Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Làm chiến lược giáo dục kiểu... bài thi học trò
06/02/2009

"Tôi cảm thấy thất vọng. Sai thì không sai, chỉ có điều... không khả thi. Hình như đó vẫn là kiểu làm bài thi học trò" - TSKH Nguyễn Kế Hào - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học nhận xét về dự thảo chiến lược giáo dục 2009-2020.


"Dự án siêu độc quyền"

- Giáo dục đang được coi là một điểm nóng trong dư luận. Động vào đấy, người ta có thể viết, nói, lên tiếng ào ào, chỉ để mong ngành giáo dục có sự chuyển mình tích cực. Nhưng đến khi đưa ra thành chính sách thì dư luận cảm thấy ý kiến không được tiếp thu bao nhiêu. Ông nghĩ thế nào về điều này?

TSKH Nguyễn Kế Hào: Cơ bản nhất, sâu sa nhất là thiếu dân chủ trong việc đưa ra ý kiến và quyết định. Người nói cứ nói, người quyết cứ quyết.

Sự nghiệp này là của dân, lẽ ra người đứng đầu phải sử dụng trọng trách của mình để huy động ý kiến, mong mỏi và trí tuệ của dân.

Còn về mặt thực hiện, có thể thấy ngay vấn đề ở cách làm. Ví dụ: đổi mới chương trình, sách phân ban được thực hiện như những dự án - một kiểu dự án siêu độc quyền. Đã có dự án, đã có tiền thì phải làm, đã làm xong thì kết quả hay dở cũng phải công nhận. Ai góp ý thì cứ góp nhưng sửa hay không là chuyện khác.

Đó là cách hợp thức hóa với nhà nước bằng các văn bản quy phạm, nhất nguyên hóa người làm dự án với quản lý nhà nước.

- Liệu có phải do ta thiếu triết lý giáo dục như mọi người thường nói?

Triết lý giáo dục của ta vừa có vừa chưa có. Nếu nói có, có thể kể ra: "Nền giáo dục của dân, vì dân", "Tất cả vì học sinh thân yêu" hay "Tạo mọi điều kiện cho người học".

Vấn đề là những triết lý đó có thể nhìn thấy ở đâu, trên giấy hay trong thực tiễn?

Triết lý cho người đi học, nằm chính trong câu nói quen thuộc của Bác Hồ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có trở nên vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ phần lớn ở công học tập của các em".

- Có người thậm chí đưa ra ý kiến khác cực đoan là nếu ngành giáo dục chưa làm được cái gì mới thì hãy cứ quay lại cái cũ?

Không hẳn cực đoan đâu. Cái mới chưa hẳn đã tốt hơn cái cũ. Cả thế giới dạy cho học sinh 6 tuổi chỉ cộng trừ đến 20, đằng này mình dạy đến 100. Làm khác đi mà gọi là mới sao?

- Nhưng cũng không thể phủ nhận là ngành giáo dục cũng có những nỗ lực cải cách?

Tôi ngại dùng từ "cải cách", vì dường như "cải cách" đang được hiểu là "làm khác đi", thay cái đang có bằng cái khác mà chưa hiểu ra làm sao. Gọi là có nhiều việc làm khác đi, một phần là nhờ việc "đi học nước ngoài". "Đi học nước ngoài" nhưng không phải là học tập, mà là lắp ghép lại, không hài hòa.

Làm chiến lược kiểu.. bài thi học trò

- Ông nhìn nhận thế nào về Dự thảo Chiến lược giáo dục 2009 - 2020 mà Bộ mới công bố để lấy ý kiến đóng góp?

Xây dựng chiến lược giáo dục giai đoạn mới, tại sao lại không tổng kết giai đoạn trước? Cần phải biết mình đang ở đâu, cái gì làm sai thì tránh, cái gì làm được thì phát huy. Xây dựng chiến lược mới mà không có kế thừa là không đúng quy luật.

Làm chiến lược mới mà không xem xét cái cũ thi chưa phải là giáo dục. Bởi vì bản chất của giáo dục đòi hỏi giữ ổn định, kế thừa, đổi mới.

- Cá nhận ông có đánh giá thế nào về dự thảo này?

Tôi cảm thấy thất vọng. Sai thì không sai, chỉ có điều... không khả thi. Hình như đó vẫn là kiểu làm bài thi học trò.

Trong Dự thảo Chiến lược có nội dung phổ cập ngoại ngữ từ cấp tiểu học. Hình như người làm không hiểu gì về giáo dục. Năm nay đã là 2009, sau khi học tập, triển khai đến cấp cơ sở, thì còn gần 10 năm nữa, có đào tạo xuể giáo viên để dạy không?

Riêng tiểu học có 14 ngàn trường trên cả nước. Đào tạo giáo viên ở đâu mà nhanh như thế? Kể cả đào tạo được rồi, thì làm sao đi dạy được, vì làm gì có chỉ tiêu? Trong khi nhiều giáo viên ra trường hiện nay còn chưa bố trí được chỗ làm? Ngay cả ở các trường đại học cũng không dám nói là phổ cập cho đúng nghĩa, nói gì đến trường tiểu học.

Ngay cả trong chiến lược 2001 - 2010, chủ trương chuyển giáo viên đã đi dạy ở miền núi về miền xuôi, hay chủ trương đại bộ phận chuyển sang học 2 buổi/ngày cũng không khả thi. Trong dự thảo đó có cả nội dung "nâng cao chất lượng giáo dục". Vậy bây giờ phải làm rõ quan điểm chất lượng giáo dục là thế nào? Thực tế đã nâng cao được chưa, hay là lùi lại?

Phía trên chồng chéo, phía dưới bất an

- Thực tế là có một sự bất an đang ngự trị trong toàn ngành giáo dục. Cả học sinh, phụ huynh lẫn giáo viên luôn có một niềm lo lắng...

Đấy là do sự chỉ đạo không rõ ràng và nhất quán từ trên. Ngay những chuyện đơn giản như năm nay có nhập 2 kì thi Tốt nghiệp PTTH và Đại học hay không? Thi trắc nghiệm hay tự luận?.. cũng chưa minh định. 

Ở trên thì chồng chéo, ở dưới thì nghe ngóng, bất an. Làm rối cả xã hội. Cái đó làm triệt tiêu sự sáng tạo, không được yên ổn thì không thể sáng tạo được.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời báo chí nhân dịp năm mới 2009 khẳng định: "Lòng dân là động lực đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức...". Đó là vấn đề cốt yếu.

Vẫn biết "học không phải vì điểm", nhưng thực tế, điểm số vẫn tạo một áp lực hết sức nặng nền lên tâm lý học sinh đi học...

Tôi đi dạy học từ năm 61, dạy cấp 2 rồi đi làm nghiên cứu, cả cuộc đời gắn bó với các bậc học phổ thông. Đến năm 1994, khi lên làm Vụ trưởng vụ Tiểu học, tôi đã thực hiện việc bỏ quy định xếp thứ tự trong lớp học và không chấm điểm ở kì 1 ở lớp 1,  giải phóng áp lực về thứ bậc và điểm số cho các em học sinh.

Trong chương trình học có những môn có thể lượng hóa như Toán, Lý, Hóa, nhưng cũng có những môn không lượng hóa được như: hát nhạc, mỹ thuật, thể dục... Vậy không nên áp dụng cho điểm ở tất cả các môn này.

Điều quan trọng nhất đối với các em, đặc biệt ở bậc tiểu học là thấy yêu thích môn học, thích đến trường và có tiến bộ ở mức độ nhiều ít tùy theo từng em. Ngay cả các trẻ em khuyết tật đến trường, có thể các em không học thật giỏi, nhưng vẫn có niềm vui đến trường, tại sao lại chỉ căn cứ vào điểm số để đánh giá các em?

Thực tế, Bộ cũng đã có quy định về một số môn học không chấm điểm, nhưng cũng lại một điều không thể hiểu nổi là tại sao người ta lại vẫn cứ thích cho điểm đến thế.


Năm 2009 này, dự báo tình hình kinh tế khó khăn, mong Bộ...bớt được cái gì thì bớt
đi, để học sinh và giáo viên đỡ khổ hơn. Ảnh: vnexpress.net

Cách đánh giá chất lượng học tập của học sinh hiện nay thực tế lại làm cho nhiều em sợ hãi trường học, tự ti, và tạo một môi trường có sự phân biệt trong giáo dục. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Đánh giá chất lượng học sinh thường theo 2 mặt hạnh kiểm và học lực. Đánh giá hạnh kiểm thì chỉ nhận xét để động viên, chứ không phải để "sát phạt". Tôi nói riêng đối với số học sinh cuối cấp, "con dại cái mang", con người ta học 12 năm, cuối cùng lại tổ chứ kì thi trong 3 ngày đánh trượt 100% thì ai chịu? Chỉ có học sinh chịu, còn lại chẳng có ai bị làm sao cả.

Ô hay! Học sinh có tự nhiên lên lớp, giáo viên có tự cho kiểm tra được đâu. Nhiều học sinh còn được nhận giấy khen học sinh tiên tiến, thế mà đến lúc học xong thì không thể có được một mảnh bằng chứng nhận mình đã hoàn thành bậc học phổ thông. Vậy là cớ làm sao? Nếu đánh trượt, thì không lẽ đánh trượt cả giáo viên, cán bộ quản lý.

Mà học sinh lớp 12 là bước vào tuổi thành niên rồi, đẩy các em ra ngoài đường tức là các em sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng, mất niềm tin vào nhà trường và xã hội. 

- Nói thế nào thì giáo dục vẫn là sự nghiệp chung, không phải của riêng lực lượng quản lý. Ông có tin là tự người dân có thể làm nên sự thay đổi?

Ở trên mà chưa chuyển được, thì toàn ngành giáo dục cũng chưa thể chuyển được. Vì giáo dục chặt chẽ lắm, giáo viên theo trường, trường theo sở, sở theo bộ, không ai làm khác được. Bộ có làm nhanh mà không nghiên cứu kĩ thì làm rối loạn cả xã hội. Một chữ kí là phải nghĩ đến cả nước, phải nghĩ đến phạm vi tác động.

Năm 2009 này, dự báo tình hình kinh tế khó khăn, mong Bộ...bớt được cái gì thì bớt đi, để học sinh và giáo viên đỡ khổ hơn.

Linh Thủy

URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2973

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn