Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Tiếp cận lịch sử từ hiện tại
22/10/2008

Việc đánh giá vai trò của các chúa Nguyễn trong việc mở rộng bờ cõi, dường như đã tương đối thống nhất về cơ bản, chỉ còn những khác biệt nhỏ. Nhưng GS-TS Vũ Minh Giang, phó giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội đã làm cho không khí tranh luận trở nên sôi động, thậm chí có lúc căng thẳng, với một quan điểm tiếp cận mới của mình. Quan điểm của ông là “hãy tiếp cận lịch sử về giai đoạn Nam tiến mở mang bờ cõi bằng cái nhìn từ lãnh thổ hiện tại của Việt Nam”, chứ không phải lần theo bước chân của các chúa Nguyễn


Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi sâu hơn với ông về cách tiếp cận này.

Cách tiếp cận này đã được ông đưa ra từ bao giờ?

Quan niệm này mới được xuất hiện gần đây thôi, khi tôi phải tham gia chuẩn bị xây dựng bảo tàng quốc gia, với tư cách là thành viên trong hội đồng tư vấn khoa học. Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều khi tính tới việc chúng ta trình bày cái phần đầu tiên dựng nước thế nào đây. Nếu trình bày là dựng nước chỉ có Hùng Vương thôi, cái đó làm cho người Chăm nghẹn ngào, người Khmer cũng cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận. Hùng Vương là quốc tổ của người Việt. Lãnh thổ Việt Nam nay liền một dải, nhưng trong lịch sử có những thời kỳ lập quốc khác nhau. Mình phải tôn trọng lịch sử.

Thông lệ quốc tế cũng chấp nhận như vậy. Trên thế giới một nước rộng 33 vạn cây số vuông, một chốc một lát biến thành quốc gia cũng hiếm. Họ đều là từ những tiểu quốc, rồi mở rộng ra, bằng cách thôn tính lẫn nhau. Chuyện đó là bình thường sao mình lại phải tránh. Đằng này sử của mình được trình bày bắt đầu từ thời kỳ đồ đồng, di chỉ Phùng Nguyên… rồi thời kỳ Bắc thuộc, rồi giành lại độc lập, rồi Nam tiến. Người Việt đi đến đâu lịch sử đi đến đó.

Thật không tiến bộ khi lấy người Việt và văn hoá Việt làm trung tâm, trong khi lẽ ra chúng ta phải tôn trọng tất cả những dạng thức văn hoá trên đất nước này. Theo tôi, nên bớt nói đến chuyện đi chiếm vùng nọ vùng kia đi, mà nói đến sự biến đổi của chủ quyền thì hay hơn.

Trung Quốc, khác với một số nước, đã khôn ngoan chuyển từ chủ nghĩa Đại Hán sang chủ nghĩa Đại Trung Hoa, khi coi hai triều đại là Nguyên và Mãn Thanh là chính thống, là của mình. Mặc dù, để có nhận thức này họ cũng mất nhiều thập kỷ. Họ chấp nhận lịch sử như vậy nên giải mã dễ hơn.

Cách tiếp cận này đã được tiếp nhận thế nào?

Tôi đã đưa ra trong các cuộc họp thu hẹp của giới sử học. Tuy nhiên, cho đến giờ đọc qua các tham luận tôi thấy họ vẫn làm theo cách cũ. Cũng không hẳn là họ phản đối tôi, nhưng có lẽ họ quen cách trình bày cũ rồi.

Nhưng trong đề cương xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia thì tôi đã thành công, khi trong bảo tàng tới ba trung tâm hình thành nhà nước được trình bày. Ở đồng bằng trung du Bắc bộ thì xuất hiện nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng, lan toả. Trung tâm miền Trung là nhà nước Chămpa, tồn tại từ năm cuối thế kỷ thứ 2 đến tận thế kỷ thứ 17. Ở Nambộ là quốc gia của người Phù Nam. Nếu chúng ta đứng lên trên diễn biến lịch sử của ba quốc gia này, sẽ thấy chúng chuyển qua chuyển lại, và cuối cùng hoà quyện thành ra quốc gia Việt Nam mà ta đang có hiện nay.

Xuất phát từ đâu mà ông nghĩ ra cách tiếp cận này?

Có hai tác động. Thứ nhất, tôi có một người bạn vong niên là giáo sư Taylorở đại học Cornell, một người nghiên cứu về lịch sử Việt Nam rất sâu và là tác giả của cuốn The Birth of Vietnam. Thời kỳ chiến tranh ở Việt Namông được mời sang Singapoređể giảng bài về Việt Nam. Ông nhận thấy những gì sinh viên ở đó biết về Việt Nam là bom rơi đạn nổ. Ông ấy bảo nếu dạy từ thời Hùng Vương dựng nước quá bằng bịt mắt đưa vào rừng. Ông ấy bắt đầu luôn bằng chiến tranh Việt Nam, rồi lý giải sở dĩ có cuộc chiến tranh này là do Bắc – Nam bị chia cắt do hiệp định Genève, rồi cứ như thế theo sự tò mò của sinh viên mà quay ngược trở lại lịch sử. Nguyên lý của ông rất đơn giản: lịch sử phát triển từ sớm đến muộn, còn lô gích của tư duy là bắt đầu từ cái rõ nhất để dạy người ta những cái chưa rõ. Tôi gặp ông ấy lần đầu vào khoảng 1992 – 1993. Tôi đã bị ám ảnh lối tiếp cận này từ đó.

Bảo tàng lịch sử Hàn Quốc là ấn tượng mạnh thứ hai với tôi. Họ bắt đầu bằng Hàn Quốc từ những vương quốc khác nhau, và mô tả quá trình xung đột, chiến tranh, ông nọ giành đất ông kia. Họ mô tả như đó chỉ là chuyện lịch sử, chứ không đứng về phía nào cả. Tôi nghĩ, vua chúa Nguyễn cũng là tổ tiên mình, trong đó có những ông cao to đẹp giai, có những ông khiếm khuyết. Nhưng có điều, những tiền nhân đó phải làm rất nhiều việc để bây giờ chúng ta có quốc gia này.

Ông nghĩ thế nào khi có học giả trong hội thảo đã phê phán ông là “đang hiện đại hoá lịch sử”?

Tôi nghĩ có chuyện hiểu lầm. Tôi là người cực lực phản đối việc hiện đại hoá lịch sử. Như tôi đã nói ở trên, quan điểm của tôi lấy nay để chiếu xưa là một cách tiếp cận, là chúng ta đang lấy người Việt làm trung tâm. Quan điểm của tôi là hãy xuất phát từ lãnh thổ hiện trạng. Khi đó chúng ta sẽ nhìn lịch sử một cách khách quan và toàn diện hơn, nhìn từ trên cao, chứ không phải nhìn theo chiều dọc và theo bước chân Namtiến của chúa Nguyễn. Khi đó sẽ là Đại Việt đánh nhau với Chămpa, chứ không phải địch – ta nữa. Quan điểm của tôi nằm ở chỗ coi những bộ phận như thế là những bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam, và phải có quan điểm khách quan và công bằng khi nhìn nhận họ, cũng như có ý thức nghiên cứu và bảo tồn những giá trị để lại của tất cả các bộ phận cấu thành này. Bằng không, chúng ta lại mắc vào cái nhìn sai lệch, mà hiện giờ chúng ta đang phải nhìn nhận lại.

Huỳnh Phan – Xuân Thithực hiện

URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2569

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn