Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Học phí - nỗi niềm muôn thuở của phận nghèo
03/10/2007

(VietNamNet) - Nếu học phí được cộng đồng biết cụ thể như chi trả lương cho giáo viên, xây dựng trường lớp và nhằm tăng chất lượng giáo dục, số người phản đối tăng học phí cũng không nhiều. Nếu nhìn thấy hiệu quả thật và sự minh bạch, số đông các bậc phụ huynh sẽ mở hầu bao như các bậc tiền nhân từng gánh gạo và mang gà đến trả công thầy đồ một cách tự nguyện.

“Lộ trình” đi học của con nhà nghèo

Khi tôi học tiểu học trường làng những năm 60, mỗi lần xin tiền học phí, mẹ tôi lại mếu máo: “Đào đâu ra ngần ấy, con ơi?”. Sáu anh chị em đang tuổi đi học, trải đều từ lớp 1 đến lớp 4 cùng xin tiền vào một ngày đầu tháng, trong khi hai em tôi lít nhít lại sắp đến trường. Nông dân vùng chiêm trũng quê tôi với một mùa lúa làm sao đủ tiền trả cho con đi học. Nào học phí, tiền giấy bút, quần áo, rồi đóng góp trường sở - mẹ tôi thường gọi là “tiền khổ, tiền sở” - và thêm nhiều loại đóng góp không tên gọi là tiền “trời ơi, đất hỡi”.

Để giải quyết vấn đề nan giải về tiền học, bố tôi ra một quyết định “Khổng Minh gạt lệ, chém Mã Tốc” mang tính “lộ trình”: Chị gái đầu lòng đi học muộn tuổi nên đến lớp 2 biết đọc khẩu hiệu là đủ, vì “con gái lớn rồi cần gì nhiều chữ”.

Hai ông anh trai khỏe mạnh được ưu tiên học hết lớp 4 cũng nghỉ để phụ việc nhà. Hai đứa em gái sau, tùy cơ ứng biến, học tốt sẽ cho đến lớp 7. May ra, cậu em út lúc lớn lên đến trường không phải đóng học phí vì nước ta đã giàu lên.

Riêng tôi sức “cò lả”, nghỉ cũng chẳng được việc gì nên ông quyết cho đi học đến khi nào “hết chữ thì thôi”, hoặc “dốt quá thì ở nhà chỉ huy Ngưu Ma Vương (chăn trâu)”. Mẹ tôi thỉnh thoảng lại thì thầm: “Cầu giời, khấn phật, phù hộ độ trì để ông Chính phủ bỏ cái học phí khốn khổ này đi”.

Tăng học phí, chi tiêu khác có giảm?

Trong mục đích Thiên Niên Kỷ “Trường học cho tất cả mọi người – education for all”, các nhà tài trợ Quốc tế như UNICEF, Ngân hàng Thế giới hay UN hoạch định chương trình với Chính phủ các nước đang phát triển nhằm tiến tới xóa bỏ tiền học phí cho học sinh phổ thông, nhất là các em trong diện gia đình nghèo. Học phí và chi tiêu cho học hành là rào cản, không cho con em người nghèo đến lớp.

Khảo sát 80 nước đang phát triển trên thế giới về giáo dục phổ thông, cho thấy 97% quốc gia có chế độ học phí và các chi tiêu bắt buộc khác như đóng góp cho trường của phụ huynh hay cộng đồng, tiền mua sách vở, đi lại, quần áo đồng phục thậm chí cả lệ phí thi cử, trong đó, có 40% các nước quy định bắt buộc về học phí. Họ cũng không đưa ra được kết luận về sự liên quan giữa học phí và chất lượng đào tạo.

Đóng học phí được coi là chuyện bình thường ở các nước Nam Á. Vùng Đông Á, học sinh phổ thông ở Indonesia, Trung Quốc hay đảo Solomon đều phải đóng như Việt Nam ta. Ở Trung Quốc hay Ai Cập, người ta thu học phí nộp vào ngân sách nhà nước và được phân bổ lại theo kiểu “xin cho”. Nhưng hầu hết các nước khác, trường tự thu học phí và chi tiêu tại chỗ. Rõ ràng, học phí được dùng tại trường, có sự kiểm soát chặt chẽ của cộng đồng và luật pháp, chắc chắn người dân sẽ yên tâm hơn vì nhìn thấy hiệu quả nhãn tiền.

Theo thống kê, số tiền dân nước ta chi cho con đi học thì học phí chỉ chiếm khoảng 4%, 29% chi cho sách vở tài liệu, 15% cho quần áo và đồng phục, 13% cho đóng góp trường, sở và đến 39% cho các chi tiêu “trời ơi” như học thêm, mua sách ngoài chương trình kể cả việc “đến thăm thầy cô”. Ở Ấn Độ, chi cho học phí là 13%, dùng đến 76% cho sách vở, dụng cụ học tập và chỉ có 1% cho việc “đất hỡi”. Thái Lan không có chế độ học phí nhưng qui định chi cho sách vở, quần áo và đóng góp trường, sở lại chiếm rất cao và đặc biệt không có chi tiêu “đi đêm”.

Câu hỏi ở đây là nếu dân ta đồng ý tăng gấp ba lần, thậm chí bốn lần học phí như hiện nay thì phần 39% chi cho “trời ơi đất hỡi” có biến mất như ở Thái Lan hay chí ít cũng giảm đi một nửa? Có đảm bảo lương giáo viên tăng gấp đôi để họ không phải dạy thêm hoặc bịa cớ để dạy “ngoài giờ”?

Chất lượng giảng dạy sẽ tăng gấp ba hay cuối cùng lại “vẫn thế vì cơ chế”? Phải chăng, thấy ngành điện hay xăng dầu tăng giá thì giáo dục cũng bắt chước vì kinh tế thị trường? Ngành GD & ĐT có đưa ra được một lộ trình từ nay đến năm 2020 việc tăng, giảm và tiến tới bỏ học phí như thế nào nếu Việt Nam đạt thu nhập 5.000 USD - 10.000USD/năm/người, như một giấc mơ? Xin các chính khách xa-lông máy lạnh thấu hiểu, đồng tiền “của đau con xót” dân nghèo chi ra phải biết mục đích và hiệu quả.

Người nghèo: Càng tăng học phí, càng nghèo?

Các nghiên cứu về giáo dục của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ trên thế giới, các hộ gia đình dành đến 20% thu nhập cho con đi học ở bậc phổ thông, ở châu Phi tỷ lệ này là 30%, Liên Xô cũ là 40% và Việt Nam trung bình 44%, vào loại cao nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ dân ta hết lòng vì tương lai con em và cũng thuộc vào quốc gia… nghèo.

Những phân tích đã chỉ ra rằng gia đình càng nghèo, phần trăm thu nhập dành cho chi phí học hành càng cao và vì thế càng làm họ nghèo thêm nếu cho con đi học. Ví dụ, một gia đình thu nhập hàng năm là 12 triệu đồng (gần tương đương thu nhập bình quân hiện nay theo đầu người của VN). Nếu dành 44% thu nhập cho con đi học nghĩa là mất đi 5,2 triệu, họ chỉ còn lại 6,8 triệu cho các chi tiêu khác cho cả năm bao gồm ăn uống, quần áo, thuốc men v.v... Một hộ khá hơn cùng xã với thu nhập 36 triệu một năm, cứ cho là giầu nên mua quần áo, đồ dùng học tập đắt hơn và tạm cho chi phí khoảng 10 triệu (gấp đôi hộ trên) cho học hành, chỉ tương đương với 28% thu nhập.

Quyết định tăng học phí sẽ làm người nghèo sẽ nghèo thêm, gia tăng khoảng cách trong xã hội. Gia đình khó khăn vùng nông thôn hay miền núi sẽ ưu tiên cho con trai đi học, con gái ở nhà lao động. Tiêu chí về công bằng xã hội và bình đẳng giới sẽ dần biến mất.

Đất nước ta đã thành công đưa 58% hộ đói nghèo từ năm 1993 xuống dưới 20% vào năm 2004 và năm nay là 15% với tốc độ khoảng 3,5% hộ thoát nghèo hàng năm. Không hiểu sau khi tăng học phí, tốc độ số hộ vượt qua ngưỡng nghèo có tiếp tục giảm 3,5% hàng năm hay số vượt nghèo qua năm trước lại quay về nơi xuất phát?

Người giàu: Hướng tới trường chất lượng cao

Đương nhiên, người giầu hoặc thu nhập khá trở lên bao giờ cũng có khả năng cho con cái học ở những trường có điều kiện tạo ra chất lượng cao. Việc họ đóng học phí cho con đến trường không là vấn đề lớn như những người nghèo. Học phí hiện phải đóng 100 nghìn, nếu tăng lên 5 lần (500 nghìn) người ta vẫn chấp nhận được, miễn là sau đó chất lượng trường lớp và giảng dạy lên “gấp ba lần” cũng tốt lắm rồi.

Chúng ta đều hiểu rằng ngân sách ở những quốc gia đang phát triển, bao giờ cũng hạn hẹp nên việc thu học phí để đóng góp thêm cho ngành giáo dục là lẽ đương nhiên, nhất là đối với một nước như Việt Nam đang cố đạt thu nhập 1.000 USD/người/năm đến năm 2010.

Quốc gia đã giàu thì việc miễn học phí cho học sinh phổ thông rất dễ thực hiện như ở Bắc Mỹ, châu Âu hay thậm chí như ốc đảo Đài Loan. Người giàu sẵn sàng đóng thêm học phí, nhưng ông nông dân nghèo như bố tôi thì không thể. Theo cơ chế trường công như hiện nay, người nghèo cũng khó cho con đến trường nếu tăng học phí và người giầu với mong muốn cải thiện chất lượng giáo dục lại không muốn ném tiền vào miệng “thuồng luồng” nếu họ không thấy hiệu quả.

Trong thực tế chắc chắn đã và đang diễn ra một sự phân hoá tự nhiên, ở những trường tư nhân, thậm trí trường Quốc tế, con cái các đại gia, các gia đình giầu có, khá giả có khả năng theo học. Người giầu chắc gì thích gửi con đi học ở nước ngoài nếu ngay tại quê nhà cũng có trường chất lượng cao, không mất chất xám cũng như ngoại tệ lại được gần con. Thuế lợi tức của các trường đó có thể giúp một phần cho trường công thông qua sự điều tiết của Nhà nước.

Gia đình có thu nhập thấp sẽ được các trường công thu nhận con cái họ vào học do ngân sách nhà nước đầu tư. Những gia đình nghèo thấy con mình có khả năng và quyết tâm cho con ăn học đến nơi đến chốn cũng có thể vay ngân hàng lãi suất thấp để cho chúng ăn học ở các trường chất lượng cao và hoàn trả sau 10 hay 15 năm sau.

Làm thế nào để có cơ chế trường tư song hành với hệ thống trường công - có cạnh tranh vẫn tốt hơn là độc quyền. Câu hỏi này xin dành cho ngành GD & ĐT. Chỉ e rằng sau khi thực thi chiến lược trường công-tư, số cán bộ cồng kềnh thuộc Bộ cùng các sở GD & ĐT lại vơi đi một nửa.

Giá như phụ huynh biết học phí dùng để làm gì?

Tôi đến thăm Trà Vinh, được biết chùa chiền ở đây rất to và đẹp, trên nóc dát vàng. Người Khơ me rất nghèo, nhà tranh vách lá, nhưng lại cúng tiền xây chùa vì họ tin vào tín ngưỡng và con cái họ được học trong đó.

Cậu con trai bốn tuổi của tôi đi nhà trẻ, thấy lớp nóng quá về bàn: “Mẹ ơi, mẹ mang cái điều hòa nhà mình đến lớp con cho mát”. Chuyện đùa hóa thật, các bà, các cô bàn nhau, tự đóng góp tiền, mua điều hòa lắp và hứa trả cả tiền điện hàng tháng. Thậm chí, một số gia đình nghèo lại được các bác khá hơn gánh vác. Các bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền xây dựng trường lớp nếu họ thực sự thấy hữu ích cho con cái.

Trên website của Bộ GD & ĐT có một cửa sổ nhỏ thăm dò ý kiến bạn đọc: “Theo bạn, nguồn thu từ học phí lâu nay được các trường sử dụng phần lớn vào việc gì?”. Vào thời điểm tôi viết bài này, có khoảng 2000 phiếu và gần 60% chọn “Không hề biết” học phí dùng cho mục đích gì. Nếu ở site khác chắc kết quả còn tệ hơn.

Phương cách có từ thế kỷ trước là thu học phí, nộp vào ngân sách để rồi phân bổ lại cho các trường như hiện nay có còn giá trị ở thế kỷ 21 này? Tôi tin rằng nếu học phí được cộng đồng biết cụ thể như chi trả lương cho giáo viên, xây dựng trường lớp và nhằm tăng chất lượng giáo dục, số người phản đối tăng học phí cũng không nhiều. Nếu nhìn thấy hiệu quả thật và sự minh bạch, số đông sẽ mở hầu bao như các bậc tiền nhân từng gánh gạo và mang gà đến trả công thầy đồ một cách tự nguyện.

Thay cho lời kết

Viết những dòng này, tôi nhớ đến bố mẹ tôi vất vả sớm khuya nuôi tám đứa con ăn học. Sau gần 50 năm nhìn lại “lộ trình” của ông bố, chị tôi ít học nhất là người nghèo nhất, các cháu con của chị học đến lớp 7 rồi bỏ ở nhà làm ruộng. Các anh em tôi có khá hơn một chút, nhưng không cháu nào vào đại học, tiếp nối cha anh “hết phổ thông, xin ông cầm cầy”. Còn lại chỉ mình tôi ra được khỏi lũy tre làng, học mãi vẫn không thấy hết chữ. Giá như lúc đó, học phí không là cản trở chính việc các anh chị em tôi đến trường thì hôm nay các cháu của tôi cũng không phải quanh quẩn mấy dãy núi Ninh Bình, nổ mìn phá đá.

Ai cũng mong muốn con em mình đến trường khang trang, thầy cô yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Đấy là giấc mơ bao đời của các bậc cha mẹ khi cho con đi học. Di chúc Cụ Hồ cũng viết: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Thiết nghĩ, mỗi quyết định về tăng, giảm học phí đều phải có nghiên cứu khoa học, có c ơ sở thực tiễn, xem xét tác động của nó đến toàn xã hội vì việc tăng học phí động chạm đến hàng chục vạn gia đình. Nếu chính sách, lộ trình tăng, giảm học phí, sự minh bạch trong chi tiêu, các giải pháp cho mọi tầng lớp được bàn thấu đáo và nhân dân đồng thuận thì khỏi lo việc đóng góp. Dân ta vốn hiếu học nên luôn mong muốn con cái có tri thức bằng người. Họ sẵn sàng thắt lưng buộc bụng để con được đến trường.

Mong các vị chức sắc quyết định tăng học phí, khi ngồi xa-lông máy lạnh, uống ly trà ướp nhài vào giờ nghỉ trưa, hãy tự đặt mình trong vai của ông bố hay bà mẹ nghèo khó đang lội ruộng giữa mùa hè nóng 42OC ở miền quê Hà Tĩnh khô khốc gió Lào. Vài đồng học phí rất có thể làm cho hàng triệu người nghèo ở thế kỷ 21 phải ra những quyết định đau đớn như của bố tôi từng

Các số liệu trong bài viết được tham khảo trong báo cáo của Nghiên cứu về phí giáo dục trong phổ thông cơ sở. (User Fees in Primary Education – The World Bank).



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1340

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn