Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Bộ trưởng GD&ĐT cũng hoài nghi về sách giáo khoa
30/05/2008

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng hoài nghi về sự phù hợp của sách giáo khoa (SGK) khi 80% đội ngũ tham gia biên soạn SGK không tham gia dạy phổ thông!


Trong suốt thời gian 90 phút trả lời chất vấn trước QH chiều nay, 16/11, ông Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp trả lời chất vấn 12 đại biểu; còn 9 đại biểu chất vấn do không đủ thời gian sẽ được trả lời bằng văn bản. Nội dung chủ yếu xoay quanh 2 vấn đề lớn: Chất lượng giáo dục và xã hội hóa (XHH) trong giáo dục.

Sẽ "đối thoại" về chương trình và SGK

Băn khoăn rất nhiều về chất lượng của chương trình và SGK từ bậc phổ thông lên đến ĐH, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) chất vấn: SGK bậc phổ thông không hợp lý cả từ nội dung đến hình thức, phải chăng chuẩn giáo dục của chúng ta hiện nay không đúng?

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) nêu nhận xét của nhiều giáo viên khi cho rằng chương trình giáo dục của Việt Nam không phù hợp với bậc phổ thông của nhiều nước khác, vừa nặng vừa thấp.

Ông đề nghị Bộ trưởng tổ chức một cuộc đối thoại dân chủ với các đại biểu QH quan tâm đến giáo dục xung quanh 1 câu hỏi: Vì sao chúng ta không thể sử dụng một chương trình phổ biến trên thế giới để có thể hội nhập nhiều hơn với tình hình giáo dục của thế giới và làm chương trình nhẹ hơn, sâu hơn?

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận chưa thể trả lời câu hỏi chương trình và SGK của mình có phù hợp với thực tế hay không vì phải kinh qua thực tế mới có thể đánh giá được!

Bản thân ông cũng hoài nghi khi đội ngũ tham gia biên soạn SGK mặc dù là những nhà khoa học có uy tín nhưng 80% trong số đó, trong thời điểm tham gia biên soạn SGK, lại không tham gia dạy phổ thông! Do đó, nguy cơ những nội dung đưa vào không phù hợp là có.

Ông cũng khẳng định, trước khi đưa SGK mới ra đại trà đã phải dạy thử 1 đến 2 năm, có điều chỉnh rồi mới dạy đại trà. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hết lo ngại trước ý kiến, những thầy giáo triển khai dạy thử là... học trò của những người soạn sách nên chưa nói hết vướng mắc.

Và để có thể kết luận được những lo lắng của các đại biểu, ông cho rằng: “Nội dung này phải thông qua dạy thực tiễn mới có thể đánh giá được. Bộ có chủ trương phải lấy ý kiến phản hồi hằng năm. Đồng thời, Viện Chiến lược giáo dục cũng đã làm đề tài đánh giá toàn diện SGK mới”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhận “hoàn thiện” ý tưởng của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về việc đối thoại với đại biểu QH bằng cách sẽ xem xét lập ra một tổ các nhà giáo, nhà nghiên cứu độc lập với Bộ GD&ĐT để đánh giá SGK mới. Điều này rất tốt bởi vì Bộ nói tốt hay không tốt thì không khách quan. Nhưng nếu có một nhóm độc lập góp ý thì có thể sẽ rút kinh nghiệm nhanh hơn.

"Tấm chăn" ngân sách giáo dục không đủ đắp

Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong XHH giáo dục như việc học phí sẽ thay đổi như thế nào để đảm bảo công bằng giáo dục, việc thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp với đào tạo, việc chuyển đổi các mô hình nhà trường để thu hút đầu tư ngoài Nhà nước…

Đại biểu Nguyễn Tấn Chỉnh (Quảng Nam), đặt vấn đề với Bộ trưởng làm sao để XHH không phải là tăng học phí mà phải từ các cơ sở ngoài giáo dục, các doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, đây là một vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục trong thời gian tới. Để có thể gắn chất lượng giáo dục với XHH giáo dục, thì vấn đề đào tạo theo nhu cầu, gắn với thực tiễn là ưu tiên số một hiện nay.

Ông cho biết, từ đầu năm đến giờ, đã có ba hội thảo với 70 hợp đồng đào tạo giữa công ty với các trường được ký kết. Những công ty lớn đã tham gia vào đào tạo như Công ty Intel, công ty Hồng Hải. Từ giờ đến cuối năm cũng sẽ có những hợp đồng đào tạo lớn trong lĩnh vực đóng tàu, CNTT, du lịch, tài chính ngân hàng.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang và Thái Bình mở ra trung tâm hỗ trợ đào tạo thu hút nhân lực. Doanh nghiệp đến trung tâm để đặt hàng đào tạo đồng thời sẽ hỗ trợ tiền đào tạo, cấp học bổng, cho vay…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) về những giải pháp cho XHH giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: XHH giáo dục là phải có sự tham gia của người dân. Hình thức XHH là đa dạng hóa hình thức giáo dục, tạo nguồn lực phát triển, thực hiện công bằng trong giáo dục, ưu tiên người có công, người nghèo.

Học phí, do vậy sẽ là phần không thể thiếu trong XHH giáo dục. Nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Bộ sẽ điều chỉnh học phí để các địa bàn có thu nhập cao hơn có thể đóng cao hơn. Thu học phí thấp hơn với những vùng có thu nhập thấp hơn cả nước. Miễn học phí với những vùng sâu, xa. Tăng học phí ở TCCN, Dạy nghề, CĐ, ĐH".

"Hiện nay, bậc tiểu học, 95% học sinh học công lập, bậc THCS, 85,5% học sinh học công lập và THPT là 31%. Như vậy, chúng ta vẫn duy trì công lập cao”, Bộ trưởng cho biết.

Ví đầu tư cho giáo dục như tấm chăn, ông Nhân khẳng định, "20% ngân sách nhà nước không đủ đắp từ chân đến đầu. Tấm chăn này hiện do Nhà nước may ¾, người dân may ¼. Nếu không XHH, ở bậc MN sẽ có 60% học sinh không được đi học, bậc THPT con số này là 45%".

Tuy nhiên, học phí lần này sẽ khác với những năm trước. Đó là các trường sẽ chỉ thu một lần học phí, công khai chi học phí. Học phí không chạy lên Sở, Bộ mà chỉ nằm ngay tại trường.

Hiền Lê



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2185

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn