Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Cần ĐH "tranh cãi" thay vì ĐH "thuộc lòng"
27/02/2008

Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định, công việc của trường ĐH là kích thích người học trong sự tranh cãi để chấp nhận hay phủ nhận chân lý. Chừng nào chưa có được điều đó thì nhất thiết chưa có thể coi là đại học.

Trong cải cách đại học, trọng điểm là tập trung vào xây dựng tư duy độc lập, tự chủ trong giáo dục đại học. Ở đây có vấn đề quan hệ giữa trang bị kiến thức và xây dựng tư duy, cũng có thể nói cách khác, giữa nội dung chương trình và phương pháp dạy và học.

Đại học chỉ đáp ứng yêu cầu xã hội về nhân lực?

Giáo sư Tạ Quang Bửu thì có một cách định nghĩa trình độ đại học rất gọn và hay. Ông nói: "Trình độ đại học là trình độ biết tự học. Trong thế giới phát triển như vũ bão ngày nay, sống cũng có nghĩa là phải học suốt đời, một ngày không học cũng có thể coi là một ngày đã chết!".

Câu nói ấy theo tôi xác định một phần quan trọng bản chất của đại học, chỉ rõ thế nào là đại học. Thậm chí có lẽ cũng cần suy nghĩ thêm về điều có thể tưởng là đương nhiên này: nhiệm vụ của đại học có phải là đào tạo ra những người dùng ngay cho các nhiệm vụ kinh tế, xã hội bây giờ không? Nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất của đại học, theo tôi và tôi xin mạnh dạn nói, không phải chỉ tạo ra những con người có thể dùng ngay cho xã hội "đáp ứng yêu cầu xã hội về nhân lực" như người đứng đầu ngành giáo dục đã nêu ra gần đây, ít nhất không phải chỉ có thế. Mà tạo ra những con người có ý chí, lòng say mê, khả năng tự học, tự chiếm lĩnh trí thức mới suốt đời.

Nêu yêu cầu cho đại học "đáp ứng nhu cầu cho xã hội về nhân lực", dù là nhân lực cho phát triển, là chưa đầy đủ, rất có thể dẫn đến phiến diện dễ sa vào thiển cận và thực dụng. Nên nhớ rằng thị trường việc làm trong thế giới ngày nay rất hay thay đổi. Một con người trong suốt cuộc đười mình thường thay đổi việc làm nhiều lần.

Một người bạn tôi là chuyên gia tin học hàng đầu và cũng là một nhà giáo dục lâu năm ở Mỹ có cho biết, ngay một nền giáo dục hiện đại và tiên tiến hàng đầu thế giới như Mỹ cũng không đặt vấn đề là cung cấp cho xã hội những người dùng ngay được. Nó làm một công việc quan trọng hơn nhiều: cung ứng cho xã hội những con người có thể nhanh chóng thích ứng cho nhiều công việc khác nhau trong xã hội chỉ cần sau một thời gian ngắn huần luyện thêm chuyên ngành. Nghĩa là nó đưa ra cho xã hội một thứ nguyên liệu đã được thiết kế rất cơ bản để có thể chế biến tiếp nhanh chóng, hữu hiệu.

Một người làm sẵn sàng làm chủ thế giới có thể trên nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không phải là một cái máy chuyên ngành chỉ dùng được cho mỗi một việc.

Cần ĐH "tranh cãi" thay vì ĐH "thuộc lòng"

Chức năng quan trọng, thậm chí cũng có thể gọi là thiêng liêng, cao quý nhất của đại học, cái làm cho nó là đại học, là tạo ra những con người dám và biết suy nghĩ một cách độc lập, kiên quyết không bị cầm tù trong những "chân lý" có sẵn, có trước, cứng nhắc, định ra một lần là xong, cho cả đời và do ai đó tận nơi xa xôi mịt mù toàn quyền và toàn năng định ra, ban bố, bất biến và bất khả xâm phạm.

Người ta đến đại học không phải là để học, và là học thuộc lòng những cái có sẵn, những chân lý tiên định, mà là để tranh cãi với những điều được coi là chân lý, để hoặc sau khi tranh cãi đến cùng thì chấp nhận nó, hoặc phủ nhận nó, tự mình tìm chân lý khác.

Và công việc của trường đại học là khuyến khích, kích thích, giúp cho người ta trong sự tranh cãi để chấp nhận hay phủ nhận nó. Chừng nào chưa có được điều đó thì muốn gọi gì thì gọi, nhất thiết chưa có thể coi là đại học.

Gần đây người ta nói nhiều đến chuyện xếp hạng, mong ước và dự tính bao nhiêu năm nữa thì có thể có đại học được xếp vào tốp này tốp nọ ở phạm vi này nọ. Tôi nghĩ rằng ta có thể có đại học được xếp tốp không quá lâu nữa đâu, nếu ta chấp nhận ngay từ bây giờ kiểu đại học "tranh cãi" chứ không phải đại học "thuộc lòng".

Bởi vì chưa có tranh cãi ở đại học thì đã có đại học thật đâu mà đòi xếp tốp! Thậm chí có thể nói một cách hình ảnh, đại học được tạo ra là để cho con người đến đó tranh cãi trên con đường đi tìm sự thật, rèn luyện ý chí, thói quen, và khả năng tranh cãi (tất nhiên cả văn hóa tranh cãi). Nhà giáo dục Pháp Armander Frémont nói: "Theo tôi, dường như nhiệm vụ của chúng ta không phải là dạy cho con người niềm tin chắc mà là dạy đạo đức hoài nghi". Hoài nghi trước khi tin, từ hoài nghi mà đi đến tin, đó là bản chất của đại học.

Đương nhiên để làm được điều đó, trường đại học phải được coi là một vương quốc độc lập và tự do. Độc lập trong chương trình, trong phương pháp dạy và học, trong tổ chức giáo dục v.v... Mỗi trường phải được tự chủ hoàn toàn trong các lĩnh vực đó. Và mỗi giáo sư cũng phải được tự chủ trong con đường tìm tòi với sinh viên (SV) - người bạn nhỏ mà bình đẳng cùng học với mình, do mình dìu dắt...

Sinh viên có "dám" tư duy độc lập

Tôi có may mắn từ nhỏ đã được gặp thầy giáo rất giỏi. Tôi còn nhớ hôm đầu tiên vào lớp, ông đã nói với chúng tôi: "Các trò đến đây là để học cách học". Và cách dạy của ông cũng rất độc đáo: Ông không bao giờ dạy trọn hết chương trình, chỉ dạy hai phần ba hay thậm chí một nửa, còn thì để cho chúng tôi tự học lấy nốt phần còn lại, và tất nhiên ông tinh tế theo dõi phần tự học đó của chúng tôi.

Tôi nghĩ trong cách dạy đó của ông thấm đượm một triết lý được thực hiện một cách thật giản dị, không hề ồn ào to tiếng, nhưng hết sức thâm thúy: truyền đạt, trang bị kiến thức tối thiểu, cơ bản nhất cho học sinh để làm nền là rất cần thiết, cũng là luyện cho con người cách học, ý chí, lòng ham muốn tự mình đi tìm, chiếm lấy tri thức mới.

Chúng ta không chỉ biết đuổi theo kiến thức, chỉ biết có học kiến thức. Chương trình từ phổ thông đến đại học càng năm càng nặng trĩu, mỗi lần tuyên bố giảm tải thì lại càng nặng thêm, khiến người học càng học càng mụ mẫm, càng đần đi, vô cùng mất sức, triệt tiêu hết hào hứng và năng lực sáng tạo của người học.

Vậy trước hết SV phải dám. Người SV đến trường phải biết rằng mình có quyền hoài nghi và tranh cãi, có đủ tư cách và vai vế để làm điều đó.

Trong một lần họp hội đồng sáng lập của một trường đại học mà chúng tôi đang mong muốn cố gắng xây dựng theo kiểu mới, đã có ý kiến nêu ra như sau: Trong trường của chúng tôi, sẽ tuyệt đối không có lối SV xưng em, xưng cháu, thầy gọi SV là em cháu. Chúng tôi sẽ gọi SV đàng hoàng là các anh các chị, SV sẽ xưng tôi một cách đàng hoàng. Chúng tôi cho rằng việc đó không hề nhỏ (vậy mà hóa ra rất khó thực hiện, rất khó từ bỏ thói quen coi SV đều là trẻ con).

Nói tóm lại, có lẽ đã đến lúc không nên né tránh nữa, cần nói rõ và nói thẳng, phải có tự trị đại học. Rất đơn giản, chỉ vì chỉ như thế thì mới thật sự có đại học. Và nếu ta muốn, thì mới nói đến chuyện xếp tốp.

Tôi biết đạt được quan điểm hiện nay là rất khó, phá vỡ quan niệm cũ cũng khó. Có thể nói không quá khi bảo rằng ở đây đòi hỏi cả một cuộc cách mạng. Nhưng nếu không xác định, không quyết chọn và làm thì cũng là ta đồng tình chịu bó tay để cho đại học của chúng ta , và từ đó cả nền giáo dục của cúng ta mãi lẹt đẹt, ngày càng sa sút, thậm chí lâm nguy, mặc tất cả các hô hào mấy không mấy không...


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1846

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn