Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Giáo dục cần có một môi trường nhân văn!
22/03/2009

Đã là môi trường giáo dục sao lại không nhân văn? Đọc nhan đề bài viết này, có thể bạn sẽ đưa ra câu hỏi đó. Có thể bạn cũng sẽ nghĩ rằng người viết bài nhìn giáo dục, nhìn nhà trường bằng con mắt thiếu thiện chí, thiếu tính xây dựng? Có thể là như thế. Nhưng nếu chúng ta lắng nghe con trẻ, chắt lọc, phân tích một cách cẩn trọng những tâm sự của các em sau mỗi buổi tan trường mới thấy:môi trường giáo dục của chúng ta thực sự chưa hẳn đã nhân văn.


Nhân văn ở đây được hiểu trên phương diện cư xử giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau. Bởi việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức cũng như việc nhìn nhận, đánh giá năng lực của học sinh càng đòi hỏi hơn hết chuẩn mực nhân văn. Vì chỉ trong môi trường thân thiện, con trẻ mới hào hứng với việc học và tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo. Chưa kể việc người giáo viên cần phải biết động viên, khích lệ những học sinh kém may mắn hơn các bạn cùng trang lứa. Việc này phải chăng đã chưa được quan tâm đúng mực và là quá khó khăn với những “kỹ sư tâm hồn”?

Góp ý chấn hưng giáo dục, người viết bài thiết nghĩ chúng ta phải chỉ ra những khiếm khuyết, những trường hợp cụ thể. Tránh tình trạng khen chung chung và chê cũng chung chung. Rốt cuộc là bạn đọc, là học trò không dễ dàng nhận diện những khiếm khuyết ấy mà “phản kháng”, tham luận lại.

Sự phản kháng của học sinh, của đông đảo những người quan tâm đến giáo dục sẽ làm nên những đổi thay kỳ diệu. Cũng phải nói cho rõ ràng rằng “phản kháng” ở đây không có nghĩa là sự chống đối tiêu cực.

Chúng ta hoàn toàn nhất chí với ý kiến của giáo sư Hồ Ngọc Đại rằng: “Cuộc sống không chỉ có chữ, cuộc sống nó còn có nhiều thứ khác. Một trong những sai lầm từ ngàn năm nay của giáo dục là gì? Đến trường để kiếm dăm ba chữ, và ai hơn mình nửa chữ thôi cũng tôn làm thầy. Điều này ở một khía cạnh nào đó có nghĩa nhưng ở khía cạnh khác lại vô nghĩa, chữ không phải là tất cả”.

Lỗ hổng đáng sợ hơn cần lấp hơn cả những bất cập, không hợp lí của chương trình sách giáo khoa đó chính là mói quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết với nhau trong môi trường giáo dục. Đó là:

Quan hệ thầy - trò

Nghề giáo trước hết cũng là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác trong xã hội. Người giáo viên trước hết phải có trách nhiệm với sản phẩm mà họ tạo ra.

Nói một cách cụ thể hơn là trong quá trình truyền thụ kiến thức, học sinh vì lí do nào đó không hoặc chưa hiểu bài là giáo viên không có quyền mắng nhiếc. Hay tiêu cực hơn, biến giờ học thành giờ xả giận, mắng mỏ học sinh. Đó chính là hành vi phản nhân văn, là một sai lầm, là sự thất bại, thiếu trách nhiệm của chính giáo viên đó với công việc mà mình đang thưc hiện, đang nhờ nó mà sống, cống hiến, mà theo đuổi ước mơ, khát vọng.

Con em chúng ta đến trường không chỉ là để tiếp thu kiến thức. Quan trọng hơn, trong môi trường giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô, các em đồng thời hình thành và phát triển nhân cách. Nhân cách ấy sẽ hình thành và phát triển thế nào trong môi trường do bực tức, thiếu kiềm chế, giáo viên sẵn sàng gào vào mặt học sinh những ngôn ngữ ngoa ngoắt: “đồ thần kinh, một lũ điên”, rồi còn đến cả nông nỗi ném phấn, vả tát vào mặt học sinh nữa. Chưa kể vì thiếu thiện chí, ác cảm với học sinh, giáo viên tìm cách “trù úm bằng điểm số nữa.

Chúng ta không “vơ đũa cả nắm” nhưng cũng không thể dễ dãi nói với nhau rằng đó chẳng qua chỉ là một vài trường hợp cá biệt. Rồi còn do vô tình, do thiếu tế nhị mà giáo viên đã gây thêm những nỗi buồn không đáng, không nên thêm vào nữa đối với những học sinh không may rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Câu chuyện nhỏ về nỗi buồn của một em học sinh như thế sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng vấn đề hơn để rồi chúng ta cùng loại trừ nó trong môi trường giáo dục.Người viết bài cũng hi vọng câu chuyện của em chỉ là một ví dụ cá biệt.

Nhìn cậu trò nhỏ tập đi, mồ hôi nhỏ xuống dòng dòng, tôi quay đi, quệt vội dòng nước mắt. Trông thấy tôi, Hiếu cười, đôi mắt to sáng. Tôi cũng cười, nước mắt chảy vào miệng mằn mặn.

Tháng 8 năm 2008, cậu đến nhà tôi ôn lại kiến thức trước khi bước vào năm học mới. Đi học được chừng một tuần, cậu kêu đau chân. Cả tôi và bố mẹ em đều nghĩ em bị viêm khớp bình thường. Vậy mà chỉ sau có hai tháng phát bệnh, tế bào ung thư đã di căn, các bác sĩ buộc lòng phải cưa chân em đến tận đùi.

Một cậu bé chưa được 12 tuổi đầu sẽ có nghị lực để bước tiếp như thế nào đây? Lẽ nào cánh cửa tươi đẹp đang hứa hẹn mở ra với cậu trò nhỏ sáu năm đi học thì có tới 5 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mà sở dĩ năm lớp 3 em không đạt danh hiệu học sinh giỏi cũng vì một môn tiếng Việt không đạt yêu cầu. Không những thế, đó lại là cậu học trò ham học, có năng khiếu với các môn tự nhiên. (Hiếu đã đạt giải khuyến khích môn Toán trong kì thi học sinh giỏi cấp tiểu học tại thành phố).

Năm nay, mới bắt đầu vào lớp 7, con đường phía trước còn gian nan, còn cần nhiều nghị lực. Những ngày em nằm viện, tôi và những bạn nhỏ cùng xóm đã vạch ra một kế hoạch để có thể tiếp thêm nghị lực giúp em có thể đến trường mà không chìm sâu vào mặc cảm, tự ti. Chúng tôi hình dung công việc của mình sẽ rất khó khăn. Vì không buồn, không mặc cảm, tự ti sao được khi đang chạy nhảy, vui đùa mà chỉ sau một thời gian ngắn phát bệnh đã không còn một cái chân nữa? Nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến trường mà mình thì…Vẫn còn bé bỏng lắm. Cậu sẽ vượt qua nỗi mặc cảm ấy như thế nào đây?

Vậy mà chúng tôi không cần phải mất nhiều công sức động viên. Vốn ham học, em tự biết thời gian mình vắng mặt trên lớp là quá nhiều, được thầy cô giáo tạo điều kiện vẫn cho mình có thể tham gia kì thi học kì I với các bạn, nhưng em tự biết mình sẽ phải lấp đầy khoảng trống từ đầu năm, không thể nào bước vào phòng thi với cái đầu rỗng được. Vậy là về nhà hôm trước, ngày hôm sau cậu sang ngay nhà, nhờ tôi kèm những kiến thức mà các bạn đã học. Rồi ngay hôm sau đó, em yêu cầu bố đưa đến trường học cùng các bạn vì được biết ngày hôm ấy, các bạn ở lớp có bài kiểm tra Toán một tiết.

Vậy là những ngày sau đó, nhờ bố giúp, tự em đã hoà nhập với các bạn dù tiết thể dục, khi các bạn ra sân cũng khiến cậu buồn lắm. Theo đuổi sáu kì truyền hoá chất, những ngày không phải xuống viện, em vẫn đến trường học cùng các bạn với một bên chân bị cưa sát đùi và cái đầu không còn một sợi tóc.

Học kì I kết thúc, trong khi có tới 15 bạn cùng lớp xếp loại học lực trung bình thì em vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Kết quả không khiến cậu buồn nhiều, nhưng cũng không vui vì thế đâu. Vì chỉ đạt tiên tiến thôi, nghĩa là mình thua mình rồi, sẽ phải cố gắng hơn. Nhưng những ngày sau đó thì khác. Vẫn đều đặn đến nhà tôi nhờ hướng dẫn thêm, nhưng vừa học, tôi vừa thấy học trò của mình ngồi tô vẽ những vòng tròn nhỏ. Sự lơ đãng bất thường ấy khiến tôi ngạc nhiên lắm. Lí do là gì nhỉ? Việc khó khăn nhất là vượt qua trở ngại của sức khoẻ để tiếp tục đến trường, để không bị chậm một năm so với các bạn, em đã làm được. Không những thế, kết quả cũng lại không tồi vì như mẹ em nói thì với 10 ngày, có đến 8 ngày nằm viện như thế mà có thể lên lớp là may rồi. Ngày hôm sau cũng vậy. Vừa học, cậu lại vừa ngồi tô những vòng tròn nhỏ, ánh mắt buồn thật khó lí giải.

Không thể bỏ mặc Hiếu với sự thay đổi ấy. Và phải nói là khi biết nguyên nhân gây ra sự bất thường này thì phải tôi bất bình chứ không chỉ là nỗi bực tức đơn thuần. Bởi bước vào cấp II, hết học kì I năm lớp 6, cậu được cô giáo chọn vào đội tuyển Toán. Khi ấy, còn hai chân nguyên vẹn, cậu vẫn theo được những buổi học thêm và học đội tuyển trên trường. Năm nay thì khác, dù việc học đội tuyển chỉ bắt đầu sau khi em đã hoàn thành hết 6 đợt truyền hoá chất, không phải thường xuyên có mặt ở bệnh viện nữa. Nhưng cô giáo, không xét cả một quá trình học tập, rèn luyện của học sinh mà do e ngại (đây có lẽ là nguyên nhân chính) việc cậu không thể đến trường học thêm vào buổi chiều đã loại em ra khỏi đội tuyển mà em theo đuổi suốt năm lớp 6.

Tôi biết sâu sắc rằng việc được chọn hay không vào đội tuyển không phản ánh trung thực rằng học sinh đó có thực lực hay không. Tôi cũng hiểu rằng chưa chắc khi không bị loại, cậu trò nhỏ của tôi đã có thể đạt giải cao. Nhưng tôi nghĩ, dù có như thế thì đó cũng là việc của cậu. Thầy cô, hơn lúc nào hết là phải động viên tinh thần một học sinh không may thua thiệt với bạn bè như thế mới phải. Đằng này, lại vô hình đẩy em vào nỗi mặc cảm không đáng có.

Gờ thì tốt hơn rồi. Hết đợt truyền hoá chất, vết cắt cũng đã ổn định, cậu trò nhỏ của tôi đã được lắp chân giả, đang tích cực luyện tập. Ít lâu nữa thôi, em có thể tự mình đi đến trường mà không phải nhờ đến bố nữa. Nhưng nỗi buồn, sự lơ đãng trong lúc học của cậu mấy ngày trước đó không thể khiến chúng ta không suy nghĩ về thái độ thiếu tế nhị, thiếu nhân văn của cô giáo.

Như đã nói ở trên, quan hệ thầy trò luôn có mối gắn bó qua lại, hữu cơ với nhau. Thế hệ trẻ hiện nay sớm tiếp xúc với các phương tiện hiện đại. Sự sớm tiếp xúc ấy vừa tích cực cũng vừa tiêu cực. Tiêu cực ở chỗ các em dễ lơ là, chểnh mảng việc học. Người thầy vì thế đến trường không chỉ có mỗi nhiệm vụ truyền thụ kiến thức. Một nhiệm vụ còn quan trọng hơn, nặng nề hơn là thông qua bài giảng, thông qua cách hành xử của mình để khơi gợi niềm hứng thú, say mê, chủ động của các em với việc học và tiếp thu kiến thức.

Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, cần có sự quan tâm đồng bộ của gia đình, nhà trường và xã hội. Một trong những mắt xích trên bị lơ là nghĩa là chúng ta đang tạo ra một môi trường giáo dục thiếu hụt, khiếm khuyết.

Quan hệ giáo viên - phụ huynh học sinh

Tâm lí “trăm sự nhờ thầy” để rồi sau đó phó mặc sự giáo dục con cái cho thầy cô không phải là không tồn tại trong xã hội. Con trẻ hình thành nhân cách trước nhất là trong gia đình. Có không ít phụ huynh chỉ biết đáp ứng tiền nong, còn việc học hành thì phó thác cho giáo viên và tự bản thân những đứa trẻ. Chỉ cho đến khi nhận được giấy thông báo đuổi học của nhà trường mới biết con mình bấy lâu hư hỏng. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, không tìm được tiếng nói chung.

Chị Nguyễn thị Lan, có con học kém môn văn tại thành phố Hoà Bình than thở: Đến nhà chúc mừng cô giáo dạy văn nhân ngày 20/11 mà vừa thấy ngượng, thấy buồn vì con, vừa thấy ngạc nhiên vì cô giáo. Vì vừa mới hỏi đến tình hình học tập của con, cô giáo đã nói như tát nước vào mặt rằng: Nhìn vở, nhìn bài viết của chúng nó mà chỉ muốn xé, muốn đốt ngay đi. Chẳng đứa nào biết viết văn cả, ăn học thế nào mà dốt thế không biết.

Rồi khi phụ huynh có ý muốn gửi con thì người giáo viên đáng kính kia đã từ chối thẳng thừng rằng: Em thử tìm gia sư đến nhà cho cháu xem Chị chỉ nhận kèm những học sinh khá, giỏi thôi, còn thời gian đâu mà kèm những học sinh chậm tiếp thu như thế.

Vâng! Thì đành rằng học sinh đó không biết viết văn, tiếp thu chậm. Nhưng chậm đến thế nào mà cô giáo nhìn thấy bài đã muốn xé, muốn đốt ngay đi như vậy? Rồi có dốt, có cần cho giỏi thì mới phải đi học. Một cô giáo dạy văn mà ăn nói với phụ huynh như thế thì không hiểu khi lên lớp, cô giảng văn cho học sinh nghe như thế nào?

Đương nhiên việc tiếp thu kiến thức chậm, kết quả học tập của học sinh không cao không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm vào các thầy cô. Tuy nhiên, cách hành xử phản nhân văn của cô giáo trong trường hợp kể trên thật đáng chê trách.

Mối quan hệ học sinh- học sinh

Cán cân về sự phân hoá giàu-nghèo trong xã hội ngày càng thể hiện sự thiên lệch rõ ràng. Các cậu ấm, cô chiêu con nhà khá giả đến trường đến lớp cũng tranh thủ thể hiện “đẳng cấp”, chưa kể thành phần con nhà bình dân đua đòi cũng đang khiến cho môi trường giáo dục trở nên phức tạp và nhiều bất cập.

Nhóm học sinh lớp 6 tại trường trung học Lý Tự Trọng, thanh phố Hoà Bình than phiền: bạn “Duy ái” ở lớp cháu đáng ghét lắm ạ. Ngày nào đến lớp cũng tìm cách trêu chọc, bắt nạt các bạn. Thậm chí bạn ấy trêu cả cô giáo mà các cô cũng chẳng nói gì. Các cô “sợ” bạn ấy hay sao ấy ạ. Khi dược hỏi vì sao cả tập thể lớp như vậy mà để cho cá nhân bạn muốn làm gì thì làm, các em nhất loạt nói rằng nếu làm gì thì bạn ấy gọi hội đánh cho. Mà chị bạn ấy học lớp 8 cùng trường, toàn chơi với “đầu gấu”nên bọn cháu sợ.

Rõ ràng rằng bao lâu nay, trong trường học vẫn tồn tại việc học sinh bắt nạt học sinh nhưng nhà trường, gia đình và chi hội phụ huynh cũng không có cách nào để ngăn cản và tiêu diệt hữu hiệu. Hình như, đó chưa phải là một vấn đề đáng được quan tâm trong chiến lược đào tạo giáo dục?

Mối quan hệ giáo viên-giáo viên

Một thực tế đang diễn ra nhưng còn chưa được thừa nhận công khai đó là quan hệ giữa những giáo viên trong nhà trường cũng nảy sinh những vấn đề. Mâu thuẫn nảy sinh trong một tập thể là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, khi những mâu thuẫn của một cá nhân lại gây ảnh hưởng tới việc giáo dục học sinh thì lại trở thành mối quan tâm của cộng đồng.

Mọi việc cũng từ căn bệnh thành tích mà ra. Giáo viên chủ nhiệm lớp A có tiết dạy tại lớp B. Ngày hôm áy có thể có em học sinh ở lớp B không học bài, cô giáo bộ môn ghi tên, trừ điểm sổ Ghi đầu bài. Điểm sổ Ghi đầu bài bị trừ, có thể khiến lớp B tuần đó bị tụt bậc xếp loại. Mà lớp chủ nhiệm bị tụt bậc xếp loại có nghĩa là sẽ liên quan trực tếp tới thi đua của giáo viên. Vậy là ngay khi có tiết dạy ở lớp A, thế nào giáo viên chủ nhiệm lớp B cũng tìm cách trừ điểm của lớp A. Có thể không phải vì học sinh lớp đó không thuộc bài giờ kiểm tra miệng mà vì một lí do đáng ra có thể bỏ qua đó là học sinh quay ngang, quay ngửa trong giờ học. Vậy là các giáo viên, xuất phát từ lợi ích của cá nhân mình mà chồng thêm sự nặng nề cho học sinh khi tới trường. Khi bài viết này được đăng tải, nếu nhất loạt các giáo viên đều phản đối rằng sự việc này không hề diễn ra trong nội bộ giáo viên thì sẽ là điều tuyệt vời biết bao.

Đã đến lúc, môi trường giáo dục cần kiên quyết vì mục tiêu giáo dục toàn diện và thực sự vì con trẻ mà bỏ qua những thành tích, những bảng xép loại rắc rối, không thực chất như vậy. Chúng ta kêu gọi các giáo viên hành xử vì lương tâm nghề nghiệp thực thụ để học sinh hoàn toàn tin tưởng, hứng thú khi tới trường.

Khép lại bài viết hưởng ứng, mở rộng những vấn đề mà trong cuộc trao đổi của mình, giáo sư Hồ Ngọc Đại và nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã nêu ra, chúng ta cần khẳng định rằng: Cùng với việc thay đổi chương trình học thông qua hệ thống sách giáo khoa, chúng ta cùng quan tâm đến một vấn đề không kém phần quan trọng hơn là việc nhìn nhận, đánh giá giáo viên, học sinh qua cách thức ứng xử, giao tiếp trong và ngoài nhà trường, cùng hướng đến một nền giáo dục hoàn thiện, không gò ép, thân thiện và hiệu quả.



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3074

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn