Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Các giải pháp sử dụng bộ phần mềm iQB 2.0 trong nhà trường phổ thông
19/11/2007

Bùi Việt Hà, Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường

Bộ phần mềm iQB 2.0 do công ty Công nghệ Tin học Nhà trường mới phát hành bao gồm 4 đóng gói riêng biệt (iQB Leo 2.0, iQB Cat 2.0, iTester Pro 2.0 và iTester 2.0) nhằm định hướng đến đông đảo người dùng từ cấp Sở, Phòng Giáo dục đến các Nhà trường phổ thông và đến từng giáo viên, học sinh và gia đình.

Mục đích và chức năng chính của bộ phần mềm iQB 2.0 là đưa ra một giải pháp tổng thể cho bài toán quản lý các ngân hàng câu hỏi, kiến tạo và làm việc với đề kiểm tra và thực hiện việc kiểm tra trực tuyến trên máy tính theo đề trắc nghiệm.

Tuy nhiên do tính phức tạp khi áp dụng mô hình quản lý này trên thực tế, bài viết này nhằm định hướng và hướng dẫn cho các nhà trường trong việc ứng dụng cụ thể bộ phần mềm này trong hoàn cảnh cụ thể của trường mình.


1. Mô hình ứng dụng chung của phần mềm iQB 2.0

Trên phương diện tổng quát chung hình dưới đây mô tả cách các nhà trường có thể và nên thực hiện khi muốn sử dụng phần mềm iQB trong việc quản lý các ngân hàng câu hỏi và đề kiểm tra.

Có thể tóm tắt mô hình này như sau:

- Nhà trường mà đại diện cụ thể là Ban Giám hiệu nên trang bị một bộ phần mềm đầy đủ iQB Leo 2.0, đây là phiên bản đầy đủ và mạnh nhất của bộ phần mềm iQB 2.0. Khi mua bản quyền phần mềm này, nhà trường sẽ có quyền cài đặt vào tối thiểu 05 máy tính tại các phòng máy tính của Ban Giám hiệu hoặc phòng máy tính chính của nhà trường. Với bộ phần mềm iQB Leo 2.0 được cài đặt, nhà trường sẽ có điều kiện để tiến hành quản lý một cách thống nhất trong toàn trường các ngân hàng câu hỏi (trắc nghiệm hoặc tự luận) dùng chung trong nhà trường.

- Các giáo viên trong nhà trường, tại phòng bộ môn và ở nhà nên trang bị phần mềm iQB Cat 2.0 là phiên bản dành riêng cho giáo viên.

- Phòng máy tính của nhà trường, nơi sẽ tiến hành các hoạt động học và dạy cần được trang bị phần mềm iTester Pro 2.0 dùng để tiến hành kiểm tra trực tuyến theo đề kiểm tra được khởi tạo bởi iQB Leo và iQB Cat. Phần mềm iTester Pro 2.0 được đóng gói dành riêng cho HS khi tiến hành kiểm tra chính thức theo đề kiểm tra được khởi tạo.

- Học sinh tại gia đình thì chỉ cần cài đặt phần mềm iTester 2.0. Đây là phần mềm miễn phí duy nhất trong bộ phần mềm iQB với chức năng thực hiện việc kiểm tra trực tiếp trên máy tính cá nhân theo đề kiểm tra. Trong một tương lai không xa, việc ra bài tập và kiểm tra kiến thức cho HS hàng ngày cũng sẽ được tiến hành bằng phần mềm, khi đó GV chỉ việc tạo các đề kiểm tra và sao chép hoặc gửi cho HS về nhà làm bài thông qua phần mềm iTester.

2. Các phương án sử dụng iQB 2.0 trên thực tế các nhà trường Việt Nam

Trong phần trên chúng tôi đã chỉ ra một mô hình ứng dụng tổng quát của nhà trường khi áp dụng bộ phần mềm iQB 2.0 trong việc quản lý ngân hàng câu hỏi và đề kiểm tra. Tuy nhiên trên thực tế tùy thuộc vào hoàn cảnh về trang thiết bị, phòng máy tính, tình trạng nhân lực và mức độ sẵn sàng về CNTT, mỗi nhà trường lại có thể có mô hình quản lý riêng cho trường mình.

Sau đây là một vài mô hình có thể áp dụng trên thực tế cho các nhà trường Việt Nam.

A. Mô hình quản lý tập trung tuyệt đối

Trong mô hình này, nhà trường sẽ quản lý thống nhất và tập trung tuyệt đối tại phòng máy chính của Ban Giám hiệu.

Có thể tóm tắt giải pháp này như sau:

- Nhà trường mua và cài đặt bộ iQB Leo 2.0 tại phòng máy tính chính của nhà trường.

- Tại các phòng máy này nhà trường, BGH thiết lập các bộ CSDL ngân hàng câu hỏi gốc theo các môn học và chương trình mà trường muốn quản lý tập trung.

- Việc nhập câu hỏi sẽ do một đội ngũ các nhân viên phòng máy tính đảm nhiệm.

- Nhà trường giao cho GV và các bộ môn sưu tầm câu hỏi và gửi câu hỏi đến phòng máy tính nhà trường để tiến hành nhập liệu.

- Không cho phép sao chép các CSDL ngân hàng câu hỏi này cho bất cứ ai và bất cứ máy tính nào ngoài phòng máy tính chính của nhà trường.

- Khi đã nhập đủ câu hỏi, nhà trường sẽ tiến hành kiến tạo các đề kiểm tra chính thức dùng chung trong toàn trường.

Phương án quản lý tập trung tuyệt đối này nên được áp dụng cho các nhà trường có đủ điều kiện vật chẩt máy tính và đủ nhân lực cho việc nhập liệu. Hiệu trưởng phải là người am hiểu và quyết tâm đưa việc ứng dụng CNTT vào bài toán quản lý ngân hàng câu hỏi và đề kiểm tra. Đội ngũ GV trong nhà trường là người tham gia đóng góp vào kho câu hỏi dùng chung trong nhà trường.

B. Mô hình quản lý bán tập trung

Trong mô hình “bán tập trung”, nhà trường vẫn quản lý thống nhất bộ dữ liệu ngân hàng câu hỏi chuẩn dùng trong nhà trường, tuy nhiên việc nhập liệu được thực hiện một cách phân tán giữa các giáo viên trong nhà trường.

Có thể tóm tắt giải pháp này như sau:

- Tại các phòng máy này nhà trường, BGH thiết lập các bộ CSDL ngân hàng câu hỏi gốc theo các môn học và chương trình mà trường muốn quản lý tập trung.

- Điểm khác biệt duy nhất so với phương án trên là việc nhập liệu sẽ được tiến hành phân tán: nhà trường sau khi thiết lập các CSDL ngân hàng gốc sẽ sao chép các CSDL này cho các bộ môn và giáo viên được giao nhiệm vụ nhập liệu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ các CSDL do GV nhập liệu sẽ được chuyển về phòng máy tính nhà trường và nhân viên phụ trách chính sẽ tiến hành chuyển nhập (import) dữ liệu câu hỏi từ các CSDL phân tán vào bộ CSDL gốc của nhà trường.

- Khi đã nhập đủ câu hỏi, nhà trường sẽ tiến hành kiến tạo các đề kiểm tra chính thức dùng chung trong toàn trường.

Như vậy trong mô hình này, các bộ CSDL sẽ được lưu trữ nửa phân tán trong nhà trường: BGH sẽ có 01 bộ CSDL gốc đầy đủ, các GV và bộ môn sẽ có một phần của bộ dữ liệu gốc này. Phương án này áp dụng tại các nhà trường mà ở đó đội ngũ GV rất mạnh về ứng dụng CNTT và mong muốn tham gia tích cực vào quá trình nhập, bổ sug dữ liệu gốc cho nhà trường. Trong mô hình này vai trò của Hiệu trưởng và nhân viên điều phối quản trị DL đóng vai trò rất quan trọng.

C. Mô hình quản lý phân tán

Đây là mô hình quản lý phân tán hoàn toàn các CSDL ngân hàng câu hỏi trong nhà trường.

Có thể tóm tắt giải pháp này như sau:

- Nhà trường không cần thiết phải mua sắm phần mềm iQB Leo 2.0 đầy đủ của phần mềm. Việc khởi tạo và nhập dữ liệu cho các CSDL gốc sẽ giao cho các bộ môn và GV đảm nhận hoàn toàn.

- Ví dụ: nhà trường thiết lập các CSDL ngân hàng câu hỏi các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh và giao cho các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh tiến hành nhập liệu hoàn toàn.

- Sau khi đã nhập đủ cơ số câu hỏi, nhà trường tiến hành sao chép 01 bản Copy của các CSDL ngân hàng câu hỏi gốc và tiến hành các công việc thẩm định và ra đề kiểm tra.

- Như vậy trong mô hình này, trong nhà trường sẽ lưu trữ phân tán nhiều bộ CSDL gốc câu hỏi của các môn học dùng trong nhà trường.

- Trong mô hình này, các giáo viên bộ môn đóng vai trò cá nhân rất quan trọng trong việc kiến tạo và quản lý các ngân hàng câu hỏi gốc dùng chung trong nhà trường. Mô hình này được áp dụng khi cơ sở vật chẩt của nhà trường còn thiếu và bản thân Ban giám hiệu chưa có hiểu biết sâu sắc về máy tính và CNTT.

D. Mô hình quản lý tự do (hay phân tán hoàn toàn)

Đây là mô hình mà nhà trường, BGH không thực hiện công việc quản lý CSDL ngân hàng câu hỏi. Toàn bộ việc kiến tạo, lưu trữ, nhập liệu đều do GV các bộ môn đảm nhiệm. Nhà trường chỉ quản lý đầu ra cuối cùng là các đề kiểm tra.

Có thể tóm tắt giải pháp này như sau:

- Nhà trường, BGH không cần mua sắm bộ phần mềm iQB Leo 2.0 mà chỉ cần có, ví dụ. phần mềm iQB Cat là đủ.

- Việc kiến tạo và nhập liệu cho các CSDL ngân hàng câu hỏi hoàn toàn do các bộ môn và giáo viên đảm nhiệm. Nhà trường không tham gia sâu vào công việc nhập liệu này của GV.

- Nhà trường chỉ quản lý các đầu ra là các đề kiểm tra. Khi có nhu cầu nhà trường sẽ yêu cầu GV các bộ môn nộp các đề kiểm tra. BGH sẽ tiến hành xem xét, chỉnh sửa lại các đề này, có thể tiến hành thêm, bớt nội dung, tiến hành các công việc bảo mật như nạp mật khẩu, trộn thứ tự câu hỏi trước khi mang ra sử dụng chính thức trong nhà trường.

- Đây là mô hình tiết kiệm nhất trong bài toán quản lý ngân hàng câu hỏi và đề kiểm tra.

- Mô hình này được áp dụng cho các nhà trường với cơ sở vật chất còn thiếu hoặc với các nhà trường mà đội ngũ giáo viên bộ môn rất mạnh đảm đương được hoàn toàn khâu kiểm tra với chất lượng cao trong nhà trường.

Kết luận

Trên đây tôi đã trình bày một số phương án cài đặt cụ thể của bộ phần mềm iQB 2.0 trong các nhà trường. Trên thực tế các nhà trường có thể vận dụng sử dụng xen kẽ các phương án đã trình bày sao cho hợp lý nhất đối với từng trường cụ thể. Mục đích cuối cùng là mang được các phần mềm và giải pháp phần mềm vào thực tế, giảm nhẹ công sức làm việc bằng tay của các nhà trường và giáo viên, nâng cao hiệu quả của việc học, dạy và đánh giá học sinh trong nhà trường.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1543

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn