Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Cần một cuộc cải cách mới
07/05/2008

Những năm gần đây, dư luận xã hội quan tâm và bàn nhiều về vấn đề giáo dục - đào tạo.

Nhiều nhà khoa học trong nước và ngoài nước tỏ ra bức xúc, nhân dân đòi hỏi những cải tiến, những thay đổi. Nhiều nghị quyết của Ðảng và văn bản của Nhà nước đặt vấn đề tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó còn chậm chạp, khá lúng túng, mang nặng tính tình thế. Tình hình này nói lên rằng chúng ta đang đứng trước một nguy cơ, mà nếu không tích cực, thấu đáo và khẩn trương giải quyết, sự yếu kém trong giáo dục - đào tạo có thể trở thành một cản trở lớn cho sự phát triển đi lên của đất nước.


Nhìn sang một số nước quanh ta như Nhật Bản, Hàn Quốc và gần hơn là Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po... cách đây vài chục năm, họ cũng là những nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá, thu nhập quốc dân đầu người rất thấp, nhưng nhờ biết tập trung vào phát triển giáo dục - đào tạo, coi đây là nhân tố quyết định cho sự tồn vong và đi lên của đất nước, mà ngày nay họ đã vươn lên và ở nhiều mặt không thua kém các nước phát triển ở châu Âu.

Ði vào giai đoạn toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và kinh tế tri thức đang trở thành xu thế tất yếu của phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo với vai trò chủ yếu trong việc nâng cao chất lượng con người và nguồn nhân lực, càng trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Hiện nay, không chỉ các nước đang phát triển, mà chính các nước phát triển lại càng đặc biệt quan tâm và đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục - đào tạo. Trong Liên hiệp châu Âu và khối OECD, ở Bắc Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, những người đứng đầu nhà nước đều nhấn mạnh đến cải cách giáo dục - đào tạo, coi đó là giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và vị trí dẫn đầu trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa. Nhiều chính trị gia quốc tế khẳng định: sự cạnh tranh về kinh tế - thương mại, thậm chí về văn hóa và an ninh, suy đến cùng là sự cạnh tranh về giáo dục - đào tạo, về khả năng con người nắm bắt, sản sinh tri thức và có đủ năng lực, bản lĩnh vận dụng tri thức đó vì lợi ích của cộng đồng và quốc gia. Thực tế cuộc sống đang chứng minh quan điểm này là hoàn toàn đúng. Như vậy có thể hiểu, tương lai của một đất nước sẽ phụ thuộc rất nhiều ở thái độ của những người lãnh đạo đất nước đó trong việc giải quyết vấn đề chiến lược cực kỳ quan trọng này!

Ở Việt Nam từ ngàn xưa, tổ tiên của chúng ta đã coi trọng vấn đề văn hóa - giáo dục, giáo dục trong gia đình, ngoài xã hội. Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên ở Việt Nam và có lẽ cũng là trường đại học có sớm nhất ở khu vực Ðông-Nam Á, cũng nói lên điều này. Và nếu không có một nền giáo dục được xâp đắp từ đời này sang đời khác, làm sao chúng ta có những áng văn chương bất hủ như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Bình Ngô đại cáo..., làm sao chúng ta có thể vượt qua các nền giáo dục nô dịch của một nghìn năm bắc thuộc và 80 năm Pháp thuộc để bảo tồn và phát triển nền văn hiến Việt Nam?

Gần đây thôi, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ kêu gọi nhân dân ta phải chống giặc dốt như chống giặc đói, giặc ngoại xâm. Nhờ đẩy mạnh và phát triển giáo dục trong suốt thời kỳ kháng chiến mà thanh niên ta đã hiểu được nghĩa vụ công dân của mình, có điều kiện tiếp thu kỹ thuật và sử dụng những vũ khí hiện đại góp phần đánh thắng quân xâm lược. Trong công cuộc xây dựng đất nước những năm thực hiện đường lối đổi mới, có được những thành tựu như ngày nay, cũng phải nói là có sự đóng góp không nhỏ của giáo dục. Nhưng bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, giáo dục - đào tạo của Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém và bất cập trầm trọng.

Ðiểm lại những chủ trương của Ðảng, Chính phủ, Quốc hội đối với giáo dục - đào tạo thời gian qua, thì thấy đã có không ít nghị quyết, chính sách về giáo dục - đào tạo. Với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) xác định giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, Ðảng đã có nhận thức kịp thời và sáng suốt về vai trò của giáo dục - đào tạo, đặt sự nghiệp quan trọng này vào trọng trách phục vụ đắc lực công cuộc CNH, HÐH đất nước. Luật Giáo dục năm 1998, được bổ sung sửa đổi năm 2005, là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục - đào tạo của Ðảng và Nhà nước. Ngành giáo dục - đào tạo tích cực và liên tục thực hiện nhiều chủ trương lớn về đổi mới giáo dục như phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, kiên cố hóa trường lớp... Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 14/2005 về đổi mới giáo dục đại học. Về mặt ngân sách, mấy năm qua, ngân sách cho giáo dục cũng không ngừng được tăng lên, thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước... Vậy vì sao giáo dục - đào tạo hôm nay vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lúng túng, sa sút. Trong lúc yêu cầu về nguồn nhân lực và chất lượng con người đặt ra ngày càng cấp bách? Ðể trả lời cho vấn đề này, các cơ quan có trách nhiệm cần kiểm điểm sâu, nghiêm túc và thẳng thắn. Nhưng qua một loạt cuộc hội thảo có thể thấy sơ bộ một số vấn đề. Trước hết, nhận thức của chúng ta về vai trò của giáo dục - đào tạo, từ cấp cao đến cơ sở và cả trong nhân dân chưa thật rõ, chưa sâu và chính xác. Nghị quyết nêu vị trí của giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, có nghĩa là thế nào? Có phải là Ðảng và Nhà nước phải ưu tiên tập trung không những nguồn lực mà cả sự chỉ đạo, chính sách và nhân sự cho nó không? Và làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ chủ trương của Ðảng và Nhà nước đến việc tổ chức thực hiện? Chắc chắn phát triển giáo dục - đào tạo không phải là công việc riêng của ngành giáo dục mà cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ - tùy vị trí của mỗi ngành, mỗi cấp có phần trách nhiệm của mình. Ðáng quan tâm trước hết là trách nhiệm phát triển giáo dục ở từng địa phương, nơi mà chủ trương quốc sách hàng đầu của giáo dục phải được cụ thể hóa thành "tỉnh sách hàng đầu", "huyện sách hàng đầu", "xã sách hàng đầu". Ðáng tiếc là trong chỉ đạo và hành động thực tế, nhiều cấp ủy và chính quyền địa phương dành cho giáo dục - đào tạo một sự quan tâm chỉ là thứ yếu.

Tại sao đất dành cho các trường học, nơi vui chơi cho trẻ em khó hơn là đất dành cho công sở, công ty, doanh nghiệp? Trong nhiều chính sách, về lương bổng đãi ngộ, không thấy thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với người thầy, những kỹ sư tâm hồn. Chủ trương "xã hội hóa" trong giáo dục được đề ra, nhưng nhận thức không thống nhất, nên kết quả còn nhiều hạn chế. Vấn đề sử dụng ngân sách cho giáo dục, vấn đề thu chi học phí cũng chưa được tính toán minh bạch, nên chưa được sự đồng thuận của xã hội...

Nhiều ý kiến cho rằng từ nhận thức đến hành động giáo dục - đào tạo lại là cả một khoảng cách đáng quan ngại vì thiếu sự chỉ đạo chiến lược; thiếu đội ngũ nghiên cứu, chuyên gia trình độ cao về khoa học giáo dục; tư duy quản lý chậm đổi mới và bộ máy quản lý yếu kém; đặc biệt nghiêm trọng là việc tổ chức thực hiện trì trệ và không đồng bộ. Do đó chúng ta có thể làm nhiều nhưng phân tán, không cơ bản, không bảo đảm chất lượng và kém hiệu quả... Tình hình giáo dục - đào tạo như đánh giá ở trên, rõ ràng đòi hỏi có sự khắc phục khẩn trương và cơ bản.

Ðất nước chúng ta trong điều kiện về tự nhiên và xã hội hiện nay và trong bối cảnh quốc tế ngày nay và ngày mai, không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chúng ta chỉ có thể đi lên, thực hiện những mục tiêu mong muốn của mình về dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bằng chính con người Việt Nam, bằng một nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng về mặt trí tuệ, nghề nghiệp, nhân cách và thể lực.

Vì thế, giáo dục - đào tạo Việt Nam đang đứng trước yêu cầu mới rất lớn để phục vụ đắc lực cho những mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2020 và xa hơn nữa. Yêu cầu đối với giáo dục - đào tạo là phải có bước đột phá, không chỉ để khắc phục những tồn tại trầm trọng hiện nay, không chỉ để tiến nhanh, tiến mạnh như các nước khác mà phải tiến lên vượt bậc. Có như thế giáo dục - đào tạo mới góp phần làm cho đất nước không còn tụt hậu so với các nước trong khu vực, mà từng bước vươn lên ngang tầm với thế giới. Ðó là sứ mệnh cao cả của sự nghiệp "trồng người" mà Bác Hồ giao phó.

Giáo dục - đào tạo có trách nhiệm to lớn và nặng nề hơn bao giờ hết đối với vận mệnh, tương lai của đất nước. Chúng ta cần làm cho nhận thức về trách nhiệm này được thống nhất cao trong toàn Ðảng, Nhà nước và xã hội, tạo thành sức mạnh, động lực để đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực chính cho sự phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh và vững mạnh.

Không thể phủ nhận những thành tích của ngành giáo dục - đào tạo trong mấy chục năm vừa qua. Nhưng con đường mà giáo dục - đào tạo đã đi theo trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua đã tỏ ra không còn thích hợp nữa. Với tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ trẻ và tương lai của đất nước, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục - đào tạo để có những giải pháp mạnh mẽ, triệt để; tạo sự bứt phá thật sự, giúp cho giáo dục - đào tạo đóng vai trò lịch sử xứng đáng của nó. Một cuộc cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện cần được đặt ra một cách khẩn trương, cấp bách.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Nguyên Phó Chủ tịch nước,
Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2081

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn