Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Nếu bạn đang học cao học: Đừng xem bản điều tra này
20/11/2007

... "41% học viên cao học - nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử không biết ai là vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy hiệu là Vạn Xuân. Chỉ 27,2% biết Kỳ họp 11- Quốc hội khóa XI bế mạc ngày 2.4.2007 biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 81,8% trả lời sai thời gian ký kết Hiệp định thương mại Việt- Mỹ..."

LỜI DẪN:

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học miền Trung và Tây Nguyên tổ chức tháng 8 năm 2006, nhiều giai thoại về thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đã được đích thân các quan chức trong ngành giáo dục kể lại khiến dư luận “cười ra nước mắt”.

Từ chuyện có người chọn đề tài tắm giặt trong quân đội, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những giải pháp phát triển một nghề (nội dung giữ nguyên, chỉ thay tên tỉnh, vùng, số liệu)… đến việc học viên phải góp tiền lo cho các thầy tiền khách sạn, vé máy bay, ăn uống quà cáp; rồi các thầy trong Hội đồng phản biện “du di luận án do anh hướng dẫn, để sau này anh lại du di cho nghiên cứu sinh mà tôi hướng dẫn!"…

Các cuộc tuyển chọn “trạng nguyên” của Việt Nam bi hài đến nỗi đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phải thốt lên: “Bằng tiến sĩ không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người!”.

Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là một nội dung quan trọng được Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết tâm chọn làm khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Đại học, Cao đẳng. Theo dự tính, tháng 1-2007, Bộ sẽ ban hành một quy chế đào tạo tiến sĩ chặt chẽ, nghiêm khắc, quy củ hơn, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, “mặt mũi” quy chế đó ra sao dư luận vẫn không hề hay biết. Trong thời gian chờ đợi quy chế mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố, Vietimes đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ về bức tranh đào tạo tiến sĩ hiện nay với hi vọng sau rất nhiều lần lên tiếng của công luận, báo chí và Bộ chủ quản, thực trạng “bi hài” này sẽ có biến chuyển. Nhưng kết quả thu được đã đem lại cho những người thực hiện nỗi “kinh hoàng” ngoài sức tưởng tượng….

Bản điều tra bất đắc dĩ

Để làm rõ hơn một mảng màu trong bức tranh đào tạo sau đại học ở Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ tại hai lớp Cao học Lịch sử Đảng và Cao học Dân tộc học 2005-2008, khoa Lịch Sử - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bảng điều tra có 8 câu hỏi lịch sử, 2 câu hỏi kinh tế - xã hội đều thuộc chuyên ngành nghiên cứu của học viên. Hầu hết các câu được chúng tôi biên soạn dựa trên nội dung sách giáo khoa của học sinh bậc tiểu học với mục đích chỉ cần đánh giá trình độ cơ bản của những người được hỏi. Và bảng thống kê dưới đây chính là kết quả thu được từ những bảng trắc nghiệm “a b c” này:

Đối tượng:

Lớp Cao học Lịch sử Đảng 2005-2008

Lớp Cao học Dân tộc học 2005-2008


Tổng số 22 phiếu





Kết quả khảo sát cụ thể:

1. Vị trạng nguyên nào trong lịch sử được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên”?

A. Nguyễn Hiền

B. Phạm Duy Quyết

C. Trịnh Huệ

D. Mạc Đĩnh Chi

Đáp án: D Đúng: 72.7% Sai: 22.8% Không trả lời 4.5%

2. Vị tướng thời nhà Lê khởi xướng công cuộc “Nam tiến” mở mang bờ cõi là ai?

A. Nguyễn Phúc Nguyên

B. Nguyễn Hoàng

C. Lê Danh Đức

D. Không có ai trong đáp án trên

Đáp án: B Đúng 41% Sai 59%

3. Bộ “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục” được biên soạn vào thời vua nào?

A. Lý Thái Tổ- TK 11

B. Lê Thánh Tông- TK 15

C. Đồng Khánh- TK 19

D. Tự Đức- TK 19

Đáp án D Đúng 59.1% Sai 36.4% Không trả lời 4.5%

4. Tên vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy Quốc hiệu là Vạn Xuân?

A. Lý Đạo Thành

B. Lý Công Uẩn

C. Lý Bí

D. Không có ai trong đáp án trên

Đáp án C Đúng 77.3% Sai 18.2% Không trả lời 4.5%

5. Tên vị vua cuối cùng của triều đại Trần có thời gian trị vì ngắn nhất (1398-1400)?

A. Trần Anh Tông

B. Trần Duệ Tông

C. Trần Thiếu Đế

D. Trần Minh Tông

Đáp án C Đúng 54.6% Sai 36.4% Không trả lời 9%

6. Tên thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Đô Lương năm 1941?

A. Nguyễn Hồ Cung

B. Đỗ Hải La

C. Nguyễn Văn Cung

D. Trần Công Dậu

Đáp án C Đúng 90.9% Sai 9.1%

7. Tên Nghị quyết tạo nên bước ngoặt cho cuộc đấu tranh nhân dân miền Nam thời kỳ 1954-1960?

A. Nghị quyết 21

B. Nghị quyết 6

C. Nghị quyết 15

D. Không có Nghị quyết nào trong các đáp án trên

Đáp án C Đúng 81.8% Sai 18.2%

8. Thời gian Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thống nhất được thông qua?

A. Tháng 1/1975

B. Tháng 3/1977

C. Tháng 9/1978

D. Tháng 12/1980

Đáp án D Đúng 41% Sai 50% Không trả lời 9%

9. Thời gian Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ được ký kết?

A. 1998

B. 2001

C. 2002

D. 2004

Đáp án B Đúng 18.2% Sai 68.2% Không trả lời 13.6%

10. Kỳ họp 11- Quốc hội khóa XI bế mạc ngày 2.4.2007 biểu quyết thông qua Luật nào?

A. Luật Bình đẳng giới

B. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

C. Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

D. Luật Thuế thu nhập cá nhân

Đáp án B Đúng 27.2% Sai 59.1% Không trả lời 13.6%

Trung bình: Đúng 52.74%, Sai: 41.39 Không trả lời 5.87%

Kết quả điều tra của chúng tôi thu được khá “thú vị”: 41% học viên cao học - nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử không biết ai là vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy Quốc hiệu là Vạn Xuân. Chỉ 27,2% biết Kỳ họp 11- Quốc hội khóa XI bế mạc ngày 2.4.2007 biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. 81,8% trả lời sai thời gian ký kết Hiệp định thương mại Việt- Mỹ.

Khi đưa câu hỏi “Vị trạng nguyên nào trong lịch sử được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên?” mở đầu bảng điều tra, những người thực hiện đều chắc mẩm con số thu về sẽ là “100% đúng”. Câu chuyện về chàng trai tướng mạo xấu xí nhưng thông minh xuất chúng, được cả vua Trần, vua Nguyên phong Trạng nguyên đã trở thành một giai thoại nằm lòng của những học sinh tiểu học. Vậy không có cớ gì, những trạng nguyên tương lai lại không thể nắm rõ truyền thống khoa bảng của dân tộc, nhất là với danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên” là độc nhất vô nhị.

Nhưng kết quả chúng tôi thu về chỉ có 72,7% trả lời đúng. 22,8% nhầm sang Nguyễn Hiền- vị trạng nguyên tuổi 13 trẻ nhất trong lịch sử. 4.5% trạng nguyên tương lai bỏ trống câu trả lời vì không biết.

Câu “Vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy Quốc hiệu là Vạn Xuân” lại càng là một câu hỏi dễ dàng vì đây là kiến thức cơ bản về tên nước. Hàng triệu người từ đứa trẻ đến người già, thành thị hay nông thôn quan tâm đến lịch sử đều nắm rõ.

Đó là chưa kể sự xuất hiện liên tục của câu hỏi này trên báo chí, trong các cuộc thi tìm hiểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có thể rất nhiều học viên ở đây đã tham gia. Vậy mà, có tới 18,2% thạc sĩ tương lai trả lời sai, trong đó 2 người chọn Lý Công Uẩn là vị vua đầu tiên đóng đô tại Thăng Long, lấy tên nước là Vạn Xuân, 2 người chọn phương án “không có ai trong đáp án”. Những sai số dù trung bình ở hai câu hỏi sơ đẳng nhất có thể giúp người đọc hiểu được phần nào sự “rỗng” các kiến thức cơ bản của các thạc sĩ tương lai.

Hai câu hỏi tiếp theo “Tên vị tướng thời nhà Lê khởi xướng công cuộc “Nam tiến” mở mang bờ cõi?” và “Tên vị vua cuối cùng của triều đại Trần có thời gian trị vị ngắn nhất (1398-1400)?” có thể không mang tính chất cơ bản như hai câu hỏi trên nhưng đều là những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc. Tướng Nguyễn Hoàng là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc dựng nên vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua và cũng là người mở đầu cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn.

Trần Thiếu Đế- vị vua cuối cùng nhà Trần gắn với biến cố bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, lập nên nhà Hồ. Đây là những nhân vật liên quan nhiều “sự biến” của lịch sử, dù không phải kiến thức cơ bản nhưng chắc chắn những người học, nghiên cứu lịch sử phải nắm rõ. Vậy mà, 59% nhầm sang Nguyễn Phúc Nguyên- con trai của tướng Nguyễn Hoàng. 36,4% trả lời sai và 9% không biết tên vị vua cuối cùng của triều đại nhà Trần.

Khi đưa câu hỏi “Bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn vào thời vua nào?”, chúng tôi “dự đoán” đáp án sẽ 100% đúng. Không có cớ gì, một người học và nghiên cứu lịch sử lại không biết rõ “lai lịch” những bộ sử nổi tiếng của dân tộc. Mà Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chỉ là 1 trong 4 bộ cổ sử ít ỏi. Kết quả chỉ 59,1% trả lời đúng là đời vua Tự Đức, 40,09% trả lời sai hoặc không biết. Nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử buộc những người học phải đọc và khai thác rất nhiều tư liệu trong những bộ sử quý giá này. Chúng tôi đồ rằng rất nhiều thạc sĩ tương lai chưa hề đụng đến hoặc biết qua loa những tài liệu nền tảng. Con số 40,09% đã chứng minh rõ điều đó.

Bảng điều tra được thực hiện ở lớp cao học Lịch sử Đảng nên chúng tôi đã biên soạn hai câu hỏi có nội dung trực tiếp từ chuyên ngành. Đây cũng là hai sự kiện tiêu biểu đánh dấu những bước ngoặt lớn của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.

Tiến sĩ tương lai trả lời sai 8/10 câu hỏi
Trong 22 bảng trả lời thu về, có một bảng ghi: “Giới tính: Nam, Tuổi: 29, Trình độ: Nghiên cứu sinh.” Chúng tôi những tưởng đây sẽ là bảng trả lời đầy đủ, chính xác nhất nào ngờ lại là bảng “kinh hoàng” nhất trong 22 phiếu thu về. “Vị trạng nguyên nào trong lịch sử được phong “Lưỡng quốc Trạng nguyên?”: Nguyễn Hiền; Vị vua đầu tiên đóng đô tại đất Thăng Long, lấy hiệu là Vạn Xuân?: Lý Công Uẩn; Tên nghị quyết tạo nên bước ngoặt cuộc đấu tranh nhân dân miền Nam năm 1954-1960: NQ 21; Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Đô Lương năm 1941: Nguyễn Hồ Cung; Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ được ký kết năm: 2004”
Kết quả là: 18,2% trả lời sai tên Nghị quyết tạo nên bước ngoặt cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam giai đoạn 1954-1960. 50% trả lời sai và 9% không biết Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thống nhất thông qua vào tháng, năm nào? Trong 4 phương án trả lời câu hỏi 8, mốc tháng 1/1975 có ba người lựa chọn. Theo họ, hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thống nhất được thông qua tháng 1/1975 trong khi ngày 30/4/1975 miền Nam mới hoàn toàn được giải phóng.

Những thạc sĩ tương lai này đã đưa lịch sử đi sớm 5 năm 11 tháng. Bản thân họ không thể không phân biệt tháng 1/1975, công cuộc giải phóng miền Nam vẫn đang trong giai đoạn ác liệt. Nhưng vì sự yếu kém, thái độ cẩu thả, qua loa, vô trách nhiệm, họ vẫn đặt bút lựa chọn phương án này.

Số sai “kinh hoàng” nhất thật không ngờ lại rơi vào các sự kiện xã hội đương đại. Dự trù trước tình huống các sự kiện xa xưa có thể bị “quên”, chúng tôi đã đưa câu hỏi về kỳ họp Quốc hội khóa 11 bế mạc ngày 2/4/2007- sự kiện “nóng hổi” nhất sát với ngày hỏi.

Kết quả là 72,8% trả lời sai hoặc không biết kỳ họp Quốc hội quan trọng nhất trong năm thông qua dự luật nào. Điều đáng nói Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi cử tri của họ trong cuộc bầu cử Quốc tháng 5-2007. 81,8% không biết hoặc không trả lời đúng Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ được ký kết năm nào.

Một học sinh, công nhân, kỹ sư… có thể không biết một điều luật Quốc hội, một hiệp định kinh tế vì không thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng một người nghiên cứu lịch sử không thể cho phép đặt mình nằm ngoài dòng chảy đương đại. Vì sứ mệnh của họ là những người ghi lại lịch sử. Đáng tiếc những con số trên phản ánh điều hoàn toàn ngược lại.

Con số 90,1% trả lời đúng cho câu hỏi 6, tỷ lệ đúng cao nhất trong toàn bộ bảng hỏi không đem lại cho chúng tôi một niềm an ủi. Bởi lẽ, hầu hết những câu hỏi trong bảng điều tra đều được chúng tôi xây dựng từ nội dung sách giáo khoa cho học sinh tiểu học. Nghĩa là những kiến thức nền tảng cơ bản, sơ đẳng nhất. Rất nhiều câu hỏi đã được các em học sinh tiểu học trả lời vanh vách trong những cuộc thi đố vui lịch sử, “Thần đồng Đất Việt”.

Vậy mà, khi đặt vào tay những thạc sĩ, tiến sĩ tương lai của chính chuyên ngành Lịch sử, kết quả đưa lại là: trung bình 52,74% trả lời đúng và 47,26% trả lời sai hoặc không biết để trả lời.

Trong lớp cao học này, có một số người đang giảng dạy tại các trường Cao đẳng - Đại học, một số người làm việc tại các viện liên quan đến Sử học. Học sinh- sinh viên của họ sẽ được “hưởng thụ” những kiến thức nào từ những người thầy “rỗng cơ bản” thế này? Chất lượng những cuốn sách, công trình nghiên cứu sẽ ra sao khi ngay chính người biên soạn cũng không thể nắm chính xác một sự kiện lịch sử đơn giản nhất? Bức tranh đào tạo cao học - tiến sĩ ở Việt Nam đã gióng lên một hồi chuông báo động từ rất lâu nhưng rất nhiều người vẫn dậm chân đứng nhìn “đám cháy”!


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1563

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn