Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục trong lo sợ
11/12/2008

Các chuyên gia giáo dục bối rối. Nhiều nhóm nghiên cứu đã đề cập đến một sự thay đổi từ gốc rễ, từ những triết lý giáo dục. Cả trên tầm vĩ mô lẫn vi mô giáo dục đang đi trong lo sợ.


Gần đây, giáo dục Việt Namkhông có một ngày bình yên. Sau một thời gian dài ngủ quên trên niềm tự hào là "bông hoa của chế độ", ta chợt bừng tỉnh với bao phát hiện những bất cập, những căn bệnh trầm kha, những ung nhọt của ngành giáo dục nước nhà.

Các quyết sách giáo dục đang được toàn xã hội bình luận, phân tích, phê phán. Tiếng chê nhiều hơn lời khen. Các chuyên gia giáo dục bối rối. Nhiều nhóm nghiên cứu đã đề cập đến một sự thay đổi từ gốc rễ, từ những triết lý giáo dục. Cả trên tầm vĩ mô lẫn vi mô giáo dục đang đi trong lo sợ.

Lo sợ bị tụt hậu đã dẫn đến các đề án: ”Trường đẳng cấp quốc tế”,”20.000 tiến sĩ”,”mở thêm hàng trăm trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc”.

Dưới áp lực của dư luận về tình trạng quá tải trong học tập và thi cử nặng nề, Bộ tiến hành cải tiến thi cử.

Các đề án được đề xuất vội vã trong nỗi lo sợ bị tụt hậu đã bị dư luận chỉ trích và xem ra là bất khả thi. Chương trình, sách giáo khoa vừa hoàn thành đã thấy cần làm lại, các phương án thi cử vẫn còn đang được tranh cãi.

Cán bộ giáo dục cấp sở, cấp trường có mối lo thường trực là các chỉ tiêu: phổ cập giáo dục, tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đỗ đại học…

Các trường chuyên lớp chọn, nơi giáo dục các học sinh ưu tú thì phải lo có giải quốc gia, quốc tế.

Vì thế cứ đến kỳ thi thầy lại lo hơn trò. Cách đây ít năm, một thầy hiệu phó của một trường THCS nói với tôi: “Mỗi kỳ thi của trường em là một chiến dịch, mỗi phòng thi được tổ chức chặt chẽ, có trưởng phòng, phó phòng và các cốt cán. Đó là các học sinh khá, giỏi và quan trọng là số báo danh của họ rải đều trong danh sách thí sinh của phòng. Trước kỳ thi, các thí sinh cốt cán được thầy xác định trách nhiệm không chỉ đạt kết quả tốt cho bản thân mà còn phải vì thành tích chung của nhà trường…”Đương nhiên với “sáng kiến” này thì trường luôn đạt thành tích cao và ông hiệu phó ngày nào nay đã là một cán bộ cao cấp của ngành giáo dục.

Các phụ huynh đưa con em đến trường trong nỗi lo sợ về tiền đồ của đứa trẻ: Làm sao để giành được một chỗ đứng trong tương lai? Giỏi giang thì mong sẽ thành đạt, làm nên ông này bà nọ. Bình thường thì mong có một nghề kiếm sống. Mục tiêu trước mắt là thi đỗ đại học. Các vị một mặt tìm cách đưa con em vào các trường chuyên lớp chọn, mặt khác hối thúc con em học ngày học đêm, ngoài giờ học chính khoá, còn phải học thêm ở trường, học thêm ở các trung tâm luyện thi. Học cái gì? Học các bài có thể gặp trong kỳ thi.

Trong một lần đến thăm nhà bạn, tôi được chứng kiến cảnh cháu gái học lớp 12 mà không biết gọt quả cam để mời khách, bạn tôi cười ngượng:”Khi nào cháu đỗ đại học rồi tôi sẽ dạy cháu”.

Tôi hỏi:”giáo dục trong lo sợ liệu có mang lại hạnh phúc cho trẻ?”

- Biết làm sao được! Thế giới cạnh tranh mà. Một vị trí trong xã hội có hàng nghìn ứng viên.

Phải. Cho đến nay loài người vẫn không có cách sống nào khác ngoài luật cạnh tranh sinh tồn của tự nhiên.

Kríhnamurti nói: ”Xã hội được xây dựng dựa trên các ước vọng, ham muốn và chiếm hữu, trong đó mỗi người là đối thủ của kẻ khác và giáo dục là để ép con người vào trong khuôn mẫu đó. Trong khuôn mẫu ấy, con em chúng ta sẽ được an toàn, được trọng vọng”.

Nhưng liệu chúng ta có yên lòng mãi với cuộc sống như vậy, một cuộc sống triền miên trong tranh chấp và phiền não? Và nếu chúng ta không thay đổi trong nguyên lý giáo dục thì làm sao sẽ có một cách nghĩ khác, một lối sống khác?

  • Tiến Nguyễn     


URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2738

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn