Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Học phí trả bằng... ?
04/11/2007

Học phí trả bằng máu là tên một tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục với số phận khá long đong như nhân vật chính của nó (ông Lê Công Cơ, một sinh viên tranh đấu ở Huế trước 1975, sau trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 8, rồi bị “đánh" tơi tả vì những chuyện đâu đâu – như thường thấy ! – phải về hưu non. Nay ông là chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học dân lập Duy Tân ở Đà Nẵng). Nhưng cái thời đấu tranh quyết liệt ấy cũng đã qua, thời bình chẳng còn ai nói chuyện đem máu ra để trả “học phí”, nhất là khi đó là học phí theo nghĩa đen, cho con em mình cặp sách đến trường.

Thế mà...

Với đề án vừa được công bố tăng học phí lên gấp từ 3 đến 5 lần ở hai thành phố chính của cả nước (tin báo Thanh Niên ngày 26.6.2007, còn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM ngày 3.7 thì phương án được đưa ra là tăng từ 2 đến 3 lần), câu hỏi “học phí trả bằng gì ?” lại đang đặt ra cho hàng chục, hàng trăm ngàn hộ dân. Bán máu để lấy tiền nuôi con ăn học ư ? Câu hỏi rất có thể không chỉ là lý thuyết đối với một bộ phận nhân dân, trong một nước “xã hội chủ nghĩa” ! Cũng may, viễn cảnh đó tạm thời được đẩy lùi với quyết định của HĐND TPHCM chưa thông qua cái đề án quái gở này.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là quyết định tạm dừng đề án (giao lại cho một kỳ họp bất thường tổ chức trước năm học 2007-08), mà HĐND buộc phải lấy trước làn sóng phản đối của người dân (được một số đại biểu phản ánh trong kỳ họp). Mặt khác, người ta vẫn chưa nghe tin gì từ Hà Nội (5.7), kể cả từ HĐND thành phố và từ Trung ương (bộ Giáo dục - Đào tạo). Vì thế, việc phân tích những gì ẩn sau đề án này, và những hệ quả của nó nếu cuối cùng nó sẽ được thông qua, tưởng vẫn không thừa.

Lập luận chính của các nhà quản lý khi đưa ra đề án là : Khung học phí được quy định năm 1998 đến nay đã lạc hậu, mức lương tối thiểu đã tăng gấp 3 lần (từ 144 000 lên 450 000 đ/tháng) và lạm phát trung bình 10%/năm, nếu không tăng không đảm bảo hoạt động tối thiểu của Nhà trường. Ngoài ra, trước phản ứng mạnh mẽ của người dân, các quan chức giáo dục cũng nhấn mạnh tới việc họ “đã tính đến khả năng đóng góp của những học sinh nghèo của TP nhưng không thuộc đối tượng miễn giảm theo quy định, nhất là những gia đình đang nằm trong ranh giới “thoát nghèo” bằng chế độ giảm học phí hoặc phát học bổng...” (bà Dương Ngọc Thanh, phó giám đốc sở GD-ĐT TPHCM). Câu nói thòng này rõ ràng không đủ trấn an dư luận trước viễn tượng một số đông học sinh sẽ phải bỏ học, và một số đông gia đình khác bố mẹ sẽ phải xoay xở thêm nữa để cho con em tiếp tục tới trường.

Nhưng, cần trở lại lập luận chính nói trên về lý do phải tăng học phí, và những khuất tất mà nó che giấu.

Phân tích thuyết phục nhất được đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn của báo Lao Động (ngày 2.7) của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn (Đại học quốc gia Hà Nội) :

« (Lập luận nói trên) mới là một nửa sự thật, một nửa còn lại là, kinh phí Nhà nước cấp hàng năm từ 1998 đến nay đã tăng 6 lần, mặc dù số lượng HSSV không tăng đáng kể, khoảng 22 triệu em. Năm 1998-1999 kinh phí Nhà nước cấp cho GDĐT là 11 754 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD) thì năm 2007 này là 67 000 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD).

Đó là chưa kể tiền vay của nước ngoài là 1 109 triệu USD, và đóng góp của dân. Tỉ lệ đóng góp giữa nhân dân và Nhà nước ở ta là 50/50, trong khi đó, tỉ lệ đóng góp cao nhất trên thế giới khoảng 20%. Cụ thể ở Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%. Năm 2005, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục là 41 630 tỉ - 2 67 tỉ USD (chiếm 8,3% GDP) đã vượt cả đầu tư của Mỹ, chiếm 7,2% GDP. Sự phân hoá giàu nghèo là 13,5 lần. »


Và về câu hỏi « Tại sao ngành GD lúc nào cũng "khát" kinh phí trong khi kinh phí của họ lớn như vậy ? », ông vạch trần điều mà các nhà quản lý giáo dục rất ngại nói tới :

- Cải cách liên tục, họp hành triền miên và buông lỏng quản lý tài chính. Ví dụ, cuộc thiết kế lại chương trình và thay SGK ở bậc phổ thông, liên miên từ 1981 đến nay vẫn chưa xong. Chưa kể doanh thu hàng năm của NXBGD là 100 triệu USD/năm, thì dự chi của Nhà nước từ 2002 - 2007 cho việc đổi mới chương trình và thay sách ở phổ thông là 2 tỉ USD.

Trung bình cứ 3 ngày có một cuộc họp ở tầm hoặc quốc gia hoặc vùng, có cuộc họp tới 800 người, mà vẫn không biết giáo dục Việt Nam yếu kém từ đâu ? Còn ở cơ sở số cuộc họp lên tới hàng nghìn/năm để bàn về cải cách, đổi mới. Quản lý tài chính của ta chẳng giống ai, nguồn kinh phí Nhà nước ở cấp T.Ư lại được ba bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Bộ GDĐT cùng quản, "nên chỉ một số liệu chi tiêu ngân sách trong một lĩnh vực mà 3 bộ cung cấp cho 3 con số khác nhau".

Còn cơ sở, các trường tự lo, ngoài phần ngân sách của Nhà nước cấp, tiền thu được giữ lại một phần để "chia nhau", một phần "nộp" lên trên. Con số thu chi này chưa hẳn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Kiểu quản lý này là theo cơ chế "ăn bám".


Trong một đoạn sau của bài trả lời phỏng vấn này, ông Hãn còn đặt câu hỏi:

« Kinh phí Nhà nước cấp (cho ngành giáo dục) năm 2007 đã là 4 tỉ USD, trong khi lương cho cán bộ giáo viên trong toàn bộ hệ thống khoảng 1 tỉ USD/năm, vậy số còn lại đi đâu ? »

« Cơ chế ăn bám ». Từ khoá hiển nhiên nhất cuối cùng cũng đã được nói thẳng ra, và được in trên giấy trắng mực đen, dù phần lớn báo chí vẫn né tránh nó. Bởi thực ra không có câu trả lời nào khác có thể cắt nghĩa một cách cơ bản và đầy đủ hơn những « tiêu cực » của ngành giáo dục mà những cuộc vận động « hai không » hay mười không chăng nữa cũng sẽ không thể vượt qua nếu cái cơ chế đó không bị tiến công một cách kiên quyết (thể hiện trước hết qua việc công khai, minh bạch hoá các khoản chi, thu ở mọi cấp Đảng và Nhà nước), để cuối cùng được xoá bỏ một cách nhất quán.

Về mặt đạo lý và luật pháp, không ai có thể cắt nghĩa vô vàn những học phí, lệ phí mà người dân vẫn phải trả ở các cấp học « phổ cập » (theo Luật giáo dục 2005, là cấp tiểu học và trung học cơ sở), mà học sinh trong độ tuổi (nghĩa là từ 6 đến 14 tuổi) « có nghĩa vụ » phải đạt tới (điều 11 của đạo luật) này. Đúng theo tinh thần của Luật, các cấp học cho tới trung học cơ sở (từ mầm non, mẫu giáo, tới lớp 9), mọi trẻ em đều phải tới trường, và nếu cha mẹ họ chọn trường công, đều phải được nhận vào học mà không phải trả bất cứ khoản học phí, lệ phí nào. Những khoản phí được đặt ra vào mười năm trước đã là bất hợp pháp, chỉ có thể hiểu được trong hoàn cảnh nền kinh tế chung lúc đó còn quá thấp. Sau mười năm kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao, tới lúc phải đặt vấn đề xoá bỏ chúng chứ không phải viện cớ là do đời sống tăng lên để duy trì chúng, chưa nói tăng lên như đề án này nêu ra. Ngay cả ở một nước kinh tế thấp hơn Việt Nam nhiều như Cuba, giáo dục và y tế vẫn được nhà nước bảo đảm miễn phí. Ở Thái Lan, một nước không có « định hướng xã hội chủ nghĩa », giáo dục còn được miến phí tới hết trung học phổ thông (lớp 12).

Học phí (và cả viện phí - cách nói tắt ở trong nước : phí bệnh viện - nữa) trả bằng gì ư ?

Người dân đã trả rồi đó, qua việc nỗ lực, nai lưng làm ăn và đóng thuế cho nhà nước. Nếu không có cái cơ chế ăn bám kia, những con số đầu tư mà Nhà nước bỏ ra, như giáo sư Nguyễn Xuân Hãn và nhiều người khác đã chỉ ra, là dư đủ để có được một ngành giáo dục đàng hoàng hơn, trong đó lương giáo viên đủ nuôi sống họ và gia đình, không phải dạy thêm, không phải nhờ vào biếu xén của gia đình học sinh mỗi khi lễ lạt v.v.

Bài học phá sản của các hợp tác xã, bài học từ những cuộc nổi loạn của nông dân, chính là đây : vì một bộ máy ăn bám, bí thư, chủ nhiệm, đảng uỷ v.v., ngày càng phình ra, mà sản xuất trì trệ, nông thôn tiêu điều. Và nhờ xoá các hợp tác xã mà kinh tế được đổi mới vào những năm cuối 1980. Thông qua « sự kiện » tăng học phí này, những nhà hữu trách không thể « tiết kiệm » việc đặt lại một cách cơ bản và toàn bộ khâu quản lý giáo dục. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân liệu có thể tiến hành cuộc cải cách giáo dục mà toàn dân trông đợi ? Thông tin về việc bộ GD-ĐT sẽ đệ trình chính phủ một đề án tăng học phí vào tháng 7 này khiến người ta không khỏi lo ngại về những vết xe đổ...


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1448

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn