Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Triết lý toàn diện của giáo dục hiện đại
21/02/2008

“…Có nhiều, nhiều và rất nhiều những nỗ lực để khám phá những điều kỳ diệu và triết lý đằng sau những thành công của hệ thống giáo dục toàn diện của Phần Lan và cũng nhiều cách lý giải về những thành công ấy nhưng nếu có thể gói gọn lại thì: Đó chính là cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người dân…”

Đã có nhiều diễn đàn mổ xẻ nguyên nhân đằng sau những kỳ tích giáo dục của Phần Lan. Sau hai lần đứng đầu vào năm 2000 và 2003, ngành truyền thông BBC của Anh ra hàng loạt phóng sự về hiện tượng Phần Lan. Chuyên gia giáo dục Phần Lan được mời đi hầu hết các nước OECD và ngoài OECD để thuyết trình về mô hình giáo dục của mình. Hàng trăm đoàn quan chức và chuyên gia giáo dục từ các nước OECD, đặc biệt là Đức và Anh, đổ về Helsinki để khám phá triết lý của một nền giáo dục vốn xa lạ với thế giới. Bộ Giáo dục Phần Lan “quá tải” trước những đề nghị “trao đổi kinh nghiệm giáo dục” từ các nước.



Để thỏa mãn tất cả những yêu cầu của các nước, một năm sau khi kết quả điều tra lần thứ hai được công bố vào cuối năm 2004, Phần Lan liên tiếp tổ chức ba cuộc hội thảo quốc tế về giáo dục trong năm 2005.

Hội thảo đầu tiên tổ chức vào tháng 3/2005 chủ đề là bí quyết thành công giáo dục Phần Lan (có 300 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước). Hội thảo thứ 2 tổ chức vào thàng 10/2005 tập trung vào chủ đề các nhân tố quyết định kết quả PISA của Phần Lan (có 130 quan chức và chuyên gia giáo dục tới từ 30 nước). Hội thảo thứ 3 tổ chức vào tháng 12/05 thu hút gần 500 quan chức và chuyên gia giáo dục từ 35 nước tập trung vào chủ đề những chính sách hỗ trợ học tập và phúc lợi trong giáo dục toàn diện. Ngoài các cuộc thảo luận chung, thảo luận nhóm, Phần Lan tổ chức cho tất cả các đại biểu, chia ra làm nhiều nhóm, tham quan và dự giờ học ở các trường trong hệ thống trường học toàn diện ở Phần Lan. Nội dung của các hội thảo này được công khai trên Internet.

Cũng chính vì ngưỡng mộ những thành tích PISA của Phần Lan mà phóng viên kỳ cựu của Washington Post, Robert G. Kaiser và phóng viên ảnh Lucien Perkins đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm viết bài, lần dài nhất là 3 tuần, về những thành tích kỳ diệu của Phần Lan do giáo dục mang lại. Hai phóng viên này đã viết một loạt 24 phóng sự và công bố vài trăm bức ảnh; tất cả đều được công bố trên blog của tờ Washington Post từ 23/5/2005 cho tới 10/6/2005. Sáu trong số 24 phóng sự này được đăng trên báo giấy. Chỉ trong vòng 3 tuần, 366 ngàn lượt người đã đọc blog này và 3.499 người viết bình luận. Những phóng sự in trên báo giấy đã tới tay của vài trăm ngàn người khác.

Kaiser viết: “Phần Lan rất có thể là đất nước lý thú nhất trên hành tinh này mà người Mỹ ít biết tới nhất”. “Đó là đất nước có hệ thống trường học tốt nhất thế giới, những người phụ nữ tự do nhất (tổng thống là một phụ nữ); có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động tính theo bình quân đầu người cao nhất thế giới, là quê hương của một trong số các công ty công nghệ tiên tiến nhất (NOKIA), sở hữu nhiều công nghệ thông tin hiện đại, là đất nước giàu âm nhạc từ rock, jazz cho tới nhạc cổ điển. Người Phần Lan tự hào là đất nước phúc lợi phổ thông trong đó người dân được hưởng, ngoài các thứ khác, là hệ thống y tế miễn phí, giáo dục miễn phí ở tất cả mọi cấp”.

Còn có nhiều, nhiều và rất nhiều những nỗ lực để khám phá những điều kỳ diệu và triết lý đằng sau những thành công của hệ thống giáo dục toàn diện của Phần Lan và cũng nhiều cách lý giải về những thành công ấy nhưng nếu có thể gói gọn lại thì: Đó chính là cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người dân.

Hệ thống giáo dục của Phần Lan bảo đảm mọi người dân có cơ hội bình đẳng về giáo dục không phân biệt nơi sinh sống, giới tính, điều kiện kinh tế gia đình; không phân biệt giữa các nhóm dân có gốc văn hóa và ngôn ngữ khác với Phần Lan. Hệ thống trường học được trải đều giữa các vùng, không có các trường học dành riêng cho từng nhóm ngôn ngữ văn hóa. Giáo dục hoàn toàn miễn phí, kể cả học tập, sách vở giấy bút, ăn trưa, chăm sóc y tế , đi lại của học sinh, dạy phụ đạo cho học sinh yếu và giáo dục cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Giáo dục ở đất nước này chính là một dịch vụ phúc lợi được tổ chức khoa học và văn minh nhất.

Đó chính là triết lý giáo dục toàn diện. Giáo dục cơ bản kéo dài 9 năm, miễn phí cho mọi trẻ em trong độ tuổi từ 7-16 tuổi. Các trường không chọn học sinh nhưng mọi học sinh được bảo đảm học tại trường ở vùng mình sinh sống. Học sinh không chuyển sang trường khác trong suốt thời gian học và không bị sàng lọc, xếp hạng, không có lớp chuyên, lớp chọn. Mọi học sinh bình đẳng với nhau và nhận được dịch vụ giáo dục tốt nhất. Triết lý giáo dục toàn diện khác cơ bản với giáo dục song song.

Đó chính là đội ngũ giáo viên có tâm và có tầm. Ở mọi cấp học, giáo viên có trình độ cao và có tâm. Từ lớp 1 trở đi, giáo viên tối thiểu phải có bằng Thạc sĩ và kỹ năng sư phạm là kỹ năng đặc biệt được chú trọng ở mọi cấp. Trách nhiệm giáo viên được chuyển sang cho các trường Đại học (không đào tạo trong trường Sư phạm) và do nghề giáo viên là nghề được xã hội coi trọng bậc nhất ở Phần Lan nên các trường đại học có thể lựa chọn được những sinh viên có tài và có tâm nhất. Giáo viên hoàn toàn độc lập về chuyên môn và có quyền tự chủ lớn hơn nhiều so với các nước OECD khác.

Đó chính là đội ngũ giáo viên tư vấn và giáo viên đặc biệt. Giáo dục Phần Lan xây dựng đội ngũ giáo viên tư vấn và giáo viên đặc biệt để đáp ứng cho việc học tập và phúc lợi tới từng học sinh. Giáo viên tư vấn xây dựng kế hoạch học tập cho từng học sinh. Giáo viên tư vấn có trách nhiệm đưa ra phương pháp học tập tốt nhất cho từng học sinh và giúp học sinh lựa chọn ngành học tiếp theo sau khi học hết phổ thông. Giáo viên đặc biệt phụ đạo tại trường cho các học sinh học yếu (bẩm sinh hay do hoàn cảnh) để bắt kịp với học sinh thường. Tất cả những điều này được quy định trong Tài liệu chuẩn giáo dục quốc gia (National Core Curriculum).

Đó chính là cách thức đánh giá thành tích học tập rất văn minh. Việc đánh giá kết quả học tập của các trường và của học sinh chỉ mang tính khuyến khích và về bản chất là để nâng đỡ. Mục đích của đánh giá là đưa ra thông tin của trường và của từng học sinh, giúp cho trường và học sinh nhận thức thực trạng để làm tốt hơn. Tuyệt nhiên không có kỳ thi tốt nghiệp toàn quốc, không có xếp hạng các trường và không tồn tại khái niệm thanh tra giáo dục.

Đó chính là nhận thức rất cao về ý nghĩa của giáo dục trong toàn xã hội. Toàn xã hội có nhận thức rất cao về tầm quan trọng của giáo dục và trình độ toàn dân được giáo dục cao hơn nhiều tiêu chuẩn chung của toàn thế giới. Giáo dục được trân trọng và chính sách giáo dục nhận được sự đồng thuận chính trị rộng rãi của mọi người dân.


Sơ đồ hệ thống Giáo dục Phần Lan.


Đó chính là một hệ thống giáo dục linh hoạt dựa trên sự phân quyền. Hệ thống giáo dục của Phần Lan rất linh hoạt và việc quản lý chú trọng vào phân quyền và hỗ trợ từ trung ương. Định hướng giáo dục được quy định thông qua luật, nghị định và chuẩn giáo dục quốc gia. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức giáo dục và thực hiện theo luật, nghị định và chuẩn giáo dục. Trường và giáo viên tự chủ về nội dung và cách thức đào tạo.

Đó chính là sự hợp tác và phối hợp hiệu quả của toàn xã hội liên quan tới giáo dục. Phối hợp và việc xây dựng quan hệ đối tác diễn ra ở tất cả các cấp độ hoạt động liên quan tới giáo dục. Hợp tác diễn ra giữa các cấp độ quản lý để bảo đảm các trường hoạt động hiệu quả. Các trường hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xã hội về phúc lợi, bảo hiểm, giao thông, bệnh viện, thư viện… Cơ quan quản lý giáo dục có quan hệ gần gũi với các Hiệp hội giáo viên, Hiệp hội giáo viên chuyên ngành và các tổ chức lãnh đạo trường học. Hợp tác giữa các trường cũng được chú trọng. Tất cả những điều này hỗ trợ tốt cho các hoạt động phát triển giáo dục.

Cuối cùng, đó chính là triết lý tất cả vì học sinh. Phần Lan xây dựng thành công một quan niệm học tập tích cực cho toàn xã hội. Việc tổ chức công tác giáo dục và học tập dựa trên quan niệm giáo dục vì học sinh và chú trọng tới việc xây dựng kỹ năng và môi trường học tập suốt đời.

Thế giới từ lâu đã “thức tỉnh” trước hiện tượng Phần Lan, vậy còn Việt Nam thì sao? Tôi tin rằng triệu triệu người dân Việt Nam đang chờ đợi câu trả lời ấy.


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1839

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn