Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Xin đừng đổ lỗi cho sách giáo khoa
04/07/2008

Chúng ta đã nhiều lần thay sách, tốn hàng trăm tỷ đồng và gây ra không ít tranh cãi. Nhưng theo tôi, xin đừng đổ lỗi cho sách giáo khoa. Chúng ta không giàu, chúng ta không có được điều kiện vật chất như của phương Tây, nhưng chính chúng ta đã quên rằng: con người là yếu tố quyết định. (RGA)


Tôi đã đọc nhiều ý kiến của độc giả VnExpress về vấn đề giáo dục nước nhà. Phải nói rằng đây là một vấn đề nóng đang được sự quan tâm của toàn xã hội. Chúng ta ai cũng đồng ý với nhau là, giáo dục Việt Namđang "có vấn đề", nhưng vấn đề đó nằm ở đâu? Nhiều người nói rằng đó là do chương trình giáo dục của ta, mà cụ thể là sách giáo khoa, quá tải, thiếu thực tế và nặng về tính hàn lâm lý thuyết. Quan điểm của tôi về vấn đề này có hơi khác.

Thứ nhất, sách giáo khoa của ta có quá tải không? Thực tế thì chương trình học cả năm của học sinh thường chỉ bao gồm trong khoảng 10-15 quyển sách giáo khoa cơ bản, mỗi quyển dày chừng 100 trang. Đó thực sự không phải là quá nhiều. Nếu so sánh với chương trình đại học của ta thì lượng kiến thức mà một học sinh phải tiếp nhận thật không đáng kể.

Thứ hai, chương trình của ta có xa rời thực tế không? Quả thực, chương trình của ta đã có từ khá lâu, nhưng điều đó không có nghĩa là những gì ta học trong sách giáo khoa chỉ còn thấy được ở viện bảo tàng. Nếu như bây giờ phải soạn lại bộ sách giáo khoa mới, tôi chắc chắn rằng, chúng ta vẫn phải dạy Truyện Kiều, chúng ta vẫn phải giảng về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta vẫn phải giảng những định luật Toán học, Vật lý đã có từ hàng trăm năm nay.

Cái chúng ta còn yếu: đó là vấn đề thực hành. Điều đó đúng. Nhưng với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, việc trang bị cho mỗi trường một phòng thí nghiệm hiện đại có thể đáp ứng cho mỗi học sinh một buổi thực hành hằng tuần (như ở các nước phát triển) là điều cực kỳ khó khăn nếu không nói là không tưởng. Chúng ta buộc phải hài lòng với việc phải học thực hành chủ yếu qua sách vở.

Vậy vấn đề chính đang nằm ở đâu? Theo ý kiến của tôi, đó là những quan điểm sai lầm của việc dạy và học đã trở nên quá phổ biến.

Thứ nhất, sách tham khảo cũng là sách giáo khoa và phải đưa vào giảng dạy. Kiến thức trong sách giáo khoa của ta không nhiều nhưng đi kèm với nó là một lượng kiến thức khổng lồ đến từ sách tham khảo. Một bài học môn Toán có khoảng 3-4 bài trong sách giáo khoa và 10 bài trong sách bài tập, tức là khoảng 15 bài cho mỗi bài học.

Trung bình một tuần, các em học 1-2 bài thì sẽ thấy là không quá nhiều bài tập. Nhưng nếu dùng thêm cả sách tham khảo, sẽ sinh ra vô số dạng bài và mỗi dạng bài lại là vô số bài tập. Tương tự, ở môn Văn, với mỗi bài văn, bài thơ, các thầy cô sẽ phải dạy thêm cả tiểu sử của tác giả, quan điểm nghệ thuật, những lời phê bình... dẫn đến lượng kiến thức quá tải.

Vấn đề quá tải của sách giáo khoa nằm ở chỗ, ngoài bộ sách giáo khoa, học sinh còn phải học thêm rất nhiều kiến thức, phải làm thêm rất nhiều bài tập ở sách tham khảo.

Thứ hai, hiểu bài là phải thuộc lòng. Cách kiểm tra bài cũ phổ biến ở ta là học thuộc lòng. Học sinh trả lời câu hỏi bằng cách đọc thuộc lòng tất cả những gì thầy cô dạy hôm trước. Tất nhiên, đã học thì phải có những phần học thuộc lòng. Học sinh luôn luôn phải thuộc các định luật, các bài thơ tiêu biểu, các niên đại quan trọng... Nhưng chúng ta bắt các em phải học thuộc tất cả, từ lời bình của một nhà văn về một nhà văn khác cho đến diễn biến của một chiến dịch. Thậm chí, cả sản lượng lúa toàn miền Bắc, GDP của các năm... cũng phải học thuộc lòng.

Thứ ba, dạy kiến thức trong sách giáo khoa là trách nhiệm của giáo viên. Kiến thức trong sách giáo khoa là kiến thức phổ thông, là kiến thức mà ai cũng phải có. Nhưng có để làm gì. Một kỹ sư thì không cần phải biết bình văn bình thơ. Một nhà văn thì không cần phải biết giải phương trình vi phân. Nhưng kỹ sư vẫn phải học văn, nhà văn vẫn phải học toán.

Đó là vì sao? Vì học văn không phải chỉ là học bình văn, làm thơ mà học văn còn là học nét tinh hoa của nhân loại, học làm người. Học toán không phải chỉ để biết đến các con số mà đó còn là cách luyện tư duy lôgic, luyện cách suy nghĩ khoa học, rành mạch. Chương trình giáo dục không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh, mà còn phải trang bị cả thế giới quan và phương pháp luận. Đó là điều rất thiếu ở ta.

Chúng ta đã nhiều lần đổi sách giáo khoa, tốn hàng trăm tỷ đồng và gây ra không ít tranh cãi. Nhưng theo tôi, xin đừng đổ lỗi cho sách giáo khoa. Chính những bộ sách giáo khoa có từ hàng chục năm ấy đã giáo dục nên những anh hùng đã chiến đấu hy sinh cho đất nước, chính những bộ sách giáo khoa ấy đã làm nên cả một thế hệ khiến Việt Nam phải tự hào.

Chúng ta không giàu, chúng ta không có được điều kiện vật chất như của phương Tây, nhưng chính chúng ta đã quên rằng: Yếu tố con người là yếu tố quyết định.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2273

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn