Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Chống gian lận trong thi cử bằng cách nào?
21/10/2007

TP - Kỳ thi THPT năm nay rõ ràng là thước đo chủ trương “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cụ thể hơn là xem việc chống gian lận quay cóp và dung túng gian lận quay cóp, cái tệ nạn đã ăn sâu từ mấy chục năm nay, sẽ có kết quả như thế nào?


1. Làm cách nào để biết kỳ thi THPT sắp tới còn gian lận hay không? Để thực hiện “Hai không”, Bộ GD&ĐT đã đề ra một số biện pháp như: thi trắc nghiệm 4 môn Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ. Bố trí những giáo viên ĐHCĐ làm thanh tra ủy quyền ở Ban chỉ đạo thi, ở nơi sao in đề, ở nơi chấm thi và 2 thanh tra ủy quyền ở mỗi điểm thi.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Ở mỗi điểm thi có tới mấy chục phòng thi, thì 2 vị thanh tra ủy quyền này làm sao có thể cùng một lúc có mặt ở tất cả các phòng thi? Hay cũng chỉ là đi dạo hành lang, cưỡi ngựa xem hoa? Và ai có thể khẳng định rằng trong lúc vắng bóng thanh tra sẽ không có giám thị nhắm mắt làm ngơ để thí sinh thoải mái quay cóp, thoải mái thông tin cho nhau (bằng nhiều thủ đoạn ranh mãnh) đáp án thi trắc nghiệm, dù có đến 4 phiên bản đề thi?

Và nếu điều này xảy ra thì còn tai hại hơn rất nhiều, vì một thí sinh yếu kém nhất cũng có thể có điểm ngang với thí sinh giỏi nhất mà không có cách gì thẩm tra được. Như thế thì làm cách nào để có thể khẳng định là trong kỳ thi THPT năm 2007 sắp tới hoàn toàn không còn gian lận? Hay là sẽ rơi vào một “bệnh thành tích mới” là: “… Do thấm nhuần hai không mà kỳ thi ở tỉnh ta (hoặc thành phố ta) đã diễn ra rất nghiêm túc và suôn sẻ”!

Vì vậy để góp phần chống gian lận và dung túng gian lận cũng như phần nào có thể kiểm chứng được mức độ trung thực của từng hội đồng thi, từng phòng thi, tôi xin đề nghị biện pháp cụ thể như sau:

- Về các thanh tra ủy quyền, nếu là của trường cao đẳng do địa phương quản lý, thì nên điều sang làm thanh tra ở một địa phương khác, để tránh áp lực. - Về hai thanh tra ủy quyền ở mỗi điểm thi, nên phân công như sau:

Thanh tra A có nhiệm vụ “lưu động”, có thể vào bất kỳ phòng thi nào xem những tài liệu mà giám thị đã thu của thí sinh mang vào phòng thi, rồi yêu cầu giám thị xuất trình những biên bản đình chỉ thi tương ứng với số tài liệu ấy. Nếu không có biên bản đình chỉ thi thì thanh tra ủy quyền lập biên bản là giám thị phòng thi ấy dung túng gian lận.

Thanh tra B có nhiệm vụ “cắm chốt” ở một phòng thi nhất định (do thanh tra tự chọn) trong suốt thời gian thi 6 môn. Sau kỳ thi đối chiếu tỷ lệ tốt nghiệp của phòng thi “cắm chốt” với phòng thi khác ở điểm thi.

Chẳng hạn phòng thi “cắm chốt” đỗ 50%, còn các phòng thi khác đều đỗ 80%, 90%… là tại sao? Đó là phương pháp đối chứng làm cơ sở cho sự tìm hiểu mức độ trung thực của điểm thi ấy, của Hội đồng thi ấy.

2. Thi tốt nghiệp THPT kỳ 2: Nghiêm túc như thế nào?

Trên thế giới, nhiều nước tổ chức thi tú tài kỳ 2. Ở nước ta, trước năm 1945, cũng thế. Vậy tổ chức thi tốt nghiệp THPT kỳ 2 là việc bình thường. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Bộ nói kỳ thi thứ 2 vẫn rất nghiêm túc, nhưng trong kỳ thi này liệu vẫn sẽ có thanh tra ủy quyền để đảm bảo nghiêm túc như kỳ thi thứ nhất không?

Nếu không có, liệu tâm lý “tháo khoán” cho đỗ hết, cho “đỡ nặng gánh” có diễn ra không? Như vậy là trước kia, thi một kỳ, do dung túng quay cóp, đỗ gần hết. Nay thi kỳ thứ 2 buông lỏng rồi cũng đỗ gần hết! Vậy có khác gì nhau? Mà lại tốn thời gian, tốn công sức, tốn tiền tổ chức 2 kỳ thi.

Vì vậy đề nghị Bộ: Một mặt ra đề thi kỳ 2 chỉ hoàn toàn ở mức độ trung bình, một mặt có biện pháp đảm bảo hết sức nghiêm túc như kỳ thi 1. Cũng phải lường trước là nếu coi chặt, chấm đúng, thì số lượng thi trượt kỳ 2 vẫn có thể sẽ rất nhiều!

Đã chiếu cố cho học thêm 2 tháng là tốt rồi mà vẫn trượt thì cũng đành phải chấp nhận thôi! Cuộc cách mạng nào mà chả có ít nhiều đau đớn! Nếu “tháo khoán” kỳ 2 thì chủ trương nói không với tiêu cực trong thi cử trở thành vô nghĩa.

3. Tuyển sinh lớp 10: Vẫn dùng phương thức khuyến khích gian lận học bạ và học lệch?

Tuyển sinh vào lớp 10, Bộ đề ra 3 phương thức. Phương thức thứ nhất là xét tuyển bằng học bạ. Có thể thấy ngay là phương thức này rất tai hại vì nó tạo ra một cuộc chạy đua gian lận.

Nhiều giáo viên sẽ nâng điểm lên, nâng xếp loại văn hóa và hạnh kiểm lên để học trò của lớp mình, của trường mình được vào thẳng lớp 10 thật nhiều.

Phòng Giáo dục của các quận huyện sẽ phải vất vả theo dõi và ghi vào máy tính hàng vạn điểm số của hàng nghìn học sinh để phòng chống sửa điểm, nhưng cũng chẳng ích gì, nếu người ta cố tình đôn điểm lên ngay từ đầu.

Nhất là về xếp loại hạnh kiểm, hỏi rằng ai có thể “vặn” một giáo viên chủ nhiệm là: Tại sao lớp của thầy (hay của cô) lại có tới 98% hạnh kiểm tốt?”. (Và có khi chính Phòng Giáo dục cũng có thể nhắm mắt làm ngơ trước việc nâng điểm, nâng xếp loại, vì có lợi cho học sinh quận mình, huyện mình được vào lớp 10!). Phương thức thứ 3 là xét học bạ, chuyển xếp loại văn hóa và hạnh kiểm thành một số điểm nào đó rồi cộng với điểm thi 2 môn Văn và Toán. Có thể thấy ngay rằng phương thức này tai hại gấp đôi vì nó vừa khuyến khích gian lận học bạ như trên đã nói, lại vừa khuyến khích học lệch, chỉ chú trọng Văn, Toán và coi nhẹ tất cả các môn khác.

Xin hỏi Phòng Giáo dục nào có thể có mặt trong tất cả các tiết dạy các môn ngoài Văn, Toán ở cả chục trường THCS trong suốt cả năm lớp 9, để xem là thầy dạy và trò học có cẩn thận không hay chỉ chiếu lệ qua loa? (Mặt khác, có lẽ trên thế giới ít có nước nào làm cái chuyện kỳ quặc là biến xếp loại thành điểm để cộng với điểm cụ thể của bài thi!).

Còn phương thức thứ 2 thì sao? Phương thức thứ 2 là thi 3 môn, trong đó Văn và Toán cố định, môn thi thứ 3 là bất kỳ, được công bố vào nửa sau của tháng cuối năm học. Có thể thấy ngay đây là phương thức tốt nhất vì nó đơn giản, trung thực, công bằng và có hiệu quả nhất.

Đó là do trước hết nó triệt tiêu tất cả mọi gian lận học bạ. Thực vậy, vì đôn xếp loại văn hóa và hạnh kiểm lên cũng chẳng để làm gì. Do chưa biết môn thứ 3 sẽ là môn gì nên thầy và trò không thể coi nhẹ bất cứ môn nào, mà chẳng cần ai theo dõi, kiểm tra!

Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố tuyển sinh lớp 10 theo phương thức thứ 2 (thi 3 môn). Như thế là rất đúng. Rất mong Bộ xem xét lại và kịp thời loại bỏ các phương thức thứ nhất và thứ 3. Nói không với tiêu cực mà vẫn dùng phương thức khuyến khích gian lận và học lệch là điều không thể hiểu được!

Lê Huy
(Nguyên Trưởng đoàn chuyên gia giáo dục)


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1399

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn