Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Phân tích kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2005-2008
18/02/2009

Tháng 8 năm 2007, sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo (GDĐT), Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố trong vài năm tới sẽ có thay đổi đáng kể trong giáo dục. Niên học 2006-2007, ông phát động chiến dịch “hai không”: không tiêu cực trong thi cử, và không chạy theo thành tích. Sau hai năm thực hiện chiến dịch, có lẽ đã đến lúc chúng ta đặt câu hỏi về hiệu quả của chiến dịch này ra sao. Trong bài này, hai câu hỏi cụ thể được đặt ra và giải đáp là:


(1) Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) có thay đổi trong thời gian qua? Chúng ta biết rằng “bệnh thành tích” được biểu hiện qua tỉ lệ tốt nghiệp trong các kì thi trung học. Trong những năm trước 2007, tỉ lệ tốt nghiệp THPT thường rất cao (trên 90%), và có ý kiến cho rằng tỉ lệ đó không phản ảnh đúng thực học của học sinh. Do đó, nếu tỉ lệ tốt nghiệp THPT biến chuyển theo thời gian sau 2007 có thể xem là một biểu hiện của hiệu quả của chiến dịch chống tiêu cực trong thi cử.

(2) Mức độ khác biệt về tỉ lệ tốt nghiệp (TLTN) giữa các tỉnh thành như thế nào? Tỉ lệ tốt nghiệp THPT khác biệt giữa các tỉnh thành. Ngay cả trong mỗi tỉnh thành, tỉ lệ tốt nghiệp THPT cũng thay đổi giữa các năm. Do đó, chúng ta có hai nguồn dao động về tỉ lệ tốt nghiệp: giữa các địa phương và trong mỗi địa phương. (Từ nay, tôi sẽ gọi tắt “tỉnh thành” là “địa phương”). Nếu tỉ lệ tốt nghiệp là một chỉ số đáng tin cậy, chúng ta kì vọng rằng mức độ thay đổi về tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi địa phương sẽ thấp hơn những khác biệt về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các địa phương.

Để trả lời hai câu hỏi trên, tôi sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê. Dù số liệu không đầy đủ như mong muốn, nhưng cũng cung cấp một số dữ liệu cơ bản cho mỗi tỉnh thành như số học sinh, số giáo viên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp, v.v… từ năm 2005 đến 2008. Do đó, đơn vị phân tích trong bài này là địa phương (tỉnh / thành), chứ không phải cho từng trường trung học. Có thể xem đây là một phân tích mang tính quần thể (ecologic analysis), và kết quả cần diễn giải cẩn thận theo bối cảnh đó.

Về đơn vị hành chính, nước ta có 64 tỉnh thành, được chia thành 8 vùng theo địa lí: Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH, bao gồm cả Hà Nội), Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh), và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dựa vào cách phân vùng này, tôi cũng phân tích tỉ lệ tốt nghiệp THPT cho từng vùng và so sánh giữa các vùng.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT và dao động trong 4 năm

Biểu đồ 1 trình bày mật độ phân phối tỉ lệ tốt nghiệp của 64 địa phương trong thời gian 2005-2008. Năm 2005, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước tính trung bình là 89%, với tỉnh có tỉ lệ thấp nhất và cao nhất là 66% (Cần Thơ) và 99,8% (Hải Dương). Năm 2006, tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước là 92% (tức tăng 3% so với năm trước), và tỉ lệ thấp nhất và cao nhất cũng thu ngắn lại ở độ 75% (Sóc Trăng) và 99,9% (NamĐịnh).

Đến năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp giảm xuống còn 80%; và đến niên học 2008, chỉ còn 75% học sinh tốt nghiệp THPT. Một điều đáng chú ý là độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp hai năm sau tăng đáng kể. Chẳng hạn như trong năm 2008, có tỉnh với tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất là 40% (Cao Bằng) và tỉnh thành có tỉ lệ cao nhất là 94% (Nam Định).

Biểu đồ 1 còn cho thấy hai khoản thời gian rõ rệt: trong năm 2005 – 2006, tỉ lệ tốt nghiệp của các địa phương lệch về hướng tỉ lệ cao, nhưng đến thời gian 2007 – 2008 thì tỉ lệ có độ phân phối tương đối “chuẩn” hơn (tức có tỉ lệ cao và thấp phân phối tương đối đều chung quanh tỉ lệ trung bình). Thật vậy, năm 2006 có 64/64 các địa phương với tỉ lệ tốt nghiệp trên 70%, nhưng đến năm 2007 chỉ có 48/64 (hay 75%) địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp trên 70%, và con số này giảm xuống còn 42/64 (hay 66%) trong năm 2008.

 

Phân tích tỉ lệ tốt nghiệp THPT theo vùng

Phân tích cho từng vùng (Bảng 1) cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp rất khác nhau giữa các vùng, và mức độ khác biệt có xu hướng gia tăng trong hai năm 2007 và 2008. Tuy nhiên, dễ dàng thấy các tỉ lệ này tập trung vào 2 nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất bao gồm các tỉnh thành thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, và Đông Nam Trung bộ, với tỉ lệ tốt nghiệp (năm 2007-2008) dao động trong khoảng 75-87%. Nhóm thứ hai bao gồm các địa phương thuộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, và Tây Nguyên, với tỉ lệ tốt nghiệp dao động từ 62-71%.

Năm 2005, tỉ lệ tốt nghiệp THPT vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất (76%) so với các vùng khác; đến năm 2008 vùng này có tỉ lệ tốt nghiệp vẫn ở 75% nhưng đứng hạng hai (chỉ sau vùng Đồng bằng sông Hồng). Ngược lại, các tỉnh vùng Đông Bắc có tỉ lệ tốt nghiệp năm 2005 là 91,5% (chỉ sau ĐBSH và Bắc Trung Bộ), nhưng đến năm 2008 thì giảm xuống 65,1% và thuộc vào tỉ lệ thấp nhất của cả nước.

 

Tương quan giữa các năm 2005-2008

Liên quan đến những dao động về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các năm là câu hỏi có mối tương quan (correlation) giữa 4 năm. Để trả lời câu hỏi này, tôi ước tính hệ số tương quan (coefficient of correlation) giữa 4 năm. Hệ số tương quan dao động từ 0 đến |1|, với 0 có nghĩa là không có tương quan, và 1 có nghĩa là tương quan tuyệt đối. Tương quan tuyệt đối có nghĩa là chúng ta chỉ cần biết tỉ lệ tốt nghiệp của một năm là có thể tiên đoán cho tỉ lệ tốt nghiệp của năm khác. Vì có 4 năm, cho nên có tất cả 6 hệ số tương quan (như trình bày trong Biểu đồ 2 dưới đây.

Mối tương quan giữa các năm tập trung thành hai thời kì rõ ràng. Tỉ lệ tốt nghiệp trong năm 2005 và 2006 có hệ số tương quan là 0,73, tương đương với tỉ lệ tốt nghiệp trong năm 2007 và 2008 (hệ số tương quan 0,74). Nói cách khác, địa phương nào có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2007 cũng là những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2008. Tuy nhiên, vì mối tương quan dưới 1, cho nên có một số tỉnh tuy có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2007 nhưng lại thấp trong năm 2008. Chẳng hạn như Điện Biên, năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp THPT là 92%, nhưng đến năm 2008 giảm xuống còn 75%. Ngược lại, có một số tỉnh mà tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007 thấp nhưng tăng cao trong năm 2008 như Bạc Liêu (38,6% năm 2007 tăng lên 65% năm 2008), hay Tuyên Quang (từ 40% năm 2007 tăng lên 60% năm 2008).

Tuy nhiên, mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp trong năm 2005 và 2007 (hay giữa 2005 và 2008) thì không đáng kể. Nói cách khác, tỉ lệ tốt nghiệp trong năm 2005 không tiên lượng (và không liên quan) gì đến kết quả của năm 2007 và 2008! Tiêu biểu cho xu hướng này là tỉnh Tuyên Quang năm 2005 có tỉ lệ tốt nghiệp 98%, nhưng đến năm 2008 giảm xuống 10 điểm còn 60%, Nghệ An từ 99,6% năm 2005 giảm xuống còn 61,5% trong năm 2008. Ngược lại, tỉ lệ tốt nghiệp ở Cần Thơ năm 2005 là 66% (thấp nhất nước) nhưng tăng lên 86% trong năm 2008, hay Đồng Tháp tăng từ 67% năm 2005 lên 74% năm 2008. Thật ra, xu hướng tăng trong 2005 – 2008 thường thấy ở phần lớn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Phân tích độ dao động của tỉ lệ tốt nghiệp THPT

Như đề cập trong phần đầu của bài viết, những dao động của tỉ lệ tốt nghiệp có thể chia thành 2 nguồn: giữa các địa phương và trong mỗi địa phương. Độ dao động thường được thể hiện qua “phương sai”, một chỉ số thống kê thông dụng trong các nghiên cứu khoa học xã hội.

Bảng 2 tóm lược phương sai của hai nguồn vừa đề cập theo từng vùng, nhưng kết quả cũng có xu hướng tương tự cho từng địa phương. Kết quả phân tích trong bảng này cho thấy độ dao động theo thời gian trong mỗi địa phương đều cao hơn giữa các điạ phương. Có thể lấy một ví dụ để minh họa cho trường hợp này. Tỉnh Phú Thọ có tỉ lệ tốt nghiệp trong năm 2005-2008 lần lượt là 98%, 99%, 69%, và 70%. Tỉnh Tuyên Quang (cũng thuộc vùng Đông Bắc) có tỉ lệ tốt nghiệp trong 4 năm đó là 98%, 96%, 40%, và 60%. Do đó, độ dao động trong mỗi tỉnh qua các năm rất cao (từ 98% xuống còn 60%), nhưng trong mỗi năm độ khác biệt giữa 2 tỉnh lại rất thấp. Điều này cho thấy mức độ ổn định của tỉ lệ tốt nghiệp rất thấp, và không có độ tin cậy cao.

Một cách tính khác là tính toán hệ số biến thiên (lấy độ lệch chuẩn chia cho trung bình) cho từng địa phương. Hệ số này được tóm lược trong cột sau cùng của Bảng 2. So với tỉ lệ tốt nghiệp trung bình, vùng Đông Bắc và Tây Bắc có độ dao động khoảng 29%, cao nhất nước.

 

Tỉ lệ tốt nghiệp của năm nào hợp lí ?

Các phân tích trên cho thấy 3 điểm chính: thứ nhất, tỉ lệ tốt nghiệp trong 2 năm 2005-2006 rất khác (cao hơn) với hai năm 2007-2008; thứ hai, mối tương quan về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các hai năm 2005-2006 và hai năm 2007-2008 rất thấp; và thứ ba, độ dao động trong mỗi địa phương cao hơn độ dao động giữa các địa phương. Câu hỏi đặt ra là: thế thì tỉ lệ của năm nào đuợc xem là hợp lí, phản ảnh thực học của một tỉnh thành?

Giải đáp câu hỏi này đòi hỏi một tiêu chí để làm chuẩn cho việc đánh giá tính hợp lí của tỉ lệ thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, chúng ta chưa có dữ liệu hay nghiên cứu để xác lập tiêu chí đó. Tôi sử dụng chỉ số về năng lực cạnh tranh kinh tế (PCI) của 64 tỉnh thành do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố (xem Thời báo Kinh tế Sài Gòn 11/12/2008). PCI là một chỉ số phản ảnh, như tên gọi, khả năng cạnh tranh kinh tế, là tổng hợp các chỉ số về giáo dục, xã hội, và con người. Có thể tạm xem chỉ số này là một (chỉ một) trong những chỉ tiêu về thực trạng giáo dục của một địa phương. Theo đó, chúng ta kì vọng rằng địa phương nào có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao cũng có chỉ số PCI cao. Nếu tỉ lệ tốt nghiệp không liên quan đến PCI, có thể xem tỉ lệ tốt nghiệp không có tính hợp lí cao.

Mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp 2005-2008 và chỉ số cạnh tranh kinh tế PCI được trình bày trong Biểu đồ 3. Mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp trong 2 năm 2005-2006 và PCI rất thấp, thậm chí âm tính (tức tỉnh thành có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhưng chỉ số PCI cao)! Tuy nhiên, mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp trong 2 năm 2007-2008 và PCI khá cao (hệ số tương quan >0.30). Nói cách khác, những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao cũng là những địa phương có khả năng cạnh tranh kinh tế cao. Nhưng vì hệ số tương quan không phải là 1 hay gần 1, nên một số tỉnh thành tuy có PCI cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp thấp (như Bình Dương). Tuy nhiên, phân tích này rõ ràng cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT của 2 năm 2007-2008 có vẻ hợp lí hơn tỉ lệ trong hai năm 2005-2006.

 

Địa phương nào có bệnh thành tích ?

Câu trả lời có lẽ là “tất cả”. Nhưng chúng ta cần có một cách định lượng bệnh thành tích giữa các địa phương một cách khách quan hơn là những nhận xét và phán xét theo cảm tính. Như tôi vừa trình bày cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp trong hai năm 2007 và 2008 có thể xem là hợp lí (hay ít ra là hợp lí hơn so với thời gian trước đó).

Do đó, chúng ta có thể sử dụng tỉ lệ tốt nghiệp của hai năm 2007-2008 là “chuẩn” để định lượng bệnh thành tích. Vì tỉ lệ thi tốt nghiệp rất khác nhau giữa các tỉnh thành, và độ dao động trong mỗi tỉnh thành quá lớn, do đó cần phải có một cách “hóa giải” các khác biệt này. Nếu một địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp không dao động giữa các năm, thì mức độ ổn định có thể phản ảnh qua độ lệch chuẩn (standard deviation – SD) của địa phương đó. Do đó, một cách định lượng bệnh thành tích là tính mức độ thay đổi của tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007-2008 và 2005-2006 theo đơn vị SD theo công thức sau đây:

Z = (TLTN2008 – TLTN2005) / SD

Trong đó, TLTN2008 là tỉ lệ tốt nghiệp trong hai năm 2007-2008 và TLTN2005 là tỉ lệ tốt nghiệp trong hai năm 2005-2006. Tôi gọi chỉ số Z này là “chỉ số bệnh thành tích”. Bởi vì SD luôn luôn dương, nhưng khác biệt giữa TLTN2008 và TLTN2005 có thể dương mà cũng có thể âm, nên Z cũng có thể âm và dương tính. Theo đó, nếu chỉ số Z là âm thì thể hiện bệnh thành tích cao, và chỉ số Z dương là thể hiện sự liêm chính cao. Kết quả phân tích cho từng vùng có thể tóm lược trong Bảng 3 sau đây.

 

Chỉ số bệnh thành tích được ghi nhận cao nhất ở các địa phương thuộc vùng Đông Bắc (chỉ số Z = -16,9) và Bắc Trung Bộ (-16,3). Các địa phương thuộc các vùng Đồng bằng sông Hồng (kể cả Hà Nội), Tây Bắc, và Tây Nguyên có chỉ số bệnh thành tích dao động trong khoảng -5 đến -6.

Nhưng chỉ số bệnh thành tích của các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ (0,2) và Đồng bằng sông Cửu Long (23,8) dương tính, cho thấy hai vùng này có nạn bệnh thành tích thấp nhất, nếu không muốn nói là chỉ số thi cử “thành thật” nhất. Thật vậy, chẳng hạn như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Thuận, tỉ lệ tốt nghiệp trong 2005-2006 (trước khi phát động chiến dịch “Hai không”) thấp hơn so với 2007-2008, và độ dao động cũng thấp hơn các tỉnh khác. Do đó, ở các tỉnh này, chỉ số bệnh thành tích được ghi nhận thấp nhất nước (hay cũng có thể nói chỉ số “thành thật” cao nhất nước).

Vài kết luận

Như tôi đề cập ngay từ đầu, tất cả phân tích này mang tính mô tả là chính, vì số liệu không phải từ cơ sở trường mà từ tỉnh thành. Nói cách khác, vì số liệu đúc kết ở đơn vị tỉnh thành, tức đã trải qua một quá trình trung bình hóa, do đó, các kết quả trình bày trong bài này có thể xem là tương đối “tích cực” hơn thực tế, hiểu theo nghĩa "trơn tru" hơn và ít dao động hơn là phân tích trên từng trường. Nhưng những kết quả này vẫn cung cấp cho chúng ta một vài nét phác họa của bức tranh giáo dục trung học hiện nay.

Các phân tích trên đây cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ta trong thời gian qua đã có biến chuyển theo chiều hướng tích cực, hiểu theo nghĩa tỉ lệ tốt nghiệp trong hai năm 2007-2008 có vẻ hợp lí hơn so với hai năm trước đó. Tính trung bình, trong hai năm 2007-2008, cứ 4 học sinh thi tốt nghiệp trung học, có 3 học sinh đỗ.

Tuy nhiên, tỉ lệ tốt nghiệp dao động rất lớn giữa hai thời gian 2005-2006 và 2007-2008, và đây có thể xem là một tín hiệu, một chỉ tiêu cho thấy chiến dịch “Hai Không” mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động từ khi ông nhậm chức có tác động, có lẽ đúng với lời hứa ông tuyên bố sau khi nhậm chức rằng “sẽ có chuyển biến trong vài năm tới” về thi cử.

Hiện nay, mức độ tương quan giữa các kì thi tốt nghiệp vẫn còn thấp. Điều này cho thấy dù tỉ lệ tốt nghiệp trung học có cải tiến theo chiều hướng tích cực, nhưng vẫn chưa đủ để đạt độ tin cậy như chúng ta mong muốn. Nhưng qua phân tích này, có thể nhận ra một số địa phương có “chỉ số bệnh thành tích” tương đối bất thường so với trung bình của cả nước.

Hiện nay, có đề nghị bỏ kì thi THPTvà thay vào đó là một kì thi giống như SAT bên Mĩ. Ở Úc học sinh chỉ thi một kì thi tốt nghiệp trung học, và người ta căn cứ vào điểm thi trung học để tuyển sinh đại học. Thi cử là một việc làm tốn kém, chẳng những làm hao tổn tiền bạc của nhà nước và nhân dân, mà còn có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lí của học sinh. Do đó, theo tôi, phấn đấu để giảm thi cử là một định hướng tích cực. Nhưng qua phân tích trên, chúng ta thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT vẫn còn dao động quá cao và thiếu độ tin cậy, tôi e rằng bỏ kì thi tốt nghiệp THPT chưa phải là giải pháp tối ưu cho tình hình hiện nay.

Theo phân tích của Giáo sư Dương Thiệu Tống (trong cuốn sách “Vài suy nghĩ về giáo dục”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003), mức độ tương quan giữa điểm thi tú tài và điểm thi trong lúc theo học đại học cực kì thấp:

(a) giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0,17;

(b) giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,09;

(c) giữa điểm thi tuyển sinh đại học và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,19.

Những kết quả này cho thấy một cách rõ ràng rằng điểm thi tốt nghiệp trung học không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi tuyển đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, một số lớn học sinh có điểm thấp khi tốt nghiệp trung học khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học vẫn có điểm cao; ngược lại nhiều học sinh có điểm cao trong kì thi tốt nghiệp trung học có thể là những sinh viên có điểm thấp khi học đại học. Nói cách khác, điểm thi THPT không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học đại học như nhiều người từng phản ảnh; và đề thi THPT không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc đại học.

Tại sao điểm thi chưa phản ảnh khả năng của học sinh? Trả lời câu hỏi này đòi hỏi nhiều nghiên cứu và phân tích nghiêm chỉnh, mà có lẽ Bộ GD-ĐT có số liệu để làm. Nhìn chung, tôi thấy câu trả lời có thể nằm ở cách ra đề thi. Thật vậy, phần lớn những đề thi và câu hỏi trong kì thi THPT mang tính thi đố, chứ không phải hẳn nhằm để kiểm tra năng lực và trình độ của học sinh trong suốt các năm trung học. Chẳng hạn như đề thi toán chỉ bao gồm vỏn vẹn 6 câu hỏi, và hầu hết nội dung các câu hỏi này tập trung vào chương trình cuối bậc trung học, chứ không phải cho toàn bộ chương trình trung học. Một số câu hỏi còn mang tính hóc búa, thiếu tính thực tế, thậm chí đi ra ngoài chương trình học. Cách soạn đề thi như thế tạo cơ hội cho thói quen học tủ và không hẳn phản ánh khả năng thực của học sinh.

Chúng ta biết rằng học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có học sinh giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có học sinh khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn toán chẳng hạn, có học sinh khá về lí thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có học sinh giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lí thuyết, và cũng có em giỏi cả hai mặt lí thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của các em, dù lí thuyết hay ứng dụng, cần phải được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lí tưởng cần phải phản ảnh những thực tế này.

Tóm lại, các phân tích trên đây cho thấy thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ta đã có chuyển động theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, do độ dao động quá lớn trong mỗi tỉnh thành giữa các năm, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông có thể chưa phản ảnh chính xác thực học của học sinh. Do đó, đề nghị bỏ kì thi tốt nghiệp trung học hay chủ trương bỏ thi đại học vào năm 2010của Bộ GD-ĐT chưa có cơ sở khoa học vững vàng. Chúng ta cần nhiều dữ liệu và phân tích quá trình tiến triển cho từng học sinh qua nhiều năm mới có thể đi đến một quyết định hay chủ trương sao cho đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng.

Nguồn: http://www.diendan.org/viet-nam/thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-2005-2008/



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3002

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn