Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Cuốn sách Bác đọc năm xưa
09/06/2008

Chỉ ít ngày trước khi mất, Bác Hồ kính yêu vẫn đặc biệt quan tâm đến cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bút tích còn lại của những chứng nhân lịch sử trên một cuốn sách cho thấy rõ điều đó...


Nhắc lại những ngày trước sinh nhật của Bác năm 1969, đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác viết trong cuốn hồi ký Bác Hồ viết di chúc được NXB Sự thật ấn hành năm 1989: “Đầu năm 1969 sức khỏe của Bác không được tốt và hội đồng bác sĩ đã đề nghị Bác không lên nhà sàn. Bác chấp hành, nhưng hễ sức khỏe khá lên một chút, Bác lại đòi trở về “ngôi nhà sàn thân yêu” của mình”.

Biết một Nhà xuất bản của Pháp vừa ấn hành cuốn sách mang tên Những người Việt Cộng, Bác đã có ý định tìm đọc ngay cuốn sách này. Trong cuốn sách Những người Việt Cộng mà chúng tôi có trong tay, có đính một mảnh giấy nhỏ (ghi mã số 462 Vpa), viết tay, gửi cho Văn phòng Chủ tịch phủ. Trên mảnh giấy này, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, viết:

“Thân gởi anh Vũ Kỳ - Văn Phòng Chủ tịch phủ.

B. (Bác-PV) dặn mua quyển này nhưng không tìm được. Hiện nay có quyển này của tác giả tặng một cán bộ ta. Anh trình B. xem. Xong rồi anh trả lại”.

Chắc chắn cuốn sách đã được đưa lên cho Bác để Bác nghiên cứu nội dung, bởi ở mặt sau của mảnh giấy trên, đồng chí Vũ Kỳ đã cảm ơn đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và gửi lại cuốn sách sau khi đã xem xong. Đồng chí Vũ Kỳ viết:

“Kg: Anh Nguyễn Cơ Thạch.

- Rất cám ơn, đã xem xong, xin gửi trả lại anh.

- Gửi anh 5 gói báo miền Nam. Gói số 5 là những báo mới, đến 2/6/69. Anh xem xong, hỏi anh Việt Phương bên anh Tô có cần nữa không? Còn chúng tôi đã xem rồi, không cần nữa.

Thân: Vũ Kỳ.

12.6.69”

Trên cuốn sách Những người Việt Cộng mà nhà báo Văn Yên (Yên Ba) của báo Quân đội nhân dân sưu tầm được, không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy, chị Phí Thị Mùi, Trưởng phòng Kiểm kê - Bảo Quản, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xác nhận mảnh giấy đính sau cuốn sách “đúng là thư của đồng chí Vũ Kỳ gửi đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, đề ngày 12-6-1969”.

Cuốn sách Những người Việt Cộng được xuất bản năm 1968, gồm 310 trang, 22 chương, chia làm hai phần chính. Phần một có tựa đề Những người du kích trên cao nguyên; phần hai mang tựa đề Những người nông dân vùng châu thổ. Những nội dung mà cuốn sách đề cập tới, đặc biệt là nó được viết bởi một tác giả nước ngoài và do một nhà xuất bản nước ngoài xuất bản ở thời điểm đó, đã giúp bạn bè thế giới hiểu đúng về hai từ Việt Cộng và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Không có thư viện riêng, Bác thường gửi sách báo tới những nơi cần sau khi đã đọc xong. Do vậy, những cuốn sách và tờ báo mà Bác đã từng đọc và nghiên cứu còn lưu lại sau khi Bác mất đã trở thành những báu vật.

Kỷ niệm lần thứ 118 ngày sinh Bác Hồ năm nay, chúng ta biết thêm về cuốn sách Những người Việt Cộng, một cuốn sách của một tác giả người Pháp viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta. Nhưng điều còn quý giá hơn là chúng ta lại có thêm một bằng chứng rất sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, danh nhân văn hóa thế giới. Người vẫn đọc sách, nghiên cứu và tìm hiểu thông tin từ trong và ngoài nước trong lúc sức khỏe đang rất yếu (xin lưu ý bút tích của đồng chí Vũ Kỳ ghi ngày 12-6-1969, có nghĩa là thời gian mà Bác nghiên cứu cuốn sách này chỉ diễn ra vào khoảng 3 tháng trước khi Bác mất). Nó cũng minh chứng cho một quan điểm về quân sự Bác vẫn thường xuyên nhắc nhở cán bộ và chiến sĩ ta: “Biết địch biết ta (hay người bên ngoài nói như thế nào về ta), trăm trận trăm thắng!”.

NGỌC HƯNG



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2212

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn