Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Rất khó ghép hai kỳ thi thành một
30/06/2008

"Trong giới giáo dục, khoa học vẫn đang tiếp tục bàn luận có nên gộp hai kỳ thi tốt nghiệp làm một không. Riêng Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thấy rằng, ưu điểm thì rõ rồi, nhưng đây là hai kỳ thi có hai mục tiêu khác nhau và rất khó có thể ghép làm một".


GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội dè dặt khi nói về đề án đổi mới tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện.

Băn khoăn nếu tổ chức ở địa phương

- Được biết, dự thảo đề án "2 trong 1" được Bộ GD-ĐT chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến rộng rãi đã trên chục lần. Tuy nhiên, lần nào đưa ra cũng vẫn còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của đề án. Và điều Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng của Quốc hội nói chung và cá nhân ông nói riêng băn khoăn nhiều nhất điểm nào?

Sau khi nghiên cứu đề án, chúng tôi thấy có mấy vấn đề.

Thứ nhất là đề thi, vì có 2 tiêu chí lựa chọn khác nhau, một bên là kiểm tra kiến thức xem có đáp ứng yêu cầu hay không, một bên cạnh tranh gay gắt nên đề thi phải cấu tạo gồm hai bộ phận nội dung, phải có những câu hỏi giải quyết mục tiêu tốt nghiệp phổ thông, và một phần câu hỏi khác có tính chất nâng cao để xét tuyển vào ĐH.

Bộ GD-ĐT có đề ra tỷ lệ 60% phổ thông và 40% ĐH, nhưng vấn đề đặt ra là phương thức xử lý, sử dụng kết quả đó phải có nghiên cứu tỷ mỷ hơn về mặt kỹ thuật. Nó không hề đơn giản như Bộ GD-ĐT nghĩ ban đầu là có 10 bài, thì có 6 bài cho phổ thông và 4 bài cho ĐH. Những em không làm được câu hỏi khó thì tối đa chỉ làm được 6 câu sẽ rất nguy hiểm.

Trước đây làm 10 câu dễ, chỉ cần HS làm được 50% là đỗ tốt nghiệp. Nay có 6 câu phải làm được 5 câu mới đỗ là không được. Cách đặt ra bây giờ là phải lấy trọng số, nếu xét tốt nghiệp phổ thông thì đánh trọng số những câu để xét tốt nghiệp phổ thông cao hơn.

Ví dụ như trọng số là 1,5 thì 6 câu sẽ thành 9. Tương tự như những câu xét tuyển vào ĐH sẽ được đánh trọng số cao hơn. Như vậy, giá trị của những câu hỏi ấy sẽ cao hơn.

Thứ 2, một số trường ĐH lớn, trọng điểm hoặc yêu cầu chất lượng cao thì phải cho họ bổ sung thêm 1 kỳ kiểm tra để có thêm đánh giá chính xác hơn vì tính cạnh tranh rất cao.

Nhưng cái mà chúng tôi cho rằng đáng sợ nhất, cần tập trung nhất, đó là kỳ thi quốc gia này sẽ được tổ chức ở địa phương. Và bởi vậy, thái độ nghiêm túc, kỷ luật và các vấn đề tiêu cực thi cử và công bằng là quan trọng nhất.

"Ý tưởng bảo lưu rất buồn cười"

- Qua kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, ông có cho rằng đã đủ tin cậy để tổ chức thi "2 trong 1" hay chưa?

Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua cũng là một bước tiến, nhưng theo tôi, chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng được sự mong muốn. Theo dõi kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, tôi thấy chưa thể yên tâm được. Tôi cho rằng, phải nghiên cứu rất nhiều các giải pháp để đảm bảo tính chặt chẽ, khả năng loại bỏ các tiêu cực phải giảm đi nhiều thì mới có công bằng.

Vừa rồi, Bộ GD-ĐT có sử dụng lực lượng thanh tra ủy quyền huy động từ các trường ĐH, CĐ nhưng nếu thi chung thì tỷ trọng cán bộ, giảng viên ĐH tham gia phải cao hơn nữa. Cũng nên tính đến kinh nghiệm ngày xưa đã làm, đó là đổi chéo giáo viên giữa tỉnh này với tỉnh kia.

- Dự thảo đề án đưa lộ trình thực hiện một kỳ thi quốc gia sau THPT vào năm 2009, như vậy có khả thi?

Lộ trình này hơi cập rập.

Tôi cũng gợi ý với Bộ GD-ĐT thế này: ta đang thí điểm, không nên cùng một lúc thí điểm nhiều ý tưởng khác nhau, mà lại thí điểm ở quy mô lớn nhất và trọn vẹn nhất. Nên tách ra, chỉ nên tập trung vào ý tưởng tổ chức một kỳ thi, còn trắc nghiệm, tạm thời làm như hiện nay đang có, rồi mỗi năm sau tiến thêm một bước nữa.

Nếu Bộ cảm thấy chưa chuẩn bị kịp thì chưa nên bắt đầu từ sang năm. Ngay cả vấn đề “bảo lưu kết quả” cũng vậy, ở kỳ thi tốt nghiệp thì được chứ không thể bảo lưu kết quả để xét tuyển ĐH. Bởi bản thân nó là một cuộc cạnh tranh, phải trên cùng một nền tảng, thành phần cạnh tranh cũng như đề thi giống nhau. Nên ý tưởng bảo lưu rất buồn cười.

- Nếu không triển khai vào năm 2009 thì thời điểm nào mới đủ độ "chín" để thực hiện thi "2 trong 1"?

Nên dừng lại một năm nữa để chuẩn bị. Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng chưa báo cáo Chính phủ để chính thức khẳng định chủ trương đó trong khi thời gian không còn nhiều. Phải thông báo sớm để xã hội biết, vào đầu năm học, HS và nhà trường cũng cần phải biết sớm chủ trương để giảng dạy, học tập. Tôi e là, nếu làm vội vã quá sẽ không có kết quả như ý.

- Xin cảm ơn ông!

• Kiều Oanh



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2255

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn