Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Gửi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài: Không ổn!
02/04/2008

Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 35% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sĩ (TS), mỗi năm sẽ tuyển mới 2.000 người làm TS trong và ngoài nước. Số lượng dự kiến gửi đi đào tạo ở nước ngoài từ 400 – 600 người/năm và tăng dần trong những năm tiếp theo. GS. TSKH Nguyễn Năng An đã trao đổi với VTC News xung quanh vấn đề này.


- Đào tạo TS đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của nhiều trường ĐH, CĐ. GS nghĩ sao về điều này?

- GS.TSKH Nguyễn Năng An: Chúng ta đều biết rằng, một nền khoa học công nghệ phát triển xuất phát từ chính thành quả của giáo dục ĐH. Trong khi các trường ĐH ở các nước phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức…được tập trung xây dựng với qui mô lớn, chất lượng cao thì ở Việt Nam chưa bao giờ chất lượng giáo dục ĐH lại có nhiều vấn đề như hiện nay.

Trường ĐH muốn mạnh phải xuất phát từ chất lượng của trường THPT, THPT muốn mạnh phải từ cấp THCS, Tiểu học. Ngành giáo dục phải phát triển theo hình chóp, càng lên cao càng giảm, nhưng chúng ta hiện nay đang có xu hướng phổ cập hoá đại học, trong khi đó SGK cho Tiểu học, THCS và THPT đều chưa ổn, thì làm sao có thể yên tâm về một chất lượng đào tạo cho hệ đại học.

Cũng như vậy, nếu như trường ĐH chưa thực sự có chất lượng thì vấn đề đào tạo tiến sĩ cũng cần xem xét một cách nghiêm túc và cẩn thận.

- Chính bởi vậy mà Bộ GD-ĐT đã mở ra hướng gửi nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao chất lượng TS cho các trường ĐH trong nước?

- Gửi nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài là việc làm không ổn. Nghe thì thấy rất hay, nhưng đằng sau nó là rất nhiều vấn đề. Vì chất lượng nhiều trường ĐH của Việt Nam còn thấp nên chất lượng nghiên cứu sinh cũng còn nhiều bất cập, đấy là chưa kể nhiều người còn không đủ điều kiện về trình độ ngoại ngữ để có thể theo học ở nước ngoài. Chỉ khi nào ĐH Việt Nam có cơ sở vật chất tốt, chất lượng giảng dạy đảm bảo mới nên đưa nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập.

Ngoài ra, với cơ chế chính sách như hiện nay, liệu TS được đào tạo ở nước ngoài có tiếp tục về nước để cống hiến không? Chúng ta đang tung hô cho các chương trình học bổng của nước ngoài. Có những nước, họ cho học bổng từ bậc phổ thông, kéo dài đến đại học, sau đại học, sau đó là những cơ hội việc làm tại nước họ.

Như vậy, là chúng ta đang làm mất đi nguồn nhân lực trình độ cao do “nhờ” nước ngoài đào tạo, điều mà các trường ĐH trong nước có thể làm được nếu thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo.

- Một trong những điểm mới trong dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ là nghiên cứu sinh phải có bài báo đăng ở tạp chí khoa học quốc tế. Liệu tiêu chí này có khả thi, thưa GS?

- Rất khó để thực hiện được yêu cầu này, bởi tạp chí khoa học nước ngoài sẽ phải thẩm định bài báo của nghiên cứu sinh trước khi cho đăng, trong khi từ trước tới nay, nhiều công trình khoa học của nghiên cứu sinh còn chưa có điểm mới và không có tính ứng dụng vào thực tiễn.

- Thế còn việc bỏ thi tuyển bằng xét tuyển thì sao?

- Trong tình hình tiêu cực còn đầy rẫy như hiện nay thì xét tuyển chưa chắc là phương án hay. Vì tiêu cực mà nhiều người thực tài sẽ bị “lọt lưới”. Đây cũng sẽ là một sự lãng phí chất xám. Vấn đề là muốn có chất lượng TS xứng tầm quốc tế thì cần phải làm tốt ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào và đào tạo một cách chính thống, bài bản.

Đánh giá đúng thực chất, có lẽ chỉ 20% số tiến sĩ hiện nay có trình độ ngang tầm quốc tế. Vậy mà chúng ta lại đang có chủ trương thành lập mới các trường ĐH, nâng cấp trường CĐ thành trường ĐH. Hàng loạt TS sẽ lại ra đời nhưng ai dám đảm bảo chất lượng sẽ như mong muốn.

- Có ý kiến cho rằng cơ chế, chính sách chưa thoả đáng cũng là một trong những nguyên nhân “ghìm” chân người tài. GS nhìn nhận thế nào về điều này?

- Lâu nay, chúng ta nghe đến nhiều các chương trình trọng dụng nhân tài, tôn vinh “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng thực tế thì chưa hẳn là như vậy. Rất nhiều trí thức, người tài bỏ trường ĐH để ra các công ty nước ngoài làm việc với mức thu nhập gấp hàng chục lần một tháng. Cũng như vậy, nhiều trí thức Việt kiều về nước cũng chưa được trọng dụng. Chúng ta không thiếu tiền, không thiếu người tài nhưng lại thiếu cơ chế chính sách phù hợp đồng bộ.

Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra các mục tiêu đào tạo, Nhà nước cần phải có cơ chế đãi ngộ phù hợp cho người tài làm việc; đồng thời phải có chính sách thu hút người Việt ở nước ngoài về làm việc.

- Xin cảm ơn GS!

Kiều Ngân (thực hiện)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1926

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn