Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

GS.TS Hoàng Xuân Sính - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Chức danh giáo sư ở Việt Nam giống như một thứ huân chương!
02/05/2008

Nữ giáo sư, tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam đã chia sẻ quan điểm trên với báo Đại Đoàn Kết, khi đề cập đến những bất cập trong lĩnh vực phong tặng chức danh giáo sư, đào tạo tiến sĩ thời gian qua. Theo GS.TS Hoàng Xuân Sính, cần phải chấm dứt quan niệm phong giáo sư đồng nghĩa với việc được thăng quan, tiến chức. Nếu như bắt các giáo sư phải đi dạy học và nghiên cứu thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người từ bỏ “giấc mơ” giáo sư...


Ngày càng nhiều ông “quan” giáo sư

PV: Thời gian qua, dư luận và báo chí đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng “biến công trình khoa học của người khác thành của mình” để xin phong giáo sư hoặc đạt được học vị tiến sĩ. Bà nghĩ sao về thực trạng này?

GS.TS Hoàng Xuân Sính: Trong khoa học, không bao giờ được phép thiếu trung thực. Nhất là những vị làm đến tiến sĩ, giáo sư càng không thể gian dối, bởi họ luôn là tấm gương để xã hội cũng như giới khoa học nhìn vào. Nếu anh gian dối, người ta sẽ dễ dàng vạch mặt anh ra thôi! Tuy nhiên, ở nước ta, nói thực là môi trường khoa học mới chỉ ở “buổi ban đầu thô sơ”.

Phải nói thực trạng trên xuất phát từ bệnh hiếu danh. Hiếu danh đều có trong mỗi con người, song đáng buồn là cơ chế của ta lại đang khuyến khích căn bệnh này.

Một phần vì chúng ta đang sống trong một xã hội quá coi trọng bằng cấp, học vị?

- Tôi cho rằng, có thể đó là dòng suy nghĩ bắt đầu từ những người lãnh đạo. Một khi ông lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị, thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ, bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn. Còn nếu người lãnh đạo cũng coi một anh giáo sư và một anh lao động bình thường đều có những năng lực và đóng góp ngang nhau trên mỗi cương vị, thì tôi nghĩ sẽ chẳng ai khoe chức danh giáo sư, tiến sĩ làm gì!

Điều đáng nói là không ít người vẫn trở thành giáo sư, tiến sĩ, trong khi những công trình mà họ “nghiên cứu” và công bố thực chất là công trình của người khác. Phải chăng các Hội đồng chức danh giáo sư, Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của chúng ta đang “có vấn đề”?

- Điều này cũng dễ hiểu thôi. Vì ngay những người trong các Hội đồng cũng không có thì giờ đọc nhiều. Còn ở các nước công nghiệp, vì họ toàn tâm toàn ý vào công việc nghiên cứu và giảng dạy nên bất cứ một công trình nào ra đời thì họ đã đọc ngay rồi. Còn mình thì làm gì có thì giờ! Mà nhiều khi có những bài báo được công bố ở nước ngoài mình cũng không được biết tới để mà có ý kiến. Tôi phải nhắc lại là chúng ta đang ở “buổi ban đầu làm khoa học”.

Ở Việt Nam có Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Khi ai đó được phong giáo sư rồi thì nghiễm nhiên đó là một thứ chức sắc để người ta làm việc, để tôn vinh, để giữ suốt đời. Có cảm tưởng chức danh giáo sư như một thứ gì đó để thưởng công, kiểu như một thứ huân chương. Còn ở nước ngoài, việc phong giáo sư gắn với công việc của một viện, một trường nào đó. Và đến khi về hưu thì hết, không còn giáo sư nữa.

Nói như vậy, phải chăng cách thức, quy trình xét tặng chức danh giáo sư hiện nay đang lộ rõ nhiều bất cập, thậm chí lạc hậu so với thế giới?

- Tôi chỉ muốn nói là việc phong giáo sư của ta là không thực chất. Vì chúng ta chỉ xét chức danh này như một thứ huân chương, có thể giữ được suốt đời dù không dạy học, không nghiên cứu. Ví dụ tôi làm Bộ trưởng chẳng hạn. Cả ngày tôi không lên lớp, cả ngày không vào phòng thí nghiệm mà lúc nào tôi cũng là giáo sư, tiến sĩ thì điều đó là vô lý!

Như tôi đã nói, vì điều kiện làm việc khó khăn cho nên các thành viên trong Hội đồng 3 cấp không thể cập nhật được về chuyên ngành của mình như ở nước ngoài. Điều đó đã dẫn tới việc xem xét, đánh giá công trình khoa học vẫn có tính hời hợt. Thậm chí, “xét” mà không biết rõ người mình “xét”. Vì thế, nếu người ta có ăn cắp công trình của người khác thì mình cũng đâu có phát hiện được.

Nói thực, nếu buộc tất cả giáo sư đi dạy học, nghiên cứu thì chắc chắn sẽ nhiều người sẽ từ bỏ “giấc mơ” giáo sư, vì họ không có khả năng. Nhưng nếu nói, muốn làm Bộ trưởng phải có học hàm giáo sư thì nhiều người thích chức giáo sư ngay!

Gần đây, có quan điểm cho rằng nên giao chỉ tiêu về số lượng giáo sư về cho các trường, các viện nghiên cứu, thay vì Nhà nước lo chuyện này. Có nghĩa là tùy theo nhu cầu đào tạo, sử dụng, các trường, viện sẽ tự đưa ra số lượng giáo sư?

- Nếu muốn giao chỉ tiêu về cho các trường thì phải có môi trường khoa học thực thụ và các trường, các viện phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, mỗi trường, mỗi viện nghiên cứu sẽ xin đăng ký có bao nhiêu biên chế giáo sư. Ai có nhu cầu làm giáo sư thì xin ứng cử vào trường, viện nghiên cứu đó.

Nhưng điều này cũng đặt ra 2 vấn đề: nếu trong một môi trường khoa học thực thụ và có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, các viện nghiên cứu thì không vấn đề gì. Nhưng nếu ngược lại sẽ dẫn tới chuyện nể nang, “trao đổi” giữa những người quen thân với nhau, giữa cấp trên với cấp dưới với nhau. Hiện nay, trong các Hội đồng 3 cấp cũng vẫn có những chuyện như thế. Đó chính là mặt trái!

Nên đặt quyết tâm đào tạo tiến sĩ cho mục đích nghiên cứu và giảng dạy

Bà đánh giá như thế nào về mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 của Bộ Giáo dục - Đào tạo?

- Tôi sợ rằng, mục tiêu này rất không khả thi và dễ dẫn đến hình thức. Tôi không biết bây giờ Bộ Giáo dục - Đào tạo có còn giữ ý định là sẽ đào tạo 10.000 tiến sĩ ở trong nước và 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài nữa hay không. Nhưng theo tôi biết, hiện nay số người được gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài vẫn chưa được 2.000. Các nước quen đào tạo chặt chẽ rồi. Bây giờ ta lại “tống” cho họ 10.000 người và bảo đào tạo chặt chẽ thì họ không hình dung ra được. Bởi lẽ, họ chỉ có thể đào tạo được những người thực sự có khả năng nghiên cứu và xác định rõ mục đích của việc trở thành tiến sĩ.

Tôi sợ rằng, chúng ta đang chạy theo số lượng. Năm 2006, tôi đi họp hội nghị ở Thụy Sĩ, nhiều Việt Kiều “chất vấn” tôi tại sao giới khoa học trong nước không lên tiếng về mục tiêu rất thiếu khả thi đó. Tôi nói: “Khả thi hay không thì phải hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo của tôi chứ hỏi tôi thì có ích gì”!

Như vậy, theo quan điểm của bà, các giáo sư, tiến sĩ không nên tham gia vào lĩnh vực quản lý?

- Bằng tiến sĩ và chức danh giáo sư chỉ cần thiết đối với một số ngành. Chẳng hạn như ngành giáo dục - đào tạo, nếu Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo là một giáo sư - tiến sĩ rồi thì có nghĩa họ đã dạy học, hướng dẫn nghiên cứu... Điều đó sẽ giúp ích cho họ trong quản lý, ví dụ như trong lĩnh vực đào tạo sau đại học. Nhưng nhìn chung, theo tôi, công tác quản lý không cần thiết phải có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ. Chúng ta đang quan niệm sai về vấn đề sử dụng giáo sư, tiến sĩ nên đã hướng mọi người hùa theo cái đó. Do vậy, Bộ Giáo dục - Đào tạo nên đặt ra quyết tâm đào tạo tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy hơn là đưa họ vào bộ máy quản lý.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Ngọc Trung (thực hiện)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2045

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn