Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Nghiên cứu khoa học: thừa tiền!
13/11/2007

Bộ KHCN vừa hoàn trả ngân sách nhà nước (NSNN) 125 tỉ đồng tiền nghiên cứu khoa học do không bố trí được đề tài (năm ngoái, con số này là 321 tỉ đồng). Vì sao NSNN dành cho KHCN năm 2007 chỉ có 7.100 tỉ đồng (khoảng 2% tổng chi ngân sách) mà vẫn không dùng hết, trong khi nhiều nhà khoa học chân chính than rằng thiếu tiền nghiên cứu?

Phạm Duy Hiển

Năm nào Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) cũng tổ chức hội chợ công nghệ (Techmart) để giới thiệu các công nghệ nội địa, nhưng chưa có một tổng kết khách quan nào cho thấy bao nhiêu sản phẩm từ những lần hội chợ trước đó được thương mại hóa thành công. Trong khi đó, thất thoát và lãng phí trong quản lý khoa học ngày càng phổ biến. Kết quả kiểm toán nhà nước công bố gần đây chắc chỉ mới xới lên một phần.

Sứ mạng của Nghiên cứu khoa học

Phải nói ngay rằng, hiệu quả kinh tế đơn thuần không phải là mục tiêu duy nhất, và tiêu chí độc nhất của nghiên cứu khoa học (NCKH). Sứ mạng của NCKH là sản sinh ra tri thức mới để nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục và dân trí của đất nước, qua đó tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội. NCKH còn có hai sứ mạng nữa là trực tiếp tác động đến sản xuất, đời sống và cung cấp cơ sở khoa học để hoạch định chính sách phát triển đất nước.

Cho nên NCKH thường gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao ở các trường đại học. Khó tưởng tượng một giảng viên đại học tốt lại không NCKH, một trường đại học đẳng cấp quốc tế mà không có đẳng cấp về NCKH. Tri thức khoa học từ trường đại học lan tỏa ra cộng đồng góp phần nâng cao dân trí. Cũng từ đây sẽ xuất hiện những chuyên gia, học giả và giới tinh hoa, những đỉnh cao dân trí của một đất nước. Có dân trí mới có quan trí, mới có quyết sách đúng đắn cho đất nước. Chính vì xem nhẹ mục tiêu văn hóa mà NCKH sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Do đó, tính sáng tạo khoa học phải được xem là tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá chất lượng NCKH. Thiếu tính sáng tạo khoa học chẳng những sẽ không đóng góp vào việc nâng cao trình độ văn hóa cho đất nước, mà dứt khoát cũng sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Vậy lấy thước đo nào để đánh giá tính sáng tạo khoa học? Trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay, ta nên làm giống tất cả các nước khác, nghĩa là mạnh dạn lao lên các sân chơi quốc tế để có một thước đo tin cậy cho NCKH. Đây là lẽ sống của các vận động viên thể thao, lý gì các nhà khoa học lại chối từ? Sân chơi quốc tế ở đây chính là các tạp chí, hội nghị, các cơ quan đăng ký sáng chế phát minh quốc tế. Phải có chính sách khuyến khích nhiều nhà khoa học xuất hiện trên các sân chơi này. Họ là những đầu đàn, vị thế của họ trên các sân chơi quốc tế sẽ phản ánh vị thế của Việt Nam trên mặt tiền khoa học thế giới.

Vấn đề của chúng ta

Ở nước ta, mục tiêu văn hóa, giáo dục và dân trí của NCKH bị xem nhẹ. Hệ thống đại học tồn tại từ lâu mà đến nay vẫn chưa có trường đại học nghiên cứu (Quy chế về các trường đại học nghiên cứu đang được soạn thảo, chưa biết khi nào mới ban hành). Lạm phát bằng tiến sĩ do thiếu thước đo chất lượng học thuật là một trong những nguyên nhân chính làm sa sút đại học. Thầy giáo dành rất ít thời gian cho NCKH, công bố quốc tế chẳng những không được khuyến khích, mà đôi khi còn bị bài xích. Cho nên, thành tích NCKH của những trường đại học tiên tiến nhất ở Việt Nam còn quá khiêm tốn so với Thái Lan, mà Thái Lan lại còn quá khiêm tốn so với thế giới.

Nhưng NCKH đâu phải được xem như công đoạn quan trọng nhất trong chuỗi khoa học - công nghệ - sản xuất ở nước ta. Tâm thức phổ biến là muốn đề tài phải cho ra ngay các sản phẩm có thể sờ mó được theo kiểu mì ăn liền. Chả thế mà bao nhiêu thiết bị khoa học chính xác rất đắt tiền phải nằm đắp chiếu vì nhiều người chỉ thích sử dụng chúng làm dịch vụ mà không quan tâm đến NCKH và các quy trình bảo đảm chất lượng. Khi vào cuộc, mỗi phòng thí nghiệm kiểm định, phân tích cho ra một kết quả, cơ quan quản lý không biết tin ai. Đo lường chuẩn xác là khoa học có trong mọi khoa học nhưng lại không được nghiên cứu và giảng dạy chu đáo ở nước ta. Nó cũng giải thích tại sao Việt Nam có rất ít công bố quốc tế về các khoa học thực nghiệm.

Trong hoạch định chính sách phát triển đất nước, NCKH cũng có vai trò rất mờ nhạt. Có thể nêu ra khá nhiều dẫn chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách thích sử dụng các báo cáo hành chính hơn là những báo cáo khoa học. Chiều hướng gia tăng dịch bệnh, độc tố trong thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... hiện nay chưa tìm thấy lời giải từ các công trình khoa học nghiêm túc. Đây lại là những lĩnh vực đa ngành, liên ngành, mà nền khoa học của chúng ta còn mang nặng tính hàn lâm chuyên ngành.

Cần xem lại mô hình quản lý?

Xuất phát từ những quan niệm trên, mô hình quản lý hoạt động NCKH hiện nay chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Những ý tưởng công bằng, dân chủ và tự chủ nhằm chỉ đạo thiết kế và thực thi mô hình quản lý NCKH hiện nay (từ tuyển chọn, đấu thầu, xét duyệt, nghiệm thu đề tài...) vẫn chưa phát huy tác dụng. Tiêu chí sáng tạo khoa học dựa trên thước đo của các sân chơi quốc tế chưa được nhìn nhận. Trong khi đó, với một đội ngũ chuyên gia còn quá mỏng, chúng ta lại đặt kỳ vọng vào các hội đồng tuyển chọn, xét duyệt và nghiệm thu, lấy số đông làm thước đo chất lượng. Dân chủ hình thức trong một môi trường học thuật bị hành chính hóa và hàng rào chuẩn mực nghiêm túc bị gỡ bỏ chẳng những không giúp ta tiến lên mà còn bị lợi dụng làm tấm bình phong dung túng cho tiêu cực và lãng phí.

Chương trình KHCN cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010 sắp được Bộ KHCN đem ra đấu thầu là bức tranh sinh động của mô hình quản lý hiện nay. Qua các đề bài có thể nhận ra kiểu “mì ăn liền”, cứ như thế này sẽ rất khó tạo ra được tiềm lực KHCN cho đất nước. Sống nhờ vào chương trình từ cấp nhà nước đến cấp cơ sở, các đơn vị khoa học lại phải “ăn đong” theo đề tài. Thắng thầu sẽ có tiền, hết tiền không nghiên cứu nữa. Đến hẹn lại lên, rất ít ai bận tâm đến nội dung và kết quả của những nghiên cứu lần trước đang ở đâu. Nền khoa học của ta mất đi một công cụ quan trọng để phát triển là tích lũy liên tục và kế thừa.

Xin minh họa thêm bằng một câu hỏi. Tại sao chế tạo đầu lọc thuốc lá, máy kiểm xạ chuyên dụng, máy X-quang dùng trong y tế... không phải là mối quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp mà lại được tuyển chọn để đem ra đấu thầu trong chương trình KHCN cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010? Cứ cho là nghiên cứu thành công, có cam kết nào bắt buộc các mẫu máy và chế phẩm này phải được đưa ra sản xuất đại trà? Trên thực tế, từ nhiều năm nay rất ít đề tài kiểu này cho ra các sản phẩm trên thị trường. Một đồng nghiệp của người viết bài này đã mất bao nhiêu năm để nghiên cứu chế tạo mẫu máy phân tích phối liệu cho nhà máy xi măng lò đứng. Mẫu máy vừa nghiệm thu thì có chủ trương sẽ đóng cửa các nhà máy này.

Trên thế giới, đây là việc của các doanh nghiệp. Họ sản xuất ra máy kiểm xạ với những tính năng được thị trường chấp nhận rộng rãi, từ đó họ tích lũy kinh nghiệm để khi cần có thể chế tạo ra các máy kiểm xạ chuyên dụng với những tính năng đặc biệt hơn. Cho nên, doanh nghiệp mà chưa vào cuộc thì những sản phẩm KHCN loại này phải nằm trong ngăn kéo của các nhà khoa học Việt Nam là điều rất dễ hiểu.

Có khá nhiều dẫn chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách thích sử dụng các báo cáo hành chính hơn là những báo cáo khoa học. Chiều hướng gia tăng dịch bệnh, độc tố trong thực phẩm, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường... hiện nay chưa tìm thấy lời giải từ các công trình khoa học nghiêm túc.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1493

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn