Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong http://www.schoolnet.vn

Dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi: Thể hiện mờ nhạt kỳ vọng quốc gia. Bài I: Chất lượng chuẩn thấp, chỉ số bất hợp lý
05/05/2009

Chất lượng các chuẩn thấp, số lượng các chỉ số bất hợp lý là đặc điểm bao quát của dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi khi so sánh với tài liệu có tính chất tương tự của Vương quốc Anh và Singapore.


Chỉ số bất hợp lý

Chuẩn phát triển trẻ năm tuổi của Việt Nam chia làm bốn lĩnh vực gồm: phát triển thể chất; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học.

Trong khi đó, các vấn đề phát triển trẻ năm tuổi của Anh có sáu lĩnh vực: Phát triển cá nhân, tình cảm và xã hội; giao tiếp, ngôn ngữ và kỹ năng đọc-viết; giải quyết vấn đề, lập luận và toán; kiến thức và hiểu biết về thế giới tự nhiên; phát triển thể chất; phát triển sáng tạo.

Singaporecũng chia thành sáu  lĩnh vực học tập và phát triển của trẻ em: mỹ học và sáng tạo; nhận thức về môi trường; ngôn ngữ và kỹ năng đọc viết; phát triển kỹ năng vận động; toán học; nhận thức về bản thân và xã hội.

So sánh cách phân chia lĩnh vực, ta thấy chuẩn phát triển trẻ của VN ít chú trọng đến sự sáng tạo, phát triển cá nhân và kỹ năng lập luận và giải quyết vấn đề, những yếu tố mang tính sống còn trong  nền kinh tế tri thức và bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt.

Các yếu tố này, dù có được đề cập đến trong bản dự thảo, cũng chưa ở mức xứng đáng với tầm quan trọng của nó.

Ví dụ, chuẩn 29 (khả năng sáng tạo) có hai chỉ số: Thể hiện cái mới, độc đáo trong trò chơi hoặc trong tạo hình, âm nhạc; kể thêm hoặc thay đổi diễn biến của câu chuyện đã biết một cách hợp lí.

Trong khi đó, những vấn đề phát triển trẻ của Anh về chuẩn này nêu 21 chỉ số, chia làm bốn nhóm gồm: sáng tạo, đáp ứng lại trải nghiệm, diễn tả và trao đổi ý tưởng; khám phá phương tiện và vật liệu; sáng tạo âm nhạc và múa hát; phát triển óc tưởng tượng và trò chơi giả tưởng.

Vừa sơ sài, vừa tạo áp lực không cần thiết

Trong khi các nước chú trọng đến phát triển cá nhân, thái độ tích cực và tính cách, sự tự tin và tự trọng, khả năng sáng tạo, tư duy logic và phê phán, khả năng học tập suốt đời - những yếu tố mang ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của quốc gia thì dự thảo chuẩn phát triển của chúng ta nói  đến những yếu tố  này hết sức sơ sài.

Điều này cho thấy chúng ta chậm nhịp so với thời đại, ngay từ trong suy nghĩ  khi soạn thảo chuẩn phát triển.

Chất lượng của các chỉ số trong dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi rất thấp. Ví dụ, phần Tự tin và tự trọng, Chuẩn phát triển có bốn chỉ số, là chấp nhận và cố gắng thực hiện công việc được giao; hài lòng khi hoàn thành công việc; chủ động và độc lập trong một số hoạt động đơn giản hằng ngày (vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cho giờ học, trực nhật lớp...); mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân.

Nhìn vào các chỉ số này thì sẽ thấy rất ít hàm lượng  tự tin và tự trọng. Chính xác hơn, tự trọng không hề được đề cập đến. Nếu phát triển theo chuẩn này, trẻ sẽ thành một người “chấp nhận và cố gắng hoàn thành công việc được giao, hài lòng khi hoàn thành công việc”, thỉnh thoảng “mạnh dạn bày tỏ ý kiến của bản thân” mà không có sự tự tin và tự trọng đúng nghĩa.

Còn người Anh, cũng là “tự tin và tự trọng”, nhưng họ hiểu khác, rõ ràng và chính xác: Biết cách diễn tả nhu cầu và cảm xúc bằng cách thích hợp; ý thức được và biết tự hào về bản thân thông qua việc nhận thức được các giá trị và khả năng của riêng mình; biết cách phản ứng với các trải nghiệm khác nhau, thể hiện nhiều loại cảm xúc khác nhau khi thích hợp; ý thức được nhu cầu, cảm xúc, quan điểm của bản thân mình cũng như của người khác; biết tôn trọng văn hóa, đức tin tôn giáo của mình cũng như của người khác.

Trong khi đó, chuẩn phát triển lại áp đặt quá mức cần thiết các chỉ tiêu về phát triển thể chất. Ví dụ, chạy liên tục 150m không tính thời gian (không bỏ cuộc giữa chừng).

Có thể các chỉ tiêu này không nặng nhưng việc đưa ra những con số mang tính áp đặt sẽ gây hoang mang cho những trẻ không đạt được chỉ tiêu này, tạo tâm lý mình là người vô dụng ngay từ đầu.

Trong những vấn đề phát triển trẻ của Anh, không có một con số cụ thể nào cho các chỉ số này. Ở mức mức đạt yêu cầu (bốn điểm), những vấn đề phát triển trẻ của Anh đòi hỏi “di chuyển tự tin, biết giả định và an toàn; biết đi vòng quanh, đi qua gầm, leo qua, đi xuyên qua dụng cụ thang bằng và dụng cụ leo trèo”.

Việc không đưa ra các con số cụ thể sẽ làm cho trẻ và phụ huynh cảm thấy thoải mái vì không lo sợ trẻ không đạt được những con số chuẩn đó.

Lời tòa soạn:

Ngày 4/2/2009, Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi, gây nhiều tranh luận. Nhìn chung, đa số các ý kiến cho rằng chuẩn phát triển trẻ có nhiều điều bất hợp lý.

Tuy  nhiên, các ý kiến phản biện vẫn rời rạc, chưa kết thành hệ thống, chưa đưa ra được những so sánh đối chiều với chuẩn phát triển trẻ của nước khác để làm đối chứng.

Mới đây, Tiến sĩ Giáp Văn Dương (Đại học Liverpool, Crown street, L69 7ZD, Liverpool, UK) vừa gửi cho Tiền Phong bản thảo gồm 71 trang A4 phản biện chuẩn phát triển trẻ năm tuổi.

Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, mục đích của bài phản biện là nhằm bổ sung những thiếu hụt của các phản biện trong nước về dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi trong thời gian qua. 

Bài phản biện có ba phần. Phần một giới thiệu những vấn đề phát triển trẻ 40-60+ tháng tuổi của Anh và thang đánh giá, có thể coi là chuẩn phát triển trẻ trong tương quan so sánh với chuẩn phát triển trẻ năm tuổi của Việt Nam.

Phần hai giới thiệu chương trình giáo dục mẫu giáo của Singapore. Theo tác giả, sở dĩ có phần này vì Ban Soạn thảo Chuẩn Phát triển Trẻ (CPTT) của Bộ GD&ĐT đã đưa ra như một so sánh khi lên tiếng trước dư luận nhiều chiều về chuẩn phát triển.

Phần cuối cùng là phần phản biện chuẩn phát triển trẻ năm tuổi và đề xuất một vài thay đổi sao cho CPTT được hoàn thiện.

Để có thêm thông tin và thông tin nhiều chiều cho độc giả về đề tài đang được dư luận quan tâm này, Tiền Phong xin được giới thiệu phần ba của bài phản biện. Toàn văn bài viết và các phụ lục xin độc giả theo dõi trên Tienphong o­nline (www.tienphong.vn).

Các bài phản ánh các ý kiến khác nhau về vấn đề này, có thể xem lại trên Tiền Phong các số ra ngày 7/2, 11/2, 12/2, 14/2, 11/3/2009 hoặc trên www.tienphong.vn

Giáp Văn Dương



URL của bài viết này::http://www.schoolnet.vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3144

© Cong ty Cong Nghe Tin hoc Nha truong contact: sales@schoolnet.vn