Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Vì sao giới trẻ sợ...sách?
27/05/2008

Các nhà nghiên cứu văn học. dịch giả Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Đoàn Tử Huyến tiếp tục trao đổi về văn hóa đọc...

Trí trức cũng không đọc sách?

Ông Phạm Xuân Nguyên ở Viện Văn học khẳng định: Chính nơi đây, cũng như nhiều Viện khác, với đội ngũ những nhà nghiên cứu có học vị cao, những người thuộc tầng lớp gọi là trí thức, lại là nơi văn hóa đọc đáng báo động nhất, ít có văn hóa đọc nhất.


Họ không đọc kể cả các sách thuộc chuyên môn hẹp của chính mình, nói gì đến những sách khác?

Theo ông Nguyên, nếu như nhân dịp tổng kết cuối năm người ta tiến hành một báo cáo thống kê về việc bao nhiêu vị giáo sư/nhà nghiên cứu ở các Viện có mượn sách của thư viện và mượn những sách nào, ta có thể thấy rõ điều ông vừa nói, và ông tin rằng khi đối diện những con số đó, bất cứ ai có lòng tự trọng đều phải xấu hổ.

Phải có sự thay đổi triệt để ở chính tầng lớp này thì may ra mới có được một đội ngũ trí thức đích thực, và đội ngũ này, đến lượt mình, mới có thể có tác động đến văn hóa đọc của xã hội.

Lại quy lỗi cho ngành giáo dục!

Hệ thống đào tạo bằng cấp cùng với hệ thống giáo dục phổ thông, đã cho ra hệ quả là một hệ thống giá trị giả khổng lồ, từ cấp thấp nhất cho đến cấp cao nhất.

Theo ông Đỗ Lai Thúy, chính vì điều này mà từ trước đến nay, sách giáo khoa được coi là một thứ khuôn vàng thước ngọc mà người dạy phải tuân theo, thông qua cái cơ chế gọi là “pháp lệnh”. Vai trò của người thầy là chuyển giao tri thức dưới dạng “trọn gói” cho người học, chứ không phải là vun trồng niềm đam mê tri thức và hướng dẫn cách học để trau dồi tri thức và cách tư duy.

Sách giáo khoa của chúng ta quá cũ kỹ và nặng giáo điều, không giúp học sinh thủ đắc khả năng tư duy độc lập và có ý thức tự thân trong việc trau dồi tri thức.

Chia xẻ quan niệm này, ông Phạm Xuân Nguyên cho rằng, nền giáo dục áp đặt, nhồi sọ của chúng ta khiến cho trẻ em sợ sách. Các em sợ sách, chứ không phải sợ tri thức: “Sách giáo khoa trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh khủng khiếp của hệ thống giáo dục".

Theo các ông, cái cần phải thay đổi tận gốc là tư duy giáo dục. Điều mà chúng ta đã làm được phần nào ở cấp phổ thông, nay cần phải làm ở cấp đại học. Cần phải thay đổi hệ thống giáo trình và nhất là thay đổi một phương pháp giảng dạy, một lôi tư duy giảng dạy.

Và các giải pháp nửa vời...

Theo ông Nguyên, bên cạnh cải tổ nền giáo dục, còn có một số giải pháp khác mà xã hội - một số tổ chức và cá nhân - có thể thực hiện mà không trông đợi vào sự chuyển mình trước của bộ máy nhà nước.

Một trong số đó là cải tiến hệ thống thư viện sao cho người đọc thấy thoải mái hơn, dễ tiếp cận hơn, chẳng hạn như hình thức thư viện tự chọn.

Mặt khác, các nhà xuất bản có thể nghĩ đến hình thức in những cuốn sách có giá trị dưới dạng bìa mềm, khổ nhỏ bỏ túi, nhờ đó giá rẻ và dễ đến với người đọc hơn.

Bên cạnh đó, cần phải cải tiến hình thức những cuộc Hội sách, cần làm cho chúng thoát khỏi cái khuôn hình thức, hành chính, biến chúng thành những ngày hội thực sự, nơi mỗi người đọc (tiềm năng) đều có thể tìm thấy niềm vui bên sách, với sách, với những người làm sách.

Tuy nhiên, theo Đoàn Tử Huyến, sự tham gia từ phía các tổ chức và cá nhân vào công cuộc nâng cao dân trí, tuy rất cần thiết, song nói cho cùng không phải là điều quyết định. Quan trọng hơn trong lúc này là vai trò của nhà nước. Cần phải nói nhiều hơn đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Những nhà quản lý cần phải vượt qua được tâm lý ngán ngại những người làm sách tư nhân. Bởi vậy, thay vì tạo điều kiện cho những cuốn sách thực sự tốt, hay, có giá trị dễ dàng ra đời hơn, có tác động tích cực hơn đến xã hội, họ lại kìm hãm điều đó.

Tuy nhiên, trong khi Đoàn Tử Huyến đòi hỏi sự chuyển biến từ phía Nhà nước, ông tỏ ra có phần thất vọng về sự “tự ý thức” của các nhà quản lý.

Ông kể, có lần ông được “các đại biểu Quốc hội của địa phương” mời đến dự cuộc họp về các đề xuất sửa đổi Luật Xuất bản, nhưng khi đến đó thì không có bất cứ một vị đại biểu nào có mặt mà chỉ có các (phó) thư ký của họ.

Hy vọng mong manh

Phạm Xuân Nguyên nói, ông không bi quan về văn hóa đọc. Theo ông, một mặt quan trọng của vấn đề là ở chỗ, không nên chỉ hiểu “văn hóa đọc” một cách cứng nhắc là đọc sách in. Người có thói quen đọc và ý thức truy tìm tri thức thì có thể tìm cái mình cần ở nhiều nguồn khác nhau chẳng hạn như Internet, chứ không chỉ sách in.

Ông Nguyên cho biết, ông thường xuyên được mời nói chuyện với sinh viên, ở đó ông nói với các bạn sinh viên về những cuốn sách hay và khuyến khích họ đọc sách.

Cũng theo ông, lực lượng trẻ (khoảng 40 tuổi trở xuống) chiếm khoảng 30% số cán bộ ở Viện, và chính họ là những người có văn hóa đọc tốt hơn, có ý thức tự thân hơn trong việc tạo ra giá trị thật.

Còn Đỗ Lai Thúy, ông đặt lòng tin vào một số giảng viên trẻ ở các trường đại học. Theo ông, chính họ là những người phải chịu đựng sự bất cập của hệ thống giáo dục một cách trực tiếp nhất, và cũng chính họ là nhân tố quan trọng của lực lượng đấu tranh hầu đổi mới nó. Khi sự đấu tranh đó đã đạt một mức độ nhất định thì áp lực của cộng đồng sẽ khiến các nhà quản lý, dù có miễn cưỡng hay không, cũng không thể không thay đổi.

Văn hóa đọc, xét cho cùng, không phải là cái gì cao xa, trừu tượng. Theo Đỗ Lai Thúy, văn hóa đọc có thể hiểu là, đọc không phải vì bất cứ cái lợi nào, dù “trước mắt” hay “lâu dài”, mà đọc thuần túy vì tình yêu tri thức.

• Thụ Nhân



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2170

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn