Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Những thách thức cho nền giáo dục quốc gia
26/07/2007

Có nên chăng mỗi độ đầu niên học lại đem vấn đề giáo dục ra mà bàn đi bàn lại, như cho có lệ ?
Nên quá đi chứ ! Vì nhắc bao nhiêu cho đủ rằng giáo dục và phát triển quấn quít vào nhau như hình với bóng. Rằng vào những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI này, đối với Việt Nam không vấn đề nào thiết yếu cho bằng vấn đề giáo dục. Vì nó là gốc là rễ mọi vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị. Nếu phải cấp bách hiện đại hoá, thể chế nào ở nước ta hiện nay chẳng đang cần, nhưng cấp bách hàng đầu chính là nền giáo dục.


I. Giáo dục và phát triển
I.1.

Vì nói phát triển mà chỉ nghĩ duy nhất đến phát triển kinh tế là quên mất con người, đưa đến phát triển vô nhân đạo.
Chương trình Liên hiệp quốc cho phát triển (PNUD) ngày 9.09.1998 vừa qua công bố kết quả cuộc điều tra dùng chỉ số phát triển con người, ngoài tổng sản lượng trong nước / đầu người (GDP / đầu người) còn gồm thêm chỉ số về giáo dục và về sức khoẻ người dân. Quốc gia có GDP / đầu người cao nhất thế giới (31 165 đô la) là vương quốc Brunei thụt ngay xuống hàng thứ 35. Đứng đầu trong số 174 nước được điều tra là Canada, GDP / đầu người chỉ vào hạng thứ 12, thứ nhì là Pháp. Hoa Kỳ, giàu có nhất trong các quốc gia công nghiệp phát triển đứng hàng thứ 4.
Cũng theo báo cáo nói trên chỉ có 98 trong số 174 quốc gia đã " thành công trong công cuộc chuyển sung túc kinh tế ra tiềm năng con người ".
Xét theo tiêu chuẩn phát triển con người ấy thì Việt Nam ta đứng hàng thứ 122. Sau nhiều nước cùng khu vực, dĩ nhiên sau Nhật, quốc gia hàng thứ 8 trên thế giới, và cũng sau Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai, Thái Lan, Trung Quốc, Philipin, Bắc Triều Tiên. Trước Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Myanmar, Lào, Cao Miên.

I.2.


Nên nhắc đi nhắc lại, vì nói bao nhiêu cho đủ rằng trong các yếu tố đưa dân tộc, đất nước ra khỏi nghèo hèn lạc hậu, giáo dục là yếu tố hàng đầu.
Hiển nhiên là sự trù phú của một quốc gia tuỳ thuộc vào hệ thống sản xuất và kinh tế hữu hiệu, vào sự khéo léo lèo lái kinh tế vĩ mô. Nhưng xét cho cùng, nguồn căn của kinh tế hùng mạnh, của kỹ thuật tiên tiến, của chính sách nhạy bén phải tìm nơi đâu, nếu không trước hết nơi giáo dục và văn hoá ?
Trong thế giới ngày nay phức tạp không dễ gì hiểu nổi, trước sự cạnh tranh dữ dội và khốc liệt trên mức độ toàn cầu, cái phân hơn kém giữa người này với người kia, giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, giữa các quốc gia với nhau chính là khả năng hiểu biết, khả năng học hỏi không ngừng và khả năng sáng tạo.

I. 3.


Nên nhắc mãi, vì nói bao nhiêu cho đủ rằng phương thức phát triển hiện nay làm xã hội rạn nứt thành vết thương sâu, rộng, nhức nhối, ngay trong các quốc gia giàu có nhất.
Cuộc điều tra của tổ chức PNUD cho thấy trong 12 quốc gia công nghiệp phát triển ở Âu và Mỹ châu, thành viên của Tổ chức cộng tác cho phát triển kinh tế (OCDE), có đến 18 % người trưởng thành không đáp ứng được yêu cầu biết đọc sơ đẳng của một xã hội hiện đại. Nói chung gần một phần ba dân số (29 %) không đủ kiến thức để theo học nổi các khoá đào tạo lao động có tay nghề. Một phần ba dân số. Đó cũng là tỷ số những người tiếng là sống trong xã hội trù phú đến thừa mứa, nhưng trong thực tế là bị loại ra ngoài vòng sung túc chung của xã hội.
Cái hố cách biệt ấy chất chứa bạo lực và là những quả bom nổ chậm, bùng ra bạo động đốt phá lúc nào không hay. Như ta thấy tại một số thành phố Hoa Kỳ và Âu châu.
Cái hố xé hai xã hội trong nước chậm tiến lại càng sâu rộng nhức nhối hơn. Vì nó ngăn cách một thiểu số người có mức sống chẳng khác gì trong một xã hội tiên tiến, thiểu số độ mươi phần trăm, với tuyệt đại đa số nhân dân mỗi người không có được 1 đô la một ngày để sinh sống. Báo cáo của PNUD ước lượng trên thế giới hơn một tỷ người không có phương tiện thoả mãn nhu cầu tiêu thụ căn bản. Đó là cái hố thứ hai, nó ngăn cách xã hội chậm tiến với xã hội công nghiệp phát triển và cũng là những quả bom chất chứa bạo lực.
Hai hố sâu ngăn cách trong mỗi xã hội và giữa các xã hội với nhau là mầm mống của nhiều vấn đề nan giải đang đặt ra cho loài người. Vấn đề di dân hàng loạt. Trong mỗi xã hội, tại Việt Nam hiện nay hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đang không biết phải làm gì với 150 000 người bỏ nông thôn xóm làng kéo nhau lên đô thị kiếm sống ; trên toàn cầu, các nước giàu tha hồ dựng hàng rào luật lệ, hàng rào cảnh sát nhưng nào có chặn đứng nổi những lớp di dân từ các khu vực nghèo khó lén lút tràn tới. Và bên cạnh vấn đề di dân còn cuồng tín cực đoan ta đang thấy ở một số xã hội trên khắp các lục địa.
Giáo dục chính là một yếu tố giảm hố ngăn cách giữa người và người, và vì thế là yếu tố ổn định xã hội.

II. Chính sách giáo dục


Dù cho ai nấy đều đinh ninh trong lòng rằng giáo dục là thiết yếu cho Việt Nam ta, thì vẫn còn nguyên đấy vấn đề chính sách giáo dục. Với hai câu hỏi lớn : dạy cho những ai, để thành người như thế nào ?
Tổ chức PNUD đề xuất một chỉ số nghèo nàn về con người trong các xã hội giàu có, gồm số thu nhập không đủ sống, tuổi thọ trung bình không đến 60, không biết đọc biết viết và thất nghiệp kéo dài quá 12 tháng.
Xét theo chỉ số ấy thì quốc gia thuộc tổ chức OCDE có GDP / đầu người cao nhất là Hoa Kỳ có chỉ số nghèo nàn về con người lớn hơn mọi nước công nghiệp khác : mặc dù đang ở trong một giai đoạn kinh tế sung túc, tỷ suất thất nghiệp ở mức thấp ít khi thấy, Hoa Kỳ có đến 16,5 % dân số thuộc hạng nghèo, một phần năm dân số không biết đọc biết viết và 13 % có tuổi thọ trung bình không tới 60 tuổi. Trong khi Thuỵ Điển, về GDP / đầu người đứng hàng thứ 12, tỷ suất người nghèo lại thấp nhất trong các nước giàu có, 7 % dân số.
Sự kiện không khỏi có liên quan đến chính sách giáo dục ; và, ta không lấy làm lạ thấy chính sách giáo dục là một trong những mối bận tâm lớn của tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton cũng như của dư luận quần chúng Mỹ.
Nhưng cần phải nói ngay rằng vấn đề giáo dục của Hoa Kỳ chẳng có gì tương đương với các vấn đề đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam. Hoa Kỳ có nền đại học chói lọi hàng đầu trên thế giới, một phần lớn những cái cần sửa đổi là ở các cấp trung và tiểu học. Và, có thế nào đi nữa, Hoa Kỳ vẫn thừa sức thu hút các bộ óc tài hoa khắp mọi nơi trên thế giới về phục vụ cho mình.
Việt Nam thì chỉ có thể dựa vào những bộ óc, những bàn tay mình đào tạo ra là chính. Vì thế mà để cho thanh thiếu niên cùng người đã trưởng thành thiếu phương tiện không đến được với các nguồn tri thức, để cho khả năng tiềm tàng trong mỗi người không được nảy nở là một phí phạm tai hại. Cũng vì thế mà hơn ai hết, đầu tư cho giáo dục đối với ta là đầu tư có hiệu năng nhất, cho trước mắt và cho lâu dài.
Nhìn với góc độ này thì đương nhiên phải nhận định rằng căn bản chính sách là giáo dục phải đến tất cả mọi người, là giáo dục cho đại chúng.
Trong thực tiễn thì chế độ cưỡng bách giáo dục cho đến 12 tuổi cũng đã được ban hành ở nước ta. Đó chỉ là một điều hợp tình và hợp lý. Hợp tình vì bao nhiêu người trong mấy thế hệ liền liều mình hy sinh xương máu nào phải để tạo điều kiện cho một số người ưu đãi được riêng đặc quyền học vấn. Hợp lý vì phù hợp với lợi ích dài lâu cho dân tộc, người có trình độ giáo dục càng đông bao nhiêu là sức sống của dân tộc được mạnh thêm lên, hố ngăn cách trong xã hội thu nhỏ lại bấy nhiêu.

II.1. Giáo dục cho đại chúng


Tuy nhiên, giáo dục dành cho đại chúng là cả một vấn đề.
Xã hội công dân và chính quyền Pháp nhận định từ lâu nay giáo dục đại chúng là yếu tố giúp cho tình trạng xã hội đang rách làm hai giảm nhẹ đi, giữ được sức cạnh tranh sắc bén trong cái thế giới không nhân nhượng này. Và đã thể hiện ra trong ý chí chính trị, trong luật pháp, trong ngân sách, trong việc làm cụ thể.
Chính sách cưỡng bách giáo dục cho đến 16 tuổi đã được đặt từ lâu nay. Trong thập kỷ 80 khẩu hiệu 80 % thanh niên trong một lứa tuổi phải đạt trình độ tú tài được ghi thành chỉ tiêu trong đạo luật hướng dẫn Jospin năm 1989.
Và, kể từ 1990 giáo dục trở thành khoản quan trọng nhất trong ngân sách nhà nước Pháp. Dù là phái tả hay phái hữu lên cầm quyền, dưới chính phủ nào ngân sách giáo dục cũng tăng đều, trừ năm 1997 bị thủ tướng Alain Juppé hãm thắng lại. Trong vòng tám năm ngân sách giáo dục tăng 50 % ; 199,9 tỷ frăng năm 1990 lên 297,7 tỷ (khoảng 54 tỷ đô la) hiện nay. Tính chung, nhà nước chi mỗi năm 38 700 frăng (khoảng 7 000 đôla) cho một đầu học sinh trung học cơ sở, 44 200 frăng cho một học sinh trung học phổ thông, (tốn kém hơn vì tính cả chi phí cho trung học dạy nghề là 58 800 frăng một đầu học sinh), 35 500 frăng cho một sinh viên đại học.
Với chính sách ấy, tỷ suất thanh niên cùng lứa tuổi đậu bằng tú tài từ 43 % năm 1990 lên 60 % năm 1997 (481 000 người). Hơn ba mươi năm về trước, năm 1960 số người đỗ tú tài chỉ là 60 000.
Nền giáo dục Pháp đang thành công trong cuộc mở rộng cho đại chúng, và tiếp tục thành công trong đào tạo nên một lớp người ưu tú. Tuy nhiên vấn đề tồn tại còn đầy rẫy.
Trên nửa triệu học sinh trung học cấp II kéo nhau xuống đường biểu tình khắp nước Pháp trong tháng 10 tháng 11 vừa qua chính vì những vấp váp đang gặp tại các trường trung học. Và, trong nhận định của những người có trách nhiệm, không khỏi cảm thấy vị đắng cay của thất bại. Thất bại vì còn xa mới đạt mục tiêu giáo dục cho toàn thể nhân dân Pháp, không một ai bị loại trừ, không có kẻ bị bỏ rơi.
Hiện nay trong các trẻ em Pháp học xong chương trình tiểu học thì cứ bảy em có một em chưa đọc được trôi chảy. Và trong con số 725 000 thanh thiếu niên cùng lứa tuổi ra trường mỗi năm, có đến 65 000 không đậu nổi một bằng cấp nào.
Đa số " học sinh tồi " này là những trẻ em bị thiệt thòi vì sinh vào nơi thấp kém trong xã hội, cha mẹ nghèo túng, thiếu học, hay thiệt thòi trong tình cảm vì sinh gặp gia đình phân tán cha mẹ chia lìa. Những thiệt thòi về xã hội, về tình cảm này ảnh hưởng đến sức học ngay từ lớp hai trong tiểu học, và những thua thiệt trong học tập từ trong trứng nước này không ngừng chồng chất thêm lên cho đến ngày thôi học, không sao bắt lại nổi.
Học sinh ưu tú được tuyển vào các trường danh tiếng hầu hết là con nhà khá giả có văn hoá cao. Trái lại, thanh niên thuộc tầng lớp xã hội thấp kém, sống ở ngoại ô nghèo thì – trừ vài trường hợp tài hoa ngoại lệ và hiếm hoi như được ban phép lạ – kể như không có cơ nương vào trường học mà vượt khỏi cái thiệt thòi từ khi mới sinh ra của mình .
Nếu gọi là thất bại thì nền giáo dục Pháp thất bại chính ở chỗ này.
Điểm thất bại tương đối ấy buộc phải quan tâm đến những vấn đề đặc trưng của nền giáo dục mở ra cho đại chúng. Trước hết là không thể chỉ chăm sóc cho thiểu số học trò " giỏi " – giỏi vì rập theo được khuôn tiêu chuẩn chọn lựa – mà phải có điều kiện để người dạy theo dõi được từng trường hợp cá nhân học sinh.
Vì vậy mà tinh thần dạy, cách dạy, cách tổ chức, phân bố thầy và học trò trong giáo dục cho đại chúng có những yêu cầu riêng : phân ra nhóm nhỏ học sinh cùng trình độ trong một môn học để hướng dẫn theo nhu cầu và nhịp độ thu nhận kiến thức riêng của các em ; có người đỡ đầu, là những giáo viên trong trường, học sinh lớp lớn hơn, hoặc cha mẹ học sinh tự nguyện theo dõi và giúp đỡ trong học tập ; có dự án giáo dục với sự phối hợp của các thầy dạy các môn học khác nhau ; có liên hệ trao đổi ý kiến giữa cha mẹ học sinh và thầy giáo, có ước lượng sức học và tiến trình của học sinh một cách chính xác, sâu sắc hơn là chấm điểm theo thói quen từ xưa tới nay...
Cách thức phân bố thầy dạy, cách thức tổ chức dạy dỗ đòi hỏi những điều kiện vật chất, nhân sự, tinh thần có khác với thời số học sinh không nhiều. Ta hiểu tại sao học sinh Pháp xuống đường vừa rồi yêu sách thêm trường ốc, thêm thày dạy, xét lại chương trình học.
Và giáo dục Pháp không ngừng cải cách là nhằm tới một nền giáo dục thực sự dân chủ hơn, đào tạo ra những con người thích ứng hơn nữa với những đòi hỏi của cái thế giới đang biến chuyển nhanh đến chóng mặt hiện nay.
Còn giáo dục ở Việt Nam ? Nước nghèo, đầu tư phải vừa với tầm sức kinh tế của mình. Chính vì thế lại cần hơn nơi nào hết một chính sách giáo dục đúng đắn và dài hơi.
Nếu giáo dục ở Pháp đã là vấn đề bù đầu cho những người có trách nhiệm thì ở Việt Nam khó khăn còn gấp bội.
Riêng cấu trúc dân số đủ làm cho vấn đề vốn đã nặng nề lại thêm nặng cho ta. Việt Nam nhan nhản đâu cũng thấy trẻ con, thanh thiếu niên. Một phần lớn dân số còn dưới 15 tuổi.
Pháp không phải giải bài toán khó khăn này. Trong vòng tám chín năm nay, sĩ số ở Pháp không tăng, ở trung học cứ ổn định ở khoảng 5 523 000 người. Số giáo viên lại nhiều hơn lên và nhìn chung trong trung học tỷ lệ là có khoảng 1 thầy cho 10 học sinh. Thế mà vẫn còn vấn đề !
Ở nước ta năm học này có tất cả 23 triệu học sinh và sinh viên nhập trường. Trong đó mẫu giáo 2,9 triệu thiếu nhi, tiểu học 10,56 triệu học sinh, tăng 1,3 % so với năm trước ; trung học cơ sở 5,36 triệu học sinh, tăng 2,1 % ; phổ thông trung học 1,6 triệu học sinh ; tăng 16,6 % ; đại học và cao đẳng 838 000 sinh viên tăng 12,4 % ; sau đại học 17,5 nghìn sinh viên. (Diễn Đàn số 78, tr. 6 ; Tuổi Trẻ 2.8 và 5.9.98). Riêng về đại học, so với thập niên 1976 đến 1987 mà tổng số sinh viên chỉ ở vào khoảng 125 nghìn người thì số lượng người học bùng nổ tăng lên gấp năm sáu lần.
Mừng và lo. Mừng cho số học sinh tăng, ở mọi cấp. Lo cũng là đó ; vì tăng bao nhiêu là nặng vấn đề trường học, thày dạy bấy nhiêu. Mà đầu tư cho giáo dục thì nhỏ giọt trong hàng chục năm dài, trường ốc đã thiếu thốn nghiêm trọng lại cũ kỹ mục nát, năm nay mới thấy được 12,7 nghìn lớp học mới ; nạn thiếu giáo viên vẫn triền miên, năm học 98-99 có được 37,1 nghìn giáo viên mới đào tạo, nhưng xét lại cả nước vẫn thiếu 103 nghìn. Nhìn vào ý chí chính trị của các cấp trách nhiệm từ địa phương tới trung ương, vào ngân sách, vào việc làm cụ thể, thấy dằng dặc là con đường giáo dục cho đại chúng Việt Nam.

II.2. Giáo dục cho thành người của thế giới ngày mai



Giáo dục ngày nay là đào tạo người cho một thế giới chưa biết sẽ là đi về đâu, yêu cầu sẽ là gì ?
Chỉ biết được rằng thế giới đang biến chuyển mạnh và nhanh, có những điều giảng dạy trong trường hôm nay, ngày mai đã thành cổ lỗ mất rồi. Rằng xã hội đang biến đổi, kiến thức không ngừng chuyển thay, kỹ thuật sẽ khác lạ. Và mục tiêu giáo dục ngày nay là đào tạo ra những con người đứng được trong cái thế giới chưa rõ nét ấy, trong đó có thế giới của thị trường lao động.
Điều biết được là đang cáo chung cái thế giới quen thuộc của ta, của một bằng chứng chỉ thành tài, bảo đảm cho một việc làm ổn định, yên chí ở một sở duy nhất, suốt đời cho đến ngày nghỉ hưu. Cái biết được là ai ai cũng phải chờ đợi sẽ gặp những chuyển đổi, đổi xí nghiệp, đổi quy chế, đổi cương vị, đổi ngành, đổi nghề, liên tiếp nhiều lần trong đời mình.
Vì vậy mà cái cần học tập là nhận định ra đâu là chỗ mình đứng trong thị trường lao động, trong cái xã hội mình đang sống, trong cái làng thế giới của nhân loại ngày nay. Cái phải rèn luyện là tính linh động, tính sáng tạo, thói quen tự quyết đoán, thói quen cộng tác trong công việc kết hợp khả năng riêng biệt của nhiều người thành một nhóm, thói quen bàn luận và thương thuyết, khả năng tiên liệu, khả năng giải quyết những vấn đề chưa từng gặp...
Vấn đề đặt ra như vậy thì quan niệm về kiến thức, về cách thức phương pháp đào tạo, về tài năng con người dứt khoát không thể còn như cách nhìn quen thuộc của ta nữa.
Trong thế giới hiện nay mọi khả năng, thân xác, nghệ thuật, trí óc đều có chỗ trọng dụng, miễn là biết nhìn rộng, không tum húm trong xóm làng, trong tỉnh lẻ, trong thế giới cỏn con của mình, biết đặt khả năng riêng của cá nhân mình đúng nơi trong thị trường lao động, trong nhu cầu của toàn thế giới, phù hợp với đòi hỏi của một cuộc sống cho ra người.
Vì vậy mà chọn lựa theo tiêu chuẩn dựa trên văn hay chữ tốt, trên trí nhớ, trên nhạy bén máy móc trong một số đề tài thi cử là phí phạm tài năng trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục mà chỉ đặt trọng tâm vào vài môn học cho là chính, bỏ rơi thể dục, nghệ thuật là mai một mất đi những năng khiếu làm cho cuộc sống thêm đáng sống.
Ngày nay không thể như xưa quan niệm các " môn " học như một mớ kiến thức chồng chất lên nhau, nhồi nhét vào trí nhớ, trả bài xong thì quên mất hay trở thành kiến thức của loài vẹt lỗi thời lúc nào không hay.
Dĩ nhiên là cần học kiến thức văn hoá, học khoa học căn bản như thành phần hữu cơ của văn hoá, cần ngoại ngữ, cần học sử dụng máy vi tính và tin học nhưng với suy luận duy lí, không quan niệm tin học như một trò ma thuật.
Tuy nhiên, học chính là học cách học ; dạy kiến thức căn bản không nhằm trao cho người học một tri thức bách khoa mà quan niệm đó là phương tiện rèn luyện những cung cách, phương pháp đặt và đề cập vấn đề, suy luận cơ sở giúp thu thập các hệ mã căn bản của xã hội, của loài người, từ đó có thể tự mình mà triển khai tri thức lên mãi, phát triển cho cá tính nảy nở, tình huống có đổi thay vẫn tìm ra chỗ đứng cho mình trong xã hội.
Đó là học phương pháp tự đặt câu hỏi, tìm kiếm tư liệu, tìm cộng tác với người có kỹ thuật, có kiến thức mình thiếu để giải quyết vấn đề cụ thể.

Thay lời kết



Nói người đi học ra trường biết tìm chỗ đứng của mình trong xã hội là nói nhà trường không tách rời xã hội. Chuyện đó hàm ý các nhà trách nhiệm về giáo dục lưu ý cụ thể đến hệ thống kinh tế - xã hội, đến thị trường lao động của tỉnh, của vùng mình ở, của đất nước. Nó hàm ý là có nơi, có tổ chức để nhà giáo, nhà kinh doanh, tổ chức công đoàn, nhà chức trách về kinh tế, xã hội, mỗi bên với hiểu biết, yêu cầu riêng của mình bình đẳng trao đổi ý kiến với nhau về giáo dục đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của xã hội, của kinh tế.
Tôi thấy bạn đang giơ cao hai tay trách đem bàn chuyện trên trời dưới đất, hoàn toàn không có ở nước ta mà làm chi ?
Nào chuyện nhà nước không trốn tránh trách nhiệm của mình trong giáo dục quốc gia, nào chuyện xã hội công dân hoạt động khi mà nó không có điều kiện tối thiểu để cất lên tiếng nói của nó.
Nào đòi thày giáo rèn luyện cho học sinh phương pháp tự triển khai kiến thức trong khi chưa biết chừng nào ta mới bỏ được truyền thống " lên lớp ", truyền thống trả bài cố hữu.
Đòi học sinh có tinh thần tự lập, biết tìm tư liệu vân vân và vân vân... trong khi đừng nói chi đến cấp trung học, ngay đại học cũng không có lấy một nơi nào có thư viện đáng gọi là thư viện, trong khi trẻ con khắp mọi nước có thể đi tìm tri thức của toàn thế giới trên mạng lưới intemet thì ở ta dĩ nhiên vì nước nghèo – còn có vì giá đặt quá cao hay vì có thêm cả chút lòng nghi ngại của một số nhà lãnh đạo hay không thì không biết được – chỉ biết rằng ở ta intemet còn quá ít, quá chậm, còn chưa thấy đâu là chương trình mạng lưới rộng mở cho khoa học, cho kinh tế thì bảo học sinh đi tìm tư liệu ở nơi đâu ?
Đòi cho học sinh biết đặt câu hỏi khi mà thực tế là có nhà khoa học ở một đại học quốc gia của ta thú thật mình mù tịt không biết các nhà khoa học quốc tế cùng ngành đang nghiên cứu những gì, nghiên cứu như thế nào, ở nơi đâu (Lao Động 5.9.98 ; D.Đ. số 79, 11.98).
Bạn ơi, chính là vì thế ! Chính vì những chuyện ta chưa có lại vô cùng thiết yếu cho giáo dục của ta. Chính vì chắc chắn chẳng phải chỉ có một bạn, một tôi đang lấy làm lo cho giáo dục quốc gia Việt Nam, mà còn biết bao người khác. Nếu cùng nhau ta cất to tiếng kêu trời không chừng có khi dội lại thành sấm thức tỉnh nền giáo dục của ta.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1155

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn