Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Xét tuyển ĐH bằng kết quả tốt nghiệp THPT: Đề án không khả thi
19/11/2007

TP - "Đề án này thiếu vững chắc vì cái chỗ quan trọng nhất là phương thức để các trường xét tuyển tiếp những em đã tốt nghiệp THPT, chọn 1/10 để vào ĐH lại không được nói ra"- GS.TSKH Đào Trọng Thi nói.

Chủ trương đổi mới giáo dục đại học, theo đó “dự kiến chậm nhất là năm 2009 sẽ không còn thi đại học, chỉ tổ chức một kỳ thi gắn với kết thúc phổ thông”, đã được người đứng đầu của ngành GD&ĐT tuyên bố chính thức lần đầu tiên tại phiên chất vấn của Quốc hội khóa XI (30/3/2007).

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. GS.TSKH Đào Trọng Thi (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề nêu trên.

Ông Đào Trọng Thi nói: Trên thế giới, các kỳ thi liên quan đến tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và vào đại học (ĐH), tùy hoàn cảnh khác nhau, mỗi nước tổ chức một khác. Có nước thi tốt nghiệp THPT, rồi làm cả kỳ thi vào ĐH. Ở nhiều nước trường ĐH có quyền tự chủ, chứ không có chuyện một “ông” khác đi can thiệp quá sâu vào vấn đề tuyển sinh ĐH. Nhưng cũng có những nước, người ta công nhận tốt nghiệp THPT qua kết quả học tập, chứ không nhất thiết phải thi, không phải cứ học gì thi nấy... Vấn đề là có đảm bảo chất lượng hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng nước, có nước tập trung tổ chức tốt kỳ thi ĐH, nhưng cũng có nước, như ở Pháp, thì ghi danh vào ĐH, rồi học xong 1 năm đến 2 năm lại tổ chức thi vào các trường chuyên nghiệp...

Tóm lại mỗi nước mỗi kiểu. Còn đối với Việt Nam, phải cân nhắc, trên thế giới người ta làm nhiều cách nên không vì thế mình cứ phải dựa vào kinh nghiệm của một nước này, hay một nước kia.

Theo ông, với thực tế giáo dục nước ta, đã nên áp dụng việc “tổ chức thi phổ thông cho nghiêm túc, để kết quả đó có thể làm cơ sở cho xét tuyển đại học”?

Tôi nghĩ rằng hiện nay khả năng đáp ứng nhu cầu của thanh niên vào đại học còn rất thấp, tức là mới có khoảng 10% những bạn trẻ tốt nghiệp THPT muốn vào ĐH được “đi tiếp” thôi.

Bởi vậy, đây là cuộc tuyển chọn rất căng, nên nếu chỉ dùng những biện pháp như xét hồ sơ, xét thành tích học tập, rồi ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì chắc là chưa đủ thông tin để lựa chọn đúng. Vì những thông tin kia chỉ một phần thôi.

Những nước có khả năng chấp nhận 1/2 nhu cầu của tất cả những em tốt nghiệp THPT muốn vào ĐH, thì lại không phải thi tuyển “mạnh” làm gì, chỉ cần em nào đạt yêu cầu là được, nên họ có thể lấy kỳ thi tốt nghiệp THPT để vào ĐH.

Tôi được biết một đồng chí có trách nhiệm ở Bộ GD&ĐT đã giải thích không phải “gộp hai kỳ thi vào”, mà là lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cùng một số phương thức xét chọn khác của trường ĐH, để tuyển sinh, vậy thì tôi quan tâm phương thức khác đó là gì?

Như vậy, cái chính thì “anh” chưa nói ra, phương thức nào để xét chọn cứ 10 người lấy 1 người để vào ĐH, và phải là chọn ra những người thực sự có năng lực nhất, giỏi nhất.

Nghĩa là ông băn khoăn về phương thức thực hiện?

Giao cho các trường ĐH chọn lựa, nhưng bằng cách gì? Ví dụ nói là xét học bạ, nhưng học bạ không đồng đều nhau. Ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi cũng từng có phương thức áp dụng với các lớp cử nhân tài năng.

Cụ thể là xét tuyển bằng kết quả học tập, nhưng diện cử nhân tài năng lại quá hẹp, nên chúng tôi dựa vào kết quả thi học sinh giỏi là chính xác... đó là một phương thức, nhưng với dự kiến của Bộ GD&ĐT thì đâu chỉ là chọn có vài trăm em, mà hàng trăm ngàn em, thì không thể dùng phương thức như đối với các lớp cử nhân tài năng được...

Kết quả thi tốt nghiệp THPT mới chỉ đủ điều kiện xác định em này có đủ điều kiện tốt nghiệp phổ thông hay không mà thôi, đó là điều kiện tối thiểu, đó là cuộc sơ tuyển, còn “cuộc” nữa như thế nào thì chưa ai nói cụ thể...

Đề án này thiếu vững chắc vì cái chỗ quan trọng nhất lại không được nói ra, đó là phương thức để các trường xét tuyển tiếp những em đã tốt nghiệp THPT, chọn 1/10 để vào đại học. Với một đề án như vậy thật khó bình luận, cũng phải nói là đề án như vậy thực hiện rất khó. Tức là một đề án không khả thi, chưa đủ điều kiện là 1 đề án.

Cảm ơn ông!


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1545

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn