Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Sẽ tiến tới học gì thi nấy
15/11/2007

TT - Chỉ một kỳ thi quốc gia, thí sinh được tự chọn môn thi, các trường không còn tuyển sinh theo các khối thi... Tiến sĩ Nguyễn An Ninh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - trao đổi những thông tin mới nhất về chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT.

Tiến sĩ Nguyễn An Ninh cho biết:

- Theo nội dung mới nhất của dự thảo đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh vừa được chúng tôi hoàn tất trong tuần này, từ năm 2009, một kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức hằng năm, có thể hai lần/năm, để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm một căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Hiện chúng tôi đang tiếp tục tham khảo, lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án đổi mới thi và tuyển sinh. Dự kiến Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án này vào tháng 11-2007.

* Thưa ông, nội dung quan trọng nhất của đề án đang được dư luận quan tâm nhất: một kỳ thi THPT quốc gia nhằm đồng thời hai mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ được đề xuất thực hiện như thế nào?

- Trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi nhiều môn trong các môn học ở THPT. Chúng tôi dự kiến sẽ có một lộ trình thực hiện phù hợp căn cứ trên tình hình thực tế. Trước mắt, trong vài ba năm tới sẽ tổ chức thi tám môn gồm ngữ văn, ngoại ngữ, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Sau đó có thể thêm các môn khác như tin học, giáo dục công dân... theo đúng định hướng học gì thi nấy, không có khái niệm môn chính, môn phụ…

Các môn thi, trừ môn văn, đều ra đề theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian thi là 90 phút đối với môn toán, các môn còn lại thi 60 phút. Riêng môn văn, đề thi sẽ có một phần trắc nghiệm làm bài trong 30 phút và phần tự luận thi 90 phút.

* Trong khi chủ trương cải tiến thi cử nhằm giảm sự căng thẳng cho thí sinh và xã hội nhưng kỳ thi THPT quốc gia lại dự kiến có tới tám môn thi và có thể còn nhiều hơn nữa...

- Đó là số lượng môn thi có trong kỳ thi nhưng đối với HS, để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ phải dự thi năm môn. Bao gồm ba môn bắt buộc cố định đối với tất cả thí sinh (toán, văn, ngoại ngữ), một môn bắt buộc do Bộ GD-ĐT qui định từng năm với mục đích đảm bảo cho HS học toàn diện và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Những thí sinh không được học ngoại ngữ hoặc học không đủ thời gian sẽ được thi thay thế bằng môn khác.

Chúng tôi cũng đang đưa ra một phương án khác: trong số năm môn, ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh được tự chọn hai môn còn lại. Nếu thực hiện theo phương án có môn thi bắt buộc từng năm, hằng năm Bộ GD-ĐT sẽ công bố môn thi bắt buộc và môn thi thay thế ngoại ngữ. Với thời điểm công bố như vậy, thí sinh vẫn có thời gian chuẩn bị mà các trường THPT không có tình trạng dạy dồn những môn không thi như khi công bố môn thi vào ngày 31-3 trước đây.

Để phục vụ việc xét vào ĐH, CĐ, TCCN, trước kỳ thi, các trường ĐH, CĐ, TCCN qui định các môn theo yêu cầu tuyển chọn vào trường/ngành đào tạo. Các môn thi đó phải nằm trong số tám môn của kỳ thi và môn năng khiếu (nếu có và sẽ được tổ chức thi riêng tại trường).

So với thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay, số môn thi bắt buộc của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia không tăng, thời gian thi lại rút ngắn hơn. Thay vì mấy kỳ thi liên tục với cùng một nội dung kiến thức, kỹ năng trong chương trình THPT cho cùng một đối tượng... sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Rõ ràng sẽ giảm bớt áp lực nặng nề về thi cử, giảm lãng phí tiền của, thời gian, sức lực cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội.

* Nhưng thưa ông, hiện có không ít ý kiến chưa đồng tình, ủng hộ phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia vì cho rằng hai mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ rất khác nhau, nhất là trong điều kiện tuyển sinh vào ĐH, CĐ còn chịu áp lực cạnh tranh rất căng thẳng như hiện nay?

- Tất nhiên khi xây dựng phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi có tính toán, nghiên cứu đến những khía cạnh này, có những giải pháp phù hợp đồng thời cũng sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp để phương án này có thể phù hợp với thực tiễn và khả thi, được xã hội đồng tình.

Cũng phải thẳng thắn mà nói phương án này không phải không có những nhược điểm. Vấn đề là những nhược điểm đó có giải quyết, khắc phục được không so với những ưu điểm mà nó mang lại và so với những hạn chế của phương thức thi cử hiện nay có tốt hơn không? Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp và làm một căn cứ - tôi muốn nhấn mạnh là "một căn cứ" - để xét tuyển ĐH, CĐ là giải pháp nằm trong tổng thể hàng loạt giải pháp đổi mới thi và tuyển sinh.

Nó được sự hỗ trợ từ những giải pháp khác cũng sẽ được thực hiện đồng bộ như sẽ cơ bản chuyển từ ra đề theo hình thức tự luận sang trắc nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng đảm bảo cho đề thi vừa đánh giá đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa có khả năng phân hóa cao, tuyển chọn được người có năng lực thích hợp vào học ĐH, CĐ, TCCN.

Đồng thời sẽ sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong qui trình tổ chức thi: quản lý thí sinh, tổ chức coi thi, chấm thi, xử lý kết quả thi, xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh, công khai trên mạng Internet các kết quả của từng thí sinh, đảm bảo sự công khai, minh bạch về thông tin, dữ liệu của kỳ thi.

Việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia làm một căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ sẽ được thực hiện đồng thời với việc chuyển tuyển sinh theo khối thi A, B, C, D sang xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả của thí sinh đối với một nhóm môn thi và một số yêu cầu khác cần cho đầu vào từng ngành đào tạo.

* Nhưng thưa ông, rõ ràng với qui mô đào tạo mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu dẫn đến áp lực cạnh tranh rất lớn, mức độ yêu cầu về trình độ, năng lực trong tuyển chọn vào ĐH, CĐ phải cao hơn yêu cầu tốt nghiệp đại trà. Đề thi trắc nghiệm với thời gian thi 60, 90 phút của kỳ thi THPT quốc gia có đáp ứng được mức độ phân hóa cao như vậy không?

- Một trong những nội dung cải tiến quan trọng của đề án đổi mới thi và tuyển sinh lần này chính là đề thi. Chúng tôi đang dự kiến mỗi môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia đều ra đề theo chương trình THPT nhưng không chỉ trong chương trình lớp 12 và không chỉ theo sách giáo khoa. Đề thi sẽ do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm, gồm hai phần:

Phần thứ nhất để công nhận tốt nghiệp, gồm khoảng 70% số câu hỏi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT. Trong các kỳ thi THPT quốc gia sẽ không phân biệt người học hệ bổ túc vì người học các hệ khác nhau đều phải đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình chuẩn.

Tuy nhiên, trong một số năm trước mắt, khi chương trình bổ túc THPT chưa tương đương với chương trình chuẩn THPT, phần thứ nhất của đề thi cho thí sinh học hệ bổ túc sẽ gồm các câu hỏi theo chương trình bổ túc THPT.

Phần thứ hai để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN gồm khoảng 30% số câu hỏi theo chương trình nâng cao.

* Xin cảm ơn ông.

THANH HÀ thực hiện

Thí sinh chọn và dự thi những môn phù hợp

Tùy theo mục đích thi, thí sinh sẽ phải chọn và đăng ký dự thi những môn thi phù hợp: nếu thí sinh dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT phải thi năm môn theo qui định đối với việc xét tốt nghiệp.

Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT (diện thí sinh tự do), dự thi chỉ để xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN thì chọn thi những môn theo yêu cầu tuyển chọn của trường ĐH, CĐ, TCCN đó. Thí sinh dự thi để vừa công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN ngay năm tốt nghiệp phải chọn các môn thi sao cho đồng thời thỏa mãn cả hai yêu cầu.

Lịch thi sẽ được sắp xếp sao cho tám môn thi được tổ chức thi liên tục, không trùng nhau về thời gian, các môn thi bắt buộc để công nhận tốt nghiệp THPT được tổ chức thi trước. Như vậy, thí sinh có thể dự thi tối đa cả tám môn của kỳ thi nếu có nhu cầu, nguyện vọng xét tuyển vào nhiều trường/ngành ĐH, CĐ khác nhau.

Năm 2008 vẫn tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ riêng nhưng sẽ bắt đầu thực hiện quản lý thí sinh theo mã số. Năm 2009 sẽ bắt đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Dự kiến từ tháng 4-2008, Bộ GD-ĐT sẽ công bố cấu trúc đề thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ban hành qui chế xét tuyển sinh ĐH, CĐ mới…


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1512

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn