Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Bài học quá khứ cho giáo dục hiện đại
08/11/2008

Câu chuyện về ngôi trường này của bà Thái Thị Ngọc Dư: Cựu học sinh Đồng Khánh 1957 - 1964, đã diễn ra cách đây tròn nửa thế kỷ nhưng những bài học của nó vẫn ‘nóng hổi” với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.


< meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">< meta name="ProgId" content="Word.Document">< meta name="Generator" content="Microsoft Word 11">< meta name="Originator" content="Microsoft Word 11">Khơi dậy lòng tự tin

Trong ký ức của tôi, thiên nhiên trầm mặc của Huế thường gợi lên những tình cảm vừa êm đềm, vừa u buồn, lãng mạn. Thành phố của vua chúa, quan lại một thời, và sau này là của tầng lớp công chức trung lưu, hình như giáo dục gia đình của Huế nghiêm khắc hơn, nhất là đối với con gái. Nếu không đi học, chắc tâm hồn lãng mạn nhưng an phận của các cô gái Huế sẽ tiếp tục theo gương sống vì chồng con của các bà mẹ, e dè, khép kín..

May thay, Huế lại là đất học, và nữ sinh Huế đã tìm được chỗ đứng rất đàng hoàng của mình trong ngôi trường nữ. Bảy năm miệt mài học tập, khi vào trường còn là những cô bé 11, 12 tuổi, khi ra trường đã là thiếu nữ 18 với những hoài bão về tương lai, về nghề nghiệp được xác định rõ hơn. Chính từ ngôi trường này mà các thế hệ nữ sinh chúng tôi đã có điều kiện xây đắp một tương lai khác, rộng mở hơn, phong phú hơn, thoát ra khỏi khung trời chật hẹp, đầy nguyên tắc của một thành phố cổ kính. 

 

< meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">< meta name="ProgId" content="Word.Document">< meta name="Generator" content="Microsoft Word 11">< meta name="Originator" content="Microsoft Word 11">Nữ sinh Đồng Khánh ngày nay

Việc tổ chức trường nữ riêng trong bối cảnh văn hóa của Huế lúc bấy giờ đã giúp cho giới nữ có điều kiện tiếp nhận một nền giáo dục có chất lượng tương đương với các trường hàng đầu của Huế, vì các thầy, cô của chúng tôi là những người tốt nghiệp đại học sư phạm, có trình độ và có kinh nghiệm giảng dạy, phải là những giảng viên giỏi mới được dạy ở những trường lớn như Quốc học, Đồng Khánh…

Trong các kỳ thi quốc gia, tỷ lệ thi đậu của nữ sinh Đồng Khánh cao, năm nào cũng có người đậu thứ hạng cao không thua chi nam sinh trường Quốc học. Những kết quả học tập tốt đẹp ấy đã giúp cho nữ sinh nhận chân những khả năng đích thực của mình, không còn mặc cảm tự ti trước nam giới, tự tin hơn khi bước chân vào đại học hay các trường chuyên nghiệp.

Nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập

Phải qua một kỳ thi tuyển khá khó khăn mới được vào học trường Đồng Khánh, vì vậy phần lớn nữ sinh đều chăm chỉ học hành. Riêng đối với tôi, con nhà nghèo, tôi lại càng thấy việc học ở ngôi trường này là rất quan trọng. Ở cái xứ Huế coi trọng sĩ diện này, người nghèo có vẻ dễ bị mặc cảm hơn ở những nơi khác.

Tôi thích đến trường vì ở đó không có sự phân biệt giàu nghèo, thầy cô chỉ chú trọng đến việc học của học sinh, bạn bè chơi với nhau thường vô tư, chân tình. Ngay cả về hình thức, bộ đồng phục áo dài  trắng vào mùa khô và áo dài xanh vào mùa mưa góp phần xóa nhòa ranh giới giàu - nghèo, học sinh nào cũng sắm được. Tôi sung sướng được sống trong tinh thần bình đẳng ấy, và đó cũng là động cơ thúc đẩy tôi cố học cho giỏi.

Học tập không bao giờ là dễ dàng, chắc chắn phải có phần cố gắng, khổ luyện, nhưng điều quan trọng là chúng tôi thích học, việc học các môn học khác nhau với các thầy cô khác nhau đã đem lại cho chúng tôi nhiều hứng thú. Phải cảm thấy niềm vui trong học tập mới vượt qua được bảy năm ròng dưới mái trường với nhiều ràng buộc về kỷ luật.

Ngày đó, chúng tôi còn nhỏ lắm, không tự đặt câu hỏi học môn này, môn kia để làm gì, chỉ thấy thích thú với những kiến thức mới, cách suy nghĩ mới mà thầy, cô đã truyền đạt cho. Học những môn chính, có hệ số lớn như Toán, Sinh ngữ, Việt văn…cũng hứng thú như khi học môn thể dục, gia chánh, nữ công.

 

 < meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">< meta name="ProgId" content="Word.Document">< meta name="Generator" content="Microsoft Word 11">< meta name="Originator" content="Microsoft Word 11">Giáo dục khơi dậy lòng tự tin - Ảnh: Bùi Tuấn

Tôi không biết các mục tiêu mà ngành giáo dục thời đó đề ra, nhưng bây giờ nghĩ lại tôi thấy có một điều quan trọng đã giúp nuôi dưỡng lòng yêu thích học tập của nữ sinh. Đó là chương trình học tập không có quá nhiều tham vọng, khối lượng vừa phải, nhờ đó thầy, cô cũng như học sinh không bị áp lực. Thầy, cô có một mục tiêu quan trọng ở lớp là làm sao cho học sinh hiểu và có hứng thú với bài học.

Ngày đó tôi rất khâm phục và thèm muốn hoàn cảnh của các bạn thuộc gia đình nhà giáo, trong nhà có nhiều sách, cha mẹ thông thái, giảng giải thêm nhiều điều bổ ích cho việc học. Còn phần lớn chúng tôi chỉ biết trông chờ vào thầy, cô. Tinh thần và phương pháp học tập thầy, cô muốn rèn luyên cho học sinh là tinh thần tự học, tìm hiểu nội dung bài đến nơi đến chốn, phát triển óc nhận xét, lý luận, phê bình, cố gắng đọc thêm sách để mở mang kiến thức.

Các thầy, cô luôn luôn nhắc cần hiểu các ý, nội dung khi học bài, không nên lập lại y chang lời của thầy, cô. Mỗi năm rèn luyện một chút, dần dần sau bảy năm học tập học sinh đã đạt được cho mình một tinh thần và phương pháp học tập ít nhiều có tính khoa học, nhờ đó chúng tôi có thể cập nhật kiến thức, phát huy phương pháp này khi học đại học.

Rèn luyện nhân cách và tính kỷ luật

Dù chúng tôi không biết đến những mỹ từ “giáo dục toàn diện”, “sự nghiệp trồng người”, nữ sinh Đồng Khánh cũng được chú ý rèn luyện cả ba mặt trí dục, đức dục, thể dục, trong đó trí dục chiếm phần ưu thế. Bao trùm tất cả là kỷ luật nghiêm minh trong việc học hàng ngày, trong thi cử.

Điểm đáng nhớ nhất là sự trung thực, nghiêm chỉnh trong các kỳ thi, kiểm tra. Một vài người cũng có tật giở vở xem bài – quay cóp -, nhưng đó là ngoại lệ, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng. Việc rèn luyện kỷ luật đã giúp cho chúng tôi tính cẩn thận, đúng giờ. Sau này ra đời, do bị gặp nhiều người không đúng giờ quá nên đức tính này có phần mai một!

Giờ hiệu đoàn với cô hướng dẫn lớp là những dịp cô truyền đạt những kinh nghiệm cần thiết cho từng lứa tuổi. Chúng tôi rất thích giờ này vì được khám phá khía cạnh rất tình cảm, rất nhân văn của cô hướng dẫn, mà ngày thường vì nhiệm vụ duy trì kỷ luật cô phải mang một mặt nạ nghiêm khắc.

 

< meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">< meta name="ProgId" content="Word.Document">< meta name="Generator" content="Microsoft Word 11">< meta name="Originator" content="Microsoft Word 11">Đến trường là một niềm vui -  Ảnh Trần Mạnh Cường

Chúng tôi có những giờ học vẽ, nhạc, nữ công gia chánh và thể dục. Những buổi học gia chánh và thể dục được chúng tôi hưởng ứng tích cực, vì được ra khỏi lớp học, làm các công việc khác với nghe và chép bài, cuối cùng lại còn có sản phẩm – giờ gia chánh- để cùng nhau thưởng thức. Học thể dục ngoài sân cỏ rất thích, cô hướng dẫn cho cách chạy, nhảy xa, nhảy cao hoặc tập thể dục đồng diễn. Mọi người đều cố gắng tập vì nếu đạt điểm cao môn thể dục, học sinh sẽ được cộng thêm điểm trong kỳ thi lục cá nguyệt.

Nhà trường còn có các hoạt động ngoại khóa như toàn trường đi cắm trại, tổ chức văn nghệ Tết, các lớp còn có sáng kiến làm báo in thành tập. Tôi còn nhớ năm học đệ tam ban C, những giờ Việt văn của thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khơi dậy dòng máu văn chương của nhiếu bạn, nên có bạn xin thầy đỡ đầu để ra báo. Tôi lo phần in ấn trong hoàn cảnh thiều thốn thật quá sức vất vả, nhưng cuối cùng tờ báo mà thầy đặt tên “Đan Thanh” cũng ra đời, để lại môt kỷ niệm về “sự nghiệp sáng tác” của một số bạn có năng khiếu văn chương.

Trong trường có nhiều thầy, cô là huynh trưởng Hướng đạo, Gia đình Phật tử, rất quen với sinh hoạt tập thể. Nhờ vậy, những ngày cắm trại của trường được tổ chức rất qui mô, học sinh chúng tôi được làm quen với các nội dung hoạt động tập thể, trở nên nhanh nhẹn, dạn dĩ.

Đôi điều suy ngẫm

Những điều thật sự đọng lại trong chúng tôi trong những năm tháng học tập tại trường Đồng Khánh qua thời gian đã trở thành một phần nhân cách của chúng tôi. Những điều chúng tôi học được quả là thô sơ, ít ỏi so với khối lượng kiến thức của học sinh ngày nay.

Tuy nhiên, đứng trước những vấn đề quá nghiêm trọng đang đặt ra cho nền giáo dục của nước ta, trong đó giáo dục bậc trung học là rất quan trọng, tôi cũng muốn trở về quá khứ tìm tòi, gạn đục khơi trong với lòng mong muốn lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta những bài học có ích trên con đường đi tìm giải pháp cho vấn đề giáo dục hiện nay.

Thái Thị Ngọc Dư (Tiến sĩ Địa lý - Tổ chức AUF - Thành phố Hồ Chí Minh)



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2627

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn