Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Tài chính trong giáo dục: "Bí hiểm"
14/11/2007

Giáo dục hiện nay ngổn ngang những bất cập. Vẫn biết lãnh đạo ngành đang rất cố gắng cải cách nhưng xem ra nỗ lực gỡ nút vẫn luẩn quẩn như “kiến leo cành cụt”, khiến những người theo dõi có tâm trạng như “kiến bò chảo nóng”.

VTC News đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về một số vấn đề của ngành.



Xã hội hóa hay huy động vốn?

- Thưa Giáo sư, xã hội hóa giáo dục (XHH GD) phải chăng chỉ nên hiểu là huy động vốn trong nhân dân đầu tư vào giáo dục?

- Nếu chỉ nhìn thấy như vậy là phiến diện, nghĩ như vậy là sai lầm, còn nếu nói như vậy là thiếu chính xác. Đầu những năm 80, XHH hiểu đơn thuần là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Sau Đổi mới, XHH tức là cả xã hội làm giáo dục.

Năm 1990, thế giới có khẩu hiệu “Giáo dục cho mọi người”, sau thêm một vế nữa là “mọi người làm giáo dục”. Đấy chính là tư tưởng chủ đạo của XHH GD. Nhưng hơn 10 năm qua, dần dần XHH chỉ dừng lại ở hình thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước làm giáo dục.

- Việc cho phép người dân tham gia góp ý đường lối, chính sách giáo dục cũng là hình thức của XHH GD, song hình như chưa được coi trọng?

- Không nên nói là “cho phép” mà là “phải để” mọi người tham gia vào giáo dục. Ở một số nước trên thế giới, khi ra chương trình hay sách giáo khoa mới người ta đều đưa cho nhân dân đọc góp ý. Các chính sách giáo dục phải lấy ý kiến của nhân dân vì đây là lĩnh vực động chạm đến lợi ích của mọi người.

Giáo dục không thể là hàng hóa

- Khi GS làm Bộ trưởng, học sinh, sinh viên có phải đóng học phí không?

- Có! Lúc đó tôi đã trình lên Quốc hội đề án nâng học phí. Cụ thể là tiểu học 1kg thóc, THCS 2kg, THPT 3kg/tháng. Những năm 60 ở miền Bắc, do thiếu tiền cho giáo dục nên cũng có hình thức mở trường dân lập để dân đóng góp. Trước đây có phải đóng học phí nhưng rất tối thiểu.

Năm học này có trường đại học nâng lên 1-1,5 triệu đ/tháng. Lại có địa phương định đem 4 trường mầm non tốt nhất ra cổ phần hóa để ai có tiền vào học. Đó là tư tưởng hết sức sai lầm. Giáo dục phải công bằng và dân chủ. Đó là thắng lợi do cách mạng mang lại.

- Hiệu trưởng một trường mầm non cho rằng những trường định cổ phần, con dân thường không vào được. Vậy sao không để người giàu trả nhiều tiền, rồi lấy tiền đầu tư trường khác cho con em người nghèo học”. GS phản biện ý kiến này như thế nào?

- Để họ đóng góp dưới một hình thức khác như đóng thuế là việc nên làm và phải làm. Còn nếu có ý định mở trường tốt chỉ để cho con em người có tiền, có quyền vào học thì rất thiếu nhân văn, không thế chấp nhận. Người giàu phải nộp thuế cho giáo dục chứ không phải mua giáo dục.

- Giáo sư từng nói “Giáo dục không là hàng hóa, trường không là chợ”. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì liệu câu nói đó còn nguyên giá trị?

- Vào WTO, ta có cam kết với quốc tế về giáo dục thì phải thực hiện cam kết đó. Tuy nhiên, chúng ta thực hiện trong phạm vi có thể chứ không phải vào WTO thì cả nền giáo dục phải thương mại hóa. Tôi kiến nghị phải có luật, nếu chưa kịp ra luật thì phải có quy chế, quy định về việc các trường nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo tôi, trường nào xem trọng lợi nhuận thì ta lắc, trường nào không xem trọng lợi nhuận thì gật. Trường phi lợi nhuận là mọi nhân viên đến lãnh đạo đều hưởng lương. Tiền thu được trả lương, mua thiết bị, xây trường học, còn thừa đầu tư tiếp...

Đại học Havard là trường tư có vốn hơn 30 tỉ USD, không phải của con cháu người sáng lập ra trường đó mà là của cả xã hội. Mỹ có hơn 4.000 trường ĐH thì chỉ 2% là vì mục đích lợi nhuận.

Tôi nghĩ không bao giờ giáo dục thành hàng hóa. Nếu người thầy đi bán và trò là khách hàng thì không bao giờ làm được giáo dục. Giáo dục không bao giờ theo quy luật cung cầu theo kiểu tiền nhiều thì giá trị nhiều; ít tiền ít tận tâm, nhiều tiền nhiều tận tâm được.

"Yếu tố số 1" còn... yếu

- Ban đầu GS nói nước ta có triết lí giáo dục nhưng chiến thuật, cách làm có sai lầm. Nếu bây giờ phải “sửa sai” thì nên làm cái gì đầu tiên?

- Năm nay có một cái rất hay là Bộ thực hiện phong trào “Nói không với hiện tượng tiêu cực trong đạo đức của nhà giáo”, “Mỗi thầy giáo là một tấm gương”. Trong đời làm giáo dục, tôi luôn nghĩ đội ngũ giáo viên với năng lực và đạo đức tốt sẽ là yếu tố số 1 quyết định sự phát triển của giáo dục. Rất tiếc trong hơn 20 năm qua, chúng ta triển khai cái này không được tốt lắm.

- Thưa GS, số lượng giáo viên vi phạm đạo đức chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng số lượng giáo viên chưa đạt yêu cầu về trình độ lại rất lớn. Làm thế nào để giải quyết thực trạng này?

- Điều này rất đúng. Ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có hỏi lí do tại sao năm 2007 đỗ tốt nghiệp THPT thấp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết là do có 1.700 giáo viên không đạt chuẩn, chiếm 1/3 tổng số giáo viên của tỉnh. Thầy không hay làm sao có trò giỏi.

Có người cho rằng, chủ yếu do đời sống khó khăn, tôi nghĩ không phải. Theo tôi, là do các trường sư phạm đào tạo chưa tốt. Năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 quyết định học sinh vào sư phạm không phải đóng học phí.

Từ đó đầu vào đã được cải thiện chứ không “Chuột chạy cùng sào” như trước nữa. Nhưng quá trình đào tạo, tức là khúc giữa, có vấn đề thì mới dẫn đến kết quả trên. Trong quá trình cải cách, trường sư phạm phải là người đi tiên phong, đằng này lại đứng ngoài cuộc.

Bên cạnh đó, vấn đề bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên làm quá hình thức. Chương trình bồi dưỡng không phụ hợp; Cách làm lớt phớt. Trên quy định 10 buổi, xuống dưới chỉ còn 1 buổi, rất láng cháng.

Thêm nữa, phương pháp giảng dạy của ta cũng có vấn đề. Hiện nay đang có thuật ngữ “phương pháp giảng dạy tích cực”, tôi cho là rất đúng. Song, giáo viên có thực hiện điều đó không mới quan trọng.

Cuối cùng là phương tiện giảng dạy. Nhà nước có bỏ tiền nhưng không thấm vào đâu. Mấy năm làm kiên cố hóa trường học, giờ còn quá nửa. Năm đầu tiên người ta chỉ đăng kí một ít nhưng thấy “à có tiền thật”, năm sau số đăng kí lên gấp đôi. Sau 1 năm làm kiên cố, số lượng tăng gấp đôi, năm sau nữa thể nào cũng tăng gấp 3.

Tài chính - Bí mật của các bí mật

- Giáo sư đánh giá thế nào về lãng phí, tham nhũng trong ngành giáo dục?

- Hồi chiến tranh người ta nói Việt Nam là nước của các paradoxes (bí hiểm). Ý của câu này là vì một “tiểu quốc” đã thắng cường quốc. Đến nay ta vẫn còn nhiều paradoxes, và tài chính là 1 trong những điều đó.

Tôi ở quốc hội 2 khóa, TƯ 3 khóa, ở cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng, tổng cộng 21 năm cho đến lúc về hưu đã rút ra một điều là tài chính là một trong những bí hiểm nhất của các bí hiểm.

Tiền Nhà nước cho bao nhiêu, ghi thế thôi chưa chắc đã đúng. Về đến địa phương thì bao nhiêu số đó thực chi cho giáo dục? Không ai biết. Đó là chưa kể quỹ của các trường cực kì bí hiểm.

- Tức là vấn đề bí mật về tài chính này xảy ra từ cấp bộ xuống đến cấp trường?

- Từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT hoàn toàn không biết, không có quyền hạn gì về tài chính. Ông ấy chỉ có quyền biết ngân sách Nhà nước chi cho Văn phòng Bộ. Trước Đổi mới, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục là 5,6%, giờ 20%. Nhưng 20% đó là cái gì thì không ai biết.

Ngày trước chiến tranh phải bí mật. Thời bao cấp thì là hệ lụy đương nhiên phải thế, còn bây giờ không thể tiếp tục như vậy. Cho nên, đúng như ông Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê cao cấp của Liên hiệp quốc nói, trước khi nói đến tăng học phí và các vấn đề khác thì trước hết phải minh bạch trong giáo dục.

Đỗ Nhung


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1498

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn