Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Chạy trường, chạy lớp, và... chạy gì?
10/09/2007

Không phải bây giờ mà cả tháng nay, việc chuẩn bị cho con cái vào năm học mới đã trở thành chuyện nóng trong mọi gia đình. Bên cạnh những chuyện chẳng bao giờ cũ như chọn trường, chọn lớp, thậm chí chọn cả thầy cô cho con mình, là những chuyện mới.
Thậm chí rất mới như tìm trường quốc tế trong nước dù "đắt xắt ra miếng, thậm chí là đi du học ngay từ bậc THCS...

Cuộc đua trường nội

Chị Thuỷ chưa kịp thở phào vì đã chạy cho con vào trường tiểu học TT (Quận Đống Đa, Hà Nội) thì được cô em dâu, vốn là một giáo viên tiểu học, mách nước: Chị chạy trường thì nào đã ăn thua gì. Trường điểm hay trường nào cũng vậy thôi, đều có cô giỏi cô kém. Vào được trường tốt mà học cô giáo không có phương pháp giảng dạy tốt thì phí tiền!

Nghe có lý, chị đành năn nỉ em dâu (mà lâu nay chị chỉ chuyên dạy bảo nó!) bày cho chị bước tiếp theo. Sau một hồi dò hỏi, em dâu tuyên bố: Chị phải chạy vào lớp G, chứ mấy cái lớp A, B kia thì đừng ham. Lớp G mới là lớp chọn, lớp con ông cháu cha, con giáo viên, có suất ngoại giao... Cô giáo vừa giỏi, học sinh lại vừa ngoan ngoãn, ham học.

Thế là công cuộc "chạy maratông vào lớp chọn" của chị Thủy cho con lại bắt đầu. Sau một hồi xoay xở, nhờ vả và tốn một khoản tiền cũng kha khá, cuối cùng ước muốn của chị cũng được toại nguyện. Tưởng thế là ổn, ai dè, chưa được một tuần đi học, đứa con mắt cận của chị nước mắt ngắn nước mắt dài khóc lóc với mẹ: "Cô giáo cho con ngồi tận bàn cuối cùng, con chẳng thấy gì mà học cả" Thế này là thế nào? Chị đành phải xuống nước hỏi dò em dâu. Cuối cùng thì chị đã hiểu ra vấn đề: Sau khi chạy trường, chạy lớp mà không chạy cả cô giáo thì chỉ có mất công toi! Công cuộc chạy maratông của chị vẫn phải tiếp tục và tiếp tục, nếu không muốn con mình phải đứng ngoài lề. Lúc này, chị Thuỷ nghĩ, giá như mình đừng có chạy, chạy và chạy mãi thế này, vì chị không biết lúc nào mới đủ, mới có thể dừng lại!

Còn chị Lê Thu Hương, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, khi con mới chuẩn bị học lớp 1, chị đã phải chuẩn bị cho việc chạy lớp. Khi đã nhắm được lớp, được cô thì vận dụng khả năng ngoại giao, hết các mối quan hệ để tiếp cận cô. Chẳng lẽ chỉ quà cáp đơn giản, cách tốt nhất là nhờ cô chăm và quản các con theo hình thức "bồi dưỡng kiến thức" trước năm học. Chẳng hiểu có học được gì không, chứ từ khi con đi học, cả nhà phải phân công nhau đưa đón hơn hai tháng vào đúng giờ dở dang: 7- 9h tối. Chị Hương than: "Chẳng khác nào lo cho con thi đại học"

Thế nhưng mong muốn vẫn chỉ là mong muốn. Việc chạy lớp đôi khi chỉ là "may hơn khôn". Chuyện thật mà như đùa, chị Tú Anh (Trần Hưng Đạo, Hà Nội) có con hiện đang học tại trường tiểu học TQT, cho biết: "Tôi thật sự choáng khi cô giáo nhận xét vào vở con tôi: Thiếu tập chung! Trước đó, tôi đã mất khá nhiều công sức và thậm chí cả tiền để chạy lớp cho con. Thế nhưng, sự thật làm tôi... choáng. Làm sao có thể yên tâm cho con học với những cô giáo mà bản thân họ viết còn sai chính tả! Lần này con tôi lên lớp 3, vẫn cô giáo đó dạy nên tôi đang dò hỏi xem cô giáo nào dạy giỏi nhất để xin cho con mình. Mất bao nhiêu tiền cũng được".

Cứ "ngoại" mới... tốt

Xu hướng cho con vào trường quốc tế, học theo giáo trình quốc tế, với thầy cô giáo... quốc tế đã khá thịnh hành vài năm nay ở cả Hà Nội và TPHCM. Chi phí trong việc học trường quốc tế đúng là "đắt xắt ra miếng" nhưng có làm sao khi "yêu con là yêu cả cuộc đời". Vậy là để đáp ứng nhu cầu rất chính đáng này, ngày càng có nhiều trường phổ thông mang biển quốc tế được cấp phép. Dẫu học phí ít cũng là gần trăm USD/tháng. Nhiều, có khi vài trăm USD vậy mà chẳng ai sợ, nhiều gia đình vẫn cứ lao vào, người nọ theo gương người kia, ngày càng có nhiều người tham gia. Mốt đấy!

Năm nay lại thêm một thứ mốt nữa là ra nước ngoài du học ngay từ bậc THCS. Anh Trần Huy Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ một doanh nghiệp gia công cơ khí cho biết: Đầu tư vào con là đầu tư hiệu quả nhất. Cháu trai lớn nhà tôi sẽ sang Singapore du học trong năm học này. Để chuẩn bị, trước đó, gia đình anh đã tổ chức hẳn một chuyến đi nghỉ tại Singapore để khảo sát trước điều kiện trường lớp, nơi ăn ở...

Hoặc nhiều gia đình đã nghĩ ra sáng kiến, tập hợp thành nhóm phụ huynh, góp tiền cắt cử một mẹ thay nhau đi "du lịch"- một công đôi việc chăm sóc các con. Có mẹ, lũ trẻ cũng yên tâm vì có người chăm sóc ăn uống, đôn đốc học hành nên chi phí cũng chẳng đắt lắm so với học ở trường quốc tế trong nước. Chị Lê Thanh Nga (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Với tư tưởng "con cái là của để dành", lại thêm có điều kiện tinh tế không một phụ huynh nào lại bỏ qua cơ hội để con mình có được cơ hội học tập trong môi trường tốt nhất.

Liều thuốc nào đặc trị?

Lý giải về căn bệnh... "chaỵ", GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Trường đại học KHTN Hà Nội) cho biết: “Đó là kết quả của việc sinh ra cái gọi là trường chuyên lớp chọn. Từ một nền giáo dục toàn diện, bình đẳng, chúng ta lại đi xây dựng trường chuyên, lớp chọn, trường điểm. Đây là cách làm đi ngược cách làm của thế giới. Phần Lan là một trường có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới họ cũng không làm như vậy. Không trường chuyên, không lớp chọn. Nếu học sinh nào giỏi, nếu phụ huynh nào giàu, họ đều có thể nâng cao kiến thức tại các lớp học ngoại khoá, các câu lạc bộ chuyên môn. Còn học sinh học trong các trường phổ thông phải hoàn toàn được bình đẳng như nhau".

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm: Những hiện tượng trên là một động lực thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Đây là một ứng xử văn hoá tốt vì người ta muốn con người ta được học tốt. Xã hội nên đánh giá cao sự lựa chọn này vì điều này thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.

Khoa học và đời sống



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1253

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn