Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Chiến lược đào tạo tài năng ở 4 châu lục
30/09/2007

(VietNamNet) - Qua tìm hiểu những nền giáo dục phát triển hàng đầu tại 4 châu lục, có thể nhận thấy, đầu tư đào tạo những “tinh hoa” đang là chiến lược quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỹ: Tài năng được phép học ở nhà


Mỹ là một trong những quốc gia sớm hình thành hệ thống giáo dục tài năng. Từ thế kỷ 19, một số trường chuyên đã được thành lập. Đến năm 1920, 2/3 số thành phố lớn ở Mỹ đã có chương trình đào tạo dành riêng cho những HS tài năng theo những phương thức khác nhau.

Trong suốt thế kỷ 20, giáo dục tài năng đã trở thành vấn đề quan trọng của quốc gia. Những HS xuất sắc thường được quan tâm đặc biệt. Như đoàn HS Mỹ dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) vừa rồi đã được tập trung học với những thầy giáo hàng đầu trong vòng 1 tháng, sau đó được gửi sang Trung Quốc tham gia khoá đào tạo ngắn hạn trước khi tới VN tham dự kỳ thi chính thức.

Là một quốc gia linh hoạt trong chính sách, Mỹ có nhiều loại lớp học tài năng, nhiều loại hình đào tạo tài năng, tuỳ theo từng trường, từng địa phương.

Dạng thứ nhất là các HS tài năng được học trong những lớp hoặc trường riêng biệt. Brian Laurence, HS vừa đoạt huy chương bạc IMO 2007, cho biết: “Tôi bắt đầu học ở trường chuyên từ năm lớp 6. Để vào những trường này, chúng tôi thường phải trải qua 1 kỳ kiểm tra Toán và tiếng Anh với 2 kỹ năng đọc, viết. Đồng thời, HS cần chứng minh khả năng của mình bằng hồ sơ với càng nhiều thành tích càng tốt.”

Cũng theo Brian thì HS trường, lớp chuyên phải học một chương trình đặc biệt, nặng hơn nhiều so với lớp thường nhưng các em vẫn có thời gian để nghỉ ngơi và tham gia hoạt động văn hoá, thể thao.

Một kiểu giáo dục tài năng khác ở Mỹ là cho phép HS giỏi có thể “nhảy cóc” vài lớp để lên học những lớp phù hợp với trình độ của mình. Thậm chí, có khoảng hơn 20 trường ĐH có chương trình cho phép SV nhỏ tuổi vượt cấp lên thẳng bậc ĐH.

Những HS xuất sắc cũng có thể theo học chương trình kết hợp, vừa học ở lớp bình thường và 1 phần học ở lớp tài năng. Bên cạnh đó, có những HS vẫn theo học lớp bình thường với bạn bè đồng trang lứa nhưng được giáo viên dành cho những bài tập đặc biệt phù hợp với trình độ.

Đặc biệt, với những HS tài năng sinh ra trong các gia đình có điều kiện, các em có thể không đến trường mà mời giáo viên về nhà giảng dạy theo chương trình riêng tuỳ chọn. Brian cho biết em cũng có một vài người bạn chỉ học ở nhà nhưng vẫn có thể vào ĐH vì ở Mỹ, hầu hết các trường khi xét tuyển đều yêu cầu điểm SAT và GRE mà hai kỳ thi này lại được tổ chức bởi các tổ chức giáo dục độc lập.

Nga: Đào tạo tài năng từ tiểu học

Theo thông tin của ECHA, một tổ chức chuyên nghiên cứu về đào tạo tài năng thì từ những năm 1960, hệ thống trường chuyên đã ra đời ở Nga với những môn học như Toán, Khoa học, Ngoại ngữ…

Năm 1996, chương trình của Tổng thống mang tên “Trẻ em nước Nga” và “Trẻ em tài năng” bắt đầu hoạt động và chuyên đào tạo những "gà nòi" giành giải trong các kỳ Olympic quốc tế.

Các trường lớp tài năng thường tuyển chọn HS trên 3 tiêu chí: khả năng học thuật cao hơn so với bạn bè cùng tuổi, sự sáng tạo và những tố chất đặc biệt khác. Để vào các trường lớp này, thông thường HS phải trải qua kỳ thi tuyển với những môn thi khác nhau tuỳ trường. Thậm chí, có trường sử dụng yêu cầu phỏng vấn trực tiếp nhưng đôi khi là tham gia một trò chơi trí tuệ.

Chính phủ Nga có những chương trình đào tạo dài hơi dành cho các HS xuất sắc. Toàn bộ 6 thí sinh của đoàn Nga tham dự IMO 2007 vừa qua tại VN đều là những tài năng được phát hiện và nuôi dưỡng từ cấp tiểu học.

Mùa hè hàng năm, mỗi thành phố đều tổ chức một khoá huấn luyện kéo dài khoảng 1 tháng dành cho HS giỏi toán đến từ tất cả các trường trong địa phương. Sau đó, các em được trợ cấp hoàn toàn để tiếp tục được tham dự khoá học hè toàn nước Nga.

Ở các trường chuyên, HS được học theo chương trình đặc biệt. Chẳng hạn như trường THPT Vật lý Kỹ thuật ở Saint Peterburg, nơi Drozdov Sergey, HS đạt HCV tại IMO 2007, đang theo học thiết kế chương trình nghiêng hẳn về môn Toán và Vật lý.

HS đến trường 6 ngày/tuần với lịch học 6-8 tiếng Vật lý, 8-10 tiếng Toán học, 4-6 tiếng tiếng Anh, một môn ngoại ngữ 2, 4 tiếng rèn luyện thể chất và 25 môn học tự chọn. Mỗi tuần, HS được tham dự 1 buổi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của những trường ĐH, học viện lớn.

Tuy mới thành lập từ năm 1987 nhưng đến nay trường đã giành được 745 huy chương các loại trong các kỳ thi Olympic.

Singapore: Phá sản chương trình đào tạo tài năng

Chương trình giáo dục tài năng GEP (Gifted Education Programme) của Singapore ra đời năm 1984 thể hiện mong muốn của Bộ GD để cho tất cả mọi HS đều được thể hiện năng lực tiềm tàng của bản thân. Đến năm 2004, thời kỳ đỉnh cao của GEP, toàn Singapore có 9 trường tiểu học và 2 trường trung học áp dụng chương trình này.

Mỗi năm, khoảng 1% HS lớp 3 bậc tiểu học được lựa chọn vào học GEP sau khi trải qua 2 vòng thi bao gồm tiếng Anh, Toán và IQ.

Mục tiêu của GEP là đào tạo những HS có năng lực học tập, khả năng lãnh đạo với các kỹ năng chuyên nghiệp, kỷ luật nghiêm khắc, nhận thức giá trị cuộc sống và có óc sáng tạo. Theo học GEP, ngay từ bậc tiểu học, HS đã phải rèn khả năng tự nghiên cứu, xử lý các vấn đề thực tế cuộc sống trong hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, dù được Chính phủ ưu đãi đặc biệt với sự miễn giảm học phí trường tư (khoảng 2400 đô la Singapore/năm) nhưng HS vẫn không mặn mà với GEP. Thực tế cho thấy, cứ 5 HS thuộc GEP thì có 4 em chuyển sang IP, kéo dài 6 năm phổ thông. Với số lượng ít ỏi số HS tiếp tục đăng ký học GEP các năm tiếp theo, chương trình GEP có nguy cơ “phá sản” và Bộ GD Singapore dự định “xóa sổ” chương trình này vào năm 2008.

Do số lượng HS đăng ký theo học GEP ngày càng ít, từ năm 2005, nhiều trường đã chuyển từ GEP sang IP (Integrated Programme).

Có thể hiểu nôm na theo hệ thống giáo dục của VN, nếu GEP là hệ “chuyên”, “tài năng” thì IP là “chất lượng cao”. Tuy nhiên, nhiều người Singapore cho rằng đây thực chất là “bình mới rượu cũ”, chỉ là sự thay đổi về tên gọi vì thực chất chương trình học không thay đổi. Những HS bình thường sau khi học hết phổ thông phải tham dự kỳ thi O-levels để tiếp tục học dự bị ĐH 2 năm. Nhưng HS theo học IP được phép “nhảy cóc” lên thẳng A-levels để vào học ĐH.

Đội ngũ giảng viên cho các lớp tài năng này được tuyển chọn và tập huấn rất kỹ lưỡng. Tất cả giáo viên đều có quyền đăng ký xét tuyển trên mạng. Nếu được chấp nhận, những giáo viên này sẽ trải qua khóa huấn luyện về xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy cho HS tài năng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Nam Phi: Không có trường chuyên, lớp chọn

Là một trong những quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất châu Phi nhưng đất nước Nam Phi không hề có trường lớp tài năng dành riêng cho các HS xuất sắc. Tuy nhiên, có một số trường nổi bật về lĩnh vực nào đó vẫn thu hút nhiều HS giỏi dồn về theo học. Chẳng hạn như một số trường phổ thông ở Cape Town rất nổi tiếng về toán học nên các HS giỏi toán thường tập trung về đây.

Những kỳ thi quốc tế như IMO hay PAMO (Olympic Toán học khu vực châu Phi) được đầu tư khá lớn.

Với IMO 2007, hàng nghìn HS đã tham dự kỳ thi quốc gia mang tên Talent Search (Tìm kiếm tài năng) để chọn 50 em xuất sắc nhất vào đợt huấn luyện đầu tiên. Đợt huấn luyện này kéo dài vài tháng và kết thúc bằng một cuộc thi chọn ra 15 HS vào vòng 2. Ở đợt huấn luyện lần 2 này, các em vừa được học phương pháp giải toán, vừa được luyện đề giống như đề IMO thật. Cuối cùng, có 6 em vượt qua kỳ tuyển chọn được vào đội tuyển IMO chính thức và tiếp tục được huấn luyện đợt 3.

Motta Moonda, thành viên đội IMO 2007 của Nam Phi cho biết: “Những HS dự thi IMO hay PAMO thường được giáo viên ở trường ưu tiên bỏ qua m ột số môn học để tập trung thời gian ôn luyện đội tuyển. Tuy nhiên, nhà trường không có sự hỗ trợ đặc biệt nào về tài chính.”

Đầu năm 2007, báo chí Nam Phi đã đồng loạt đưa tin về sự ra đời của Học viện Lãnh đạo cho Nữ giới do nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey đầu tư xây dựng ở Nam Phi với số vốn 40 triệu đô la dành cho những trẻ em gái tài năng. Với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên được lựa chọn nghiêm ngặt, chương trình học đa dạng, nhiều người dân cũng như lãnh đạo Nam Phi mong muốn mô hình đào tạo tài năng do tư nhân tổ chức này sẽ đào tạo cho đất nước những nhà lãnh đạo thực sự trong tương lai.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1318

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn