Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục nhồi nhét thì dẫn đến vô văn hóa
07/11/2008

Bằng kinh nghiệm của nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc), GS Vật lý Vũ Văn Hùng - phó Trưởng phòng sau Đại học (Đại học Sư Phạm Hà Nội) chia sẻ những quan sát của ông về tính chủ động trong các giảng đường đại học tại các quốc gia nói trên.


PV: Bằng kinh nghiệm của những năm tháng nghiên cứu và giảng dạy tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ông có nhận xét gì về tinh thần chủ động trong giảng dạy và học tập ở các nước này?

GS Vũ Văn Hùng: Điều mà tôi cảm nhận được rõ nhất là thái độ say mê làm việc và môi trường khoa học cởi mở trong các trường đại học tại nước bạn. Cách làm việc của những giáo sư và sinh viên ở đó rất khác chúng ta. Khi người thầy làm việc, họ luôn làm với một tinh thần say mê và hoàn toàn chủ động. Hơn nữa, với họ, làm việc không có nghĩa đơn thuần chỉ là giảng dạy mà phần lớn thời gian họ dành cho thí nghiệm.

Thông qua các nghiên cứu đó, họ sẽ tổ chức triển khai các hệ thống đề tài được thực hiện qua các nghiên cứu sinh của mình. Đây là cách thức rất hay, thể hiện rõ tinh thần bình đẳng, cùng nhau tiếp cận tri thức của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

PV: Không khí học tập và nghiên cứu đó khiến tôi nghĩ đến một triết lý giáo dục. Đó là, điều quan trọng ở người thầy không chỉ là “tháp ngà” trí thức, mà quan trọng hơn người thầy phải là người truyền cảm hứng, người đem lại cho sinh viên một sự hứng khởi học tập. Bởi lẽ, bản chất của giáo dục là một quá trình dân chủ giữa thầy và trò cùng bước vào lâu đài trí thức, cùng hỗ trợ, khích lệ, tác động lên nhau chứ không phải người này áp đặt kiến thức lên người kia.

GS VVH: Đúng vậy. Về phía khác, bản thân sinh viên cũng học tập với một ý thức tự giác rất cao. Trên ba lô của họ, tôi thấy hầu như lúc nào cũng đầy ắp những cuốn sách mượn ở thư viện. Họ luôn luôn ở trong tư thế đọc, nghiền ngẫm và nghiên cứu.

Điều đặc biệt nhất, những lúc mệt mỏi, sinh viên nước ngoài luôn tìm đến sách. Hình như với những con người trẻ tuổi ấy, trên những trang sách ấy có rất nhiều điều thú vị, cần thiết cho cuộc sống và tương lai sắp tới? Tri thức đã thực sự đem lại cho họ niềm vui và tinh thần hứng khởi học hành

PV: Vậy theo ông, tinh thần chủ động học tập và nghiên cứu trong các trường Đại học ở Hàn Quốc và Nhật Bản có nguồn gốc từ đâu?

GS VVH: Theo tôi, nguồn gốc của tinh thần chủ động nói trên trước hết nằm ở chỗ họ đã tạo ra được một môi trường làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp mà đến đó, người thầy muốn giảng dạy, nghiên cứu. Bởi họ được đánh giá cao, được tôn vinh và có cơ hội thăng tiến mà không phải lo toan gì về cuộc sống. Chính điều này đã ràng buộc trực tiếp tới trách nhiệm của giảng viên với sinh viên, buộc họ cũng phải toàn tâm toàn ý với tương lai của mình.

Có một lý do nữa khiến tinh thần chủ động tiếp cận và chiếm lĩnh kiến thức của sinh viên các nền giáo dục tiên tiến đáng trân trọng là họ phải “trả giá” rất cao cho những gì mình lĩnh hội. Họ học để có thể làm việc thực sự, đáp ứng đủ cho nhu cầu xã hội. Họ tự xác định, học là cách thức nhanh nhất khiến mình có thể gia nhập hàng ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, để sống sung túc bằng chính những gì mình có.

.PV: Có ý kiến cho rằng, những cách đổi mới về phương pháp dạy trong các trường Đại học hiện nay đa số theo kiểu “bình cũ rượu mới”? Học thảo thuận thì sinh viên ít phát biểu, máy chiếu thì thay thế cho việc đọc chép thuận lợi hơn… Những thay đổi đó hầu như đều là thay đổi về mặt kỹ thuật. Còn vấn đền quan trọng nhất, là thay đổi một triết lý giáo dục nhằm đào tạo ra những con người tự do, chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm, từ đó dẫn đến một loạt thay đổi khác về phương pháp, chương trình học… lại chưa được bộ Giáo dục chú trọng. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

GS VVH: Về vấn đề này, theo tôi có lẽ chúng ta cần phải nhìn nhận, xem xét lại. Bởi kiến thức được truyền lại cho thế hệ sau bởi những người thầy thông qua một quá trình giao tiếp trực tiếp chứ không phải chủ yếu qua các kênh hình hay các bài giảng o­nline.

Tại nước ngoài, thực tế các giảng đường luôn tồn tại song song tất cả các hình thức giảng dạy. Nghĩa là giáo sư vẫn sẽ thuyết trình, ghi phấn và đối thoại trực tiếp với học trò; đồng thời cho chiếu các project tóm tắt nội dung cơ bản bài học.

Đặc biệt hơn, họ tiến hành ghi hình lại các giờ lên lớp đó, tạo điều kiện cho người học được xem lại các bài giảng đó một cách chi tiết hơn nếu muốn. Nhưng, cách làm này chỉ là một kênh chứ không phải là điều chủ yếu. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn hết sức chú trọng đến sự truyền đạt trực tiếp.

PV: Truyền đạt trực tiếp ở đây có giống như việc giảng viên đọc cho sinh viên chép đang diễn ra phổ biến trong các giảng đường đại học của Việt Nam?

GS VVH: Truyền đạt trực tiếp thật ra đồng nghĩa với một quá trình giao tiếp hai chiều. Ở đó, người thầy truyền đạt toàn bộ kinh nghiệm làm việc của mình, ý tưởng nghiên cứu của mình cho học viên. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức các semina. Hoạt động này được thực hiện một cách thường xuyên nhằm kiểm tra, đánh giá mức độ lĩnh hội của sinh viên.

Đây được coi là những bài tập đầu tiên giúp sinh viên làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học về lâu dài. Một lợi ích nữa của phương pháp này là sinh viên được quyền nói, được quyền phản biện một cách tích cực trong một nhóm cụ thể. Cách thức làm việc ấy rõ ràng tốt hơn rất nhiều so với chuyện chúng ta chỉ dùng công nghệ thông tin thuần túy, một chiều và đầy bị động.

So sánh vui thì có thể nói rằng, đứng cạnh giảng dạy trực tiếp, powerpoint, video hay nhiều thứ khác nữa chỉ là những “kĩ nghệ” không hơn kém. Tất nhiên, để đạt được điều đó đòi hỏi cao trách nhiệm của người thầy. Thầy phải là người thắp lửa say mê, thổi bùng lên đam mê trong sáng tạo, trong nhận thức của trò. Chân kiềng thứ ba không kém phần quan trọng trong mối quan hệ biện chứng nói trên chính là chất lượng của giáo trình, sách vở. 

 

Đối với các giảng viên đại học ở Việt Nam, điều chúng ta phải lưu ý là giảng dạy phải đi đôi với nghiên cứu. Vì thiếu vế sau, kiến thức sẽ không được cập nhật, mà trở nên rất ngán ngẩm, kinh viện do thiếu đi những cái mới. Thầy có say mê thì trò mới có thể nhiệt tình học tập được. Nghiên cứu của người đứng lớp nhiều khi lại là viên nam châm thu hút thêm lòng khát khao chân lý của sinh viên, nhất là những sinh viên trẻ tuổi.

PV: Theo ông có những giải pháp nào để tăng tính chủ động của sinh viên và giáo viên trong cách dạy và học?

GS VVH: Để giải quyết vấn đề giáo dục đại học, trước hết chúng ta nên nhận thức rõ những vấn đề chính có quan hệ biện chứng với nhau cần phải giải quyết một cách trọn vẹn: thứ nhất là thầy, thứ hai là trò và cuối cùng là giáo trình. Nếu như trò không phải là những người được “chọn lọc” tốt, không chủ động trong việc tiếp cận và kiến giải chân lý thì chúng ta cũng không thể đào tạo ra những sản phẩm tốt.

Bàn về vai trò của người thầy, tôi lại nhớ đến một câu nói của Anhxtanh: “Bục giảng thì nhiều nhưng thầy giáo giỏi và cao quý thì hiếm. Các giảng đường thì nhiều và rộng nhưng số người trẻ tuổi thành thật, khao khát chân lý và lẽ công bằng thì cũng hiếm”.

Theo tôi, quan trọng hơn hết, chúng ta phải thay đổi cách thức truyền thụ, để có thể giáo dục cho học trò một tư duy độc lập. Bởi thật ra, chỉ dạy kiến thức chuyên ngành dù sâu rộng đến đâu vẫn là chưa đủ, trước mặt những người trẻ đâu chỉ có đơn thuần những học thuật, con số và những điều trong sách vở.

Về cơ bản, chúng ta nên chuyển đổi từ việc mang cho sinh viên con cá đã chế biến thơm phức, ngon lành bằng cách hướng dẫn họ cách làm ra món ăn chất lượng ấy.

PV: Vậy đổi mới tư duy, hay trao công thức tư duy vào tay sinh viên được thể hiện như thế nào?

GS VVH: Đầu tiên, các thầy cô, trường lớp hãy dạy cho họ - những người trẻ tuổi, trẻ lòng ấy ý thức phấn đấu vươn lên, không nản lòng trước khó khăn, vấp váp. Trên cơ sở này, họ sẽ hình thành được một thế giới quan tích cực, nhận thức được những giá trị chân – thiện – mỹ để bước tới. Cái đích cuối cùng là giúp cho họ luôn có ý nghĩ: Kiến thức là quà tặng chứ không phải là nhiệm vụ ngán ngẩm.

Thứ hai, điều mà sinh viên chúng ta vẫn còn rất thiếu và cần phải khắc phục sớm là họ thiếu đi một tư duy phê phán và phản biện. Giáo dục nhồi nhét thì dẫn đến “vô văn hóa”, không hữu ích, không có hiệu quả. Để tránh điều này, tại sao chúng ta không dạy sinh viên cái nhìn phê phán để tư duy có thể va đập mà ngộ ra chân lý? Có không ít sinh viên Việt Namthường làm ngơ trước những điều mình chưa hiểu?

Thứ ba, không kém phần quan trọng, chúng ta hãy khuyến khích khả năng sáng tạo độc lập của người học. Xét trên nhiều khía cạnh đây là cách tối ưu để đổi mới phương pháp học theo hướng tích cực hóa người học

PV: Đã nhiều năm nay, giải pháp “sinh viên chấm điểm giảng viên” (một giải pháp quan trọng và rất hiệu quả ở các ĐH Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…đã áp dụng) liên tục được đề nghị áp dụng vào các trường ĐH nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ông có nghĩ đó là một giải pháp hay để “chế tài”, khuyến khích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực hơn nữa?

GS VVH: Chuyện “sinh viên chấm điểm giảng viên” thật ra mới chỉ được làm thử nghiệm thí điểm ở một số trường, và cũng chỉ lấy ý kiến của sinh viên ở một số môn, đối với một số thầy. Những ý kiến này được xem như để tham khảo, chứ chưa phải một cơ chế để đánh giá.

Bởi vậy, nếu chúng ta coi đó là chế tài để kích thích giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy thì không phải. Hơn nữa, trong thời gian tới, chỉ khoảng 1, 2 năm nữa rất nhiều trường đại học sẽ tiến hành giảng dạy theo tín chỉ - một môn có thể có vài ba thầy dạy và sinh viên sẽ được chọn giảng viên theo ý mình. Hy vọng đó là bước đầu tiên để “kích cầu” cả nền giáo dục nước ta hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sơn Hà (Vietimes)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2624

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn