Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Trở thành Giáo sư ở nước ngoài “dễ” hơn Giáo sư “quốc nội”!
20/02/2008

Rất nhiều hoa và những nụ cười hoan hỉ tại buổi lễ phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm 12-1. Nhưng chuyện ngày càng có nhiều Giáo sư, Phó giáo sư hình như hoàn toàn độc lập với việc khoa học Việt Nam vẫn cứ ì ạch không phát triển.

Trong đợt phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2007 (tổ chức ngày 12-1 vừa qua), Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã phong Giáo sư cho 54 vị, Phó Giáo sư cho 445 vị.

Chuyện người đủ tiêu chuẩn để được nhận chức danh Phó Giáo sư ở một trường đại học quốc tế nhưng lại không đủ tiêu chuẩn để trở thành Phó Giáo sư ở Việt Nam tưởng chừng là một câu chuyện hài hước. Nhưng chuyện một người có khả năng được quốc tế công nhận, nhưng Việt Nam dứt khoát nói không là chuyện có thật 100%.

Trong câu chuyện với Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Hoàng Tụy có kể cho tôi nghe trường hợp một Tiến sỹ Toán học độ tuổi gần 40 (ở đây chúng tôi không tiện nêu tên), người có đủ khả năng trở thành một nhà Toán học tầm cỡ đã bị “chầu rìa” như thế nào.

Nguyên Tiến sỹ Toán học này từng làm cán bộ giảng dạy ở Đại học Qui Nhơn. Sau đó anh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Pháp. Tiến sỹ Toán học trẻ tuổi này là tác giả của 15 công trình được đăng tải trên những tạp chí uy tín chuyên ngành trên thế giới, là đồng tác giả của hàng chục công trình có tiếng, hợp tác với những nhà khoa học tầm cỡ.

“Đó là một hồ sơ rất mạnh, nếu ứng cử Phó Giáo sư ở một trường đại học ở các nước thì rất dễ thành công. Một người hoàn toàn đủ tư cách để trở thành Phó Giáo sư của một trường đại học tầm cỡ quốc tế chứ không phải ở trình độ Việt Nam”, đó là kết luận của Giáo sư Hoàng Tụy.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hoàng Tụy, với phương thức “tấn phong” Giáo sư, Phó Giáo sư của Việt Nam như hiện nay, thì còn lâu anh Tiến sỹ Toán học trẻ đầy triển vọng kia mới có thể “mon men” đến chức danh Phó Giáo sư.

Mặc dù trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam... khó hơn ở nước ngoài, nhưng vị thế nền khoa học của chúng ta so với nền khoa học một số nước trong khu vực (chứ chưa dám nói đến thế giới) như thế nào đã là chuyện “hai năm rõ mười”. Một trong những tiêu chí thế giới dùng để đánh giá chất lượng đội ngũ khoa học là số lượng bài được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới. Đem tiêu chí này ra so sánh, chúng ta sẽ biết rõ hơn tình hình thế nào: Chỉ riêng Trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan trung bình mỗi năm đã có hàng trăm công trình khoa học trên các tạp chí khoa học được quốc tế công nhận, cá biệt, có năm, con số đó còn xấp xỉ bằng tổng số bài báo khoa học của cả hệ thống Giáo sư, Tiến sỹ đồ sộ của cả nước ta làm được!

Giáo sư lừng danh ở nước ngoài vẫn “trượt vỏ chuối” ở Việt Nam!

Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, với phương thức công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư hiện nay của Việt Nam, không chỉ có trường hợp anh Tiến sỹ trẻ tuổi nọ còn lâu mới có cơ hội trở thành Phó Giáo sư, mà có một điều chắc chắn rằng, rất nhiều Giáo sư lừng danh của thế giới vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu. Song vấn đề ở đây, những yêu cầu đặt ra để được phong chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư của Việt Nam lại hết sức... phản khoa học!

Để có thể trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư ở Việt Nam, tiêu chuẩn chính hay điều kiện cần là phải có số năm giảng dạy đủ dài. Ngoài ra, các “ứng cử viên” còn phải đảm bảo số điểm bài báo và công trình khoa học, số lượng thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo, hướng dẫn...

Hầu hết các tiêu chí của Việt Nam nặng về “lượng” mà nhẹ về “chất”. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí để trở thành Giáo sư ở Việt Nam là có vài công trình được đăng ở tạp chí quốc tế hoặc tạp chí được lựa chọn ở Việt Nam. Điều này dẫn đến tiêu cực là nhiều vị Tiến sỹ “chạy” để được đăng bài ở các tạp chí Việt Nam. Trong khi đó, để trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư ở các nước tiên tiến, vấn đề mấu chốt nằm ở chất lượng công trình. Và chất lượng các công trình này thể hiện ở số bài báo hay sách được đăng, xuất bản ở những tạp chí chuyên ngành, nhà xuất bản uy tín thế giới. Lí do đơn giản vì môi trường quốc tế là nơi thử thách những giá trị đích thực với các công trình khoa học.

Một tiêu chí khiến nhiều nhà khoa học xuất sắc bị “trói chân, trói tay” là số giờ giảng dạy. Một nhà khoa học có nhiều công trình nổi tiếng nhưng không đứng trên giảng đường vẫn yên chí “chầu rìa”. Bởi thế, những nhà khoa học mấy chục năm mải mê nghiên cứu cũng khó lòng hi vọng đạt được chức danh này. Điều này cũng hoàn toàn ngược lại với thông lệ quốc tế. Những nền khoa học phát triển nhất thế giới bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư căn cứ vào nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của nhà khoa học. Theo đó, có những Giáo sư chỉ chuyên nghiên cứu mà ít giảng dạy và ngược lại.

Một nhà khoa học ở nước ngoài cho rằng, ở các nước trên thế giới, khi nói đến Giáo sư, người ta sẽ nói đến Giáo sư ở trường Đại học nào, ví như Giáo sư Đại học Havard, Giáo sư Đại học Oxford... Sở dĩ có chuyện như vậy vì ở các nước đó Nhà nước lập ra một Hội đồng, Hội đồng này chỉ công nhận những ứng viên có đủ tiêu chuẩn tối thiếu để công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư, còn việc bổ nhiệm thuộc về các trường, các viện, căn cứ vào nhu cầu của các trường đó. Cũng theo các nhà khoa học này, khi tất cả các trường tự phong Giáo sư, Phó Giáo sư, Việt Nam sẽ có các Giáo sư Đại học Sư phạm, Giáo sư Đại học Quốc gia... Khi đó, các trường sẽ biết cách “tấn phong” sao cho giữ được uy tín của mình.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1827

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn