Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

SOS: Tình trạng học sinh bỏ học ở ĐBSCL
02/05/2008

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tính đến hết học kỳ I năm học 2007-2008, cả nước có 119.000 học sinh bỏ học. Trong đó, tỉnh Trà Vinh chiếm gần 10% và Cà Mau gần 5%.


Học sinh dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng phổ thông, hạn chế trong tiếp thu kiến thức. Phụ huynh học sinh mải lo việc làm ăn không quan tâm con cái là nguyên nhân học sinh bỏ học ở ĐBSCL.

Bỏ học để đi làm, hoặc... đi chơi!

Anh Võ Văn Đạt, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú có con là học sinh lớp 7 Trường THCS Tập Sơn vừa bỏ học. Theo anh Đạt, ba ngày trước, cháu đã theo một người quen giới thiệu đi làm thuê cho một cơ sở thu mua phế liệu tại TP.HCM với mức lương 1 triệu đồng/tháng.

Anh Đạt cho biết, mặc dù gia đình khuyên con không nên bỏ học nhưng con anh nhất quyết nghỉ học để đi làm kiếm tiền trong khi gia đình không đến nỗi khó khăn.

Em Trần Văn Hiệp, đang học lớp 6 cùng trường cũng vừa bỏ học vài tháng nay để ở nhà đi chơi, hoặc lượm phế liệu bán tiêu xài. Nhà trường đã nhiều lần đến động viên gia đình và em Hiệp trở lại lớp, nhưng em nhất quyết không chịu đến trường dù được giảm tất cả các khoản học phí, tặng quần áo, tập vở!

Đây là 2 trong số 33 học sinh bỏ học ở Trường THPT Tập Sơn, trường có số học sinh bỏ học sau Tết nhiều nhất ở huyện Trà Cú. Trong đó, số học sinh người dân tộc Khơmer chiếm trên 56% trong tổng số học sinh bỏ học.

Cuộc sống khó khăn và bệnh "sợ chữ"...

Tại Trà Vinh, theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, riêng số học sinh đang học loại hình công lập tính đến cuối tháng Giêng năm 2008, có hơn 6.000 học sinh bỏ học. Trong đó, ba huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải đã có 2.211 học sinh ở cấp tiểu học, THCS và THPT bỏ học. Tuy nhiên, thực tế tại các điểm trường số học sinh bỏ học sau Tết Nguyên đán còn cao hơn rất nhiều.

Thầy Huỳnh Văn Hoàn, Hiệu trưởng trường cho biết, nguyên nhân học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn chiếm 70%, còn lại là số học sinh học yếu.

"Các học sinh học yếu phần lớn là học sinh người dân tộc Khơmer, khả năng giao tiếp tiếng Việt kém nên chậm tiếp thu bài giảng." - thầy Lương Huyền Vũ, giáo viên của trường tâm sự.

Mặt khác, do chương trình giảng dạy nặng về kiến thức, thời gian giảng dạy trên lớp ngắn… làm cho số học sinh học yếu không theo kịp nội dung giảng dạy trên lớp. Hệ quả là học sinh sao lãng việc học và bỏ học.

Thầy Trần Văn Liêm đã hơn 6 năm làm công tác vận động học sinh bỏ học trở lại lớp ở Trường THCS Tập Sơn bức xúc: "Những học sinh bỏ học không vận động trở lại lớp được là những trường hợp có hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn. Cha mẹ phải lo kiếm sống, nên bỏ mặc hoặc để các em đi làm thuê phụ giúp gia đình".

Nơi đây lại là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên khi vào lớp 1 các em hoàn toàn chưa biết tiếng Việt. Do đó khi vào học tiểu học, học sinh không tiếp thu được bài. Lên trung học, học sinh bị hổng kiến thức, không theo kịp chương trình nên bỏ học. Điều này đã khiến cho nhà trường dù có kêu gọi đến mấy, các em cũng không đến lớp vì rất "sợ" chữ.

Tại tỉnh Cà Mau có hơn 4.100 em học sinh ở hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nghỉ học, chiếm hơn 12 % tổng số học sinh của hai khối này. Trong đó, khối trung học cơ sở có hơn 3.000 em bỏ học. Cái Nước là huyện có số học sinh bỏ học nhiều nhất tỉnh với hơn 1.000 học sinh, và huyện Ngọc Hiển hơn 700 em chiếm 22% số học sinh trong toàn huyện.

• Vĩnh Trà



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2043

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn