Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục có phải là “tiền nào của nấy”?
19/02/2008

Kết thúc năm 2007, Đề án học phí Bộ Giáo dục và Đào tạo dự định đưa ra lấy ý kiến cuối cùng đã không thấy xuất hiện. Tiếp tục loạt ý kiến về vấn đề này, chúng tôi vừa nhận được bài viết của tác giả Hồng Lê Thọ - Việt kiều ở Tokyo, xin được giới thiệu cùng bạn đọc

Tại phiên họp của Quốc hội ngày 16-11-2007, trả lời chất vấn của các vị đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phân tích: “Tấm chăn ngân sách không đắp được từ chân đến đầu, nếu miễn phí thì cái chăn nó bé đi dẫn đến số lượng người đi học giảm. Hiện một người đi học chỉ đóng 550.000 đồng, Nhà nước chi 2,5 triệu đồng/năm. Nếu miễn học phí cho bốn em thì sẽ có một em không được đi học” khi giải trình về việc Xã hội hóa ngành giáo dục.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì chi phí này là nhà nước chi cho học sinh cấp tiểu học, trong khi thực tế phần phụ thu (ở Thành phố HCM, Hà Nội) gấp nhiều lần hơn, chứ không phải 550.000 đồng/năm như ông Nhân phát biểu! Hơn thế nữa Bộ trưởng lại nói hớ nữa chăng, cấp Tiểu học là cấp được miễn phí theo qui định của Hiến Pháp(điều 59) vậy thì “miễn học phí cho bốn em” là cấp nào, tiểu học hay cấp trung học cơ sở, hoặc phổ thông đây?

Nghĩa là ông nhất quyết thực hiện việc tăng học phí mới tránh được hiện tượng bỏ học theo tỷ lệ 20%, bắt buộc tăng phần “đóng góp” của 4 gia đình phụ huynh còn lại. Vậy là sao? Với lập luận này Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ không chịu trách nhiệm trước thực trạng bỏ học của những em thuộc gia đình nghèo, không có tiền đóng học phí và nhiều khoản phụ thu khác khi đã tăng theo chủ trương của ông, lúc ấy hẳn Bộ trưởng sẽ nói “đó là vì không thực hiện xã hội hóa tích cực”, hay ám chỉ đổ lỗi những người “giàu” không chịu chia sẻ với chính phủ trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục của xã hội!

Ông bà ta có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, với ngân sách ngày càng tăng như hiện nay, chiếm 20% ngân sách Nhà nước, gần 67.000 tỷ đồng trong đó 31% dành cho giáo dục bắt buộc(tiểu học) mà vẫn không đủ; cấp nào là không thu học phí, cấp nào buộc thu phụ phí không lẽ Bộ trưởng không biết, cấp nào thì tăng, tỷ lệ “xã hội hóa” cao nhất từ cấp nào ông cũng rõ, thế mà cứ phát biểu kiểu “một cục”(từ của Bộ trưởng), lúc nào cũng la toáng là không đủ, chủ trương rằng “giàu tăng - nghèo miễn, giảm” (học phí) để không có em nào phải bỏ học có thật không?

Trong khi nội dung chi tiêu ở các cấp, địa chỉ nhận tiền từ ngân sách giáo dục hàng chục tỷ đồng thiếu minh bạch, có khả năng thất thoát bạc tỷ thì sao đây. Ngoài phần học phí thì còn bao nhiêu khoản phụ thu không thấy thể hiện trong các báo cáo của Bộ GD-ĐT, đang là gánh nặng cho phụ huynh khi không qui định rõ ràng, thu theo yêu cầu của nhà trường núp dưới danh nghĩa “hội phụ huynh” hay tự nguyện mang tính chất ép buộc thì không hề nghe ông nói đến. Còn chủ trương thu “một cục”ngay từ đầu năm thì con nhà nghèo không đủ tiền để nộp thì ông sẽ giúp theo kiểu gì hay lại phải bỏ học, đặc biệt là những gia đình lao động thu nhập bấp bênh dưới mức vài ba chục nghìn đồng/ngày ở nông thôn cũng như đô thị.

Thật đáng tiếc, nếu như(tôi nhấn mạnh) từ bục cao của diễn đàn tại Quốc hội hay trên một tờ báo nào đó, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng cảnh báo với nhân dân và cán bộ các cấp rằng “ bớt được 1 tỷ đồng lãng phí, tiêu cực, hà lạm ngân sách nhà nước của cán bộ đảng viên các cấp thì sẽ đưa được bao nhiêu trẻ em nghèo hiếu học đến trường, sẽ bù đắp cho bao nhiêu giáo viên nghèo khổ ở vùng sâu vùng xa, kiên cố hóa được bao nhiêu trường” thì ngày tết năm nay nhất định sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân biết bao, học sinh nghèo nhớ ơn thầy Nhân mãi mãi, thay vì đe dọa kiểu “không tăng học phí thì việc phát sinh trẻ em bỏ học là đương nhiên, xã hội (người dân) phải gánh” (năm 2007 đã có 1,2 triệu học sinh cấp phổ cập đã bỏ học) như nội dung ông đã nhiều lần lên tiếng.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1824

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn