Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Đại học còn bó tay...
24/10/2008

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấp đại học tương đối có nhiều kinh phí hơn, nhưng đại bộ phận cũng bó tay, không dám rờ tới công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT), huống hồ gì là các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao


Trao đổi với Dân trí chiều tối ngày 20/10, GS Võ Tòng Xuân đã "than" như vậy.

Cũng theo GS Xuân, chiến lược kết nối Internet đến tất cả các trường phổ thông trong năm học 2008-2009 - năm học có chủ đề "ứng dụng CNTT trong dạy và học", là chiến lược rất tốt, rất hay, nhưng các trường có dám bỏ tiền ra mua… máy tính không?

 Thưa GS, nếu hầu khắp các trường phổ thông đều mua được máy tính để nối mạng thì chắc mọi việc cũng sẽ tương đối khả quan chứ?

Người quản lý và điều hành mạng, người sử dụng mạng tại mỗi trường sẽ chưa đủ khả năng chuyên môn thực hiện nếu không được đào tạo kỹ năng cụ thể.

Cùng đó, những nội dung mà giáo viên, sinh viên và nhất là học sinh các lớp phổ thông, cần đọc và truy cập hiện nay rất thiếu, hầu như không có bằng tiếng Việt, kể cả những nội dung mà mạng EduNet đang có.

Vì vậy, cho dù nhà trường ráng chạy tiền mua trang thiết bị hạ tầng rồi thì vẫn có thể người sử dụng không có nhiều nội dung để truy cập thì việc nối mạng cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhưng Bộ GD-ĐT đã rất nỗ lực trong việc kéo mạng về cho các trường? 

Tất nhiên, tôi cũng luôn hy vọng chương trình này của Bộ sẽ thành công.

Tuy nhiên, vì từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT cũng có làm một số việc lẻ tẻ, song, tác dụng vẫn rất hạn chế nên tôi thấy lo lắng vậy thôi!

Mặt khác, giáo dục của ta nói chung và cụ thể như việc ứng dụng CNTT này tiếp tục lận đận lao đao, thua xa các bè bạn năm châu vì không đủ kinh phí trả cho những lợi ích cục bộ của các ban, ngành.

GS có thể phân tích rõ hơn? 

Ví như Bộ Bưu chính - Viễn thông (cũ), qua Tổng công ty VNPT (và Công ty VDC trực thuộc), với tư cách cơ quan độc quyền cung cấp hạ tầng CNTT-TT thì chỉ biết kinh doanh sao cho có lợi nhiều nhất, viện lý do trả nợ vay ngân hàng; nhưng lại hậu đãi lương lậu của nhân viên và tiền thưởng các ngày lễ gấp nhiều lần hơn những cán bộ công chức nhà nước, gây ra một sự bất công rất lớn giữa những người cùng làm trong hệ thống nhà nước.

Theo chân Bộ Bưu chính Viễn thông, Công ty Viettel của Bộ Quốc Phòng cũng kinh doanh CNTT-TT, cũng đạt lãi lớn không kém…

Còn nhớ có lần tôi đã trình bày với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông còn đương chức, về vấn đề chỉ đạo cho Bộ BC-VT và các công ty cung cấp dịch vụ Internet của Bộ này nên cấp đường truyền băng thông rộng ít nhất 2Mbps, với giá thấp đặc biệt, để các trường đại học của Việt Nam không lép vế so với các trường bạn nước ngoài. Thủ tướng nói là họ không chịu, lấy lý lẽ là phải lo lấy vốn nhanh để trả nợ vay!

Nếu còn có một điều gì đó để hy vọng ở chiến lược này thi hy vọng của GS sẽ là…? 

Chúng ta biết trong thời đại CNTT-TT bùng nổ này, chỉ với một cái "click" của con chuột máy tính, khoảng cách giữa văn minh hiện đại và lạc hậu sẽ được xoá đi về mặt điều kiện tiếp cận thông tin; và những học sinh ở vùng sâu vùng xa cũng có thể nghe và học với một giáo sư tài giỏi đang giảng bài cho các học sinh ở thủ đô.

Chúng ta đang thiếu tầm nhìn và quyết tâm để cho từng trường học trong nước được kết nối Internet bằng cáp quang băng thông rộng với giá thật rẻ.

Các trường nước ngoài, nhất là ở Mỹ, châu Âu, và số nước châu Á như Nhật, Singapore, Thái Lan… được trang bị đường truyền yếu nhất cũng phải 2Mbps.

Nếu Nhà nước yểm trợ hạ tầng CNTT-TT cho hệ thống giáo dục Việt Nammạnh lên ngang tầm thế giới thì thầy và trò chúng tôi chắc chắn sẽ tiến rất nhanh!

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Theo chiến lược ứng dụng CNTT trong dạy và học của ngành giáo dục, đến tháng 10/2008, dự kiến sẽ hoàn thành việc kết nối giữa Bộ GD- ĐT tới các tất cả các Sở GD- ĐT trong cả nước.

Vào tháng 6/2009, hoàn thành kết nối tới các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Dạy nghề. Dự kiến vào năm 2009 hoặc 2010 sẽ hoàn thành việc kết nối đến toàn bộ các trường Trung học phổ thống, Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non. 

Ước tính, đến năm 2010, kết nối Internet đến 39.000 trường trong cả nước và 27 triệu người sẽ được hưởng lợi ích từ các dịch vụ này

 Mai Minh (thực hiện)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2576

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn