Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Cái gốc của giáo dục là gì?
18/08/2008

Một nhà doanh nghiệp nhưng lại rất tâm huyết, day dứt và lo lắng đến giáo dục đã gửi cho Thư Thăng Long- Hà Nội bài viết này. Những vấn đề đặt ra trong bài viết tuy chưa thật sâu sắc, và mới chỉ là một quan niệm, một giải pháp của người dân, nhưng lại đụng chạm đến một nội dung căn cốt nhất mà dường như ngành GD “thả nổi” lâu nay- dạy người


Người xưa cho rằng trong việc giáo dục con người thì nên “ Tiên học lễ, hậu học văn”. Ngày nay cho dù có những ý kiến chê bai quan niệm đó “cổ hủ, nho giáo”, tôi vẫn thấy đây là một quan điểm đúng đắn và sâu sắc. Có lẽ vì nó được nhiều người trong ngành giáo dục tán đồng mà câu khẩu hiệu này cũng đang được treo ở khắp các trường, nhất là trường trung học phổ thông.  Dĩ nhiên, khẩu hiệu là vậy, nhưng việc hiểu và thực hiện nó thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn.

Chữ “lễ” ở đây theo tôi hiểu là những kiến thức, hiểu biết về xã hội, cuộc sống, thái độ và ứng xử trong cuộc đời, có thể hiểu là học về “đạo làm người” nhằm tạo nên phần “đức” của con người. Chữ “ văn” có thể hiểu là các kiến thức về bộ môn, về chuyên môn, nghề nghiệp riêng... nhằm tạo nên phần “tài” ở mỗi người.

Đại thi hào Nguyễn Du từng phải thốt lên trong cuốn Kiều bất hủ của mình: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, để nhấn mạnh đến cái “đức”, cái “lễ” trước hết khi nhìn nhận giá trị, tài năng và phẩm cách một con người. Ngành GD và ĐT cũng luôn đưa ra quan niệm như một tư tưởng cơ bản, mà vì lẽ đó ngành tồn tại:  “Dạy chữ gắn với dạy người”.

Nhưng trải qua ba, bốn cuộc cải cách hoặc đổi mới giáo dục thì xét cho cùng, cuộc cải cách hoặc đổi mới nào ngành cũng chỉ mới tranh cãi, tranh luận về “chữ” (hết hệ thống, đến chương trình, sách giáo khoa, hết chữ a hay chữ e, hết chữ thường hay chữ hoa, hết dạy chay hay “dạy mặn”…) mà chuyện “dạy chữ”, nói theo khái niệm thông thường- chất lượng giáo dục, vẫn còn yếu kém, bất cập và phiến diện.  

Còn phần “dạy người” thì dường như lúc lên lúc xuống, lúc đậm lúc nhạt, lúc thăng lúc trầm. Và trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập thế giới hiện nay, thì việc “dạy người” dường như trở nên “trôi nổi”. Những hiện tượng đạo đức xuống cấp, từ trong đến ngoài nhà trường, quá nhức nhối và gây phản cảm trong xã hội, có một phần lỗi của ngành giáo dục, đã không quan tâm sâu sắc và đặt đúng vị thế của nó, dạy người “từ thuở còn thơ”.

Ngành GD và ĐT cũng đang hướng tới chiến lược phát triển đến năm 2020. Nhiều tiếng nói kiến nghị đòi ngành sớm có cuộc cải cách giáo dục mới. Trong bối cảnh đó, tôi đề nghị ngành GD và ĐT nên coi giáo dục phần “lễ” phải là một nội dung quan trọng, có tính chiến lược của sự nghiệp giáo dục phổ thông ở nước ta vì hai lẽ.

Thứ nhất, trong cuộc đời con người, lứa tuổi học sinh phổ thông là lứa tuổi còn non,  các em đang hình thành nhân cách, nên việc dạy và học những kiến thức của phần “lễ” là dễ dàng và thuận lợi nhất, giống như cây đang non thì dễ uốn. Những nghiên cứu về giáo dục cũng đã chỉ ra rằng sau 20 tuổi, tâm hồn, tính cách, nhân cách con người ta khó mà thay đổi. Nó đã hình thành và ổn định, trở thành "chính" con người ấy.

Thứ hai, theo kinh nghiệm của tôi phần “lễ” quan trọng và khó hơn phần “văn” rất nhiều. Nắm được phần “ lễ” có thể coi là đã nắm được chìa khóa của hạnh phúc đời người. Với một dân tộc, một đất nước, cũng như vậy.

Cuộc khủng hoảng trong giáo dục hiện nay thực chất là khủng hoảng về phần “lễ”. Đã nhiều năm, những kết quả, tỷ lệ tốt nghiệp cao không bình thường, khiến xã hội phải nghi vấn, khiến ngành GD và ĐT phải tiến hành cuộc vận động "Hai không", thực chất là uốn nắn cái phần "lễ". Phần “ lễ”, gắn với nó là nhân sinh quan, cũng là “động cơ, lý tưởng, lẽ sống” có thể coi là nền móng, phần cốt lõi, ổn định, lâu dài trong con người. Nắm chắc phần “lễ” việc thực thi phần “văn” sau này sẽ thuận lợi hơn.

Mọi người đều biết “Thần đèn” Cẩm Lũy, người chỉ bằng những công cụ thông thường đã thành công rất nhiều trong việc di dời các công trình, nhà cửa, đền thờ... nặng hàng trăm tấn, mà các kỹ sư cũng phải cúi đầu bái phục. Nhiều người trong số họ chỉ nghĩ tới việc đó đã không tưởng tượng nổi, đừng nói tới việc thực thi, vậy mà ông Lũy, học vấn mới chỉ tới lớp 4.

Sự khác nhau giữa ông Lũy và các kỹ sư còn là ở phần “lễ”. Ông Lũy kém các kỹ sư về các lý thuyết tính toán nhưng lại vượt xa các kỹ sư ở sự hiểu biết thực tiễn, sự trải nghiệm cùng lòng quyết tâm, lòng dũng cảm được hun đúc bởi lòng say mê nghề nghiệp, tình yêu với quê hương, với đồng bào mình nên ông đã thành công.

Đó là chưa kể trong thực tế, do nhiều nguyên nhân do phần “lễ” kém, chính các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật nhiều người còn tìm mọi cách “rút ruột” các công trình Nhà nước, công trình mình làm thuê, bất chấp các hậu quả sau này.

Như vậy có thể thấy phần “lễ” là rất quan trọng, nếu không nói là quyết định đến sự thành hay bại trong việc giáo dục và đào tạo con người. Nội dung của phần “lễ” trong chương trình phổ thông tôi thấy không gì bằng những lời Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng cụ thể có năm điều sau:

1-Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, 2- Học tập tốt, lao động tốt, 3- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt , 4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt, 5- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Có lẽ ai cũng biết những điều này, trên tường lớp học phổ thông nào, nhất là ở bậc tiểu học luôn dán những lời dạy của Bác. Học sinh phổ thông nào cũng có thể đọc vanh vách những lời dạy trên, tuy nhiên, phần lớn chỉ là hô khẩu hiệu, là học vẹt, thuộc lòng. Những điều dạy của Bác chưa thấm được vào trong tâm hồn, chưa chi phối hành động, chưa trở thành “lẽ sống” của các em.

Việc làm cho các em cảm nhận, thấu hiểu, và hành động được theo lẽ sống ấy có thể coi là nội dung căn cốt trong chiến lược phát triển giáo dục mà ngành GD và ĐT đang hướng tới. Ngành GD và ĐT nên bám sát tinh thần của năm lời dạy trên, xây dựng thành những chủ đề, tập hợp các chuyên gia, hình thành cả lý thuyết và thực hành cho các chủ đề đó. Điều này, rất phù hợp với chủ trương mới đây của ngành là sẽ quan tâm hơn đến các bộ môn gắn chặt với việc dạy người, đó là Văn- Sử- Địa, là Giáo dục công dân...

Ví dụ chủ đề “ Dũng cảm” cần biên soạn nhiều tài liệu về lòng dũng cảm, phù hợp với từng lứa tuổi. Giờ thực hành của nó là các môn đấm bốc, võ dân tộc chẳng hạn. Sao cho một học sinh đang từ nhút nhát sẽ trở nên dũng cảm sau vài năm được dạy dỗ, giáo dục trong trường phổ thông.

Các chủ đề như “yêu đồng bào” cũng phải biên soạn thật tỷ mỷ, khoa học kết hợp với nhiều diễn đàn, các cuộc thăm viếng thực tế, chia sẻ những khó khăn, mất mát với những người dân ở mọi miền đất nước, để việc yêu người thân, gia đình, đồng bào thấm dần vào nhận thức, và biến thành lẽ sống, thành hành vi ứng xử của học sinh qua các năm học.

 Ngoài ra, những khái niệm cơ bản như độc lập, tự do, hạnh phúc hay những đức tính như tích cực, chủ động, sáng tạo, công bằng, thái độ xây dựng, niềm tin tưởng, sự cảm thông, hướng thiện... cũng cần được đưa vào chủ đề,  biên soạn một cách công phu, tỷ mỷ, khoa học và đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông.

Vào những năm 1970- 1980 thời tôi còn đi học phổ thông, lúc đó trong xã hội mọi người thường ví các thầy, cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn”. Nhưng giờ đây, dường như chúng ta không còn được nghe những điều này nữa. “Tâm hồn” của học sinh nói riêng, của mọi người nói chung, cũng không được “chăm sóc” đúng mức nữa, cho nên tuy xã hội phát triển về mặt vật chất nhưng đạo đức lại có chiều hướng suy thoái, làm cho đông đảo người lao động chính trực bức xúc, thậm chí phẫn nộ.

Rất mong tới đây ngành GD và ĐT sẽ có nhiều chủ trương trong chiến lược phát triển, thực sự đổi mới tư duy, quan niệm về dạy chữ gắn với dạy người, để đội ngũ giáo viên, những “kỹ sư tâm hồn” thực thụ, những người huấn luyện và cho ra trường các thế hệ học sinh có tâm hồn đẹp, có lý tưởng và động cơ sống lành mạnh, đúng đắn. Đây là cái gốc để  chúng ta có thể tin rằng các em sẽ xây dựng được một gia đình, xã hội tốt trong tương lai.

Xin được trích dẫn những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bài ca xuân 61”:

“ Chúng ta sẽ khai những mỏ vàng, mỏ sắt...

Đóng những con tàu đi khắp đại dương

Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất

Biết căm thù và biết yêu thương”

Qua những vần thơ này, chúng ta thấy ông cũng cho rằng, trước khi muốn làm bất cứ việc gì thành công cũng cần phải “luyện người”. Con người phải có phần “lễ” đã. 

  • Vũ Mạnh Tiến 


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2410

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn