Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Ước mơ tháng Tám
04/11/2007

(VietNamNet) - Kỳ thi ĐH nóng bỏng sắp vào hồi kết thúc. Từ Đức, cộng tác viên Trương Minh trăn trở về câu chuyện thi ĐH và bày tỏ ước mơ "xây dựng xã hội học tâp suốt đời như “mệnh lệnh giục giã từ cuộc sống” góp phần thành công chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

“Sau kỳ thi là trước một kỳ thi khác”

“Lần đầu người bạn thi đại học, thiếu điểm, gia đình động viên, tạo điều kiện cho học lại. Lần thứ hai vẫn không đậu nhưng bạn ấy vẫn muốn theo đuổi đến cùng. Đến năm thứ ba, gia đình đã dồn bao nhiêu công sức, hi vọng nhưng người bạn này vẫn không đủ điểm để vào giảng đường. Hoang mang cùng cực, cuối cùng bạn ấy đã tự tử vì thất vọng và không chịu đựng nổi sự trách móc của gia đình...”

Câu chuyện của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai kể trên báo chí không phải là một hiện tượng lạ, khi tham khảo các chỉ số thi và chọi ĐH hằng năm.

Đến hẹn lại lên, một thực tế mà không ai có thể phủ nhận: thi cử ĐH ở ta được tổ chức không chỉ để lựa chọn những người có đủ trình độ mà còn để loại bớt những người muốn được học ĐH. Lý do là vì các trường chỉ có đủ chỗ cho khoảng 20% số lượng các thí sinh. Chính xác hơn, năm 2006 có 1.500.000 học sinh thi vào ĐH và trúng tuyển là 200.000. Như vậy còn lại khoảng 1.300.000 học sinh bơ vơ không nghề, chưa từng hoặc không đủ khả năng lao động vì không quen lao động.

TS Nguyễn Sĩ Dũng trong một bài viết của mình đã ví von chuyện thi ĐH hằng năm như cuộc hội ngộ tháng bảy mưa ngâu của Ngưu Lang - Chức Nữ, với niềm vui nụ cuời của một thiểu số đặt đuợc một chân vào cánh cửa “mơ ước” và sự chua xót đắng cay của một đa số khác, cùng một độ tuổi, cùng một ước mơ, nhưng phải thất vọng ê chề, bất định trong một tương lai xám màu. Chưa kể đằng sau những thầy khoá “hỏng ăn” đó là sự kỳ vọng bị cướp mất của hàng triệu phụ huynh cha mẹ, anh chị,.. vào con em của mình.

Gần đây trên tờ Spiegel, một tạp chí danh tiếng của CHLB Đức, có bài về thực trạng thi cử đại học ở Việt Nam với dòng tít: “Sau kỳ thi là trước một kỳ thi khác”. Bài viết dẫn chứng một chi tiết khá thú vị, lấy được bằng tú tài ở nước ta chưa đủ lý do để tổ chức ăn mừng. Bởi vì đối với học sinh Việt Nam, tốt nghiệp tú tài chỉ mới là khởi đầu của một con đường mới, chông gai hơn gấp bội.

So với các học sinh Đức, với bằng tú tài trong tay, họ có thể bắt đầu kỳ nghỉ hè bằng những dự định cho một bước ngoặc cuộc đời mới: chọn trường ĐH, xin thực tập để có kinh nghiệm, học ngoại ngữ hay một cái gì đó mình yêu thích, thậm chí lên kế hoạch du lịch dài hạn nước ngoài để khám phá thế giới xung quanh. Kỳ nghỉ hè sau tú tài của các ông tú, bà tú Việt Nam lại bắt đầu bằng một sự đánh đổi một mất một còn giữa thành công và thất bại. Một mặt, xã hội tôn vinh những thủ khoa xuất sắc, những thí sinh thực tài. Nhưng mặt khác ước mơ vươn đến một môi trường nhân bản khiến chúng ta không thể bỏ quên những thành viên khác của cộng đồng, những người ngoài sự giúp đở của gia đình bạn bè, còn cần lắm sự động viên của cả xã hội. Phải chăng đã đến lúc phải nhìn nhận vấn đề thêm một tầng bao quát: liệu thực tế trên có cần thay đổi? và như thế nào?

Giải pháp gộp, tình thế hay lâu dài?

Cải tiến thi cử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT những năm vừa qua. Đặc biệt, năm 2007 đánh dấu bằng nhiều cải cách về hình thức lẫn nội dung trong tổ chức thi cử, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Năm sau, Bộ GD-ĐT tiếp tục chủ trương tăng thêm các môn thi trắc nghiệm toán, sử, địa. Năm 2009, dự kiến theo lộ trình đổi mới tuyển sinh, sẽ bỏ thi đại học, kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT làm một.

Mục đích của chương trình gộp này nhằm giảm căng thẳng cho cách thí sinh, còn hướng tới mục tiêu ít kỳ thi sẽ hạn chế bớt vấn nạn tiêu cực trong thi cử.

Trả lời với báo chí Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết bộ đang nâng chuẩn thi tốt nghiệp THPT bằng cách siết kỷ cương phòng thi, thay lối tự luận sang trắc nghiệm; còn việc xét tuyển ĐH sẽ dựa vào bảng điểm tốt nghiệp THPT và môn đặc thù theo yêu cầu của từng trường.

Xét tên mặt lý thuyết, sự thay đổi này nổi lên ba ưu điểm chính: (i) Qua cách làm việc trực tiếp với các thí sinh, giao thêm quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh. (ii) Tăng thêm mức độ chính xác trong quá trình thí sinh chọn ngành, chọn trường. Giảm thiểu những hình thức “thi thử, thi chơi”, đăng ký nhiều trường cùng một lúc. Việc tuyển sinh đúng đối tượng và có chất lượng còn có thể khuyến khích sinh viên hợp tác tốt với trường trong quá trình đào tạo. (iii) Góp phần tiết kiệm ngân sách hằng năm của Nhà nước cho thi cử, giảm sự căng thẳng và thất vọng đồng loạt của xã hội.

Về quyết định này, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang đánh giá đây là một chủ trương rất đáng được ủng hộ. Nhưng đồng thời, ông cũng nhận xét: muốn thực hiện chủ trương này cần phải có một cái nhìn và cách làm đồng bộ.

Cụ thể, thay đổi cách cho đề thi cũng như cách tuyển sinh sau trung học: Đề thi của cuộc thi tổng hợp này phải là đề thi đánh giá trình độ THPT của học sinh, không phải là thi để lấy người giỏi nhất chọn vào ĐH. Các học sinh đậu THPT theo cách thi tổng hợp này sẽ có phiếu chứng nhận điểm thi và có thể nộp đơn vào trường ĐH, CĐ, hoặc THCN mà mình muốn, không giới hạn số trường. Sẽ có rất nhiều thí sinh điểm cao nộp đơn vào cùng một trường. Mỗi trường có một mẫu “đơn xin học” phản ánh sắc thái chuyên môn của trường mình và người làm đơn phải trả lời đủ các khoản đã được hỏi (bao gồm: năng khiếu, yêu nghề, tại sao muốn học ngành này? dự kiến sẽ học tập như thế nào? Và dự kiến sẽ áp dụng kiến thức, kỹ năng học được như thế nào?). Như thế từng trường sẽ chọn đúng người thích hợp với ngành nghề vào trường mình (TT, 12/01/2007).

Rõ ràng, mặc dầu có nhiều ưu điểm và được sự ủng hộ của đa số, nhưng mô hình này chắc chắn còn ẩn chứa những vấn đề tiềm ẩn. Để áp dụng vào thực tiễn thành công, thiết nghĩ, những đóng góp và ý kiến phản biện của công luận, đặc biệt là các đối tượng liên quan như các em học sinh, thầy cô, phụ huynh,.. sẽ đóng vai trò “tư vấn” rất cần thiết cho những người làm chính sách giáo dục nước nhà.

Xã hội học tập suốt đời

Quan sát kinh nghiệm chính sách giáo dục sau tú tài ở một vài nước phát triển trên thế giới, có thể rút ra hai nhận xét:

(i) Thi cử với mục đích là đánh giá trình độ của một thí sinh chỉ là một trong nhiều tiêu chí để tuyển chọn vào các trường đại học.

Ở Đức chẳng hạn, điểm số bằng tú tài đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xét tuyển, nhưng không phải là trên hết. Nhìn chung, các trường đại học danh tiếng thường có xu hướng nhận xét một cá nhân không qua một kết quả nhất thời, mà qua một quá trình học tập, làm việc lâu dài. Qúa trình này một phần thông qua điểm số, thành tích học tập, các bài luận... Phần khác thông qua các công tác chính trị, đoàn thể, hoạt động văn hoá, nghệ thuật.. mà thí sinh đã và đang tham gia. Đặc biệt, khi thí sinh là thành viên của các tổ chức xã hội, hoạt động thịnh nguyện vì cộng đồng thì khả năng được chọn sẽ được cao hơn so với bình thường. Những tiêu chí này đảm bảo đáp ứng mục tiêu của quá trình xét tuyển là không chỉ chọn các thí sinh có khả năng học tập trong đại học, mà còn trở thành người có nhân cách và đóng góp tốt cho xã hội về sau.

(ii) Tuy đại học được xem là mô hình tiếp thu tri thức cao nhất, nhưng không phải thanh niên nào cũng muốn vào đại học.

Một trong những lý do chính là các nước đó xây dựng được một hệ thống dạy nghề hiệu quả, đáp ứng được các nhu cầu của thị trường. Hệ thống này có cơ sở định hướng cho các học sinh từ những năm lớp dưới.

Từ rất sớm, các em học sinh dưới sự tư vấn của cha mẹ và nhà trường có thể định hình con đường tương lai, tránh những lãng phí không đáng có về sau. Ngay cả các nhà tuyển dụng của những tập đoàn lớn hay cách hảng xưởng thế giới, đa số với họ tấm bằng đại học không phải là điều tiên quyết nhất. Một trong những xu hướng là đánh giá nhân viên bằng năng lực tồn tại trong thương trường, năng lực học hỏi những thay đổi. Và một điều rất quan trọng nữa, đó là khả năng vận dụng những chỗ "hiểu" đó vào trong môi trường mà doanh nghiệp đó cần. Chắc chắn, không trường đại học nào có dạy những điều này, mà qua môi trường thực tiễn những khả năng trên được rèn luyện, cọ xát với thực tế, thích nghi với môi trường cuộc sống đang thay đổi chóng mặt.

Đặc biệt, sự thay đổi quan niệm từ những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước đưa người học thành chủ thể của quá trình học tập, từ bị động trở thành chủ động, từ “giáo dục suốt đời” trở thành “học tập suốt đời”. Nhà nước trong vai trò người hổ trợ, cần tạo điều kiện, xây dựng nhiều lựa chọn thay thế (alternativ) cho người học tiếp cận với nguồn tri thức. Không nghi ngờ gì nữa, một “xã hội học tập” suốt đời là cái đích mà nhân loại đang tiến tới, trong đó học tập để khám phá thế giới, chiếm lĩnh và chính phục đỉnh cao tri thức mới, sáng tạo và chủ động, và quan trọng hơn là để làm Người. Lúc đó, học không phải chỉ để thi, để có bằng cấp, hay để có một việc làm tốt trong tương lai. Xây dựng xã hội học tâp suốt đời như “mệnh lệnh giục giã từ cuộc sống”, góp phần thành công chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Khi đó và chỉ khi đó, ước mơ tháng tám của chúng ta mới thực sự trọn vẹn!


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1452

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn