Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Điểm thi lịch sử kém, vì sao?
16/08/2007

LTS: Theo nhận định sơ bộ, môn lịch sử tuyển sinh ĐH năm nay điểm yếu chiếm 40-60%. Trường ĐH Tiền Giang chỉ có hai bài thi trên 5 điểm, trong khi tại ĐH Đà Nẵng có đến 98,7% bài thi dưới trung bình!

Đã đến lúc phải đi tìm thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục cho vấn đề kéo dài nhiều năm này: tại sao thế hệ trẻ bây giờ không chịu học sử, không hiểu về lịch sử? Lỗi do sách giáo khoa? Hay là cách truyền đạt môn học này chưa hiệu quả?

Không thể hiểu...

TT - So với các năm trước, năm nay thí sinh (TS) ở Đại học Đà Nẵng làm bài thi môn lịch sử ít phạm qui theo kiểu “thừa giấy vẽ voi”. Hầu hết TS dường như cố làm cho được bài thi, song rất tiếc phần lớn đều không làm được bài, không đúng đáp án đề thi. Từ 3.425 TS dự thi vào khối C Đại học Đà Nẵng, cho thấy điểm thi môn lịch sử năm nay quá thấp: 98,7% bài thi có điểm từ 5 trở xuống, trong đó bài điểm 0 chiếm đến 21,7%, nhiều nhất là bài từ 0,25-1 điểm; khoảng 50 bài trên điểm 5, trong đó duy nhất một điểm 7.

Qua quá trình chấm thi, chúng tôi có cảm nhận chung là đa số TS không nắm vững kiến thức cơ bản của lịch sử, không hiểu nhiều khái niệm, thuật ngữ. Rất nhiều TS không biết tầng lớp tiểu tư sản trí thức là ai, nên có người đã đồng nhất tiểu tư sản trí thức với giai cấp tư sản; người khác cho “tầng lớp tiểu tư sản là công nhân”, “tiểu tư sản là nông dân”; thậm chí có TS lại mạnh dạn đưa ra định nghĩa mới: “Tiểu tư sản thành thị là những người nông dân sống ở thành thị có việc làm, có đời sống ổn định”.

Không chỉ dừng lại ở kiến thức lịch sử yếu kém, nhiều TS còn hiểu rất sai lệch về đề thi. Xin nêu một vài trường hợp dưới đây:

Câu 1, chỉ yêu cầu trình bày về phong trào đấu tranh yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản trí thức ở Việt Nam trong những năm 1919 - 1926, nhưng nhiều TS trình bày cả phong trào yêu nước của giai cấp tư sản, công nhân và cả quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ.

Câu 2, được xem là câu khó nhất nhưng lại dễ ăn điểm nhất, bởi đáp án yêu cầu trình bày: “Quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được ghi nhận như thế nào trong Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), và Hiệp định Paris (27-1-1973)? Khái quát quá trình đấu tranh của nhân dân ta để từng bước giành các quyền dân tộc cơ bản sau mỗi hiệp định trên”.

Với yêu cầu này, TS chỉ cần khái quát hoàn cảnh dẫn đến việc ký kết các hiệp định, việc ghi nhận quyền dân tộc cơ bản được ghi trong mỗi hiệp định, và trình bày một cách khái quát quá trình đấu tranh để “giành quyền dân tộc cơ bản sau mỗi hiệp định” ấy là có thể được tối thiểu 1/2 số điểm của cả câu. Khó nhất ở câu này (gần như không có TS nào làm đúng, đủ) là TS phải trình bày cho được qua mỗi hiệp định được ký kết là mỗi bước thắng lợi của nhân dân ta, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giành được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. “Quyền dân tộc cơ bản của VN được thực hiện trọn vẹn”.

Thế nhưng, đa số TS sai ở ngay phần dễ nhất là trình bày không đúng điều khoản ghi nhận quyền dân tộc của VN trong các hiệp định. Đó là chưa kể rất nhiều TS khái quát quá trình từng bước giành các quyền dân tộc cơ bản ngược từ Hiệp định Paris về Giơnevơ, đến sơ bộ...

Câu 3, dễ nhất trong đề thi nhằm kiểm tra kiến thức lịch sử cơ bản của TS đã được học ở chương trình lịch sử lớp 12, được sách giáo khoa viết rất chi tiết và đầy đủ. Nhưng nhiều TS không trình bày quá trình thống nhất đất nước về mặt Nhà nước ở nước ta sau đại thắng mùa xuân năm 1975, mà lại trình bày quá trình khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước ta sau năm 1975.

Không thể kể xiết những ngô nghê, yếu kém của TS đã thể hiện trong các bài thi lịch sử vào Đại học Đà Nẵng năm nay. Có lẽ, TS thi môn lịch sử ở các trường đại học khác trong cả nước cũng có những bài thi “ấn tượng” đau lòng đó.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng yếu kém kéo dài của việc học lịch sử trong học sinh?

LƯU TRANG
(cán bộ chấm thi môn lịch sử Đại học Đà Nẵng

ĐH Huế: chỉ một bài sử đạt 7,25

Số bài đạt điểm thấp nhất tập trung ở môn lịch sử, trong đó chỉ có một bài 7,25 và một số ít bài điểm 7. Hơn 50% trong tổng số bài làm đạt điểm từ 2 - 3, có nhiều điểm 0 và rất ít điểm trên trung bình. Trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế Nguyễn Văn Mạnh cho rằng môn sử chỉ cần đạt điểm 4 là có thể đậu với điều kiện làm tương đối được bài ở hai môn còn lại vì mặt bằng điểm sử quá thấp.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1197

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn