Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Triết lý giáo dục Việt Nam: Cần phải thay đổi?
15/11/2007

Thời gian vừa qua, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục bàn luận xung quanh việc Bộ Giáo dục và đào tạo chuẩn bị mở Hội nghị TRIẾT LÝ GIÁO DỤC. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến ngược lại. Ai cũng có lý riêng của mình.

Phó giáo sư Đặng Đức An, nguyên giảng viên cao cấp, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng “phải xây dựng một “triết lý giáo dục” mới, không còn là “triết lý giáo dục” xã hội chủ nghĩa nữa (?), nhưng cũng không thể quay lại áp dụng “triết lý giáo dục” tư bản chủ nghĩa một cách máy móc. Triết lý này để cho sinh viên hội nhập được với thế giới, đáp ứng nhu cầu của kinh tế thị trường, nhưng lại giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Phải chăng vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay phải chăng vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ “thực học và thực nghiệp” (!?). Và ông nhấn mạnh đến sự cần thiết: “Công cuộc Đổi mới khởi đầu cách đây hai thập kỷ cũng bắt đầu bằng yêu cầu “đổi mới tư duy”. Lẽ ra, giáo dục phải là người dẫn đường, thì thực tế dường như nó lẽo đẽo cuốn theo. Lẽ ra, nó phải trở thành động lực của đổi mới và hội nhập, thì dường như nó lại không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nhân lực cho những mục tiêu quan trọng này”.



Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục cho rằng: “Việt Nam chưa có một triết lý giáo dục rõ ràng và thống nhất, gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu và phát triển chiến lược giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục cụ thể”.

Phía không đồng tình thì cho rằng: Việc cần làm không phải là xây dựng triết lý mà là tháo gỡ, dỡ bỏ tất cả những gì đang cản trở tiến trình tự đổi mới của nền giáo dục. Những việc này rất nhiều ví như phải nhanh chóng xóa bỏ độc quyền, chẳng hạn độc quyền in tràn lan sách giáo khoa; độc quyền về tổ chức giáo dục đã tước đi quyền tự chủ của các nhà trường, đẩy trường học chạy theo thành tích giả dối,... (Phạm Hoàng Hải).

Ý kiến khác nhấn mạnh: “Tình trạng giáo dục yếu kém, xuống cấp như hiện nay không phải do chúng ta thiếu triết lý giáo dục, mà do những nguyên nhân rất cụ thể”. Phan Đệ, Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Phú Yên.

Để có câu trả lời thuyết phục, cần hay không cần một hội nghị bàn về triết lý giáo dục hãy làm rõ một số nội dung sau:

Triết lý, và triết lý giáo dục

Từ rất sớm các nhà tư tưởng đã quan tâm và bàn đến khái niệm triết lý.

Triết lý (philosophia) là tiếng Hy Lạp vẫn quen dùng với nghĩa là Triết học. Tuy nhiên, từ philosophia có nhiều nghĩa khác trong đó có nghĩa một con đường, một hướng đi.

Martin Heidegger khi bàn về “Triết lý là gì?” ông viết rằng: “Thế thì tiếng Hy lạp philosophia là một con đường mà chúng ta đang du hành dọc theo đó”.

Trong từ điển tiếng Việt, Triết lý được hiểu là ý niệm của nhân loại về đời sống của mình mà cố nâng lên đến chỗ thích hợp nhất.

Từ những nhận thức trên, khi nói về Triết lý giáo dục phải chăng đó là nhận thức về đường hướng phát triển của giáo dục, phù hợp với một giai đoạn lịch sử cụ thể?

Khi bàn về Triết lý giáo dục, chúng ta không thể thoát ly khỏi hệ tư tưởng chính trị trên khía cạnh là một hình thái của ý thức xã hội chi phối, tác động đến các hình thái ý thức khác. Bởi ý thức chính trị thể hiện lập trường chính trị của giai cấp thống trị. Giáo dục cũng không thể đứng độc lập, ngoài chính trị.

Đơn giản hơn, Triết lý giáo dục chính là căn cứ vào cương lĩnh chính trị, thực tiễn của đất nước để định hướng nhằm đưa giáo dục phát triển.

Hiểu như vậy, từ đó soi vào giáo dục Việt Nam.

Theo chúng tôi vấn đề bây giờ không phải là định hướng, là “nhận đường” mà là những vấn đề thực tiễn. Cụ thể hơn, chúng ta đã có cương lĩnh chính trị, đó chính là cơ sở để định hướng và xây dựng nền giáo dục Việt Nam.

Trong Hội thảo tháng 10/2006, của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, Giáo sư Nguyễn Hữu Châu đưa ra 3 nội dung của Triết lý giáo dục và hai loại vấn đề của Triết học giáo dục Việt Nam, theo chúng tôi nếu như vậy phải chăng chúng ta lại bắt đầu từ vạch xuất phát?

Triết lý giáo dục Việt Nam

Ngay từ trước trước Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã có Luận cương về văn hoá. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng đưa ra một tuyên ngôn. Những luận điểm cơ bản được nêu ra, đặc biệt là ba nguyên tắc xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới: Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Giáo dục với tư cách là một bộ phận của toàn bộ nền văn hoá nước nhà cũng được xây dựng trên những nguyên tắc trên.

Trong mỗi giai đoạn, Đảng từng bước tổng kết thực tiễn, đưa ra định hướng, hợp với với điều kiện thực tiễn lúc đó. Chính từ những định hướng này, giáo dục Việt Nam trong mỗi giai đoạn đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.

Từ khi cả nước thống nhất, và tiếp theo là 20 năm đổi mới, giáo dục đã có những đóng góp rất lớn. Trong 20 năm đổi mới, nền giáo dục của ta đã đạt được một số kết quả quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược. Tỷ lệ dân biết chữ đạt 94% ở mức cao so với thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đáng kể, từ 13% năm 1998 lên 25% năm 2005. Trong 5 năm qua (2001- 2005), có hơn 511.000 sinh viên đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học.

Nhiều người thời gian vừa qua, khi nói về giáo dục, chỉ thấy mặt tiêu cực trong ngành mà vô tình phủ định luôn cả những thành tựu, đánh giá thiếu khách quan về đóng góp rất to lớn của giáo dục trong mấy chục năm qua.

Con người bao giờ cũng là sản phẩm cụ thể của mỗi một chế độ xã hội. Nó là thước đo của chính giai đoạn ấy. Nếu chúng ta đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vừa qua là to lớn, thì không thể tách rời con người với tư cách là chủ thể. Và đến lượt nó, con người là biểu hiện cụ thể, là kết quả, là sản phẩm của một nền giáo dục.

Nói như vậy không có nghĩa là biện minh cho ngành giáo dục. Chúng ta chỉ phê phán khi những tồn tại trong ngành mang nặng yếu tố chủ quan, không đáp ứng được thực tiễn, đã lạc hậu hơn so với “cái cốt vật chất“ nảy sinh ra nó.

Trong giai đoạn vừa qua, không chỉ có giáo dục mà tất cả đều có sự biến đổi một cách rất nhanh chóng, trong đó có cả mặt tốt và xấu. Ngay cả tâm lý, tập quán, đạo đức... đều có sự vận động. Và giáo dục tất nhiên không thể thoát khỏi. Nhiều khi mặt tiêu cực còn để lấm át mặt tích cực quá lâu. Những yếu kém trong giáo dục vừa qua, lỗi phần lớn là do chính chúng ta gây nên.

Trong cải cách giáo dục vừa qua, chúng ta đã phạm phải những sai lầm mang nặng tính chủ quan, vì vậy chưa thể đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn, trong đó có thực tiễn của thế giới và thực tiễn của Việt Nam.

Ở đây cần phân biệt và đánh giá rõ trong từng ngành học, cấp học. Chúng tôi một phần đồng tình với đánh giá của Việt kiều Phạm Đức Trung Kiên khi ông trả lời báo chí nước ngoài về những tồn tại của ngành giáo dục. Ông cho rằng ở cấp học phổ thông tuy còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục, song có thể nói chúng ta không lạc hậu nhiều so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia ở khu vực. Tuy nhiên ở bậc Đại học thì vấn đề lại khác, chúng ta đã bị thế giới bỏ khá xa.

Vậy thì chọn triết lý gì trong giai đoạn hiện nay?

Tổng kết thực tiễn?

Theo chúng tôi vấn đề là cần phải tổng kết thực tiễn chứ không phải đi tìm một triết lý. Muốn có giải pháp đúng phải đánh giá được thực trạng của ngành giáo dục nước nhà trong thời gian qua, rút ra bài học kinh nghiệm cả cái làm được và chưa, xác định rõ đòi hỏi của thực tiễn hiện nay là gì.

Đảng ta trong mỗi giai đoạn phát triển đều Tổng kết thực tiễn. Đại hội X vừa qua đã làm một cuộc Tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới rất có ý nghĩa, từ đó mới có cơ sở để vạch ra phương hướng cho chặng đường tiếp theo. Nhiều người vẫn gọi đó là Đổi mới II.

Trong tổng kết 20 năm, lĩnh vực Giáo dục đào tạo cũng được Đảng đánh giá cao và đặc biệt quan tâm. Đảng luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy chủ trương đầu tư cho Giáo dục là đầu tư cho phát triển, từ đó đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Đó là những định hướng rất quan trọng cho ngành giáo dục. Về phần mình, trong 20 năm đổi mới, giáo dục có nhiều vấn đề cần tổng kết như: Chất lượng dạy và học; đội ngũ giáo viên; giáo khoa, giáo trình... trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ người thầy, những „máy cái“ của ngành giáo dục và nhu cầu của thực tiễn.

Nhu cầu của thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi giáo dục, đào tạo phải đổi mới. Nói như các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác: Đã xuất hiện tình huống có vấn đề. Nghĩa là ngành giáo dục bây giờ không thể giữ mãi cách đào tạo như trước, chỉ quan tâm đến đầu vào mà ít quan tâm đến đầu ra. Bây giờ phải là: xã hội cần gì chúng ta đào tạo cái đó.

Có thể nói: Các nhà tuyển dụng sẽ quyết định chất lượng giáo dục. Đây chính là đòi hỏi của thực tiễn.

Và trong giai đoạn hiện nay, cải cách giáo dục phải đi từ bên ngoài chứ không phải từ bản thân ngành giáo dục.

Tất nhiên ngoài yếu tố trên, khi đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cần quan tâm đến những thách thức như: trình độ kinh tế Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, lại phát triển không đồng đều, hệ thống Giáo dục còn lạc hậu, chất lượng hạn chế, dân số đông, nhu cầu học tập lớn. Đồng thời phải nhận rõ được những thuận lợi là truyền thống học tập và thành tựu 60 năm của nền Giáo dục Việt Nam.

Bài học của Trung Quốc là điều chúng ta nên suy nghĩ. Họ vừa tổng kết, vừa rút kinh nghiệm theo kiểu „dò đá qua sông“.

Với phương châm: học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội. Thiết nghĩ, đó chính là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành giáo dục.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1510

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn