Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Linh hồn tiếng Việt không hề mất
13/11/2007

TT - Giáo sư Cao Xuân Hạo - người thầy của chúng tôi - đang lâm bệnh nặng. Thầy đã yếu từ mấy năm nay...
Biết bao thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh đã được thầy Cao Xuân Hạo dạy dỗ và hướng dẫn để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ. Những kiến thức mới mẻ về âm vị học, ngữ nghĩa học, ngữ pháp chức năng... đã giúp chúng tôi rất nhiều trên con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Cả đời giữ gìn bản sắc tinh hoa của tiếng Việt

Nhiều luận cứ về ngữ pháp chức năng hiện đại mà thầy Cao Xuân Hạo viết trong các sách cũng như những ý kiến thầy phát biểu trên báo chí thường độc đáo và sắc sảo, không giống cách miêu tả trong nhiều sách ngữ pháp trước đây và hiện nay nên thường bị không ít ý kiến phản bác. Tuy vậy, thầy luôn vững vàng và hơn thế nữa, thầy đã đào tạo được các thế hệ học trò đi theo quan điểm của thầy. Không phải vì họ muốn chạy theo “cái mới”, “cái lạ” mà họ thấy rõ tính hiệu quả của cách dạy tiếng Việt ở nhà trường nếu theo hướng của ngữ pháp chức năng hiện đại.

Mỗi lần lên lớp hay nói chuyện với học trò, thầy vô cùng bức xúc, nhiều lúc tỏ ra rất bực bội khi thấy giờ học tiếng Việt bị nhiều học sinh và giáo viên coi như vô bổ và tẻ nhạt. Hậu quả là nhiều học sinh học hết lớp 12, kể cả sinh viên đại học, thạc sĩ, tiến sĩ..., vẫn mắc lỗi ngữ pháp và chính tả. Thầy đã dành hầu như cả cuộc đời mình để góp phần gìn giữ bản sắc tinh hoa của tiếng mẹ đẻ.

Giáo sư Cao Xuân Hạo là một trong những người đầu tiên ở VN nghiên cứu ngữ pháp chức năng và là người đầu tiên viết sách Ngữ pháp tiếng Việt theo hướng chức năng. Quan điểm của các nhà ngữ pháp chức năng hiện đại như L. Tesniere, Ch. Fillmore, M. Halliday, M. Clark, S. Dik và nhiều tác giả khác đang được ứng dụng rất rộng rãi, đã đem lại những kết quả đáng kể. Nhưng ở VN, ngữ pháp chức năng còn xa lạ với nhiều người. Bằng các công trình nghiên cứu và bài giảng của mình, thầy Cao Xuân Hạo đã giúp sinh viên làm quen với ngữ pháp chức năng - một phương pháp và hệ tư tưởng coi ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của loài người. Dưới ánh sáng của ngữ pháp chức năng hiện đại, các vấn đề của tiếng Việt được miêu tả một cách minh xác, dễ hiểu, giản dị và gần gũi với người Việt. Nhờ vậy giờ học tiếng Việt của sinh viên, học sinh trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Nhiều thế hệ học trò tiếp bước

Trong các buổi hội thảo và trên báo chí, thầy Hạo đã nhiều lần nhấn mạnh cần đưa ngữ pháp chức năng vào giảng dạy từ cấp tiểu học đến đại học. Song, đã mấy thập niên trôi qua, ước mơ đó vẫn chưa thành. Chính vì vậy, thầy rất buồn và cảm thấy rất cô đơn, mặc dù bên cạnh thầy luôn có những người thân và biết bao đồng nghiệp, học trò tán đồng và trân trọng ý tưởng của thầy. Nhiều người trong số đó đã thực hiện những công trình nghiên cứu tiếng Việt theo quan điểm chức năng và đã xuất bản, hoàn thành nhiều cuốn sách, luận án tiến sĩ, thạc sĩ.

Ngày 30-7-2007 vừa qua, nhân sinh nhật lần thứ 77 của thầy, chúng tôi mang tặng thầy cuốn giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt (theo quan điểm chức năng) vừa được dự án phát triển giáo viên tiểu học Bộ GD-ĐT duyệt và phát hành cho sinh viên các trường đại học sư phạm trong cả nước. Thầy cầm cuốn sách, giở từng trang, cười rất vui. Cô Thanh - người bạn đời của thầy - nói: “Mấy hôm nay nhiều học trò đến thăm thầy, nhưng hôm nay thầy vui nhất vì đây là món quà có ý nghĩa nhất đối với thầy”.

Bây giờ thầy Cao Xuân Hạo nằm trong Bệnh viện Thống Nhất. Mỗi ngày hàng chục người thân, đồng nghiệp, học trò đến thăm, thầy mê man, bất tỉnh. Các học trò của thầy sẽ bước tiếp con đường thầy đã đi. Mong mỏi của thầy chắc chắn sẽ trở thành hiện thực: “Linh hồn của tiếng Việt không hề mất. Cái ý vị vô song của ca dao tục ngữ, của những câu Kiều, những câu ngâm của người chinh phụ vẫn còn sống mãnh liệt trong tiếng nói hằng ngày của dân ta, trong thơ của Nguyễn Bính, Tố Hữu hay Chế Lan Viên...”.

TS NGUYỄN THỊ QUY (Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM

Phân tích cú pháp tiếng Việt theo kiểu ngữ pháp châu Âu, sách dạy tiếng Việt ở trường phổ thông chỉ miêu tả và phân tích những kiểu câu nào hoàn toàn giống câu tiếng Pháp. Tức là chưa đến 30% trong các kiểu câu thông dụng tiếng Việt mà đồng bào ta vẫn nói hằng ngày. Trong khi hơn 70% kiểu câu còn lại đều hết sức thông dụng trong tiếng nói hằng ngày, trong văn xuôi và văn vần hiện đại cũng như trong thơ ca cổ điển và trong ca dao tục ngữ, thì học sinh chưa từng được học cách phân tích, ngay cả ở các lớp chuyên ban và ở đại học. Nhà ngôn ngữ - dịch giả Cao Xuân Hạo


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1494

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn