Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Nên thay đề án học phí bằng đề án “chính sách cho người học”
31/08/2007

Ngoài tăng học phí, chúng ta cần huy động nhiều nguồn lực khác bằng cách kêu gọi sự đóng góp từ các nhà đầu tư, đánh thuế những đơn vị có sử dụng lao động đã qua đào tạo,...

GS-TS Trần Hồng Quân:

TTCT - Thông tin sẽ tăng học phí vào năm học 2007-2008 khiến nhiều phụ huynh nghèo “lên tăngxông” mặc dù Bộ GD-ĐT vẫn chưa trình Chính phủ đề án học phí mới. GS-TS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết:

- Chúng ta đang lúng túng trong bài toán học phí, trường không khó khăn thì được Nhà nước lo, trường khó khăn quá muốn tăng học phí lại đụng đến người nghèo. Một điều dễ thấy nhất là học sinh con nhà khá giả có điều kiện học hành đầy đủ, khi đi thi sẽ đạt điểm cao hơn, tỉ lệ đậu vào trường công lập cũng cao hơn. HS ở nông thôn, HS nghèo không có điều kiện tốt nên điểm thấp, phải học trường ngoài công lập. Nhất là ở khối đào tạo, người nghèo đi học khó khăn lắm.

Học bổng thì không đủ sống, tín dụng giáo dục (GD) không ăn thua. Chưa kể về tâm lý, không phải ai cũng sẵn sàng vay tiền đi học bởi thủ tục quá nhiêu khê, số lượng tiền được vay không đủ trang trải cho đời sống và học tập. Nói tóm lại, chế độ học phí, học bổng hiện nay thể hiện sự mất công bằng rất lớn.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục đã không được sử dụng hiệu quả?

Theo tôi, ngân sách không nên bao cấp tràn lan như hiện nay - bao cấp cho cả những người khá giả. Ví dụ: chi phí đào tạo một sinh viên khoảng 6-10 triệu đồng/năm nhưng các đại học công lập thu học phí 1,8 triệu đồng/năm, phần còn lại Nhà nước “gánh” hết. Tôi bất ngờ khi biết ngân sách chi cho GD năm nay là hơn 66 ngàn tỉ đồng, bằng 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Thế mà ở bậc ĐH, đã có trường nào ra trường đâu, kể cả hai ĐH quốc gia. Giả dụ Nhà nước chi đến 25% tổng chi ngân sách cũng chưa chắc đã giải quyết được các vấn đề bức xúc.

Do đó, ngân sách chỉ nên bao cấp cho những đối tượng sau: trường công cấp phổ cập (không thu học phí); các đối tượng chính sách; trường trọng điểm chất lượng cao; trường đào tạo SV tài năng; trường đào tạo những ngành nghề không thể tham gia thị trường lao động (phục vụ bộ máy công quyền, phúc lợi xã hội, quân đội, công an, địa chất, khí tượng thủy văn...). Bên cạnh đó, Nhà nước cần bù lỗ cho hệ thống tín dụng GD thông qua hệ thống quĩ của ngân hàng. Vì nếu hoạt động theo cơ chế thương mại bình thường, sẽ không có ngân hàng nào dám thực hiện tín dụng GD.

Có thể hình dung sau này, hệ thống trường học của chúng ta sẽ phân thành: trường do Nhà nước đầu tư và tài trợ 100%; Nhà nước đầu tư nhưng hoạt động theo cơ chế lấy thu bù chi; Nhà nước đầu tư một phần, phần còn lại huy động xã hội; trường do người dân đầu tư 100%.

Như vậy, có nên tăng học phí?

Tôi đã phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2006-2007 rằng Bộ GD-ĐT nên thay đề án học phí mới bằng đề án “Chính sách cho người học”. Chính sách này phải đạt ba yêu cầu (tạo sự công bằng trong học tập; sử dụng ngân sách hợp lý, hiệu quả; huy động thêm nguồn lực cho sự phát triển GD) và bốn nội dung (học bổng đủ lớn để HS, SV đóng học phí; đủ nhiều để cung cấp cho các đối tượng chính sách; thu thuế của những người sử dụng nhân lực được đào tạo; Nhà nước bù lỗ cho tín dụng GD).

Và như thế, học phí không những tăng mà tăng nhiều nữa là đằng khác. Nhà nước không nên qui định mức “trần” học phí mà nên để học phí có sự đa dạng - theo chất lượng của từng trường. Từ đây sẽ nảy ra vấn đề: trường tốt thu phí cao liệu người nghèo có vào được không? Câu trả lời là được, bằng cách giải quyết tín dụng GD: mức cho vay phải đủ cho đóng học phí và trang trải cuộc sống tối thiểu.

Nhưng nếu chỉ tăng học phí thuần túy sẽ không thuyết phục. Để nâng cao chất lượng đương nhiên chi phí bình quân cho GD phải tăng lên. Tôi e rằng ngành GD-ĐT làm đề án tăng học phí sẽ khó được xã hội chấp thuận. Sợ dư luận thì không tăng nữa, mà không tăng thì các vấn đề GD sẽ không được giải quyết.

Nhưng chất lượng GD đâu chỉ phụ thuộc học phí?

Không có nước nào học phí thấp như nước mình cả. Với chi phí đào tạo hiện nay không thể đòi hỏi chất lượng cao. Theo Bộ GD-ĐT, 85-90% ngân sách GD dành cho việc chi lương nhưng giáo viên vẫn không đủ sống. Chỉ còn 10-15% cho các điều kiện dạy và học. Giáo viên không yên tâm với nghề thì việc nâng cao chất lượng sẽ rất khó. Thực tế, ngân sách và các nguồn lực huy động được cho GD nước ta đều thấp hơn qui mô GD.

Ngoài tăng học phí, chúng ta cần huy động nhiều nguồn lực khác bằng cách kêu gọi sự đóng góp từ các nhà đầu tư, đánh thuế những đơn vị có sử dụng lao động đã qua đào tạo,... Dĩ nhiên, muốn bứt phá GD phải hội đủ hai yếu tố: nguồn lực và động lực. Về động lực, làm sao cho toàn bộ hệ thống GD và các tế bào GD phải có ý chí luôn đổi mới để hoàn thiện mình; hệ thống chính sách không trói buộc ai, không “cầm tay chỉ việc” mà mở rộng đường sáng tạo cho người làm công tác GD; các chính sách lợi ích phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới...

HOÀNG HƯƠNG thực hiện

“Tôi hỏi bộ trưởng Bộ GD-ĐT Thụy Điển: Xã hội Thụy Điển phúc lợi rất cao, sao không miễn học phí cho người học? Trả lời: “Thụy Điển chỉ miễn học phí ở cấp phổ cập, những cấp trên không thu học phí người học sẽ lười. Đối với người nghèo, thay vì bao cấp nên cho vay để họ có trách nhiệm với việc học tập. Chắc chắn có thất thoát (thất nghiệp, bỏ học giữa chừng), nhưng như thế vẫn tốt hơn bao cấp”. Tín dụng GD ở Thụy Điển cho người dân trả nợ đến năm 65 tuổi, và đến đó nếu vẫn chưa trả hết sẽ được miễn phần còn lại.

Tín dụng GD, nếu làm tốt, sẽ mang lại lợi ích giống như mua nhà trả góp: người dân có nhà ngay và trả nợ trong 20 năm, sẽ tốt hơn là đến 20 năm sau họ mới có được căn nhà đàng hoàng. Vì tuổi đã lớn thì khả năng hưởng thụ sẽ ít đi. Tín dụng GD tạo cơ hội cho người nghèo có được nghề nghiệp phù hợp với khả năng. Lợi cho người học và cho cả Nhà nước”. “Không nên rót học bổng xuống trường rồi để trường cấp cho SV; càng không thể qui định chính sách học bổng rồi bắt các trường chi như hiện nay. Tôi thường nói vui, thực hiện chính sách học bổng như hiện nay là “Nhà nước ưu tiên cho diện chính sách bằng túi tiền của người khác”. Phải để người học được chọn trường theo sở thích và phù hợp khả năng của họ. Sau đó họ báo cho cơ quan tài chính cấp học bổng về mức học phí và học bổng sẽ rót thẳng xuống trường”.

GS Trần Hồng Quân



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1233

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn