên qua nghiên cứu. Ngược lại, sinh viên đem lại cái nhìn của tuổi trẻ, gợi ý lạ cho nhà nghiên cứu và đồng thời được hướng dẫn học hỏi phương pháp và suy luận qua thực hành nghiên cứu. Dĩ nhiên, nhà nghiên cứu được nhận thù lao về những giờ giảng dạy. Và các phòng thí nghiệm nhận đào tạo sinh viên học tập nghiên cứu được phụ cấp bù đắp những tốn kém trong việc tiếp nhận sinh viên.
Chính sách cũng nhắm thể hiện cấu trúc nghiên cứu đáp ứng được đòi hỏi của các xu hướng nặng hiện đại :
– mỗi ngày công việc nghiên cứu mỗi thêm phức tạp do yêu cầu hiệp đồng thực nghiệm và lý thuyết, phối hợp những môn thoạt mới nhìn vào dường như ít liên quan đến nhau, do sự cần thiết sử dụng ngày càng nhiều kỹ thuật công nghệ, do xu hướng đa dạng hoá đề tài, đề ra khái niệm mới...
– Giá phải trả cho nghiên cứu ngày càng tăng do yêu cầu trang thiết bị tinh vi, do sự cần thiết áp dụng các thành tựu mới của tin học, do giá công tác tư liệu rất cao...
– Nhu cầu liên kết các đơn vị nghiên cứu nhiều quốc gia để giải quyết các vấn đề chung cho cả một khu vực địa cầu, cho toàn thể thế giới. Có trình độ và có tầm vóc quốc tế là điều kiện để hội nhập vào cộng đồng khoa học thế giới và thu nhận kinh phí cùng trang thiết bị từ nguồn tài trợ quốc tế.
Các yêu cầu đó thúc đẩy thành lập những "tập đoàn nghiên cứu" (groupements de recherche) đủ khả năng đề cập liên ngành các vấn đề phức tạp ngày nay, đủ tầm vóc để sử dụng tối ưu các trang thiết bị nặng, nhưng đủ linh hoạt để khi cần các đơn vị tách ra gia nhập tập đoàn khác.
Trong điều kiện ngân sách eo hẹp của ta, chuyển đổi cấu trúc nghiên cứu đại học và các viện cho thích ứng với các xu hướng nặng nói trên lại càng vô cùng cần thiết. Việc này có thể thực hiện qua một chính sách phân phối ngân sách nhằm khuyến khích : 1) sự hình thành các tập đoàn nghiên cứu phối hợp các viện và các trường đại học, 2) sự thể hiện các cấu trúc nghiên cứu khoa học đại học.
Điều kiện thiết yếu để chính sách đạt được mục tiêu là :
– Các " tập đoàn nghiên cứu" do các nhà khoa học ở các đại học, các viện tự nguyện liên kết với nhau.
– Giá trị khoa học, tính khả thi của các hợp đồng nghiên cứu là do một hội đồng quốc gia – gồm những nhà khoa học thực sự, được đồng nghiệp tín nhiệm – đánh giá và kiểm tra tiến trình thực hiện hàng năm. Tính chất vô tư và uy tín của hội đồng khoa học này sẽ được tăng thêm nếu có các "nhà giám định" nước ngoài tham gia.
– Trong hiện trạng các viện và các trường đại học của ta, không thể cải tổ nghiêm túc và có hiệu quả nếu không có biện pháp tinh giản biên chế kèm theo.

Gắn đào tạo, nghiên cứu với xã hội



Nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật chỉ thực sự làm được đòn bẩy cho phát triển xã hội một khi có những thể chế đặt mối quan hệ hữu hiệu giữa các nhà giáo dục đào tạo, những nhà khoa học với những người chủ chốt trong sinh hoạt xã hội, kinh tế. Muốn được thế cần có :
– thiết chế để cho các nhà khoa học, những người cầm quyền quyết định chính sách và các nhà công nghiệp, doanh nhân đối thoại với nhau. Có vậy mỗi giới mới hiểu và nắm được nguyện vọng, những bước đi, những yêu cầu và những ràng buộc riêng biệt của hai giới kia.
– thiết chế để phổ biến khoa học ứng dụng.
– các phương tiện thể chế hoá để cho ứng dụng khoa học kỹ thuật đi vào cụ thể ở các xí nghiệp.
Điều kiện, tập tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng để bớt trừu tượng xin xem ví dụ cụ thể trường hợp nước Pháp (trong khung).

Đào tạo đại học


Đại học, khác với trung học, chủ yếu đào tạo tinh thần phê phán, phương pháp suy luận để tự học, giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong ngành nghề riêng của mỗi người. Kiến thức thu thập trong thời gian học tập là phương tiện, không chóng thì chầy sẽ lỗi thời, nếu không luôn luôn tiếp thu cái mới.
Cách thức thi tuyển sinh, nếu quá chú trọng đến kiến thức ghi trong trí nhớ, có thể ưu tiên chọn mẫu người học " gạo " nhớ nhiều nhưng dù sao cũng không thể so với máy tính, và loại bỏ không xét đến các khả năng suy luận, sáng tạo. Mà chính đó mới là những tài năng mà máy tính điện tử không thể thay người được. Điểm nguy hiểm khi dùng công nghệ chấm thi tự động một cách thiếu suy xét cũng là nơi đó.
Đào tạo đại học không tìm cách đúc khuôn theo chuẩn. Mà tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển khả năng của mình. Có thế mới đáp ứng được yêu cầu muôn dạng của một xã hội tiên tiến. Đơn vị học trình là cách học tập thích hợp với từng người. Tuy nhiên, người sinh viên vào lứa tuổi 20 có thể biết mình ưa thích những gì, nhưng thiếu thông tin để nắm rõ yêu cầu cụ thể trong xã hội. Chính vì thế mà cần : l) một số quy trình có " chủ đích " như đã nói ở trên, 2) bộ phận hướng nghiệp hữu hiệu trong viện đại học.
Trong tinh thần này, thi tốt nghiệp không phải là một kỳ thi tuyển (concours) mà chỉ nhằm kiểm soát lại rằng người nhận cấp bằng đã nắm những điều tối thiểu cần phải biết.
Nghiên cứu là trường đào tạo phương pháp và tinh thần phê phán, suy luận, giải quyết vấn đề. Vì thế mà học tập nghiên cứu làm nảy nở tinh thần đại học, và lớp sinh viên ưu tú nhất cần được đào tạo " qua nghiên cứu và cho nghiên cứu " (formation par la recherche et pour la recherche).

Đào tạo giáo chức đại học


Ta vừa thiếu lại vừa thừa giáo chức đại học.
Thừa, vì số giáo chức tương đối cao so với số sinh viên. Tỷ số trung bình giáo chức/sinh viên là 1/6, nhưng thật ra tại những trường đại học lớn như Hà Nội con số đó là 1/2,5 và có những nơi là 1/1.
Thiếu, vì tỷ lệ giáo chức có bằng canđiđat hay cao hơn ở Đại học Hà Nội chỉ là 39%, trường Cao đẳng y khoa Huế tỷ số này là 1,8%. Và đa số (67%) những vị có cấp bằng cao học, canđiđat hay tiến sĩ khoa học đã quá lứa 50.
Vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ giáo chức càng phức tạp khi vào kinh tế thị trường, vì nguy cơ chảy máu chất xám rất cao. Một số, khi thành tài sẽ chọn lựa qua công nghiệp, chắc chắn lương bổng sẽ cao hơn. Một số khác sẽ ở lại nước ngoài, điều kiện làm việc thuận lợi hơn... Cần gắn bó người sinh viên với trường và nâng đỡ ngay từ khi còn làm luận án (Sinh viên Pháp tốt nghiệp cao học hạng khá – thường là khoảng một nửa tổng số – ghi tên làm luận án Liến sĩ được học bổng 7500 frăng/tháng, ai có ý định theo nghề giáo chức đại học được cho dạy tập sự và lĩnh thêm 2000 frăng). Và có chính sách ưu đãi khi đã vào hàng giáo chức. Ưu đãi đây có nghĩa là cho phương tiện làm việc và đồng lương không đến nỗi chết đói.
Trong hướng đó, quy trình công nhận chức danh giảng dạy đại học theo nguyên tắc " gắn liền với nhu cầu giảng dạy tại những trường cụ thể " như đang đặt ra ở Việt Nam gần với yêu cầu của thực tế. Trường không phong hàm mà tuyển lựa trong các nhà khoa học người có trình độ giảng dạy và nghiên cứu thích nghi nhất với môn dạy. Ngược lại nhà khoa học cũng có quyền chọn nơi nào thuận lợi nhất cho tiến triển nghề nghiệp của mình. Đó là một thoả thuận giữa đôi bên. Khi khuyết chân dạy, trường thông báo tuyển chọn cho giới khoa học trong và có thể cả ngoài nước. Hội đồng giáo chức của trường chọn lấy một trong số những người dự tuyển.
Ngân sách nước ta dành cho giáo dục đại học thật hạn hẹp khi nhìn vào con số tuyệt đối 85 triệu US$ năm 1993. Và phần lớn dùng để trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, tương đối đã chiếm hết 15% tổng số ngân sách giáo dục trong khi trung học chỉ nhận được 8%. Mặc dù trung học quan trọng không kém cho phát triển xã hội và kinh tế. Cho là ngân sách giáo dục có tăng thêm, thì cũng phải dành cho trung học phần xứng đáng với tầm quan trọng của nó. Tinh giản hàng ngũ nhân viên trường đại học và viện nghiên cứu là vấn đề gay gắt. Có thể hiểu được thái độ "Nhà nước cũng chưa có phương thức tuyển chọn lại giáo chức vì lo tình hình mất ổn định " (tư liệu đ.d. III 3). Nhưng để càng lâu bệnh càng trầm kha, trong điều kiện đó mọi giải pháp nâng cấp đại học và nghiên cứu khó mà đạt được kết quả. Vần đề rất lớn. Không thể giải quyết một ngày một buổi, mà cần có kế hoạch đào tạo, tài trợ cho nhân viên các trường, các viện chuyển qua việc khác, thành lập xí nghiệp hay đi làm cho xí nghiệp tư doanh hoặc đi dạy trung học.

Huy động tài chính


Cơ chế để bắt buộc đóng góp, như thuế chẳng hạn, là con dao hai lưỡi. Khi cơ chế thị trường đi vào nề nếp thì giới hạn lãi các doanh nghiệp rất thấp, điều này lại càng đúng cho xí nghiệp loại nhỏ và vừa. Tăng sắc thuế là bót nghẹt, thậm chí giết chết xí nghiệp. Nếu dùng người có cấp bằng đại học mà bị buộc phải trả một phần chi phí cho trường đào tạo (tư liệu đ.d. III.3) thì doanh nghiệp sẽ tìm cách tránh né, dùng người có cấp bằng thấp hơn rồi đào tạo nâng trình độ ngay trong cơ sở chẳng hạn. Các nước tư bản thường làm trái ngược với loại chủ trương nói trên. Họ có 1) biện pháp giúp đỡ các xí nghiệp đào tạo nhân viên lên trình độ tiến sĩ, ở Pháp đó là các thoả ước CIFRE và CORTECH đã nói tới ở đoạn trong khung, 2) biện pháp giảm thuế cho những xí nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo để khuyến khích nền công nghiệp sáng tạo, tăng năng suất. Pháp chẳng hạn, từ 1983 có chính sách bớt thuế cho các xí nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và triển khai (crédit d'impôt recherche). Năm 1983, khoản này giảm cho các xí nghiệp 400 triệu frăng thuế, đến 1992 tổng số giảm thuế cho nghiên cứu là 4 tỷ. Nhờ đó suốt trong 10 năm liền, các xí nghiệp tăng đầu tư vào nghiên cứu đều đều, trung bình 5% mỗi năm. Và, nếu khi khởi đầu chính sách chỉ có 1300 xí nghiệp làm nghiên cứu thì 10 năm sau con số đó lên 9000. Cách làm đó cũng tăng nguồn hợp đồng nghiên cứu giữa các xí nghiệp và các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu.
Rất hiếm thấy trường và viện nghiên cứu Việt Nam tìm kinh phí, thiết bị và đào tạo nhân viên của mình qua con đường hợp đồng nghiên cứu quốc tế. Cho đến những mạng lưới nghiên cứu Bắc - Nam (réseau Nord - Sud) liên kết nước phát triển với nước đang phát triển cũng vắng bóng các nhà khoa học Việt Nam. Mặc dù đó là con đường cộng tác bình thường trong giới khoa học trên thế giới. Và các cơ sở nghiên cứu lớn đều có ngân sách dành cho loại hợp đồng này.
Cải tổ đại học nước ta cho phù hợp với hướng đổi mới, là một vấn đề vô vàn khó khăn. Đầy chông gai, từ trong tư duy cho đến khi đi vào cụ thể. Lại chất chứa mầm mống xáo trộn đời sống những con người liên hệ mật thiết nhất với nền đại học, từ người giảng dạy nghiên cứu cho đến sinh viên các trường....
Việt Nam phải thực hiện thay đổi cấu trúc và chức năng đại học trong điều kiện phương tiện vật chất và tài chính quá ư là eo hẹp. Và phải tiến hành song song cùng lúc với những đầu tư khác cho xã hội, cũng vô cùng bức xúc, vô cùng thiết yếu.
Tuy nhiên, những thay đổi hôm nay sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, đến tương lai của dân tộc. Tiếc rằng tuy vấn đề có mở rộng đến người Việt sống ở nước ngoài, nhưng vẫn chỉ là một cuộc thảo luận thu hẹp trong giới chuyên môn. Người công dân bình thường chưa được thông tin rạch ròi đến gốc ngọn của vấn đề, về những mâu thuẫn và khó khăn lựa chọn giải pháp, về tầm quan trọng của cuộc cải tổ. Mà vấn đề thì lại liên quan đến mọi công dân.





URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1152

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn