Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Làm thế nào để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học và học sinh yếu kém nhiều?
23/04/2008

Thông tin hàng trăm nghìn học sinh bỏ học, hơn 1,6 triệu học sinh yếu kém, đã thu hút sự chú ý và quan tâm của dư luận xã hội. Mới đây, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo chung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, theo thống kê tổng hợp mới nhất của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, số học sinh THCS, THPT bỏ học trong cả nước lên tới hơn 114 nghìn em, và tỷ lệ học sinh yếu, kém ở hai cấp học này rất cao, tới 1,6 triệu em. Ông nhận xét gì về hai hiện tượng này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (T.T N.V.H): Sau khi có thông tin hơn 114 nghìn học sinh THCS, THPT bỏ học, hơn 1,6 triệu học sinh yếu kém, Bộ  Giáo dục và Ðào tạo đề nghị các tỉnh xác minh ngay. Con số tổng hợp mới nhất thấp hơn con số báo chí công bố. Cụ thể, học sinh THCS bỏ học là hơn 59 nghìn em (tỷ lệ 1,02%), THPT: hơn 47.140 em (tỷ lệ 1,55%). Cộng cả hai con số là hơn 106.400 em. Tính riêng các địa phương, cũng có những địa phương thông tin trước không chính xác.

Thí dụ,  An Giang, báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Ðào tạo cho thấy tỷ lệ bỏ học cấp THCS là 1,49%; cấp THPT là 1,58%; không phải tỷ lệ là 17,47% như có báo đã đưa. Tính riêng ở cấp tiểu học, số học sinh bỏ học năm nay có hơn 13.300 em (tỷ lệ 0,2%). Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với 3,04% số học sinh tiểu học  bỏ học của năm học 2006 - 2007, và 3,33% số học sinh của năm học 2005-2006.

Sự sai lệch về số liệu có thể có nhiều nguyên nhân: do các em theo cha mẹ chuyển đi làm ăn ở nơi khác, số học sinh giảm do bỏ học đi làm ở các khu công nghiệp; còn ở vùng miền núi, cũng dễ có tình trạng học sinh lúc bỏ, lúc đi học trở lại (do phong tục, tập quán, lễ hội... của các dân tộc).

Hiện tượng học sinh bỏ học, phải nói rằng năm nào cũng có. Nguyên nhân học sinh bỏ học thì có nhiều. Trước hết, là nhận thức của người dân, của các bậc cha mẹ cũng chưa coi trọng việc học của con em, quan niệm ý nghĩa của việc học hành chưa đúng cho nên chưa có sự quan tâm, động viên thấu đáo. Thứ hai, điều kiện phục vụ việc phát triển giáo dục còn khó khăn. Ðặc biệt mạng lưới trường, lớp vùng kinh tế - xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa còn bất cập. Có những nơi, nhà nội trú, bán  trú cho học sinh chỉ như cái lều tạm bợ. Học sinh phải đi học xa, sức khỏe nhiều em rất hạn chế vì thiếu ăn, suy dinh dưỡng, cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, nhất là cấp tiểu học. Trong khi cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập các trường cũng lại rất thiếu thốn. Hình thức tổ chức hoạt động giáo dục "khô cứng", không hấp dẫn học sinh. Thứ ba, nhiều em bị "hổng" kiến thức từ lớp dưới, nên càng dễ chán học, bỏ học.

Con số 1,6 triệu học sinh học yếu kém, nếu tính theo số liệu tuyệt đối thì lớn, nhưng với số học sinh hơn 16 triệu em thì chiếm 10%. Trong số học sinh bỏ học, có 23.700 em học yếu, kém. So với những năm trước, tỷ lệ học sinh yếu kém năm nay tăng hơn. Số hộ nghèo của cả nước ta còn khoảng 20% cũng là một tỷ lệ tác động không ít tới việc chăm sóc con cái học đều, học chăm, để học tốt. Mặt khác, ngành giáo dục đang tích cực thực hiện cuộc vận động "Hai không" với tinh thần dạy thực chất - học thực chất - đánh giá thực chất, nên tỷ lệ học sinh yếu kém tăng lên.

PV:  Trước hiện tượng học sinh bỏ học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các địa phương khắc phục như thế nào? Ðược biết,  mới đây một vài địa phương có những biện pháp  mạnh mang tính chất chế tài, "phạt" các bậc cha mẹ nếu con em không đi học trở lại. Ông thấy biện pháp này có nên không?

T.T N.V.H: Trước mắt, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có công văn gửi UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp ngành giáo dục và đào tạo đánh giá thực trạng học sinh bỏ học, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Ðặc biệt quan tâm mở các điểm trường, tạo điều kiện phương tiện đi lại thuận lợi cho học sinh đi học, quan tâm tới số học sinh hoàn cảnh khó khăn, học sinh suy dinh dưỡng, sống xa trường. Triển khai tiếp tục chương trình kiên cố hóa trường học, trong đó có xây dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên. Ðề nghị các địa phương rà soát số lượng những gia đình nghèo được giúp đỡ về "nhà ở, lao động sản xuất và hỗ trợ trẻ em đi học", xem họ có thực hiện đúng những quy định này không.

Còn về việc một số địa phương có chế tài "phạt" các bậc cha mẹ, theo chúng tôi đó là cách làm cứng nhắc. Quan điểm của ngành giáo dục và đào tạo vẫn phải là vận động, bảo đảm các điều kiện và tạo cho học sinh niềm hứng thú đi học.

PV: Thực tiễn, dù đã có các biện pháp, nhiều nơi, học sinh không chịu đi học trở lại, do nhiều nguyên nhân, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực các địa phương đều khá cao. Ngành giáo dục và đào tạo có kế hoạch ra sao để không lãng phí sự đầu tư tài chính, sức lao động và góp phần ổn định xã hội?

T.T N.V.H: Trước nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về công tác phổ cập giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo và kiểm tra tiến độ thực hiện của các địa phương để cố gắng đến năm 2010, cả nước đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS. Những nơi có điều kiện vững chắc dần tiến tới phổ cập bậc trung học (hiện có hơn chục tỉnh đã có kế hoạch này). Cuộc vận động "Hai không" về thực chất cũng là giải pháp chống lãng phí của ngành giáo dục và đào tạo, chống lãng phí thời gian, tiền bạc và sức lực của học sinh. Hơn nữa "Hai không" còn mang  ý nghĩa "nút bấm" góp phần cho giáo dục và đào tạo chuyển động đúng quy luật. Chính vì thế ngành giáo dục và đào tạo mới chủ trương phân luồng, nhưng phân luồng không thuần túy là chính sách giáo dục, mà phải là chính sách giáo dục - kinh tế - xã hội.

PV: Về nguyên tắc, chất lượng giáo dục được quyết định bởi nhiều nhân tố, trong đó giáo viên là nhân tố đầu tiên rất quan trọng. Con số 1,6  triệu học sinh yếu kém nói  điều gì, thưa ông?

T.T N.V.H: Trong nhà trường có ba yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục, đó là giáo viên; chương trình, sách giáo khoa; và cơ sở vật chất. Nguyên nhân học sinh yếu kém có thể có nhiều, trong đó có phần do đội ngũ giáo viên. Ðội ngũ này trong thời gian qua và đến thời điểm hiện nay vẫn còn tình trạng vừa thiếu, vừa yếu. Thiếu vì quy mô học sinh phát triển nhanh. Yếu vì đội ngũ giáo viên về hình thức đạt chuẩn đào tạo khá cao, nhưng năng lực thực chất chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, do anh chị em xuất phát điểm từ nhiều nguồn 5+7, 7+, 9+... đào tạo lại chắp vá, không hệ thống. Loại hình đào tạo (tại chức, từ xa...) thật sự chất lượng cũng chưa cao. Yêu cầu đổi mới phương pháp đặt ra trong khi một bộ phận giáo viên cao tuổi, phải đào tạo lại một cách chắp vá, nên không đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, do thiếu giáo viên, nên nhiều nơi giáo viên phải "căng" ra mà dạy, do đó cũng khó bảo đảm chất lượng. Ở những vùng sâu, vùng xa địa hình khó khăn, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên  ở cơ sở rất hạn chế... Những nguyên nhân đó góp phần làm cho chất  lượng giáo dục của một bộ phận học sinh còn yếu kém. PV:  Chủ trương các trường bố trí giáo viên dạy phụ đạo, dạy kèm cho học sinh để củng cố chất lượng giáo dục là cần thiết, nhưng nếu học sinh kém do giáo viên yếu năng lực, thì giải pháp đó liệu có hiệu quả? Mặt khác, đó vẫn là giải pháp trước mắt, mang tính tình  thế. Về lâu dài, để cải thiện chất lượng giáo dục, ngành dự kiến có những giải pháp mạnh gì về đội ngũ, chương trình, SGK, về phương pháp giảng dạy?

T.T N.V.H: Xuất phát từ thực tiễn các trường, ngành chủ trương có sự phân loại học sinh từ đầu năm học, tập trung vào hai môn văn  (hoặc tiếng Việt) và toán, xem học sinh yếu kém đến mức nào. Trên cơ sở đó, phân lớp, phân nhóm, để từ đó, tùy điều kiện nhà trường mà phân công giáo viên. Giải pháp lâu dài, để cải thiện chất lượng, ngành tập trung vào ba nội dung. Sẽ rà soát, phân loại, bồi dưỡng tiếp đội ngũ giáo viên. Ngành đã xây dựng xong chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, tiến tới hoàn thiện chuẩn giáo viên phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, và xây dựng chuẩn cán bộ quản lý. Phát triển các trường sư phạm phục vụ quy hoạch đào tạo đội ngũ và nâng chuẩn đào tạo giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học. Ngành cũng đang đánh giá chương trình, SGK đến lớp 11 (thí điểm) nhằm điều chỉnh  nội dung, chương trình, SGK sao cho phù hợp thực tiễn. Vào khoảng giữa tháng 5-2008 sẽ có kết quả về cuộc đánh giá này. Vùng khó khăn, rất có thể triển khai cho học sinh học "hai năm lớp 1" để củng cố vững chắc tiếng Việt, tăng cường thể lực, sức khỏe cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, xây dựng mức chất lượng tối thiểu (về đội ngũ, cơ sở vật chất) để các trường bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức kỹ năng cho học sinh.

PV: Xin cảm ơn ông!


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=1998

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn