Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Những bài học hạnh phúc
04/11/2007

Các chuyên gia giáo dục của Anh tuyên bố, đã đến lúc phải xóa bỏ nhiều dạng khác nhau của thứ lý luận không tưởng về việc xây dựng hạnh phúc đại đồng. Theo họ, kiểu giáo dục đó thực ra đã đem lại quá nhiều tai hại. Bây giờ, con trẻ phải được học lý thuyết về tạo lập hạnh phúc cá nhân ngay từ thời thơ ấu.

Từ năm nay, trong chương trình giáo dục của trường Wellington (Anh), thay vì những bài giảng đạo đức khô khốc, các cô cậu học trò sẽ được học “những bài học hạnh phúc”. Cụ thể, đó là những bài học làm thế nào để có được hạnh phúc trong cuộc sống.

Cơ sở của sự thay đổi

Môn học mới này lấy quy tắc của tâm lý tích cực làm nền tảng. Lập ra quy tắc này là những chuyên gia giáo dục, trong số đó có các nhà khoa học sư phạm và tâm lý của trường Đại học Cambridge. Họ đã tập hợp tất cả những thành tựu của giáo dục học, triết học và tâm lý học châu Âu, bắt đầu từ thời nguyên thủy và kết thúc với những kinh nghiệm hiện đại về điều khiển trạng thái tình cảm.

Cơ sở được lựa chọn để thể nghiệm lý thuyết mới là một trong những trường trung học sáng giá nhất của nước Anh, Wellington College. Trường tư thục quý tộc này thành lập năm 1853, mang tên Huân tước Wellington, vị anh hùng dân tộc đã chiến thắng Napoleon trong trận Waterloo lịch sử.

Và bắt đầu từ năm học này trở đi, các học sinh trung học từ 14 đến 16 tuổi sẽ được dạy cách trở thành người hạnh phúc. Sang năm, những bài học này sẽ được dạy cho các học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Bài học hạnh phúc giờ đây đã trở thành một phần bắt buộc của chương trình, y như môn Vật lý, môn Văn hay môn Thể dục.

Giáo dục kiểu mới: Hãy giác ngộ và yêu lấy chính mình trước tiên!

Người đóng vai trò không nhỏ trong cuộc “cách mạng học đường” này là vị Giám đốc của Wellington College - nhà sử học Anh nổi tiếng Entoni Seldon.

Entoni Seldon định nghĩa hạnh phúc như sau: “Hạnh phúc nghĩa là có khả năng hiện thực hóa những tiềm lực của mình, cũng như có khả năng sống chan hòa với mọi người xung quanh bạn”. Chiếu theo định nghĩa như vậy thì nhiều người trên thế giới này không thể được coi là hạnh phúc, bởi họ không thực hiện được những kỳ vọng và khả năng của mình, không thiết lập được quan hệ hài hòa và phi xung đột với những người xung quanh.

Nhưng tình hình đó có thể thay đổi được - tác giả của môn học mới khẳng định như vậy. Bài học hạnh phúc liên quan đến rất nhiều thứ cụ thể: chẳng hạn, chăm sóc cơ thể và theo dõi sức khỏe của mình như thế nào, thư giãn kiểu gì sau khi căng thẳng, nên ăn và ngủ ra sao. Tất cả nhằm chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh cho một tinh thần lành mạnh. Đáng lưu ý rằng, những người bị trầm cảm và thiếu thăng bằng thường dễ bê trễ, không ngó ngàng gì đến sức khỏe của mình, uống rượu quá nhiều hoặc ăn kiêng một cách sai lầm.

Ngoài ra, trong những giờ học này, học sinh cũng sẽ được dạy, làm thế nào để gây dựng và gìn giữ quan hệ tốt với những người xung quanh. “Không có gì trong cuộc sống có khả năng đem lại cho ta niềm hạnh phúc bằng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người”.

Tại các giờ học cũng sẽ chú ý bồi dưỡng sự giác ngộ về bản thân. ”Có hiện thực đáng buồn là, tại các trường học khắp thế giới, trẻ em không được dạy cách hiểu biết về một người quan trọng nhất trong cuộc đời của em – đó là chính bản thân em. Dù ở Mỹ, ở Nga hay ở Trung Quốc, đều có vô vàn người thực sự chẳng biết gì về chính mình. Không thể hiện thực hóa những tiềm năng cá nhân, nếu như bạn không tự biết bạn là ai. Tất cả những điều đó có thể làm được và cần phải hoàn chỉnh ngay từ những năm ở trường phổ thông”.

Ai cũng cần học: người lớn, cha mẹ, đặc biệt là chính trị gia

Ông Entoni Seldon có 3 con. Trong gia đình mình, ông áp dụng phương pháp tìm hạnh phúc “chỉ một cách gián tiếp. Tôi rất lấy làm tiếc là đã không được nhận những kiến thức mà tôi đang nói đến bây giờ. Giá mà được học hẳn hoi, tôi đã là một người cha ưu tú. Thế nhưng tôi đã học hỏi rất nhiều khi theo dõi các con của mình. Nếu dùng thang điểm 10 để đánh giá một ông bố, thì có lẽ tôi chấm cho mình điểm 6”.

Ngoài ra, ông còn là tác giả cuốn sách viết về tiểu sử các thủ tướng Anh trước đây là Winston Churchill, Margaret Thatcher và đã đạt được những giải thưởng văn học lớn. Cách đây chưa lâu, ông cũng vừa công bố một cuốn sách mới viết về đương kim Thủ tướng Tony Blair và làm dấy lên cuộc tranh luận khá sôi nổi ở nước Anh.

Giám đốc trường Wellington cho rằng, môn học về hạnh phúc có lẽ cũng cần cả cho nhiều chính khách Anh. “Tôi nghĩ, chẳng hạn John Major (Thủ tướng Anh những năm 1990 - 1997) lẽ ra đã có thể hiểu về mình tốt hơn. Bởi vì ông ấy đã khá là không hạnh phúc khi ở cương vị thủ tướng. Còn về Tony Blair, thì theo tôi, ông ấy thừa mứa hạnh phúc. Ông ấy lạc quan không tưởng tượng nổi và cho rằng tất cả hiện thực đều tuyệt hảo. Sẽ không tồi nếu ông ấy học cách bớt tự mãn và giảm phần hăng hái thái quá trong cuộc sống. Tất nhiên, tôi sẽ chẳng có gì phản đối nếu trong thế giới của chúng ta, mọi mơ ước của Tony Blair đều là hiện thực. Ông ấy trở thành một thủ tướng hiệu quả đến thế, phần nhiều là nhờ sự đánh giá cao về bản thân, ông lan truyền cả cho những người khác chủ nghĩa lạc quan và niềm hạnh phúc. Chính ông ấy là một kiểu người mà tôi muốn mời đọc bài giảng về hạnh phúc ở trường Wellington. Biết đâu đấy, có thể khi Tony Blair thôi chức, ông ấy sẽ muốn nhận việc này. Tôi có thể dành cho ông ấy một chân giáo viên trong trường”.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1454

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn