Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Càng học càng xa rời cuộc sống
16/06/2008

Chương trình học quá nặng, dàn trải và thiên quá nhiều vào lý thuyết, không có điều kiện tìm hiểu thực tiễn, học sinh, sinh viên của chúng ta đang có nguy cơ càng học càng thấy kiến thức xa lạ với cuộc sống.


Thừa

Sau nhiều lần chỉnh sửa, cải cách, đến thời điểm này, khi đề cập đến nội dung SGK, chương trình học của HS hiện nay, hầu hết các thầy cô giáo cũng như HS đều khẳng định: Chương trình nặng và chưa phù hợp.

Nếu như các môn KHTN (như vật lý, sinh học...) có lượng kiến thức quá nặng, hàn lâm, thì các môn KHXH (như lịch sử, địa lý...) lại bắt các em phải học một khối lượng kiến thức quá lớn, quá khô cứng. Chính điều này đã tạo cho HS tâm trạng học đối phó, học để thi chứ không phải học để có kiến thức.

Ngay cả các môn phụ cũng đưa ra những kiến thức chưa thật sự phù hợp. Như môn Công nghệ lớp 7 bắt các em phải học tất cả các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, phân bón, giống cây trồng, chăm sóc cây rừng, nhân giống vật nuôi, nuôi thuỷ sản...

Lên đến lớp 10, các em lại tiếp tục phải học các bài về trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi thuỷ sản, bảo quản, chế biến-nông-lâm thuỷ sản... Lượng kiến thức này rất có ích cho các em HS sống ở các vùng nông thôn, nhưng lại là thừa đối với HS khu vực thành thị, những em thậm chí chưa từng một lần nhìn thấy bò sữa, lợn lai kinh tế...

Trong khi đó, các em lại quá thiếu kiến thức về môi trường, kiến thức về xã hội như sức khoẻ sinh sản vị thành niên hoặc chưa được nâng cao những môn học công nghệ mới như tin học...

Trong khi đó, ở bậc tiểu học, chương trình thay SGK từ lớp 1 đến lớp 5 đã hoàn tất, kéo theo đó là nội dung chương trình có nhiều thay đổi.

Cô Vũ Thị Tuyến - giáo viên tiểu học TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) - cho biết: "Với gần 20 năm dạy tiểu học, tôi nhận thấy chương trình cải cách mới ngày càng trở nên khó hiểu và khó dạy cho cả giáo viên lẫn HS, nhất là chương trình tiếng Việt.

Ví dụ như khi dạy các thành phần của câu, chương trình trước đây dạy trẻ phân biệt rất rõ và chính xác đâu là chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ.... Nhưng ở chương trình mới, điều này lại trở nên rất mơ hồ, bởi nó không phân biệt "ai", "làm gì", ở đâu"... khiến giáo viên không biết phải truyền đạt thế nào để các em 6-7 tuổi có thể hiểu một cách chính xác và đơn giản như trước đây.

Thiết nghĩ, với lứa tuổi nhỏ như các em tiểu học, kiến thức càng đơn giản, càng chuẩn xác thì các em sẽ càng tiếp thu nhanh và nhớ lâu. Không nên đưa những từ ngữ có tầm khái quát quá rộng lớn, cách giải thích quá rắc rối, phức tạp, sẽ khiến các em không hiểu, khó tiếp thu, từ đó dẫn đến tâm lý chán nản và không muốn học".

Nhưng vẫn thiếu...

Anh Nguyễn Thanh Hùng - nguyên là một giáo viên, hiện là chuyên viên tư vấn về tâm lý của Trung tâm Tư vấn học đường - cho biết: "Năm 2007, tôi có tham gia với tư cách giám khảo tại một diễn đàn có chủ đề "Giới trẻ chung tay phòng chống đại dịch HIV/AIDS" do một trường phổ thông trung học ở Q.6 (TPHCM) tổ chức với chủ đề "Tuổi trẻ chung tay vì ngày mai không AIDS".

Tôi cũng như không ít vị giám khảo khác đã phải băn khoăn khi nghe các câu trả lời của HS, hầu hết đều là học vẹt theo sách vở chứ không hề thể hiện chính kiến riêng của các em. Duy chỉ có một nữ sinh (tôi không nhớ tên) đã mạnh dạn yêu cầu: Hãy trang bị cho chúng em kỹ năng sống thì chúng em mới có thể có những hành động thiết thực và hiệu quả trong việc "chung tay xây dựng ngày mai không có AIDS".

Thí sinh này cũng cho rằng: Hiện nay, giới trẻ đang rơi vào tình trạng thừa mứa thông tin bởi rất nhiều có rất nhiều kênh và phương tiện thông tin luôn sẵn sàng cung cấp đủ các loại thông tin tốt xấu (sách, tạp chí, Internet…). Trong khi đó, ở trường cũng chỉ dạy chúng em rất lý thuyết chứ không hề dạy cho chúng em ứng xử trước những tình huống thực tế ra sao...".

"Có những việc không phải đợi trẻ em lớn lên mới cho tiếp cận mà hãy cho các em trải nghiệm vào những thời điểm thích hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Bởi cách học qua trải nghiệm hay còn gọi là "kỹ năng sống" sẽ giúp trẻ không chỉ tiếp thu vấn đề một cách nhanh chóng mà còn rất hiệu quả khi giúp trẻ ứng dụng ngay vào đời sống thường ngày - chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trung tâm Tư vấn thuộc Hội Khoa học TPHCM, bày tỏ quan điểm của mình.

Trong khi đó, giáo dục của chúng ta ngày nay, tập trung quá nhiều vào giảng dạy những vấn đề "hàn lâm", nhồi nhét kiến thức mà lại bỏ quên vấn đề này. Điều cần thiết hiện nay là giáo dục cho giới trẻ một nền tảng sâu hơn về giá trị sống và kỹ năng sống để khi các em va chạm thực tế sẽ không bị ngỡ ngàng hay thậm chí là vấp ngã một cách không đáng".

TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định: "Hiện nay nhiều HS, sinh viên của ta tuy được đào tạo lý thuyết rất nhiều nhưng lại thiếu các kỹ năng sống nên chưa biết vận dụng khả năng của bản thân mình. Thực tế này cho thấy, việc giúp các em trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cũng quan trọng như việc dạy kiến thức, chuyên môn.

Bởi khi hội đủ kỹ năng sống (bao gồm kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng đưa ra quyết định, kỹ năng chấp nhận người khác và kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời) thì giới trẻ mới thẩm thấu những kiến thức khô khan thuần lý thuyết một cách năng động hơn. Nếu được trang bị kỹ năng sống tốt, giới trẻ sẽ dễ dàng ứng dụng và ứng dụng thành công những bài học lý thuyết vào cuộc sống".

Một khảo sát thực tế tại BV Tâm thần (TPHCM) trên hơn 1.000 trẻ đến khám và điều trị cho biết, hơn 90% trẻ cần tư vấn tâm lý đều có triệu chứng căng thẳng, lo âu, buồn rầu, stress do căng thẳng trong học tập, mất ngủ... Nặng hơn (khoảng 30%), số trẻ không thiết tha cuộc sống, và có hành động uống thuốc, hoặc tìm những biện pháp khác để tự vẫn.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia, tất cả những hành động nông nổi để tìm đến cái chết ở lứa tuổi này xảy ra là do trẻ em chưa được trang bị kỹ năng sống nên không thể tìm được hướng giải quyết thích đáng khi va chạm vào những khó khăn hoặc bức bối trong thực tế.

Đức Hạnh - Thể Uyên



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2223

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn