Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Đổi mới giáo dục - Phải có những giải pháp không truyền thống
11/09/2007

Trong quá trình đổi mới ngành, chắc chắn chúng ta sẽ phải sử dụng những biện pháp không truyền thống. Giải pháp truyền thống thì sẽ đem lại sự chuyển động theo truyền thống.

TPO - "Một tình huống đòi hỏi có chuyển biến mạnh thì giải pháp phải có tính chất không truyền thống. Tức là có va chạm, có đau đớn và trong một chừng mực nào đó chúng ta phải chấp nhận". Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói về đổi mới giáo dục.

Chiều 30/8/2007, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có cuộc gặp gỡ báo giới về công tác chuẩn bị năm học mới bậc ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, trước sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên về giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đã vui lòng trả lời nhiều vấn đề mà dư luận quan tâm.

Đại học: Chất lượng hàng đầu, quy mô thứ yếu

Mở đầu buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng giới thiệu về những chủ trương lớn của ngành GD&ĐT sẽ triển khai trong năm học này ở từng bậc học.

Với giáo dục phổ thông, ngành tiếp tục triển khai cuộc vận động hai không nhưng sẽ có thêm hai nội dung mới: Giáo viên nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và không để HS ngồi nhầm lớp.

Với đào tạo ĐH, CĐ, năm nay sẽ là năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động “một không”: nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp (đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài) hiện nay rất thiếu nhân lực có trình độ cao. Nhưng thực tế tại nhiều trường ĐH vẫn còn tỉ lệ nhất định những người tốt nghiệp ĐH nhưng không có năng lực hành nghề đúng với chuẩn của bằng ĐH. Những sinh viên đó nếu có đi làm cũng không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Tình trạng này kéo dài đã lâu và đến lúc phải chấm dứt. Ngành GD&ĐT vẫn phải quyết tâm từ năm nay bắt đầu tạo đột phá để trong vòng 3 năm tới có thể tạo chuyển biến trong vấn đề đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng với tỉ lệ 167 SV/vạn dân là rất thấp so với khu vực và các nước phát triển nhưng chất lượng đào tạo cần phải đặt lên hàng đầu.

Không mở rộng quy mô chừng nào chất lượng vẫn chưa được cải thiện. Điều này cũng có nghĩa phải chấm dứt việc các trường tuy đào tạo nhân lực không đạt chuẩn nhưng vẫn tăng quy mô đào tạo vì thu nhập của nhà trường.

Học phí đại học chưa tăng trong năm nay

Phó Thủ tướng nói: “Một mặt, chúng ta yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, mặt khác phải tạo điều kiện cho trường có thêm kinh phí. Trong tháng 9 này Bộ GD&ĐT sẽ gửi dự thảo dự toán tăng học phí để các trường và nhân dân góp ý.

Tinh thần là phải tăng học phí. Kèm theo nội dung tăng học phí sẽ có hai chương trình đi kèm: giảm học phí cho đối tượng nhất định (có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt tiêu chuẩn vào học ĐH), có học bổng khuyến khích những sinh viên học giỏi bước vào ĐH; đồng thời hình thành chương trình cho sinh viên vay tiền để học ĐH.

Vay để học là một công cụ chính đảm bảo người nào đủ trình độ chuyên môn và đạo đức được các trường ĐH tuyển thì có thể học theo học. Với bậc ĐH, nếu không tăng học phí thì không có chất lượng mong muốn. Học phí 180.000 – 200.000 đồng/tháng như hiện nay không thể có chất lượng tốt.

Phó Thủ tướng đưa ra một ví dụ về chi phí đảm bảo cho chất lượng đào tạo:

“Vừa rồi chúng tôi vào Nghệ An và đến thăm một trường CĐ kỹ thuật cơ khí hàn điện liên doanh với Hàn Quốc. Trường này đào tạo ra được ai thì các doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay. Vốn đầu tư ban đầu để thành lập trường là 5 triệu USD.

Chi phí vận hành là 500.000 đồng/ tháng. Học phí là 100.000 đồng/tháng nhưng UBND tỉnh Nghệ An phải bù 400.000 đồng/tháng/ SV. Như vậy, chi phí thật để học CĐ có chất lượng gấp 2,5 lần học phí ĐH mà chúng ta hiện tại đang thu”.

Phó Thủ tướng cho biết, đương nhiên năm nay chưa thể tăng học phí. “Nếu tăng cũng sẽ phải thông báo trước cho người dân biết bởi người dân cần có khoảng thời gian cần thiết để xác định đường hướng cho con em mình khi theo học ĐH” – Phó Thủ tướng nói.

Học phí bậc phổ thông: Phù hợp với khả năng chi trả của mỗi gia đình

Với bậc phổ thông, việc tính học phí không như với ĐH. Nguyên tắc đặt ra là phù hợp với khả năng chi trả của mỗi gia đình. Học phí ở Hà Nội có thể khác với học phí ở Cao Bằng. Nguyên tắc đó nhằm đảm đảm bảo sự bình đẳng.

Tuy nhiên, những gia đình có mức thu nhập dưới mức trung bình của địa phương mình thì được giảm hoặc miễn học phí. Những gia đình có thu nhập cao hơn, họ có nguyện vọng đóng học phí cao hơn để được học cao hơn chất lượng tối thiểu thì sẽ được đáp ứng.

Chúng ta sẽ mở những trường có thể thu học phí cao hơn trung bình dành cho những người có thu nhập cao hơn trung bình muốn học ở đấy.

Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các địa phương có một tỉ lệ hạn chế những trường phải đóng góp học phí cao. Nếu sau đó nhu cầu cao đi học ở loại hình trường này của người dân cao hơn thì sẽ phát triển thêm quy mô.

Như vậy, học phí bậc phổ thông sẽ phải thoả mãn đa số, vừa xử lý được vấn đề người nghèo đồng thời tạo điều kiện đóng góp cho những người có thu nhập cao.

Không phải tất cả học sinh học hết lớp 9 đều lên THPT

Trước câu hỏi của báo Tiền phong về vấn đề chống bệnh thành tích ảnh hưởng thế nào tới kết quả và mục tiêu phổ cập GD tiểu học, GD trung học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời:

“Chúng ta đang ở trong trạng thái, sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật để nâng cao chất lượng GD. Nếu trong thời gian vừa qua nơi nào có bệnh thành tích trong phổ cập thì phải sửa.

Theo tôi chúng ta không sợ nhân dân phản đối, ngược lại nhân dân sẽ ủng hộ như đã ủng hộ cuộc vận động “hai không”.

Tiểu học là bậc hoàn thành phổ cập sớm nhất nên Bộ GD&ĐT có kế hoạch trong năm nay đánh giá chất lượng GD tiểu học trên toàn quốc. Qua đó rút kinh nghiệm tiến tới đánh giá chất lượng phổ cập THCS (theo kế hoạch năm 2010 sẽ hoàn thành phổ cập trên cả nước)”. Theo Phó Thủ tướng, dù có một tỉ lệ nhất định trẻ yếu kém nhưng ngành GD&ĐT vẫn có thể giúp các em học hết tiểu học, vẫn giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi học THCS đúng chuẩn. Nhưng không phải tất cả đủ khả năng học hết THPT.

Do đó hết lớp 9 một bộ phận HS sẽ chuyển sang học nghề. Điều này đòi hỏi ngành GD&ĐT phải tiến hành một cuộc vận động xã hội: không nên đặt mục tiêu 100% hết lớp 9 là lại học tiếp lên lớp 12 bởi điều này không phù hợp với khả năng của tất cả HS.

Tương tự như vậy, cũng không cứ học hết 12 là vào ĐH. Điều này vừa không đúng với khả năng, vừa không đúng với cơ cấu kinh tế xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã bàn bạc để sắp tới sẽ xúc tiến một chương trình phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS HCM, với các cơ quan nghiên cứu về xã hội, với các cơ quan báo chí về kế hoạch tuyên truyền từng bước trong 3 năm tới.

Mục tiêu là tạo sự thay đổi trong nhận thức của giới trẻ về nghề nghiệp: vừa khuyến khích tinh thần hiếu học, vừa điều chỉnh tâm lý xem việc không vào được ĐH là thất bại trong đời.

Quý Hiên

Tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ quyết liệt như vừa qua hoặc hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, sự tham gia nhiều hơn nữa của phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo để thúc đẩy sự nghiệp GD phát triển.

Trong quá trình đổi mới ngành, chắc chắn chúng ta sẽ phải sử dụng những biện pháp không truyền thống. Giải pháp truyền thống thì sẽ đem lại sự chuyển động theo truyền thống.

Một tình huống đòi hỏi có chuyển biến mạnh thì giải pháp phải có tính chất không truyền thống. Tức là có va chạm, có đau đớn và trong một chừng mực nào đó chúng ta phải chấp nhận

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1256

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn